Chùa Bửu Minh

Gần hai thập kỷ đổi mới, cái bếp của người Việt Nam đã khác xưa nhiều lắm. Thời của bếp dầu hôi mù, của bếp than tổ ong nghi ngút khói, cả bếp điện đã qua rồi. Lại càng xa cái thời bếp củi khổ ải.


Bếp ngày nay đã hiện đại hơn trước. Ảnh: TL SGTT

Từ cái bếp thời nay…

Trong tư duy người thành phố hiện nay, bếp là một phần của phòng ăn, riêng rẽ, tách biệt với phòng khách, phòng ngủ. Phòng ăn là phần không thể coi nhẹ khi thiết kế nhà. Nó không chỉ rộng, thoáng, sạch sẽ mà cần phải hiện đại và tiện nghi ở thiết bị: tủ, kệ, chỗ rửa, máy hút mùi, bàn, ghế ăn, bộ đồ ăn, các loại đèn… và dĩ nhiên không thể thiếu, phải là một bếp gas xinh xắn.

Không chỉ ở thành thị, mươi năm nay, bếp gas không còn là thứ lạ mắt và xa xỉ với người dân nông thôn. Đó cũng là nguyên nhân khiến người ta bỗng dưng thờ ơ với rơm, rạ - những thứ vốn là nguồn chất đốt chính trước kia.

Từ độ có cái bếp gas len vào cuộc sống gia đình, công việc bếp núc, nội trợ nhẹ nhàng hẳn.

…Đến cái bếp trong tâm thức người Việt


V

Với người Việt, cái bếp gắn liền với người phụ nữ. Quan niệm này thể hiện rất rõ qua câu tục ngữ “đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp”. Chỉ có điều, khá nhiều người cho rằng: hàm ý câu tục ngữ trên là coi thường, khinh rẻ phụ nữ. Thực ra, đó là một cách hiểu nông cạn do không nhận thức đúng vai trò cái bếp trong tâm thức người Việt. Từ quan niệm về sự thiêng liêng của cái bếp, câu tục ngữ trên khẳng định một cách thâm thuý và thuyết phục vai trò quan trọng của người phụ nữ trong gia đình với trọng cách giữ lửa - giữ cái gốc của cuộc sống.

Bất cứ nhà ai cũng có hai cái bếp - đó là quan niệm của người Việt: một bếp ở trên trời và một bếp dưới mặt đất. Bếp trên trời, nằm ở phía đông do một vị thần phụ trách, gọi là Đông trù tư mệnh quyết định việc sinh con, đẻ cái, kẻ hèn người kém. Bếp dưới mặt đất, thần phụ trách gọi là Táo phủ thần quân, trông coi gia sư, có gốc tín ngưỡng thờ Thổ công, một dạng của Mẹ đất. Thổ công gắn liền với thành ngữ “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”. GS TSKH Trần Ngọc Thêm giải thích quan hệ giữa Thổ công (địa thần) với ông bà tổ tiên (nhân thần) trong gia đình rất thú vị: Thổ công định đoạt phúc hoạt cho cả nhà nên là vị thần quan trọng nhất. Nhưng ông bà tổ tiên sinh thành ra ta nên được tôn kính nhất. Để hài hoà trong thờ cúng, người Việt xếp cho ông bà tổ tiên ngự tại bàn thờ tôn kính nhất ở gian giữa, Thổ công thì ở bên trái. Bên trái, theo ngũ hành là phía đông, nơi quan trọng thứ hai sau trung tâm. Tuy địa vị kém ông bà tổ tiên, nhưng Thổ thần được gọi là Đệ nhất gia chi chủ.

Như vậy, từ một cái bếp thô mộc, dân gian đã thêu dệt nên câu chuyện độc đáo và thật sự xúc động, đẩy nó thành biểu tượng về tình yêu chung thuỷ, lối sống nghĩa tình - một quan niệm thẩm mỹ thấm đẫm tinh thần nhân văn - như nhận xét của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, giáo sư Vũ Ngọc Khánh.

… Và tục cúng Thần bếp

Bếp củi vẫn còn ở những ngôi nhà Mường.
 Ảnh: Trần Việt Đức

Đúng ra là trước tết, vào ngày 23 tháng chạp, thường được gọi là ngày tiễn ông Táo lên chầu trời. Hai ba tháng chạp tiễn ông Công/ Thường tục ngày xưa có phải không?/ Chẳng biết hoàn cầu đâu cũng thế?/ Hay chỉ người Nam lẽ tục chung/ Ngựa cá ông lên chầu thượng đế/ Trần gian xin nhớ tới tôi cùng! (Tản Đà)

Lâu nay, đó là một trong những lễ cúng quan trọng nhất. Lôgic nằm ở chỗ: cuối năm, nhà nào cũng muốn có một cuộc tổng kết gia đình về những việc đã làm và chưa làm được. Việc tổng kết phải có người “duyệt”. Vua thì xa nên người dân đành trông cậy vào trời và người nhận trách nhiệm báo cáo với trời không thể ai khác ngoài ông Táo. Tất nhiên, bếp là nơi diễn ra việc cúng tiễn. Hai ông Táo phụ tá bà Táo, bà Táo ở nhà bếp nên không thể chụẩn bị kiệu hay ngựa mà phải chọn cá; phải là loài cá hoá được thành rồng, tức loài cá chép gắn với câu chuyện cá chép vượt vũ môn có gốc tích từ Hương Khê, Hà Tĩnh.

Thật là một sự “bịa đặt” khéo léo của dân gian nhằm đáp ứng nhu cầu chủ quan nhưng rất chính đáng và lành mạnh của mình!

THUỶ LINH

(Trích Hương vị quê nhà, SGTT Xuân 2004)


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage