Chùa Bửu Minh

Đạo Phật có rất nhiều pháp khí như chuông, trống, mõ, bảng, khánh, lự thủy nang, tràng hạt, tích trượng, tháp… Mỗi thứ đều có một công dụng và ý nghĩa khác nhau.


Chuông

Có 3 loại chuông. Đại hồng chung là loại chuông lớn, còn gọi là chuông U Minh thường đánh vào lúc đầu đêm nhằm nhắc nhở sự vô thường nhanh chóng và đánh vào lúc cuối đêm để thức tỉnh đại chúng tinh tấn tu tập, vượt khỏi cảnh tối tăm đau khổ. Chuông này thường được đánh 108 tiếng.


Chuông với hình dáng lớn thì gọi là Đại hồng chung còn kích thước nhỏ thì gọi là Báo chúng chung

Báo chúng chung còn gọi là thăng đường chung tức là chuông dùng để báo tin các thời khóa tụng và khi họp chúng hoặc thọ trai trong các tự viện. Gia trì chung là chuông dùng để điều hòa và ra hiệu trong tụng niệm bái sám để thời khóa được nhịp nhàng và trang nghiêm


Gia trì chung dùng để điều hòa và ra hiệu trong tụng kinh lễ Phật

Có hai loại, mõ hình bầu dục có chạm đầu cá và hình niêu chạm nguyên hình con cá nằm dài. Loại mõ hình bầu dục dùng để đánh trong khi tụng niệm, còn loại mõ hình niêu thường treo ở nhà trù để đánh báo tin giờ trai phạn .


Mõ hình bầu dục có chạm đầu cá

Đánh mõ có hai ý nghĩa, một là để cho thời khóa tụng kinh được nhịp nhàng không lộn xộn, vừa giữ được vẻ trang nghiêm vừa giúp người tụng niệm không bị rối loạn tâm trí. Hai là cảnh tĩnh đại chúng, không để tâm trí rơi vào hôn trầm.

Trống

Trống có hai loại. Trống tiểu là thứ trống nhỏ, đánh trong những lúc trước thời khóa tụng kinh công phu đầu đêm và cuối đêm. Trống nhỏ được đánh theo thể thức bài “Tam luân cửu chuyển”.


Trống đại thường dùng cung thỉnh (mời - PV) chư Phật, Bồ tát và thánh chúng vào trước khi hành lễ Phật giáo

Trống đại còn gọi trống Bát Nhã. Trong những khi thuyết pháp, khi làm lễ lớn ở điện Phật thì thường dùng loại trống này. Người ta thường đánh 3 hồi. Khi đánh trống thường theo thể thức bài Bát Nhã Hội.

Bảng và Khánh

Hình của bảng như đám mây. Phần lớn các tòng lâm bây giờ đều dùng bảng bằng gỗ. Bảng được dùng để thay thế cho mõ hình điêu để báo tin giờ thọ trai.


Bảng một trong những pháp khí của Phật giáo

Khánh bằng thiếc để báo tin giờ học tập, lúc họp chúng và các Phật sự khác như phân phát phẩm vật cúng dường cho chúng Tăng trong Già Lam.

Tích Trượng

Đây là cây gậy của các thầy Tỳ Kheo (người tu - PV) dùng khi đi đường hoặc đi khất thực.

Tích trượng dùng để cho các thầy tu đi đường hoặc khi đi khất thực

Tích trượng chỉ vừa tay cầm, bề cao không quá đầu người. Trên đầu của tích trượng có 4 cái vòng và 12 khâu nhỏ bằng đồng. Kiểu tích trượng này do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đưa ra. Cũng có một loại tích trượng khác, trên đầu chỉ có 2 vòng và 6 khâu, kiểu này do Phật Ca Diếp chế.

Theo Hiển giáo, các vị Tỳ Kheo dùng tích trượng đi đến trước nhà khất thực thì rung cho thí chủ biết, hoặc để đề phòng chó dữ, rắn rết hoặc thú dữ trong rừng. Do đó tích trượng cũng gọi Thanh Trượng hay Minh Trượng, nghĩa là cây gậy tạo ra tiếng.

Lự Thủy Nang

Lự thủy nang là cái túi để lọc nước khi uống hoặc khi sử dụng... Việc lọc nước này có 2 ý nghĩa: một là phòng ngừa bệnh tật và giữ vệ sinh chung; hai là vì lòng từ bi mà bảo vệ các sinh mạng trong nước như các loài thủy trùng vi tế…


Túi để lọc nước khi uống hoặc khi sử dụng của người tu

Lự thủy nang thường được chế tác bằng cách lấy vải dày hoặc vải lụa may thành một cái túi, trên miệng được may khoanh theo một vòng thép có tay cầm

Tràng Hạt

Tràng hạt là một pháp khí để dùng trong khi tu tập, trì niệm. Tràng hạt có 3 loại: loại 108 hạt, loại 54 hạt và loại 18 hạt


Tràng hạt dùng để niệm Phật trong Phật giáo

Loại 108 hạt tượng trưng cho 108 phiền não. Loại chuỗi 54 hạt hay 27 hạt không tượng trưng ý nghĩa gì chẳng là tiện cho việc mang dùng nên chia làm hai hoặc chia làm bốn của chuỗi 108 hạt.

Loại chuỗi 18 hạt còn gọi là chuỗi tay vì thường mang ở tay. Số lượng của loại chuỗi này là một phần sau của chuỗi 108 hạt.

Tháp

Đây là phần mộ có nhiều tầng tháp. Ngoài Đức Phật thì còn có ba hạng người được dùng tháp là Thanh Văn, Duyên Giác và Chuyển Luân Vương.


Tháp là nơi để thờ xá lợi, Phật, bồ tát hay những hàng thánh chúng của Phật giáo

Theo kinh Nhân Duyên thì có 8 hạng người được dùng tháp và tùy theo quả vị tu chứng mà số tầng tháp có khác. Tháp Phật: 8 tầng trở lên. Tháp Bồ Tát: 7 tầng. Tháp Duyên Giác: 6 tầng. Tháp A La Hán: 5 tầng. Tháp A Na Hàm: 4 tầng. Tháp Tư Đà Hàm: 3 tầng. Tháp Tu Đà Hoàn: 2 tầng. Tháp Chuyển Luân Vương: 1 tầng

Theo Hiển Giáo tháp là để Xá lợi hoặc là để thợ Phật và các Thánh giả. Phàm Tăng cũng được phép xây đối với những vị có giới có đức, biết phận sự lo cho Tam Bảo. Theo Mật Giáo thì tháp có hình Tam Muội của Đại Nhật Như Lai. Phàm Tăng (người xuất gia chưa chứng đạo - PV) có thể xây để kết duyên kiếm phước

Bài viết tổng hợp thông tin từ bài giảng của Cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu

Theo Hoài Lương - KH&ĐS

http://chuaphuclam.com/index.php?/nghe-thuat/phap-khi-dao-phat.html


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage