Đại sư Mahasi Sayadaw sinh năm 1904 ở Shwebo, Myanmar,
vào chùa học từ năm 6 tuổi, thọ giới Tỳ Kheo năm 20 tuổi, thi hết ba cấp
Kinh Tạng Pali do Chính phủ khảo thí vào năm 1927. Đại Sư tu học với
nhiều thầy ở nhiều nơi, sau cùng học pháp Minh Sát Thiền (Vipassana) với
vị thầy nổi tiếng Migun Jetavan Sayadaw, và sau đó tận lực truyền bá
pháp môn này. Những trung tâm thiền tập do Đại Sư Mahasi Sayadaw thiết
lập không chỉ ở Myanmar, mà còn cả ở Thái Lan, Sri Lanka, Campuchia, Ấn
Độ, Nhật Bản, Indonesia, Anh, Mỹ, và nhiều nước khác. Theo một bản thống
kê năm 1972, tổng số thiền gia được huấn luyện ở tất cả các trung tâm
thiền này (cả ở Myanmar và hải ngoại) đã vượt quá con số 700.000 người.
Thiền Minh sát là một trong những phương pháp thiền cơ bản, thực hành
phương pháp thiền này giúp thiền sinh có một cách hiểu đúng đắn về bản
chất của tinh thần và thể lý trong thân thể người tu tập. Hiện tượng thể
lý là những việc hay vật mà người tu nhận thức một cách rõ ràng quanh
mình và bên trong mình. Toàn thể thân xác người tu gồm một nhóm các phẩm
chất thể lý. Hiện tượng tinh thần là hoạt động của ý thức hay cái biết.
Những điều này được nhận thức một cách rõ ràng bất cứ khi nào các pháp
được nhìn thấy, được nghe, được ngửi, được nếm, được chạm xúc, hay được
nghĩ tới. Chúng ta phải tỉnh thức về các hiện tượng tinh thần này bằng
cách quan sát chúng và ghi nhận [niệm về] chúng như: “[đang] thấy,
thấy”, “nghe, nghe”, “ngửi, ngửi”, “nếm, nếm”, “sờ, sờ”, hay “nghĩ,
nghĩ”.
Mỗi lần bạn thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ, hay suy nghĩ, bạn hãy niệm
[ghi nhận] về việc đó. Tuy nhiên, khi mới tập, bạn không có thể niệm tất
cả các việc đó. Do đó, bạn nên bắt đầu bằng cách niệm những việc dễ
dàng nhận thấy và dễ dàng nhận thức.
Với từng hơi thở, bụng của bạn phồng lên và xẹp xuống – chuyển động
này luôn luôn là hiển nhiên. Đây là phẩm chất thể lý được biết như phần
tử của chuyển động. Bạn nên bắt đầu bằng cách niệm [về] chuyển động này,
điều có thể làm được bằng cách để tâm quan sát vùng bụng. Bạn sẽ thấy
bụng phồng lên khi bạn hít vào, và xẹp xuống khi bạn thở ra. Việc phồng
lên nên được niệm trong tâm là “phồng”, và việc xẹp xuống thì niệm là
“xẹp.” Nếu chuyển động không được nhận ra rõ ràng, bạn cứ đặt lòng bàn
tay lên bụng để nhận ra. Đừng đổi cách bạn thở. Cũng đừng thở chậm lại
hay thở mau hơn. Cũng đừng thở quá mạnh bạo gấp gáp. Bạn sẽ mệt mỏi nếu
bạn đổi cách bạn thở. Hãy thở đều đặn như bình thường, và hãy niệm nơi
bụng đang phồng và xẹp. Hãy niệm trong tâm, đừng nói thành lời.
Trong Thiền Minh Sát, điều bạn gọi tên hay nói thì không quan trọng.
Điều thực sự quan trọng chính là biết, hay nhận thức. Trong khi niệm
bụng phồng lên, hãy làm như thế từ lúc khởi đầu cho tới khi hết chuyển
động [phồng] này, y hệt như bạn đang nhìn nó bằng mắt. Hãy làm tương tự
với chuyển động xẹp. Sự chuyển động [phồng, xẹp] và nhận biết về nó nên
xảy ra cùng lúc, hệt như một viên đá được ném trúng mục tiêu. Tương tự,
với chuyển động xẹp.
Tâm của bạn có thể lang thang chạy lạc nơi khác, trong khi bạn niệm
về chuyển động của bụng. Điều này cũng phải được tâm ghi nhận rằng,
“[niệm] lạc, lạc [rồi].” Khi điều này đã được niệm một lần hay hai lần,
thì tâm ngưng lang thang chạy lạc, rồi bạn trở lại niệm về chuyển động
phồng, xẹp của bụng. Nếu tâm chạy tới nơi khác, hãy ghi nhận là “[niệm]
tới, tới”. Rồi thì hãy quay về phồng, xẹp của bụng. Nếu bạn chợt nghĩ
tới việc gặp một người nào, thì hãy niệm là “gặp, gặp”. Rồi hãy trở về
phồng, xẹp. Nếu bạn chợt nghĩ tới chuyện gặp và nói chuyện với ai đó,
thì hãy niệm “nói, nói”.
Ngắn gọn, bất cứ những gì mà ý nghĩ và trí nhớ xảy ra, đều hãy được
niệm [ghi nhận]. Nếu bạn tưởng tượng, hãy niệm là “tưởng, tưởng”. Nếu
bạn suy nghĩ, hãy niệm “nghĩ, nghĩ”. Nếu bạn hoạch định kế họach, hãy
niệm “hoạch, hoạch”. Nếu bạn nhận thức, hãy niệm “thức, thức”. Nếu bạn
đang nhớ, hãy niệm “nhớ, nhớ”. Nếu bạn thấy hạnh phúc vui vẻ, hãy niệm
“vui, vui”. Nếu bạn thấy chán nản, hãy niệm “chán, chán”. Nếu bạn cảm
thấy hài lòng ưa thích, hãy niệm “thích, thích”. Nếu bạn cảm thấy phiền
lòng, hãy niệm “phiền, phiền”. Ghi nhận tất cả các hoạt động của ý thức
được gọi là quán sát tâm (quán tâm, cittanupassana).
Bởi vì chúng ta không ghi nhận được về các sinh họat này của ý thức,
chúng ta có khuynh hướng nhận diện chúng với một người hay một cá thể.
Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng đó là “tôi” đang hình dung, nghĩ
tưởng, hoạch định, biết về hay nhận thức. Chúng ta nghĩ rằng có một
người, mà người này từ thời thơ ấu trở đi, đã đang sống và nghĩ ngợi.
Thực sự, không có ai như vậy hiện hữu. Thay vậy, chỉ có những sinh hoạt ý
thức nối tiếp liền nhau. Đó là tại sao chúng ta phải niệm về các sinh
hoạt ý thức này, và biết chúng như chúng là. Cho nên, chúng ta phải nhận
biết từng và tất cả các sinh hoạt ý thức khi nó dấy khởi. Khi niệm như
thế, nó có khuynh hướng biến mất đi. Rồi chúng ta trở lại niệm phồng,
xẹp nơi bụng.
Khi bạn phải ngồi thiền tập trong một thời gian lâu, cảm giác tê cứng
và hơi nóng sẽ khởi lên trong cơ thể bạn. Những điều này cũng phải được
[niệm] ghi nhận kỹ càng. Tương tự với cảm thọ về đau đớn và mỏi mệt.
Tất cả những cảm thọ này là khổ (cảm giác không thỏa mãn), và niệm [ghi
nhận] về chúng là niệm khổ thọ. Bỏ qua hay không ghi nhận được các cảm
thọ đó sẽ làm bạn nghĩ: “Tôi tê cứng rồi, tôi đang cảm thấy nóng, tôi
đau đớn này. Tôi mới hồi nảy còn thoải mái. Bây giờ tôi chịu khổ với các
cảm thọ khó chịu này.” Việc căn cước hóa các cảm thọ này với tự ngã là
nhầm lẫn rồi. Thực sự không có cái “tôi” nào liên hệ tới, mà chỉ là một
chuỗi liên tục các cảm thọ khó chịu nối tiếp nhau.
Nó y hệt như một chuỗi nối tiếp các [chu kỳ] dao động điện khí nối
nhau và làm bật sáng ngọn đèn điện. Mỗi lần các chạm xúc khó chịu tới
với cơ thể, các cảm thọ khó chịu khởi lên cái này sau cái kia. Những cảm
thọ này nên được niệm [nhận ra] kỹ càng và chú tâm, cho dù chúng là cảm
thọ về sự tê cứng, về hơi nóng, hay về đau đớn. Lúc mới đầu tập thiền,
các cảm thọ này có thể có khuynh hướng tăng thêm và dẫn tới ước muốn
thay đổi tư thế ngồi của người tu. Ước muốn đó nên được [niệm] ghi nhận,
sau đó học nhân nên trở về việc niệm các cảm thọ về sự tê cứng, về hơi
nóng, vân vân.
Có một câu nói, “Kiên nhẫn dẫn tới Niết Bàn.” Câu nói này đặc biệt
liên hệ tới tu tập thiền định. Bạn phải kiên nhẫn thiền tập. Nếu bạn
chuyển hay đổi tư thế quá thường xuyên bởi vì bạn không thể chịu nổi cảm
thọ về sự tê cứng hay hơi nóng phát khởi, thì đại định không thể hình
thành. Nếu không có định, thì sẽ không có huệ, và không thể có thành
đạo, mà quả chính là niết bàn. Đó là lý do vì sao cần kiên nhẫn trong
thiền tập. Đó hầu như là kiên nhẫn với các cảm thọ khó chịu trong cơ thể
như sự tê cứng, hơi nóng, sự đau đớn và các cảm thọ khó chịu khác. Khi
xuất hiện các cảm thọ như thế, bạn đừng ngay lập tức đổi thế ngồi. Bạn
nên tiếp tục một cách kiên nhẫn, chỉ niệm nó như là “tê, tê” hay “nóng,
nóng”. Các cảm thọ khó chịu trung bình cũng sẽ biến mất nếu bạn niệm
[ghi nhận] chúng một cách kiên nhẫn. Khi định lực vững vàng, thì ngay cả
các cảm thọ căng hơn cũng có khuynh hướng biến mất. Rồi thì bạn trở lại
niệm về bụng phồng, xẹp.
Dĩ nhiên, bạn sẽ phải đổi thế ngồi nếu cảm thọ không tan biến ngay cả
sau khi niệm chúng một thời gian lâu, hay là khi chúng trở thành hết
chịu nổi. Rồi thì bạn nên bắt đầu bằng cách niệm “muốn thay đổi, muốn
thay đổi.” Nếu bạn đưa cánh tay lên, hãy niệm rằng “lên, lên”. Nếu bạn
cử động, hãy niệm rằng “động, động”. Thay đổi này nên làm cho dịu dàng,
và niệm như là “lên, lên”, “động, động” và “chạm, chạm”.
Nếu thân bạn nghiêng ngả, hãy niệm rằng “nghiêng, nghiêng”. Nếu bạn
nhấc chân lên, hãy niệm rằng “lên, lên”. Nếu bạn cử động nó, hãy niệm
rằng “động, động”. Nếu bạn thả nó xuống, hãy niệm rằng “thả, thả”. Khi
không còn động chuyển nữa, hãy trở lại niệm về phồng, xẹp nơi bụng. Đừng
để cho có khoảng cách nào, mà cứ để có liên tục giữa niệm trước và niệm
kế liền đó, giữa trạng thái định trước và trạng thái định kế liền đó,
giữa một tuệ trước và một tuệ kế tiếp liền đó. Chỉ khi đó mới có các
bước tiến liên tục trong hiểu biết của người tu. Kiến thức về đạo và quả
chỉ thành đạt được khi nào có các đà tiến liên tục này. Tiến trình
thiền tập thì y hệt như tiến trình làm ra lửa bằng cách tận lực và liên
tục chà xát hai thanh gỗ vào nhau để tạo ra đủ hơi nóng mà bật ra lửa.
Trong cùng cách đó, hành vi niệm [ghi nhận] trong Thiền Minh Sát phải
được liên tục và không ngừng nghỉ, không có bất kỳ khoảng cách nào giữa
việc niệm, bất kể có hiện tượng nào sinh khởi. Thí dụ, nếu cảm thọ về
ngứa khởi lên và bạn muốn gãi bởi vì nó rất khó chịu đựng, thì cả cảm
thọ và ước muốn gãi cũng phải được niệm tới, mà không tức khắc xóa bỏ
cảm thọ bằng cách gãi.
Nếu bạn kiên trì chống lại thì cảm thọ ngứa nói chung sẽ biến mất,
bạn lại trở về niệm phồng, xẹp nơi bụng. Nếu ngứa không biến mất, bạn có
thể gãi cho hết, nhưng trước tiên là ước muốn làm thế phải được niệm
ghi nhận. Tất cả các chuyển động trong tiến trình gãi ngứa phải được
niệm ghi nhận, đặc biệt là các chuyển động sờ, kéo và đẩy, và gãi, rồi
lại trở về niệm phồng, xẹp nơi bụng.
Bất cứ khi nào bạn đổi thế ngồi, hãy bắt đầu bằng cách niệm về ý định
hay ước muốn thay đổi, và hãy niệm từng chuyển động. Thí dụ như việc
nhấc lên từ tư thế ngồi, nâng cánh tay, cử động và duỗi cánh tay, bạn
nên niệm các chuyển động cùng lúc với khi đang làm các chuyển động đó.
Khi cơ thể bạn nghiêng về phía trước, hãy niệm để ghi nhận nó. Khi bạn
nhấc lên, cơ thể trở nên nhẹ nhàng như đang nhấc lên, hãy tập trung tâm
bạn vào điều này, bạn nên nhẹ nhàng niệm như là “lên, lên”.
Một thiền gia sẽ cư xử hệt như một người yếu đuối vô tích sự. Những
người sức khoẻ bình thường nhấc lên một cách dễ dàng và mau chóng, hay
đột ngột. Người yếu bệnh thì không như thế, họ làm điều đó một cách chậm
chạp và dịu dàng. Cũng tương tự như thế với người đau lưng; họ nhấc lên
dịu dàng, nếu không thì lưng lại thương tổn và đau đớn. Những thiền gia
cũng như thế. Họ sẽ đổi thế ngồi một cách dịu dàng và từ từ; chỉ lúc đó
thì sự tỉnh thức, định và tuệ mới hiển lộ rõ ràng. Do vậy, hãy khởi đầu
với các cử động dịu dàng và từ từ. Khi nhấc [người] lên, hãy làm như
thế một cách dịu dàng như người yếu bệnh, trong cùng lúc niệm “lên,
lên”. Không chỉ như thế, xuyên qua mắt nhìn, bạn phải làm y hệt như đang
bị mù. Và làm tương tự như thế, với khi tai nghe. Trong khi thiền tập,
quan tâm của bạn chỉ là niệm ghi nhận thôi. Cái gì bạn thấy và nghe
không phải là quan tâm của bạn. Cho nên, bất cứ thứ gì kỳ lạ hay bất ngờ
mà bạn có thể thấy hay nghe, bạn phải xem như bạn không thấy hay không
nghe chúng, mà chỉ đơn giản niệm một cách cẩn trọng.
(Theo bản dịch của Phan Tấn Hải)