Như điệu sáo sau đây
khi người bước lên Bảo Đài sơn trong dãy núi Yên Tử vào một ngày nắng
đẹp giữa thế kỷ mười ba…
Người không muốn làm vua nhưng phải lên ngôi từ tuổi hai
mươi. Hơn hai mươi năm sau, người mới có thể lên núi Yên Tử xây am
thiền, tạo dựng dòng thiền tinh khôi Trúc Lâm Yên Tử.
Ở ngôi vua, người đánh tan quân Nguyên hai lần. An định thế gian.
Ở Am Ngọa Vân, người rạng ngời thiền trong một ngón tay, trong một sát na:
Nhất chỉ đầu thiền
Sát na hết cả
Từ đó, Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông bước vào con đường của hoa,
con đường của trúc, mang cái tên mới rất đơn sơ là Trúc Lâm.
Người Trúc Lâm. Cái tên đơn sơ mà đứng vững hơn mọi đế hiệu vàng son.
Người là Trúc Lâm. Là rừng núi trong ta. Là ngàn trúc linh thiêng ngân
vang ngân vang những điệu sáo huyền. Như điệu sáo sau đây khi người bước
lên Bảo Đài sơn trong dãy núi Yên Tử vào một ngày nắng đẹp giữa thế kỷ
mười ba.
Tôi thích nghe điệu sáo của Trúc Lâm và cố diễn dịch như thế này:
Lên núi Bảo Đài
Đất vắng, lên đài cổ
Còn mới nguyên mùa xuân
Mây núi vừa xa vừa gần
Đường hoa bên nắng bên râm.
Vạn sự nước trôi nước
Một đời tâm nhủ tâm
Tựa hiên, nghiêng sáo mà ngân
Ngực dâng ánh sáng vô ngần trăng lên.
Đây là bài thơ thổi sáo của Trúc Lâm
Đăng Bảo Đài sơn
Địa tịch đài du cổ
Thời lai xuân vị thâm
Vân sơn tương viễn cận
Hoa kính bán tình âm
Vạn sự thủy lưu thủy
Bách niên tâm ngữ tâm
Ỷ lan hoành ngọc địch
Minh nguyệt mãn hung khâm.
Đài cổ thì rất cổ, càng thêm cổ xưa trên mặt đất hoang liêu. Núi non
thì cũng rất cổ. Chỉ có xuân là còn mới nguyên. Xuân đến chưa lâu gì
(xuân vị thâm).
Xuân là thời gian luôn tự đổi mới. Thời gian là trò chơi tử sinh, chuyển hóa cái cũ sang cái mới và ngược lại.
Như lời Tagore: “Ngày đến với ta mỗi ban mai, hoàn toàn trinh trắng,
mơn mởn, tươi thắm như hoa. Nhưng ta biết rằng nó xưa cũ, nó chính là
thời gian… Thế giới của ta mang trong lòng cái thanh xuân bất tuyệt… Cái
già này, cái cổ xưa này của đất hồi sinh lại mỗi ngày.”
Vì vậy mà đài cổ và đất vắng cũng hồi sinh. Và chào mùa xuân như chào nguyên xuân.
Trong im vắng của đất, của đài, mùa xuân còn hiện ra lồ lộ, tươi
thắm. Xuân sắc như thấm vào cái im vắng ấy, vào cái cổ xưa, váo núi non,
vào đất.
Và Trúc Lâm đi trong mùa xuân, nhìn sự vật như mới nhìn lần đầu. Hân hoan, ngạc nhiên, đôi mắt thơ càng thêm thơ.
Dường như Trúc Lâm rất ngạc nhiên khi nhìn đỉnh núi phủ đầy mây và con đường rợp bóng hoa.
Núi mây (Vân sơn) và đường hoa (hoa kính) thì có gì mà lạ? – bạn sẽ hỏi.
Nhưng Trúc Lâm ngạc nhiên nhìn mây và hoa.
Nhà huyền thoại học lừng danh Joseph Campbell nói:
“Khi Đức Phật dập tắt ngã trong Ngài, thế giới bừng nở hoa. Và
đúng thế, đó là cái lối vẫn hằng diễn ra với những ai mà đạo là sự ngạc
nhiên, chứ không phải là cứu chuộc!”
(When the Buddha extinguished ego in himself, the world burst into
flower. But that, exactly, is the way it has always appeared to those in
whom wonder, and not salvation, is religion.)
Và Trúc Lâm tự hỏi tại sao “mây núi vừa xa vừa gần” (vân sơn tương viễn cận)?
Thiền sư Bokuju nói rằng, niết-bàn và thế gian cách ta cùng khoảng
cách như nhau. Niết-bàn không xa mà rất gần, gần như thế gian quanh ta
vậy (Nirvana and the world are at the same distance.).
Và người gái thơ của Mỹ là Emily Dickinson cũng nói:
Cõi thần tiên xa
Thì cũng xa như
Căn phòng gần nhất…
(Elysium is as far as to
The very nearest room…)
Tại sao niết-bàn và thế gian cách ta cùng khoảng cách? Tại sao
niết-bàn vừa xa lại vừa gần. Ta hãy đặt niết-bàn vào ngay trong ta. Thử
tìm khoảng cách đi. Căn phòng gần nhất đấy.
Cho nên Trúc Lâm mới nói núi mây vừa rất gần vừa rất xa. Cái nhìn rất
thơ của người đã đưa núi mây vào trong tâm hồn ta. Xa chuyển thành gần.
Nếu ta không đón nhận cái nhìn nên thơ của người thì núi mây ấy lùi xa vĩnh viễn.
Cũng như núi mây ấy, Trúc Lâm vừa xa vừa gần. Trúc Lâm đi trên núi
Yên Tử và bước đi ấy có đồng vọng gì không trên mặt đất vắng lặng đìu
hiu?
Người đi trên con đường hoa nửa nắng nửa râm (hoa kính bán tình âm).
Một bên thì nắng xuân tươi sáng và một bên thì râm tối bóng hoa.
Đó là đường đời, con đường tử sinh. Đó là sáng tối trong cõi người
ta. Sáng tối là trò chơi, là điệu múa, là vô thường, là cái đẹp.
Trúc Lâm nhìn vào sáng tối như nhìn hoa nở và hoa rơi, “khán trụy hồng”.
Và như nhìn có- không của thế giới:
Bán vô bán hữu tịch dương biên.
(Bóng chiều như có lại như không)
Một nhà thơ Nhật là Shuson miêu tả bóng tối trong môt bài Haiku:
Bóng tối rơi
Trên bờ đóa cúc trắng
Và trôi
(Tairin no
Shiragiku no he ga
Mazu kure nu).
Bóng tối của Shuson thì ở trên hoa. Còn bóng tối (bóng râm) của Trúc
Lâm thì ở dưới hoa. Nhưng trò chơi sáng tối, tử sinh thì không hề khác.
Bóng tối trôi trên hoa cũng như dưới hoa.
Vạn sự trôi theo bóng tối, trôi theo nước.
Trúc Lâm nhìn vào núi mây, đường hoa, thế giới bên ngoài.
Đồng thời, cái nhìn ấy cũng quay vào bên trong, vào cái im lặng u huyền của Tâm.
Nước trôi theo nước, lời trôi theo lời. Nhưng im lặng thì vô biên.
Một đời tâm nhủ tâm. Tâm thì bí ẩn, và bí ẩn thì không thể nói ra ngoài. Tâm bí ẩn một đời, trăm năm, vạn năm, vô tận.
Sự đời thì vạn sự. Còn tâm thì nhất tâm. Tâm nhủ tâm nhưng không có gì để nói. Ở đó, tâm có ngôn ngữ là tâm (tâm ngữ tâm).
Không cần ngôn ngữ nữa, Trúc Lâm tựa hiên nâng sáo lên thổi (Ỷ lan hoành ngọc địch).
Đó là tiếng sáo gọi trăng, tiếng sáo say trăng. Trăng sáng ngập đầy lòng (Minh nguyệt mãn hung khâm)
Và ánh sáng cũng từ lồng ngực dâng lên. Nhà thơ Saigyo của Nhật vào thế kỷ mười hai cũng có ý tưởng tương tự:
Vào sâu núi đồi
Trái tim trăng sáng
Ánh lên ngời ngời.
(Fukaki yama ni
kokoro no tsuki shi
Suminureba)
Và nhà thơ Ấn Độ Kabir vào thế kỷ 15 cũng hát:
Con chim say trăng ấy
Trong đầu chỉ đầy tư tưởng trăng…
(The moon bird’s head is filled
With nothing but thoughts of the moon…)
Như con chim say trăng ấy, trái tim của Trúc Lâm, của Saigyo, Kabir cũng tràn ngập ánh trăng, ánh sáng của chân như./.
“Khi Đức Phật dập tắt ngã trong Ngài, thế giới bừng nở hoa. Và
đúng thế, đó là cái lối vẫn hằng diễn ra với những ai mà đạo là sự ngạc
nhiên, chứ không phải là cứu chuộc!”.
Joseph Campbell