Chùa Bửu Minh

LTS: Tác giả của lá thư này nguyên là một nhà giáo. Vì mưu sinh, anh đã rời bục giảng để đến với thương trường. Với anh, thầy giáo không phải là nghề để kiếm sống, mà là công việc thiêng liêng.

Với người thầy giáo, trách nhiệm, lương tri… không phải là điều trừu tượng, mà rất cụ thể, rõ ràng qua từng suy nghĩ, lời nói và hành vi. Câu chuyện trong tuần kỳ này giới thiệu đến quý độc giả một lá thư của anh hồi âm cho người học trò cũ, hiện là cô giáo, về sự tự trọng của người thầy và cách giữ gìn ngọn lửa lương tri trong thời buổi nền giáo dục rối ren như trăm mối tơ vò.

thu.gif

Ánh Hồng thân mến,

Nhân thư và thiệp chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam của em, thầy cảm thấy ấm lòng khi biết rằng dù đã 28 năm trôi qua kể từ ngày tốt nghiệp trở thành cô giáo, em vẫn dành cho người thầy năm xưa những tình cảm trân trọng đầy thương kính. Nhưng Thầy cũng thấy trong thư em, những nỗi buồn rất riêng và cũng rất chung. Buồn là vì cái hình ảnh tươi đẹp của ngày mới vào đời không như ý, hay nói cách nào đó, lý tưởng có phần đổ vỡ khi phải chứng kiến một hiện thực khắc nghiệt, sần sùi và những bất cập diễn ra không có điểm dừng. Em than phiền là đồng nghiệp trẻ của mình thiếu nhiệt tình, không yêu nghề, chỉ biết dạy và ép học sinh về nhà học thêm. Chưa kể năng lực sư phạm yếu và kiến thưc đầy những lổ hổng. Tại sao ư? Em có biết bản thân sinh viên khi chọn nghề sư phạm không phải ai cũng tự nguyện hay hiểu mình muốn gì khi ngay cả Bộ GD-ĐT cũng không định hướng rạch ròi cho ngành sư phạm về mục tiêu, chỉ tiêu sinh viên cho các trường sư phạm. Đọc thông tin trên báo chí gần đây, em có nghe vụ 255 học sinh thi trượt lại được đặc cách vào các trường công lập ở Hải Phòng (có không ít con cháu các quan chức đất Cảng). Một nhà báo đã nhận định: "Dù có những tiến bộ, song cỗ máy GD-ĐT của nước ta hiện nay đã và đang cung cấp cho đất nước nhiều sản phẩm với chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, của hội nhập. Một trong những nguyên nhân là tình trạng đầu vào không đảm bảo chất lượng, mà chuyện ‘chạy’ trường, chuyện ‘xin-cho’ là điển hình" (Nguyễn Thiên Di, Báo Người Lao Động 11 tháng 11, 2010). Thật buồn khi đó lại là điển hình cho những điều không nên làm… Một khi sự minh bạch vắng bóng, tính công bằng cũng biến mất và chúng ta, những người thầy sẽ là những người đầu tiên phải đối diện với những hệ lụy của nó. Từ chuyện học sinh dùng sức mạnh tiền bạc để mua chuộc các nhà quản lý giáo dục, cho đến dùng vũ lực trấn áp học đường, bè bạn, thầy cô…

Một khảo sát mới đây của Thanh tra Chính phủ tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM cho thấy 67% phụ huynh quan niệm bỏ tiền "chạy" cho con vào trường tốt là bình thường (!). Thầy nói như vậy để cho em biết rằng dù đã rời xa bục giảng 22 năm, thầy vẫn theo sát thông tin về tình hình giáo dục của đất nước vì mối quan tâm ấy đã nằm trong máu thịt, trong từng suy nghĩ của một nhà giáo mà buổi vào đời đã chọn nghề sư phạm như em, nhớ có lần thầy đã đọc một bài thơ trong lớp:

"… Viên phấn nào vẽ con đường tôi đi

Trước cửa tương lai, chọn nghề thầy giáo

Không vì hư danh, không vì cơm áo,

Chỉ để làm người cho đi, cho đi…".

Nhưng em ạ, thầy thấy trong thư em ngoài những trăn trở, em còn yêu nghề lắm dù em nói rằng em mệt mỏi và chán nản vì học sinh lười học, vì học sinh bây giờ "thực dụng" quá hay thường xuyên dùng bạo lực, còn những nhà quản lý giáo dục lại chú trọng hành chính sự vụ, chỉ quan tâm đến phần hình thức, đến việc chạy theo chương trình bất chấp trình độ và năng lực tiếp thu của học sinh. Giờ lên lớp vì thế không còn niềm vui hay thiếu vắng tiếng cười?

Vẫn còn đó những trăn trở của người trí thức trong em! Cho phép thầy in đậm dòng chữ trên vì thầy hiểu dù thế nào đi nữa, 28 năm qua với em cũng là một đoạn đời dài đầy kỷ niệm buồn vui và em vẫn còn gắn bó với nghề. Em đã là cánh chim đầu đàn trong tổ bộ môn của mình, đã là cô giáo được đồng nghiệp và học sinh cũng như phụ huynh quý trọng. Điều gì làm nên sự khác biệt ấy? Ken Bain trong một cuốn sách của mình (What the Best College Teachers Do) đã nghiên cứu một số sinh viên và tìm hiểu về những nhà giáo ưu tú, những người mà phong cách giảng dạy cũng như bài giảng của họ đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời sinh viên. Tác giả nhận thấy rằng những nhà giáo ưu tú (không cần ai phong tặng) này có ba điểm chung, thứ nhất là họ luôn tìm phương pháp thúc đẩy việc học của sinh viên, luôn tìm phương pháp mới mẻ để tạo hứng thú cho sinh viên. Em hãy nhớ nếu không đem lại niềm vui trong giờ giảng, không giúp học sinh đưa bài giảng vào thực tế áp dụng thì thầy cô giáo còn thua computer có bộ nhớ bé nhất. Thứ hai là họ không bao giờ đổ lỗi cho sinh viên những khó khăn hay trở ngại mà họ gặp phải. Nếu sinh viên thi rớt hay làm bài không đạt, họ đều cảm thấy trách nhiệm thuộc về mình. Thứ ba là họ luôn duy trì sự trao đổi với đồng nghiệp về việc giáo dục thế nào là hiệu quả nhất và không bao giờ tự mãn hay hài lòng với những gì đã đạt.

Em có còn tra cứu những phương pháp giảng dạy ngoại ngữ hữu hiệu nhất trên mạng, trong sách không? Em có còn dằn vặt về việc học sinh VN học 7 năm vẫn không nói được ngoại ngữ không? Hãy nhận trách nhiệm về mình, em ạ! Như ngày xưa khi thầy đứng trên bục giảng trong lớp của em, có đêm những đồng nghiệp và thầy trằn trọc mất ngủ vì đã giải thích sai một từ trong lớp, để rồi sáng hôm sau điều đầu tiên phải làm là đính chánh ngay. Làm điều đó, thầy muốn duy trì sự tôn trọng nơi học sinh, và cũng xuất phát từ sự liêm chính trong tri thức. Nhưng trên hết vẫn là trách nhiệm, là lương tâm chức nghiệp dành cho học sinh của mình. Không thể truyền đạt một thứ kiến thức "tật nguyền", sai sót được. Thầy vẫn còn nhớ lời của một giáo sư ngày xưa: "Một ông bác sĩ tồi giết chết một bệnh nhân; một ông kỹ sư dốt làm hỏng một cái máy; nhưng một thầy giáo kém phẩm chất tàn hoại cả một thế hệ!".

Và còn đó những niềm tin

Thầy nghĩ rằng ngày nào còn yêu thương học sinh, em hãy hiểu rằng niềm tin còn đó. Nói như Minh Niệm trong Hiểu về trái tim thì "…nếu ta có thể đặt niềm tin vào mọi đối tượng bằng trái tim rộng mở thương yêu mà không cần đòi hỏi phải được hưởng thụ thì ta sẽ không lo sợ niềm tin bị sụp đổ… càng tin tưởng vào con người và cuộc đời thì ta càng có mặt trong con người và cuộc đời bằng những hóa thân của mình. Lúc bấy giờ ta sẽ thấy không gian của cái tôi thật rộng lớn, nhìn đâu cũng là nơi đáng để ta nâng niu và vui sống". Theo tuệ giác của Đức Phật thì đó chính là " Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" (Kinh Kim Cang).

hoctro-1.gif

"Một ông bác sĩ tồi giết chết một bệnh nhân; một ông kỹ sư dốt làm hỏng một cái máy; nhưng một thầy giáo kém phẩm chất tàn hoại cả một thế hệ!".

Thầy vẫn tin lớp trẻ hôm nay không xấu, không suy đồi bạo lực. Nếu có trách, em hãy trách những thế hệ người lớn đã trở nên nhỏ nhen, ích kỷ, độc ác hơn ngày xưa vì họ quen ca tụng và sử dụng "chân lý của kẻ mạnh" bấy lâu nên quên đi nhiệm vụ làm gương trong giáo dục con trẻ. Hãy thắp lại ngọn đèn của trí tuệ và từ ái vì không một dân tộc nào có thể vững mạnh phát triển mà thiếu đi những phẩm chất ấy. Những phẩm chất mà em và những thầy cô hôm nay đang sở hữu, có điều một số người chưa nhận ra thôi.

Hãy vui cùng học sinh trong Ngày Nhà giáo 20-11 (có người gọi đó là Lễ Tạ ơn Thầy cô) và giữ niềm tin yêu vào công việc (nếu không muốn gọi là sự nghiệp), vào sứ mệnh của một người "đưa đò trí thức", vượt lên sóng gió và bão táp của cuộc đời phức tạp đầy bất trắc luôn rình rập trên đường, chung quanh và trong chính lòng ta. Cố gắng lên, em ạ!

Thầy,

Nguyên Cẩn

Nguon: http://www.giacngo.vn/phatgiaotuoitre/2010/11/24/5FE41A/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage