Chùa Bửu Minh

Những lễ hội mang mầu...máu


Tác giả: Trần Thiềm và Hiệu Minh

Nhìn thấy chú trâu là thấy nền văn minh lúa nước, thấy làng quê, nơi yêu dấu của hàng triệu người Việt. Có nên mang biểu tượng Việt Nam ấy ra giết một cách man rợ và khoe với bạn bè quốc tế?


LTS: Tuần Việt Nam vừa nhận được bài viết về chủ đề lễ hội, trong đó đề cập đến các tập tục khác nhau của các cộng đồng dân tộc: Đâu là tín ngưỡng, tập quán văn hóa, đâu là hủ tục cần xóa bỏ... Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin trân trọng đăng tải bài viết, và mong nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà chuyên môn, của bạn đọc gần xa trong nước và nước ngoài về chủ đề này.

Mùa hè vừa qua, người bạn đưa hai đứa con (7 và 9 tuổi) về thăm Hà Nội sau 5 năm sống xa Tổ quốc. Chiều chiều, cả nhà dạo chơi phía hồ Tây. Có một gia đình bán gà chân chì Phú Thọ, anh nghe nói thịt rất ngon. Sau khi chọn được 1 con vừa ý, anh bảo người bán hàng làm thịt hộ.

Trước mặt hai cu cậu, người giúp việc thản nhiên cứa cổ con gà, máu phun phè phè. Nhìn cảnh đó, 2 đứa bé nhắm mắt, hét toáng lên. Ông bố đứng cười vì thuở nhỏ vẫn xem người lớn "hóa kiếp này sang kiếp khác" các loại gia súc ở quê. Người ta còn cho chú gà vào nồi nước sôi. Chú gà giãy đành đạch mãi mới chết hẳn.

Tới bữa cơm, hai đứa nhất định không ăn trong khi món thịt gà là món ưa thích của chúng khi ở nước ngoài.

Sự xung đột "văn hóa giết gà" xảy giữa ngay tại gia đình nhỏ bé ấy.

Lễ hội đẫm máu xứ người

Có lần, một người bạn gửi email cho xem một loạt ảnh về lễ hội thảm sát cá heo ở hòn đảo Faroe của Đan Mạch, tôi xem mà không khỏi rùng mình. Cả một vùng biển đỏ ngầu máu. Hàng trăm con cá heo bị tàn sát bằng các kiểu khác nhau. Đây vẫn coi là lễ hội truyền thống của dân đảo và được coi là nét văn hóa của người dân nơi này.

Hình ảnh man rợ đó được truyền trên email khắp thế giới và gây phẫn nộ trong dân chúng yêu động vật. Hàng triệu người kêu gọi xứ đảo Faroe xóa bỏ hủ tục.

Nếu ai từng đi du lịch Tây Ban Nha vào dịp có đấu bò tót thì chắc sẽ cố tìm cái vé, dù đắt mấy, để cùng với hàng trăm ngàn người hò reo, cổ vũ, rồi thán phục và cả khóc nức nở khi chú bò bị đấu sỹ đâm nhát kiếm cuối cùng, khiến bò đổ gục xuống.

Bò tót hung hãn được thả rông ra trường đấu, rồi đấu sĩ xuất hiện trong bộ trang phục cổ xưa với kiếm và miếng vải đỏ. Để gây hồi hộp, đấu sỹ phải lừa cho bò tót lao vào mình, rồi uyển chuyển uốn lưng tránh cú húc chết người. Thỉnh thoảng, anh lại đâm nhử chú bò để cho nó thêm hăng máu. Nhát kiếm cuối cùng sẽ kết liễu chú bò và màn tiệc đầy máu mới kết thúc.

Đấu bò tót tại Tây Ban Nha
Đôi lúc, đấu sỹ nhầm hay trượt chân thì cú húc của chú bò tót nặng hàng tấn sẽ đưa matador về thế giới bên kia, trước sự chứng kiến của hàng vạn người.

Giống như chuyện tàn sát cá heo của người Đan Mạch, nhiều người đã kêu gọi nên hủy bỏ những trận đấu bò tót bởi sự nguy hiểm và sự tàn nhẫn đối với súc vật. Nhưng với nguời Tây Ban Nha, đấu bò tót không chỉ là một truyền thống, lòng tự hào dân tộc mà là còn được coi như một "tín ngưỡng".

Thật lạ lùng, xứ yêu cây đàn ghi ta, thích rượu vang, yêu đương lãng mạn, nhưng lễ hội đấu bò tót lại có máu đổ. Máu của đấu sỹ, máu của bò và sự man rợ của những người chứng kiến đan xen nhau, tạo nên một lễ hội khác mang sắc mầu đỏ. Nhưng ai dám bảo người Tây Ban Nha không văn minh và hiện đại.

Còn biết bao lễ hội đẫm máu khác đã, đang và sẽ còn trên thế gian này, khó mà kể hết. Ngay cả xứ ta vẫn còn rất nhiều và ngày càng biến tướng khác thường.

Lễ hội đâm trâu Tây Nguyên

Một người Việt sống ở nước ngoài lâu năm bức xúc viết trên một blog về lễ hội đâm trâu của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Gia đình bác từng xem trên kênh truyền hình VTV4 gửi đi khắp thế giới.

Người ta buộc con trâu vào một cây cột giữa bãi đất trống. Những người đàn ông khỏe mạnh, đóng khố, cầm một đoạn tre chừng vài mét, đầu có buộc một con dao nhọn. Họ xếp hàng, nhảy múa, lần lượt đâm con trâu cho máu phun  ra.

Trong lúc đó, xung quanh rất đông người xem, già trẻ, gái trai, lớn bé, nét mặt hân hoan vui sướng, miệng hò reo lẫn trong tiếng cồng chiêng vang dội.

Con trâu lúc đầu còn sung sức, nhảy lồng lên, máu túa ra. Dần dần bị đâm nhiều nhát, mất máu, kiệt sức, con trâu từ từ khuỵu xuống lăn ra đất. Nào nó đã được tha đâu. Người ta vẫn tiếp tục đâm cho tới khi chết hẳn. Nếu khôn như loài khỉ, chắc con trâu tội nghiệp sẽ chắp hai chân trước lạy van xin tha mạng.

Hôm ấy trong nhà bác có đông người ngồi xem. Nhìn cảnh ấy không ai chịu nổi. Nhất là các bà, các chị và trẻ em, người nhắm mắt, kẻ quay đi.

Phóng sự được phát trên VTV4, chủ yếu để giới thiệu với bà con người Việt mình ở nước ngoài. Bạn thử tưởng tượng, dâu Tây, rể Tây hoặc con cái họ ngồi xem, có lẽ với những người này, nỗi khiếp sợ tăng lên gấp bội.

Hai cậu bé của người bạn chắc phải nhắm mắt như đã xem cắt tiết gà ở Hồ Tây (Hà Nội). Nhưng các chú không biết, ở bên Mỹ, người ta treo các chú gà công nghiệp đang còn sống và cho qua phòng hơi nước nóng hàng trăm độ. Các chú cũng dãy đành đạch và thành "khỏa thân" khi đến cuối dây chuyền của lò sát sinh.

Rất nhiều dân tộc ở Tây Nguyên đều tổ chức lễ hội đâm trâu. Mỗi nơi có cách làm khác nhau. Nhưng tựu trung, nghi lễ đâm trâu là phần quan trọng bậc nhất của lễ hội. Các tráng sĩ được trang bị lao dài sẽ giết trâu, vừa phóng lao vừa biểu diễn các bài võ thuật. Con trâu bị giết được đem xẻ thịt nhỏ chia cho các nhà trong buôn làng cùng liên hoan.

Kể ra thì còn nhiều lễ hội khác không kém phần man rợ theo cách nhìn của những người chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa của lễ hội. Nhưng với người trong cuộc và hiểu biết về phong tục thì quan niệm lại khác.

Xung đột văn hóa

Nhiều người cho rằng, lễ hội đâm trâu như trên là một nét văn hóa, là truyền thống, cần được bảo tồn. Tìm hiểu kỹ thì biết được, đêm trước cả làng đã khóc con trâu trước khi bị đâm. Lễ hội đâm trâu để tỏ rõ sức mạnh của con người, cầu mùa màng. Lễ nghi đó có từ lâu đời và chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Tổ chức những lễ hội có máu chảy đầu rơi dù của loài vật, cần phải nhìn nhận lại và tổ chức một cách chừng mực. Sự xung đột văn hóa dễ xảy ra giữa các quốc gia, các miền đất và các dân tộc  trong thế giới hội nhập, nhất là trong bối cảnh các phương tiện thông tin đại chúng và internet bùng nổ. Nếu không biết lựa chọn thì đôi khi lễ hội trên trở thành con dao 2 lưỡi.

Nhưng không ít người cho rằng, đó là sự man rợ. Việc trói một con vật để cho nhiều người dùng giáo mác đâm nó, dân chúng xung quanh reo hò trước cái chết từ từ và hết sức đau đớn của con vật là một cảnh phi nhân và không thể biện minh.

Người ta còn kết luận, khi con người đã độc ác với súc vật, quen với máu đổ thì sẵn sàng xin "tí tiết" đồng loại mà không thấy ghê tay, những trẻ nhỏ lớn lên trong môi trường lễ hội đầy máu ấy dễ thành những người vô cảm trước sự đau đớn của giống nòi.

Với lễ hội đâm trâu cần xét thấu đáo. Con trâu là biểu tượng muôn đời của nước Việt. Nhìn thấy chú trâu là thấy nền văn minh lúa nước, làng quê dưới lũy tre xanh, đồng lúa thanh bình, nơi yêu dấu của hàng triệu ngượi Việt, dù có đi góc biển chân trời.

Chúng ta có nên mang biểu tượng Việt Nam ấy ra giết một cách man rợ và khoe với bạn bè quốc tế về món thịt của "đầu cơ nghiệp"?

Giải quyết như thế nào đây?

Những lễ hội mang màu máu kể trên là truyền thống, là nét văn hóa hay là hủ tục cần phải loại bỏ? Một bạn đã viết rằng, về mặt nghi thức, nó là những phong tục của đồng bào mỗi vùng miền, dân tộc khác nhau. Mà đã là phong tục thì rất khó mang các "chuẩn mực" quốc tế vào để đánh giá.

Nếu khen - ta nói đó là mỹ tục, nếu chê - gọi là hủ tục. Đó là câu hỏi luôn làm nhức nhối những nhà văn hóa có tâm huyết và hiểu biết.

Nhìn ra thế giới sẽ còn nhiều lễ hội "điên khùng" hơn. Nhiều người xem, do thiếu hiểu biết về văn hóa của chủ nhà, đã "lắc đầu, lè lưỡi" và thốt lên "dã man".

Rất nhiều lễ hội mang màu máu không xấu như người ta vẫn tưởng. Vấn đề là phải truyền tải được tính nhân văn, tính nghi lễ và tính giáo dục thông qua lễ hội và thông qua chính việc quảng bá lễ hội ấy.

Lễ hội đâm trâu Tây Nguyên
Tuy nhiên, việc truyền hình trực tiếp, đưa tin với các hình ảnh máu đỏ lòm trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì quả thật, nhiều hội hè kiểu đó đã đi quá xa.

Nhớ chuyện 2 đứa con của người bạn không ăn thịt gà vì chứng kiến máu đổ của con vật, anh bạn thú nhận, đó là hoàn cảnh sống tạo nên cách nhìn khác nhau về cùng một sự việc. Con khóc, bố cười mà không phải vì thế mà kết luận bố mất nhân cách hay đứa con văn minh.

Tổ chức những lễ hội có máu chảy đầu rơi dù của loài vật, cần phải nhìn nhận lại và tổ chức một cách chừng mực. Sự xung đột văn hóa dễ xảy ra giữa các quốc gia, các miền đất và các dân tộc  trong thế giới hội nhập, nhất là trong bối cảnh các phương tiện thông tin đại chúng và internet bùng nổ. Nếu không biết lựa chọn thì đôi khi lễ hội trên trở thành con dao 2 lưỡi.

Đi tìm câu trả lời thỏa đáng, không phải là từ phía người xem, mà chính là từ những người làm văn hóa và tổ chức lễ hội. Nếu không, ngay trong một gia đình vẫn có thể cãi cọ với nhau về cách làm thế nào để giết một con gà như nhà người bạn trên kia.

Nguon: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-11-24-nhung-le-hoi-mang-mau-mau


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage