Ta
chỉ thoát ra khỏi bài toán nhân quả là khi nào ta không gieo nhân. Nhân
đã không gieo thì quả không bao giờ có. Quả đã có thì nhất định phải có
nhân và có duyên. Và ta không bị xông ướp bởi môi trường nào, là do sự
sinh hoạt của ta hoàn toàn không liên hệ gì đến môi trường ấy.
Ta
sống và hành hoạt giữa cuộc đời mà không bị xông ướp bởi những hoàn
cảnh sai lầm, bởi những nhận thức sai lạc, bởi những tâm lý tà vạy, bởi
những quan hệ sai lầm và bởi những sự nuôi sống sai lầm là một phép lạ.
Phép
lạ đó là gì? Đó là phép lạ do quán chiếu nhân quả đem lại. Nhân xấu ta
không gieo, thì quả khổ ta không gặt. Nhân lành ta đã gieo trồng, thì
quả vui ắt ta phải có. Nhưng, tại sao ở trong đời có những người gieo
nhân lành mà quả khổ vẫn nẩy sinh; những kẻ gieo nhân ác mà quả vui
thường có?
Thế
nào là nhân lành? Nhân lành là hạt giống tốt đẹp, có khả năng sinh ra
trái ngọt. Người biết gieo nhân lành là người biết quan hệ với những
người khác trong những ý hướng tốt đẹp. Một người có ý hướng tốt đẹp,
người ấy quan hệ với mọi người mà không hề khởi lên ý hướng thủ lợi cho
mình dưới bất cứ hình thức nào. Khi quan hệ với mọi người không thủ lợi
cho mình dưới bất cứ hình thức nào, tức là người ấy đã gieo nhân lành
vào đời sống của mình. Và do gieo nhân lành như vậy, nên người ấy ở đâu
và lúc nào cũng nếm được trái ngọt.
Thế
nào là nhân không lành? Nhân không lành là hạt giống không tốt đẹp, có
khả năng sinh ra trái đắng. Người không biết gieo nhân lành là người
chỉ biết thủ lợi cho mình, khi quan hệ với những người khác dưới bất cứ
hình thức nào. Một người khi quan hệ với những người khác có ý hướng
thủ lợi cho mình, người ấy là người gieo nhân không lành vào đời sống
của mình. Và do gieo nhân không lành như vậy, nên người ấy ở đâu và lúc
nào cũng bị nếm trái đắng.
Nhân
thiện và ác hay nhân tốt và xấu, không nên nhìn vào những hình thức
biểu hiện mà hãy nhìn vào ngay nơi bản chất hay ý hướng của hành động.
Một
người với hình thức đem tài sản để hiến dâng cho những người khác,
chưa hẳn người ấy đã tạo ra được nhân lành. Tại sao? Vì nếu người ấy
hiến dâng tài sản cho người khác với ý hướng thâu tóm danh dự về cho
mình và mình sẽ được mọi người tôn vinh là đạo đức hay hiền thiện, thì
việc hiến dâng tài sản của người ấy đi từ một ý hướng xấu hay ác, nên
dù hiến dâng cả tài sản cho người khác, mà vẫn dẫn sinh quả khổ hay
trái đắng cho họ.
Và
trong đời, không có người nào do hiện thế gieo nhân ác mà sống an vui
cả. Sự an vui của họ trong hiện thế là do họ thừa hưởng cái nhân tốt
của họ đã từng gieo trồng trong quá khứ. Ví như người nông dân làm
ruộng bị thất thu ba vụ mùa liên tiếp, nhưng họ không hề nợ nần và ăn
gạo mua. Tại sao? Vì lúa cũ trong kho của họ còn lại từ những vụ được
mùa trước đó. Nếu vụ tới tiếp tục mất mùa nữa, họ sẽ ăn gạo mua và sẽ
gặp nhiều khốn đốn của gia đình.
Và
trong đời, không có một người nào do hiện thế gieo nhân thiện mà sống
khổ đau cả. Những kết quả khổ đau mà họ đang có và đang chịu đựng trong
hiện thế là do nhân không lành của họ đã từng gieo trồng từ quá khứ
đem lại. Ví như người nông dân làm được mùa liên tiếp ba vụ mà vẫn ăn
gạo mua. Tại sao? Vì những vụ mùa trước đó, họ đã bị thất thu, phải vay
lúa để ăn, phải vay tiền để tiếp tục canh tác, nên dù vụ mùa hiện tại
đang được bội thu, nhưng phải bù lỗ và trả nợ cho những vụ trước, khiến
cho mùa hiện tại, tuy được mùa, nhưng họ vẫn ăn gạo mua. Nếu vụ tới
tiếp tục được mùa, họ sẽ không còn ăn gạo mua, họ ăn chính gạo do họ
làm ra và họ không còn là người mắc nợ.
Do
đó, ta phải biết nhìn sâu vào quy luật nhân quả để ta có thể giải mã
ẩn số của bất cứ bài toán nào trong cuộc sống của ta và có thể giúp cho
mọi người cũng có khả năng giải mã ẩn số của bất cứ bài toán nào trong
đời sống của chính họ.
Bởi
vậy, một sự kiện dù xấu hay tốt xảy ra cho ta, ta phải có khả năng
trầm tĩnh để nhìn sâu vào sự kiện ấy một cách sâu sắc, nhằm khám phá ra
sự thật đang chứa đựng ở nơi sự kiện ấy. Một sự kiện dù xấu hay tốt đã
xảy ra cho ta, đang xảy ra cho ta và sẽ xảy ra cho ta, chúng không bao
giờ xảy ra cho ta một cách đơn thuần mà chúng xảy ra theo sự tác động
liên đới của nhân duyên, nhân quả ba đời.
Mọi
ẩn số trong các bài toán cộng, trừ, nhân, chia, phương trình hay lũy
thừa của cuộc đời ta, chúng không ra ngoài sự tác động liên đới của các
pháp thuộc về nhân duyên, nhân quả quan hệ ba đời mà mẫu số chung của
chúng đều là tâm.
Tâm
ta khởi lên tác ý thiện, thì chúng có khả năng hạn chế những hạt giống
bất thiện nơi tâm ta, khiến cho thiện tâm của ta được tăng trưởng và
lớn mạnh trong mọi ý hướng và hành động của ta, làm nảy sinh những hoa
trái an lạc trong đời sống của ta.
Tâm
ta khởi lên tác ý bất thiện, thì chúng có khả năng hạn chế những hạt
giống thiện nơi tâm ta, khiến cho những hạt giống bất thiện nơi tâm ta
tăng trưởng và lớn mạnh trong mọi ý hướng và hành động của ta làm nảy
sinh những hoa trái bất hạnh trong đời sống cho ta.
Bài toán học ấy là bài toán học muôn đời và chính xác cho mỗi chúng ta.
Vậy,
ta phải chín chắn với mọi ý hướng của ta, trước khi hành động để mọi
hậu quả xảy ra với ta, khiến tâm ta không bị rơi vào sự ân hận, rồi
buông ra khẩu nghiệp một cách hèn hạ là tại, bởi và vì!
Nhân
quả là bài toán muôn đời cho tất cả chúng ta. Bài toán ấy không phải
làm ở trên giấy hay ở trong sách vỡ mà chính ngay trong cuộc sống. Và nó
hiện hữu một cách linh hoạt và sống động đúng như sự sống động và linh
hoạt của tâm thức chúng ta.
theo:VHPG