Những ngày này, cái tên vang bóng lừng
lẫy một thời ấy lại được rộ lên sau gần 5 năm khuất dạng, do đã dính vào
vụ tiêu cực ở kỳ Sea Games 23, được HLV Calisto gọi tập trung cùng Đội
Tuyển VN.
Có nhiều vui mừng nhưng cũng không hiếm lo âu từ phía người hâm mộ, kể
cả lo ngại phong độ cũng như thể lực của “thằng béo” giờ có còn được như xưa, nhưng dưới nhãn quan “phù Thủy” của mình HLV Calisto nói “Ở chàng tiền đạo này vẫn còn nhiều chất tố chưa khai thác hết”.
Bên cạnh sự trở lại Đội Tuyển VN lần này ngoài Văn Quyến còn có Văn Trương và nhiều tên tuổi khác từng “trót tay nhúng chàm”, khiến có một hàng tít nơi trang mạng rằng “Đời
người có mấy ai không một lần mắc lầm lỗi. Điều quan trọng là khi mắc
lỗi biết nhận ra và làm lại, đó mới là bản lĩnh. Xét theo nhiều nghĩa,
ĐT VN tập trung lần này đúng là đội bóng có nhiều”tay chơi””.
Theo thống kê của wedsite Người Lao Động
online (cho đến 19 giờ ngày 7/9/2010) thì số người đồng tình là 106
(49%), số người không đồng tình là 64 (28%), và số người trung dung là
50 (23%). Như vậy cái tên Phạm Văn Quyến - người Phật tử Nguyên Phúc của
chúng ta, vẫn giữ được lòng tin và sự yêu mến không nhỏ từ người hâm
mộ.
Nhưng những vấn đề vừa nêu không phải là
chủ đích của bài viết này; dù Văn Quyến có còn phong độ hay Đội Tuyển
VN có đạt thành tích cao với sự có mặt của Văn Quyến hay không, thậm chí
có thể bị HLV Calisto loại nay mai v.v... Điều chúng ta lưu tâm hơn hết
vẫn là nhân sự việc này, đánh giá cao bản chất hiếu thuận trước sau như
một của chàng tiền đạo này, và cũng chính nhờ sự hiếu để ấy mà Văn
Quyến đến với Phật và trở thành một Phật tử rất thuận duyên .
Từ một ngôi sao lầm lạc
Sinh ra và lớn lên từ một vùng quê nghèo khó, Đội 3, Xã Hưng Tiến, Huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. ”Nó khổ từ nhỏ. Một tuổi rưỡi vắng cha, mẹ đưa về Bà nuôi dưỡng cho đến lúc khôn lớn trưởng thành…” Bà Hồ Thị Điệp, ngoại của Quyến kể.
“Tuổi thơ nó khốn khổ lắm!” Ông
nguyễn Hồng Thanh -trưởng đoàn bóng đá tuyển U16 Việt Nam năm 2000- khi
nói với các phóng viên về việc phát hiện ra Quyến, đã thốt lên như vậy:
“Hoàn cảnh lắm, viết về cậu ấy là cả một chương dài. Nghèo khổ có,
bất hạnh có. Một mảnh đời bất hạnh trong nhiều mảnh đời cơ cực… Nó
sống thiếu tình thương của cha từ bé và chỉ có hai mẹ con với nhau mà
thôi…”. Có lẽ những yếu tố ấy đã khiến Quyến trở nên “rất lì” và ít
khi hòa đồng với chung quanh. Sau này, khi thành danh, mỗi khi cùng đội
tuyển VN thi đấu nước ngoài, Quyến nói “Tôi thường xuyên gọi điện
về nhà nói chuyện với mẹ và chỉ có mẹ mà thôi. Tôi không có bạn bè, anh
em thân thiện để chia sẻ nên cái gì cũng điện về nói với mẹ và nói rất
lâu. Thỉnh thoảng tôi cũng nhắn tin nhưng chỉ nhắn cho bạn gái và anh
Huy Hoàng ở đội SLNA thôi”.
Mẹ của Quyến, bà Hồ Thị Niềm quả quyết hơn: “Không
ai hiểu thằng Quyến bằng tôi đâu. Các thầy ở đội bóng cứ nói họ hiểu nó
nhưng thực chất chẵng ai hiểu nó cả. Nó chẵng có bạn bè tốt quanh mình
không phải vì tính nết khó gần mà vì không hiểu và đồng cảm với nó thì
nó không gần, không chơi”.
Những tháng ngày trong vòng lao lý, Quyến luôn nhớ mẹ và chỉ nói về mẹ: “Bố
mẹ em bỏ nhau 18 năm đến giờ. Đồng tiền em làm ra em đều lo toan cho
mẹ, em phải đền đáp công ơn của mẹ, để xảy ra cái ngày này người em nghĩ
đến là mẹ…(khóc)…Mỗi lần nghĩ đến em lại sợ mẹ ốm nặng, mẹ là người gần
gũi em nhiều nhất… Em thật sự xin lỗi mẹ và Liên Đoàn Bóng Đá VN cũng
như người hâm mộ… em muốn xin lỗi tất cả mọi người, xin lỗi mẹ”.
Mẹ của Quyến trong những tháng ngày ấy còn đau xót hơn cho đứa con trai duy nhất của mình: “Nó
sống bằng đôi chân. Không được đá bóng nữa thì mai mốt làm chi để kiếm
sống đây, chú ơi!... Nó là đứa chịu khó, chịu khổ. Tôi tin nó sẽ không
sa ngã thêm một lần nào nữa. Nguyện vọng tha thiết của tôi là mong các
cơ quan chức năng và ngưới hâm mộ rộng lòng tha thứ, cho Quyến có cơ hội
chuộc lại lỗi lầm sai phạm. Nó còn trẻ quá mà, 21 tuổi đời!”.
Vâng! Mới 21 tuổi đời, cái tuổi mà
Ronaldo đã là nhà vô địch thế giới. Ở cái tuổi ấy, Pele, Maradona cũng
đã đăng quang với nhiều danh hiệu. Gần hơn hết là Nguyễn Hồng Sơn của
bóng đá VN. Tuổi mà Sơn lên ngôi vua phá lưới và bóng đá VN bắt đầu nhắc
đến một cái tên đi sâu vào lòng người. Nhưng với Quyến thì tuổi 21 lại
là tuổi mà Quyến đã có tất cả và cũng có thể là sẽ mất tất cả.
Đến về dưới Phật đài
Đó là chuyện buồn của Quyến 5 năm về
trước, sau đó không lâu, được xóa án sớm thới gian, cuộc đời của chàng
tiền đạo này bắt đầu đi vào nẽo đạo. Chúng ta hãy nghe chính Quyến tự sự
về giai đoạn này như sau:
“Trong những ngày tháng lăn lộn
chống đỡ để vươn lên từ cú sốc đau thương; Quyến đã lấy hết nghị lực,
đứng thẳng lên để làm lại từ đầu. Không biết đi về đâu và phải làm lại
như thế nào? khi những vết thương lòng còn chưa thật sự bình phục hẳn.
Và cuối cùng, Quyến đã quyết định đi về dưới Phật đài.
Như một ngọn gió lành dẫn đường,
đưa bước chân Quyến về miền cao nguyên Đà lạt, và rồi dừng bước tại chùa
Linh Phước. Từ nơi đây Quyến nhận ra được những cơn lốc vô thường từ
trước nay quanh quẩn bên mình mà những tưởng là chân thật. Quyến đã được
Quy Y Tam Bảo dưới sự truyền trao giới pháp của Thượng Tọa Thích Tâm Vị
làm Thầy Bổn Sư, và được đặt pháp danh là Nguyên Phúc.
Đây có lẽ là một bước ngoặt thật sự
quan trọng trong cuộc đời của Quyến được đón nhận ân phúc của chư Phật.
Như đứa con lưu lạc phương xa đã từ lâu, nay tìm gặp được gia đình, Bố
Mẹ mình.
Sau đó, trong thời gian vài ngày ở
lại chùa Linh Phước và chùa Linh Ẩn, Quyến đã được sống trong tình yêu
thương của Sư Phụ và huynh đệ; những ngày êm đềm và thanh thản nhất mà
bấy lâu nay Quyến chưa từng được trải qua. Có thể nói, không có một thứ
vật chất sang trọng cao quý nào bằng khoảng thời gian được ăn, được ngủ,
được tụng kinh, sám hối; được sống thanh thản trong thế giới tâm linh
sâu xa mầu nhiệm đến lạ thường này. Khung cảnh của ngôi chùa, sự ấm áp
bao trùm lên tất cả. Chắc chắn từ nơi đất Phật này Quyến sẽ trưởng thành
thật sự, không còn bị bất kỳ lực cản nào làm cho Quyến phải gục ngã
nữa. Bởi, nơi đây đã truyền trao cho Quyến một sức mạnh tâm linh nhưng
đầy trí tuệ và un đúc được tinh thần khí khái.
Sau này, khi trở lại cuộc sống đời
thường đầy bận rộn, nhưng sâu thẳm từ đáy lòng của Quyến, chùa Linh
Ẩn, Linh Phước sẽ mãi mãi là ngôi nhà thân thương nhất. Đó là chốn đi về
và là chổ dựa tinh thần cao quý nhất trên bước đường đời của Quyến.
Quyến nguyện với lòng rằng: vào
những dịp lễ tết hay mùa Vu Lan Báo Hiếu hằng năm cho dù có bận rộn trăm
công ngàn việc, Quyến sẽ về nơi đây, ngồi dưới mái chùa, để được sống
những ngày thanh thản nhất.
Có lẽ, không còn gì cao quý hơn,
đáng yêu hơn trong cuộc sống này nếu mình biết chọn cho mình một lối đi
về, mà lối đi ấy chính là tâm thanh bình nơi đất Phật…
Nguyên Phúc-Phạm Văn Quyến
Tâm sự trên đây của Quyến đăng trong nội
san BẠN SEN 01 Chùa linh Ẩn PL2552-2008. Được sự đồng ý của Thầy Thích
Hạnh Bảo tôi xin trích ra để làm dấu kết bài viết này.
DƯƠNG KINH THÀNH
-Bài viết dựa theo các trang báo và wedsite thể thao .
-“Văn Quyến Ngôi Sao lầm Lạc” NXB Kim Đồng 2006.