Chùa Bửu Minh

Trong năm vừa qua chúng tôi nhận cũng khá nhiều email từ quý Phật tử, chuyên trì niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà hỏi chúng tôi về sự khác biệt giữa câu Phật hiệu là A Di Đà và A Mi Đà, cũng như liên quan đến đề tài này. Được chúng tôi giải thích với một cách đơn giản nhất, nhưng gần đây lại có rất nhiều Phật tử lại gởi email về hỏi cũng liên quan đến vấn đề này.


Do đó mà chúng tôi quyết định viết ra bài này xem như là thư trả lời chung cho tất cả những Phật tử nào cũng có thắc mắc liên quan đến vấn đề, hy vọng sẽ giải đáp phần nào thắc mắc của quý Phật tử. Nếu giải đáp cho được trọn vẹn hầu giúp người thắc mắc được thỏa mãn thì cần phải có một người học Phật uyên bác và đạo đức và phải có nhận thức chơn thật mới có thể giải đáp được những thắc mắc. Chúng tôi thật hổ thẹn vì Phật pháp thì chỉ học được nhiêu đó và những gì học từ thầy đều trả cho thầy, dã lại không có chút nghiên cứu nào hay thông hiểu hết các thứ tiếng có liên quan đến giữa sự khác biệt của sự phiên âm cũng như dịch thuật của người xưa liên quan đến vấn đề.

Tuy nhiên chúng tôi cố gắng chỉ đề cập đến những vấn đề quan trọng mà người Phật tử chơn chánh chúng ta cần phải biết chớ không dám bảo là giải đáp cho ai cả, vì sự hiểu biết của chúng tôi còn rất hạng hẹp, không cho phép chúng tôi làm những chuyện quá quan trọng là giải đáp những thắc mắc mà quý Phật tử muốn hiểu tường tận. Nếu có chi sơ sót, kính mong quý vị niệm tình mà tha thứ cho. Cũng ngưỡng mong chư tôn túc từ bi thương xót cho chúng con mà chỉ bảo thêm để có tài liệu giúp quý phật tử tham cứu, để tránh gieo những lỗi lầm không đáng trên đường học Phật.

Kính thưa quý Phật tử,

Đạo Phật ở Việt Nam phần nhiều là chịu sự ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa và đã trải dài suốt một lịch sử dài của dân tộc, những bậc tiền bối cũng như Phật giáo đồ nói chung xưa nay đã quen xưng trì danh hiệu của Đức Phật A Di Đà là "Nam Mô A Di Đà Phật", và các Kinh điển nếu có danh hiệu Phật A Di Đà đều được dịch là  A Di Đà Phật chứ chúng tôi chưa từng nghe có một vị Hòa Thượng , Thượng Tọa đạo cao đức trọng nào dịch thành A Mi Đà Phật cả. Ngay cả bộ Kinh A Di Đà cũng được dịch là : "Phật Thuyết A Di Đà Kinh" chứ có ai dịch là Phật thuyếtt A Mi Đà Kinh" đâu?

Danh từ A Mi Đà chỉ xuất hiện mới ở đầu thập niên này hoặc đã có từ trước nhưng vì không ai dùng nên nay lại dùng lại, thì chúng tôi không được rõ. Vì ở đầu thập niên này chúng tôi được hân hạnh nghe được danh hiệu của Phật A Di Đà được đổi thành A Mi Đà Phật. Chúng tôi rất ngạc nhiên và cũng chẳng biết ai là tác giả đã dịch thành là A Mi Đà và dựa vào tài liệu gì thì chúng tôi hoàn toàn không có một chút ý kiến nào hết.

Có một số người khi trao đổi cho rằng không nên chấp danh từ chữ nghĩa, niệm danh hiệu nào cũng đều được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn. Nhìn vào thì trong rất đơn giản, đúng vậy nếu nói theo Duy Thức " Nhất thiết do tâm tạo" thì tất cả không ngoài cái tâm này. Nhưng điểm quan trọng ở đây là tâm của chúng ta chưa được hợp nhất, mà chúng ta đang trên đường học cách để hợp nhất, vì sao? Vì khi đã hợp nhất thì ngay cả một chữ cũng đều không có chớ có đâu là  A và B nữa. Khi chúng ta đã bước vào cửa giải thoát và đã khai ngộ thì một chữ bẻ đôi cũng không có vì tất cả đều là Phật A Di Đà, tất cả đều không có chỉ có một mà thôi. Khổ nỗi là chúng ta vẫn còn chưa khai ngộ và chưa hợp thành nhất được.

Ở đây chẳng phải là chấp vào hình tướng mà là quy cũ và đường lối đã có sẵn, mà chư tôn đại đức là những bậc tiền bối đã đi qua, chúng ta nay cải đổi đôi chút thì rõ ràng nó đã khác với quy cũ và đường lối của chư đại tổ sư đã từng trải. Nếu nghĩ kỷ lại vấn đề, thì vấn đề này rất quan trọng không đơn giản chút nào hết. Do đó mà chúng tôi mới viết ra bài viết này. Nếu không thì ai làm sao thì tùy theo cách riêng của mình thì đều được cả.

Nếu chúng ta hiện giờ đổi A Di Đà thành A Mi Đà không phải là chúng ta tự tuyên bố là chúng ta còn hay hơn những bậc tiền bối hay sao, chúng ta hãy tìm xem những bậc cao tăng thạc đức và nói riêng cho những người hành theo Tịnh Độ và gây cả những tín đồ tại gia, những vị đó đã chuyên tu pháp môn Tịnh Độ và chuyên trì danh hiệu là Nam Mô A Di Đà Phật và đã được kết quả bao nhiêu chớ đâu phải là sai mà phải cải đổi danh hiệu của Phật A Di Đà thành A Mi Đà mới là đúng, nhưng nếu chấp nhận rằng chữ nào cũng đúng vậy thì cần chi phải đổi thành hay thêm vào chữ A Mi Đà? Không phải tự sanh ra thêm chuyện và gây hoang mang cho người Phật tử cũng như người mới vào đạo hay sao?

Còn nếu nói chữ A Di Đà phiên âm không đúng, vậy thì là một chuyện lớn rồi. Vì sao? Vì tất cả Kinh điển đều được dịch là A Di Đà và những bậc tiền bối đã từng trì danh hiệu mà được vãng sanh, vậy thì nó sai ở chỗ nào? Do đó, mà câu A Mi Đà không hợp lệ và không thích đáng cũng như không nên duy trì và phổ biến rộng rãi trong Phật giáo nói chung và Pháp môn Niệm Phật nói riêng.

Trong Phật giáo đã có rất nhiều thay đổi mà đều ứng nghiệm với dự ngôn của Đức Phật Thích Ca, chúng ta là người con Phật chơn chánh thì phải biết tránh và phải làm tốt tận hết khả năng của mình, để giúp mọi gnười sớm được giải thoát qua giáo lý của Phật Đà, chứ đừng gây thêm phiền toái và làm chao động lòng tin của người khác đối với Phật giáo. Lúc trước thầy Nhất Hạnh tuyên bố Chữ Phật Đà là đã  phiên âm sai từ chữ Phạn là Buddha mà phải phiên âm thành chữ Bụt mới đúng, nhưng thử hỏi từ ngàn xưa đã có bao nhiêu bậc cao tăng phiên âm thành chữ Bụt bao giờ?

Chúng tôi thật sự chẳng biết các bậc Thiền Tăng đức cao đạo trọng sao lại dịch chữ Buddha thành chữ Phật Đà thì hoàn toàn không rõ, nhưng nó đã theo truyền thống và đã quen thuộc đối với tất cả mọi người, bao gồm tín đồ của Phật giáo và người chưa phải là tín đồ của Phật Giáo đều biết khi nói đến đạo Phật thì họ hiểu ngay là nói đến Phật giáo. Còn đối với chữ Bụt e rằng sẽ gây thắc mắc đến nhiều người thêm thôi. Còn nữa, đã bảo chữ Bụt phiên âm mới đúng thì tất cả đều phải dùng chữ Bụt thay thế cho chữ Phật Đà chứ đâu thể có lúc thì dùng Bụt còn có lúc thì dùng Phật, cũng như Phật giáo bảo là phiên âm sai thì phải gọi là Bụt giáo, như vậy mới đúng hơn.

Nếu nói theo phiên âm của tiếng Phạn thì không thể phiên âm trại thành Bụt được, mà phải phiên âm thành BU ĐÀ (Buddha) người tây phương cũng giữ nguyên chữ Phạn mà gọi Phật là Bu Đà, chớ không hề gọi là Enlightenment hay awake.

Có người nói Ngài Khuy Cơ Pháp Sư cũng nhận định giống như vậy, nhưng chúng ta hãy xem trong các tác phẩm nổi bậc của Ngài có bao giờ dùng danh từ là Bụt để thay thế cho đức Phật đâu? Trong bộ Kinh Pháp Hoa Huyền Tán và những bộ Duy Thức Học của Ngài cũng không có. Nếu quả thật Ngài Pháp Sư Khuy Cơ cũng nhận định là Phật giáo Trung Hoa đã phiên âm sai Phật Đà từ chữ Buddha thì Ngài phải sử dụng danh từ Bụt theo ý của Ngài trong những tác phẩm của mình mới hợp lý, còn nếu như Ngài nhận định như vậy nhưng không thể thay đổi được vì danh từ Phật Đà đã đi sâu vào lòng của đại chúng thì không thể thay đổi. Vậy thì chúng ta bây giờ sao lại muốn thay đổi?

Trở lại vấn đề, thì chữ A Di Đà là phiên âm của tiếng Phạn của chữ Amitahba mà người Trung Hoa dịch nghĩa là Vô Lượng Thọ, trong đó chữ A là Vô, Chữ Di Đà là Lượng định nghĩa này đã đi vào từ điển của Phật giáo, nếu nay sửa lại là A Mi Đà vậy thì sẽ ra sao?

Có phải câu A Mi Đà là phiên âm của từ tiếng Phạn là Amitahba hay là được phiên âm từ tiếng Phổ Thông là A MI TUO FUO, nếu bảo là phiên âm một trong hai cũng đều sai, vì sao? Vì nếu phiên âm theo tiếng Phạn thì phải đọc âm trại như thế này là, " A MI THÀ BÀ" còn tiếng Phổ Thông thì phải là " A MI THÒ PHÒ" mới chính xác, chứ sao lại âm trại thành A Mi Đà, âm trại này được đọc từ câu nào và dựa vào chữ nào hay tài liệu nào mà thành chữ A Mi Đà?

Quy cũ và cách dịch thuật của các bậc tiền bối đã dịch và những tác phẩm và dịch thuật của các Ngài đã phổ cập đến quần chúng cũng qua câu Phật hiệu là A Di Đà chứ đâu phải là A Mi Đà, nếu chúng ta niệm là A Mi Đà thay cho câu A Di Đà mà nó đã thấm sâu vào lòng của tín đồ Phật giáo, chỉ gây thêm sự hoang mang cho họ chớ không có lợi ích gì. Chúng ta không thể nói chỉ là danh từ không nên chấp vào, tuy là nói như vậy, nhưng chúng ta vẫn chưa bước xuống thuyền, chúng ta vẫn còn đang trên thuyền, chưa xuống thuyền mà chúng ta vội bỏ thuyền sao? Không sợ sẽ bị lọt xuống biển bị cá mập rỉa thây mình sao chứ.

Người Phật tử chơn chánh phải có cái nhìn thấu suốt, phân tách cho thật kỷ cái đúng và sai, cái tốt và xấu, cái nên theo và khônng nên ùa theo một số người nào đó, nếu không thì chúng ta không hề có một chút sự làm chủ của sự phân đoán của chúng ta, mà chỉ là nghe theo và hành theo một số người thôi. Như vậy khi nào mới bước vào ngôi nhà thanh tịnh của chính mình. Phật đã từng dạy các bậc tỳ kheo của Ngài, trừ khi nào người đó đã thật sự chứng được quả vị A La Hán thì mới có thể tự tin mình, nếu không thì đều phải nương vào phương tiện độ sinh của Ngài, cùng trao đổi với các bậc thiện tri thức. Trên đường học đạo có được thiện tri thức chỉ giúp thì quả thật là một điều rất cần thiết và giúp ích cho chúng ta, nhưng đó chẳng phải là tuyệt đối phải nên biết sự dụng công chơn chánh mới là sự bảo đảm và an toàn cho lộ trình của chúng ta đi, như người uống nước tự mình biết, lấy giới luật và quy cũ, lời dạy của Phật ra xem chúng ta có hợp không, nếu không thì phải cải cách đi và sửa đổi lại, còn thiện tri thức cũng chỉ là người khuyến tấn và nhắc nhở cho chúng ta thôi. Sự giải thoát chơn chánh không thể có nếu tự bản thân của mình không dụng công chơn chánh. Đói mà chỉ biềt nói đến thức ăn ngon mà không ăn thì cũng sẽ không hết đói được.

Có người bảo vậy thì tại sao Hòa Thượng Thích Trí Tịnh cũng niệm là A Mi Đà, điều này quý Phật tử nên trực tiếp mà thỉnh vấn với Hòa Thượng, còn chúng tôi thì không được rõ, nhưng chúng tôi cũng tin chắc là Hòa Thượng cũng chỉ mới niệm là A Mi Đà mới đây thôi, nếu không trong các dịch thuật của Ngài không dịch là A Di Đà đúng không?

Chúng ta muốn thay đổi thì phải biết hệ quả của nó sẽ như thế nào hãy quyết định. Chữ A Di Đà đã được các bậc tiền bối ở quá khứ đã sử dụng và kết quả dụng công chơn chánh của các Ngài đều đượv viên mãn là đều được vãng sanh, nay lại xuất hiện một danh từ mới A Mi Đà, thì thật là mới mẻ cho người học Phật nói chung.

Người vào đại học tuy nhiều nhưng cũng có người đậu và rớt, không thể thấy họ ngồi hàng ghế của bậc đại học rồi bảo rằng là xong chuyện. Sinh viên đại học được ngồi ở ghế đại học chẳng phải tuyên bố là mình đã đậu bằng Cử Nhân, nếu không siêng học thì có thể ngồi lại để học tiếp. Người học Phật chúng ta cũng vậy thôi, có đến được bến bờ bên kia hay không là hoàn toàn vào sự dụng công chơn chánh của chúng ta chứ không phải là từ người khác được.

Không chỉ có những danh từ mới mẻ này thôi đâu, mà ở tương lai sẽ xuất hiện rất nhiều danh từ lạ kỳ và thời đại này qua thời đại khác năm tháng trôi qua, Phật giáo đều biến dạng không còn là Phật giáo nữa, đây là thời kỳ hủy diệt của Phật Pháp, mà người thay đổi này không là ai hết mà chính là tín đồ của Phật giáo. Phật giáo một ngày nào đó sẽ tự hủy diệt trong tay của tín đồ của Phât giáo, đây cũng chỉ là thời gian mà thôi. Nhưng may thay chúng ta vẫn chưa ở vào thời kỳ đó, nên cố gắng mà làm hết mình và làm với khả năng của mình để lợi ích cho mọi người, hầu đền đáp được phần nào của chư Phật và cha mẹ đã ban cho chúng ta cái thân tứ đại này để mà học Phật pháp.

Không cần biết là có bao nhiêu người thực hành hay làm theo, chúng ta cũng không nên chú ý và làm theo họ, lịch sử Phật giáo đã có hơn 2500 năm chứ chẳng phải là mới xuất hiện, các bậc tiền bối và chư đại lịch tổ sư đã đi qua và đều được viên mãn mới để lại cho chúng ta một kho tàng bất hữu như thế này, vậy thì uy tín và đức cao đạo trọng của các Ngài không xứng đáng để chúng ta lấy làm kim chỉ nam để tiến bước trên đường học đạo của mình bằng những người hiện nay sao.

Đức Phật đã từng dạy mười điều tin chơn chánh như sau:

 

01. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.

02. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.

03. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.

04. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong sách vở hay kinh điển.

05. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó lý luận siêu hình.

06. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.

07. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.

08. Chớ vội tin điều gì, khi điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.

09. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.

10. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.

Trong thời mạt pháp, đạo yếu ma cường, chúng ta phải phát lòng tin chơn chánh và dụng công chơn thật thì mới mong có thể giải thoát ở cõi đời này, nếu không thì sự giải thoát của chúng ta cũng chưa được bảo đảm. Vì đâu đâu cũng thấy là Phật sự, nhưng chúng ta không nhìn thấy và phân biệt được thì sẽ vô tình tạo thêm chướng duyên cho chính bản thân mà cứ luôn nghĩ rằng đó là đang làm Phật sự. Đại Sư Đế Nhàn đã từng dạy cho chúng ta một cách nhận thức chơn thật để không rơi vào sự vô tình cùng chung lãnh nghiệp báo khi quả đã chính mùi mới biết rằng là việc làm xưa nay của chúng ta làm đều không hợp với chủ tương của đạo Phật. Tín đồ của Phật giáo quý trí tuệ chứ không cuồng tín. Phật cũng đã từng dạy: Tin ta mà không hiểu ta là phỉ bán ta.

Chúng tôi thiết nghĩ không có một lý do gì để mà đổi câu Phật hiệu A Di Đà Phật thành A Mi Đà Phật cả, nếu chẳng có lý do gì, vậy thì chúng ta còn muốn thay đổi và hành theo người khác để làm gì? Nếu quả thật bảo và minh chứng rằng câu Phật hiệu A Di Đà Phật là sai cần phải thay đổi, nhưng không ai dám bảo rằng là sai cả, vậy thì cần chi phải gây thêm phiền toái và gây sự hoang mang cho người chuyên trì danh hiệu của đức Từ Phụ A Di Đà Phật từ lâu nay.

Do đó, quý Phật tử cứ yên tâm mà trì danh hiệu của Phật A Di Đà mà lịch sử đã có là A Di Đà Phật, còn ai muốn thay đổi thì quyền của họ, chúng ta không nên theo và cũng đừng trì theo họ là A Mi Đà Phật. Phải luôn nhớ rằng chúng ta còn trên đường đi học, còn trên thuyền chớ chưa tốt nghiệp và cũng chưa rời khỏi thuyền phương tiện thì đừng bao giờ bảo là sao cũng được, không chấp vào danh từ  v.v......

Khi làm bất cứ việc gì đến mục đích chúng ta mới xả bỏ những phương tiện mà chúng ta sử dụng, như khi đi qua sông phải cần đò để qua, nhưng khi đã qua rồi thì đò cũng không cần nữa, vì sẽ làm chướng ngại cho tiến bước của chúng ta.

Những gì chúng tôi nói trên đây, cũng chỉ là những sự hiểu biết hạng hẹp của chúng tôi chỉ là sự trao đổi với quý Phật tử chứ chẳng phải là tuyệt đối, nếu có chi sơ sót kính mong chư vị hoan hỷ và niệm tình tha thứ bỏ qua cho.

Kính chúc chư Phật tử xa gần được dồi dào sức khỏe, tinh tấn trên bước đường Phật sự. 

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô A Di Đà Như Lai - Ứng Cúng - Chánh Biến Tri - Minh Hạnh Túc - Thiện Thệ - Thế Gian Giải - Vô Thượng Sĩ - Điều Ngự Trượng Phu - Thiên Nhân Sư - Phật - Thế Tôn!

Kính thư

Tịnh Quang

 

Nguon: http://www.tangthuphathoc.net/tinhdo/niemadidaphathayamidaphat.htm


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage