Chùa Bửu Minh

Đây là một hình thức, tuy có vẻ mới, nhưng thật ra chỉ là việc thừa tiếp truyền thống cúng dường ánh sáng lên Tam Bảo trong Phật giáo.


Chúng ta đều nhớ Phật thoại, một bà lão mua dầu thắp đèn cúng Phật. Do lòng thành, ánh đèn của bà không tắt.

Ngày tết, việc trang trí sân chùa, vườn chùa bằng lồng đèn là điều rất cần thiết. Ánh sáng sẽ làm ngôi Tam bảo thêm rực rỡ, huy hoàng, tạo điểm nhấn ngày tết, góp phần Phật giáo hóa ngày tết.

Có chùa treo lồng đèn, giăng cờ Phật giáo từ đầu hẻm vào chùa, hàng mấy trăm mét.

Nhưng có chùa chỉ treo vài lồng đèn nhỏ. Do thiếu thiếu công quả hay thiếu kinh phí?

Chúng tôi đề xuất phương án dưới đây, vận động doanh nghiệp thiện tín, thí chủ Phật giáo cúng dường kinh phí và đảm nhận việc treo mắc lồng đèn cúng dường ánh sáng lên Tam Bảo.

Ở Bình Dương, trong ngày lễ vía chùa Bà tháng giêng (đúng ra là miếu Bà Thiên Hậu), các đại gia thí chủ đấu giá để phụng cúng các lồng đèn để tôn trí tại chùa Bà và rước trong lễ kiệu Bà. Người đạt được quyền đứng ra phụng cúng rất vinh dự, thể hiện sự thành đạt kinh doanh trong năm, được khách thập phương và giới kinh doanh kính nể.

Tuy nhiên, vinh dự đạt được còn có tác dụng quảng bá hình ảnh vị đại gia đó trong hoạt kinh doanh, tạo thuận lợi cho việc làm ăn.

Ngoài ra, người đứng đầu việc phụng cúng lồng đèn còn tự tin hơn trong việc làm ăn vì mình là người may mắn đạt được vị trí đứng ra phụng cúng lồng đèn.

Đó cũng là một hình thức gây quỹ của ban quản trị cơ sở thờ tự, được sự đồng thuận và tự nguyện cao.

Hoạt động này có lợi ích nhiều mặt, nên chăng có thể ứng dụng vào Phật giáo chúng ta, gây quỹ thắp sáng lồng đèn ngày tết cúng dường Tam bảo, phục vụ khách lễ chùa, góp phần đưa chùa thành một điểm sáng ngày tết.

Đề xuất kế hoạch cụ thể như sau:

Tết và lễ hội tháng giêng là thời dịp khách thập phương lễ chùa đông đảo. Đây là dịp các doanh nghiệp, tiểu thương, qua hình thức cúng dường trang trí lồng đèn mặt tiền chùa, sân chùa, vườn chùa có thể vừa được phần công đức, vừa quảng bá thương hiệu, địa chỉ kinh doanh của mình.

Trước tết, nhà chùa gửi thư đến các doanh nghiệp tiểu thương đề nghị đảm nhận việc cúng dường lồng đèn, chi phí treo mắc và điện thắp sáng tại chùa từ giáp tết đến hết lễ hội tháng giêng. Lồng đèn theo mẫu 2 bên thống nhất. Thí chủ phát tâm được ghi rõ tên người, tên đơn vị hay thương hiệu hiến cúng, có thể có địa chỉ, số điện thoại, nhưng không được thể hiện các nội dung quảng cáo chi tiết.

Nếu có nhiều doanh nghiệp đăng ký phát tâm cúng dường, thì phân chia khu vực với những kiểu lồng đèn đặc trưng khác nhau.

Nếu có Phật tử muốn hiến cúng ánh sáng Tam Bảo qua việc chi phí lồng đèn cho tự viện ngày tết và lễ hội tháng giêng thì vẫn có thể chấp nhận, theo hình thức dán tên dưới lồng đèn, thí dụ Gia đình Phật tử X cúng dường cầu an.

Như thế, nhà chùa không phải tốn chi phí mà ngôi tam bảo vẫn rực rỡ ánh sáng trong ngày tết và lễ hội tháng giêng, Phật tử thí chủ thì hoan hỷ vì phước báu rõ ràng được ghi nhận cụ thể.

Nhưng, sẽ có câu hỏi, làm như thế có là đưa quảng cáo vào chùa, thương mại hóa cửa chùa hay không?

Suy nghĩ riêng của chúng tôi như sau:

1. Việc đơn vị, tổ chức, cá nhân cúng dường một vật phẩm gì đó, và ghi rõ tên đơn vị (doanh nghiệp, công ty) hay cá nhân (gồm thông tin xuất xứ) để cầu phúc là điều hợp lý, đúng với tinh thần phục nguyện công đức của đạo Phật.

Vào nhà chùa, chúng ta vẫn thấy ghế đá do doanh  nghiệp, cá nhân cúng dường ghi rõ thông tin về người và đơn vị phát tâm. Nếu làm điều đó ở lồng đèn, thì cũng là phương thức tương tự, hoàn toàn có thể chia sẻ.

2. Nếu quảng cáo trong chùa, mà quảng dưới hình thức thích hợp, vừa góp phần công đức phục vụ khách thập phương, đưa lại lợi ích vật chất cho người phát tâm song song với lợi ích tâm linh (hoan hỷ vì phước báu), thì đều co thể chấp nhận.

Thí dụ, một đơn vị kinh doanh cây cảnh cúng dường một vườn lan nhỏ, và đặt một bảng ghi rõ doanh nghiệp cúng dường, thông tin về các giống lan đã cúng… thì đó là hình thức thích hợp. Trên các tờ báo Phật giáo cũng có quảng cáo quán chay, nhà sách Phật giáo…, thì cũng là hình thức phù hợp trong không gian hay hoạt động Phật giáo.

Xét ra, ghi tên đơn vị cá nhân ở vị trí thích hợp trên lồng đèn cúng dường cầu an đầu năm vẫn là hay hơn nhiều dán tên cầu an lên chuông, làm nham nhở, mất thẩm mỹ quả chuông.

Cần phân biệt rõ lồng đèn công đức (cúng dường lồng đèn và ghi tên đơn vị cá nhân phát tâm) với hình thức cho thầu quảng cáo bằng lồng đèn trong không gian chùa. Tất nhiên, với tinh thần Phật giáo, Phật giáo chúng ta chỉ chấp nhận hình thức lồng đèn công đức có ghi tên đơn vị, cá nhân phát tâm. Yếu tố quảng cáo nếu có, thì cũng hợp lý, trên tinh thần kinh phí xã hội hóa, không phải chạy theo quảng cáo.

Khuyến khích thiện tín cúng dường Tam bảo dưới mọi hình thức, đồng thời phục nguyện công đức cho phía cúng dường với hình thức thích hợp hoàn toàn phù hợp với tinh thần Phật giáo.

Vì vậy, mong rằng lồng đèn công đức sẽ lung linh, bừng sáng chùa chiền trong dịp tết đến xuân về, tạo niềm hoan hỷ và lợi ích chung.

MT


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage