Chùa Bửu Minh

Người Việt xưa vẫn có câu Nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng”, nghĩa là sự quý giá, ý nghĩa tinh thần và sức mạnh của các con vật tiêu biểu được xếp theo thứ tự trên.

Câu nói tượng trưng ấy còn vì những nguyên nhân sâu xa khác nữa, nhưng đối với đồng bào các dân tộc ở Đắc Lắc, từ xưa cho đến nay chỉ có một loài vật tượng trưng cho quyền uy, sức mạnh vật chất và tinh thần của mỗi dân tộc, mỗi buôn làng hay mọi người, đó là loài voi.

Voi có mặt trong chiến đấu và sản xuất, voi là hiện thân của sức mạnh và sự giàu có của các vị tù trưởng xưa, được lưu truyền trong những bản trường ca đặc biệt và lưu truyền cho tới bây giờ. Hình tượng con voi được ghi trong trống đồng Tây Nguyên, trên cột lớn nhà dài hay tượng nhà mồ của các gia đình có thế lực. Trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, voi đã lập nên nhiều công lao và hiện nay tuy tuổi đã cao, nhiều voi vẫn đang cống hiến sức mạnh và lòng tận tụy của mình trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Đến hôm nay, voi vẫn là con vật quý nhất của người dân Đắc Lắc, được bà con yêu mến như với người ruột thịt trong gia đình. Một khi voi ốm hay biếng ăn, chủ nhà lập tức mời thày cúng và tổ chức việc cúng tế cho voi mau lành bệnh…

Điều khiển voi có khó không?

Loài voi đặc biệt nhạy cảm về thính giác, bởi vậy voi rất sợ kiến hay những côn trùng nhỏ chui vào tai. Chỉ huy voi tuy có nhiều dụng cụ và động tác điều khiển nhưng những tín hiệu bằng âm thanh của quản tượng (nài) vẫn là quan trọng nhất. Không có hệ thống âm thanh nào là cố định cả, tùy mối quan hệ của quản tượng và chú voi của mình mà hình thành các tín hiệu, con voi sẽ giải mã” và ứng xử theo ý chủ. Voi tuy to lớn và cồng kềnh là thế nhưng rất khéo léo. Chưa nói đến sự tháo vát bằng chiếc vòi của mình, voi vượt rừng băng dốc rất giỏi, trong đường chạy biết ép đối thủ khi vào cua, biết cúi đầu, cụp tai để tạo dáng khí động học khi chạy… Nhìn chú voi đơn độc bươn rừng, ta sẽ thấy nét kỳ thú của hiện tượng cộng sinh nơi đại ngàn, nhìn con voi mang trên lưng hai quản tượng trên đường đua ta lại thấy thêm vẻ hùng vĩ của thiên nhiên dưới bàn tay chế ngự của con người.

Trên cỗ bành, người ngồi thấy dễ chịu song cưỡi trần trong tư thế đua voi (cũng là cách phổ thông nhất của đồng bào), lại phải tập luyện công phu lắm. Bởi voi đi và chạy theo bốn nhịp, tựa như nước băm” của ngựa mà không là nước kiệu” hay nước đại” nên rất sóc, nhất là quản tượng thứ nhất ngồi ngay trên vai trước, người thứ hai ngồi trên xương chậu phía sau, điểm tựa duy nhất là tay trái nắm chặt đuôi voi. Và cũng khá nguy hiểm những khi voi bắt đầu tăng tốc, nghiêng mình vào cua và trong thời gian đua, hai quản tượng phải làm việc liên tục. Người ngồi trước miệng thét, tay dùng một chiếc gậy ngắn tựa như cây giáo nhỏ và ra lệnh bằng cách đâm nhẹ xuống đầu voi còn người ngồi sau cầm chiếc búa bằng gỗ đập liên tiếp vào hai mông nó. Cho nên nếu không có sức khỏe và lòng dũng cảm, sự khéo léo thì cưỡi voi cũng khó, nói gì đến đua voi!

Cuộc chạy marathon mùa xuân

Muốn tăng số lượng đàn voi, ngoài việc trông chờ voi nhà đẻ con (thường rất lâu mới có), đồng bào phải tổ chức săn bắt voi. Ở Đắc Lắc trước đây từng có những dòng họ chuyên nghề săn bắt voi, cha truyền con nối. Cụ ông M’Hia, người M’nông, đã 98 tuổi và người giữ kỷ lục về bắt voi: 203 con; ông Y Deh 86 tuổi, người Ê Đê ở buôn Đôn cũng có thành tích bắt đến 66 con. Đã có những người nào viết rằng người ta đi săn những chú voi to tướng (!) về luyện mấy tháng để trở thành voi chiến hoặc phục vụ sản xuất, thực tế làm gì có chuyện đó! Chúng ta đã gặp ông Y Deh, đúng vào dịp tại Đắc Lắc diễn ra lễ kỷ niệm 10 năm giải phóng Tây Nguyên (10-3-1975/ 10-3-1985), trong đó có cuộc đua voi đầu tiên trên sân vận động Buôn Ma Thuột, khi đó người viết bài này có may mắn là người cầm micro để điều hành 52 thớt voi tham gia đua tài. Câu chuyện thật lý thú.

… Mùa xuân cũng là mùa đi săn bắt voi. Muốn thế, trước tiên phải có trong tay một đàn voi chiến, thường là bảy con trở lên. Đàn voi này lại phải có một voi đầu đàn rất thiện chiến, có khả năng đánh nhau với voi rừng. Sau lễ cúng cầu may, người ta đem đàn voi này lên đường vào rừng tìm kẻ địch”.

Về nguyên tắc, đi săn voi nếu gặp địch” nói chung là sẽ chiến thắng vì còn có con người và vũ khí trợ lực, trừ khi gặp địch” quá đông hoặc bên kia có hai voi ngang sức đang chuẩn bị tách đàn. Trận đấu giữa hai voi đầu đàn thường rất lâu, thậm chí kéo dài tới vài ngày cho nên con người phải can thiệp để rút ngắn thời gian. Chính người em trai ông Y Deh, năm 1972 tại Ea Sup đã bị voi đâm chết khi vội vàng can thiệp. Cuộc chạy marathon bắt đầu vào lúc mà tên đầu đàn bên kia bị thua, cả đàn cùng chạy. Lúc ấy, từ trên ngọn cây các quản tượng lao xuống như bay, ai nấy nhảy lên voi mình để truy kích. Cảnh tượng sẽ thật ác liệt và hấp dẫn, quân ta” rầm rập băng rừng đuổi theo, tiếng người hò hét và tiếng đàn chó săn kết hợp làm núi rừng rung chuyển, ít nhất cũng vài chục cây số mới có kết quả khi những con voi con của đối phương bị yếu sức và ngã xuống. Thế là thòng lọng (loại đặc biệt) và dây xích dài sẽ được sử dụng để bắt tù binh. Trận đánh lịch sử, khi ông Y Deh mới 15 tuổi, bắt được 4 tên tù binh” còn thông thường chỉ được một vài con là cùng. Khi ấy, đội trưởng đội săn voi sẽ cho cả đội về nhà ăn mừng chiến thắng, kèm theo chiến lợi phẩm để thuần hóa, luyện tập cả mấy năm mới dùng được. Có trận, cuộc marathon kéo dài gần trăm cây số mới bắt được tù binh. Không bao giờ bắt được tù binh lớn và cũng không bao giờ thuần phục huấn luyện nhanh chóng được những chú voi hoang dã. Chuyện kể của Y Deh và những người săn voi là như thế.

Thay lời kết

Tài sản sống” duy nhất của đồng bào dân tộc ở Đắc Lắc là con voi, tài sàn chết” có giá trị nhất là chiêng, ché. Chiêng quý dùng để tấu trong mọi lễ lạt, trong đó có lễ bắt được voi; ché quý đựng rượu cần để uống trong lễ mừng nói trên. Những chú voi già, lão luyện trận mạc cũng ưa nghe hòa tấu chiêng, nhất là bộ chiêng Lào do chất liệu có pha cả vàng, đồng đen và chì nên âm thanh vang xa và ngân nga thánh thót. Nhưng voi già thính lắm, trước lúc tấu chiêng mà có 9 tiếng trống cái vang lên dõng dạc tức là gia chú có việc tang lễ hay cúng bệnh, nó chẳng ngó ngàng gì. Nhưng khi có tiếng đối thoại của cặp vợ chồng” chiêng (M’du –Ana) vào nhịp so le mở đầu, nó phấn khởi lắm, liền vểnh đôi tai to tướng lên và dim mắt thưởng thức. Và khi ấy dù có là lá thơm hay chuối non cũng chẳng thể làm nó rời khỏi phía sau gian khách, nơi bộ chiêng đang gióng lên như thác đổ, ngân nga như gió thoảng để thổi vào không gian những âm thanh khỏe khoắn, ngợi ca vẻ đẹp và sức mạnh bất diệt của thiên nhiên và con người nơi cao nguyên hùng vĩ của Tổ quốc.


Theo Đại đoàn kết


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage