(TT&VH) - Trong cơn sốt “tố khổ” về nạn xâm hại di tích, thông
tin về việc chùa Phổ Giác (Hà Nội) được “phá đi xây lại” mau chóng trở
thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Thông tin từ Công ty Cổ phần Xây dựng và phục chế công trình văn hóa
(đơn vị thiết kế và thi công dự án này), nhiều thay đổi về bố cục mặt
bằng, công năng sử dụng, kết cấu kiến trúc... sẽ xuất hiện tại chùa Phổ
Giác sau khi trùng tu (dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2011). Sẽ có một
“Phổ Giác mới”Theo đó, một lượng lớn gỗ lim, gạch Bát Tràng giả cổ,
ngói mũi hài, đá xanh Thanh Hóa... được sử dụng trong ngôi chùa mới.
Ngoài hệ thống điện nước, cây xanh, đèn chiếu... được bố trí lại, các
hạng mục trong chùa cũng sẽ có sự thay đổi, chẳng hạn, nhà Tổ được thiết
kế 5 gian, nhà Mẫu được tách riêng không gian với các khu phụ, một số
chạm bít đốc, đầu đao, chấn song, hổ phù... trong tòa Tam bảo được chỉnh
sửa theo hoa văn mới.
Chùa Phổ Giác trước khi trùng tu Theo các tài liệu, chùa Phổ Giác
trước đây nằm ở phía Đông Hồ Gươm, được khởi công xây dựng vào những năm
1770. Năm 1876, để lấy đất xây dựng Ngân hàng Đông Dương, người Pháp
cho tháo dỡ ngôi chùa và dựng lại ở vị trí hiện nay thuộc phố Ngô Sĩ
Liên (Hà Nội). Nhận danh hiệu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm
1991, các di vật quan trọng nhất tại chùa là hệ thống gần 20 tượng Phật
cổ chạm khắc độc đáo, bia cổ Dương Võ khắc năm 1770 và cổng tam quan
bằng đá cổ. Được biết, dự án trùng tu di tích này có vốn đầu tư 16 tỷ
đồng từ phường Văn Miếu, UBND quận Đống Đa và nhà chùa. Triển khai từ
giữa tháng 11/2010, tới nay tòa Tam bảo và nhà Mẫu tại chùa đã được phá
bỏ hoàn toàn. Ngoại trừ cổng tam quan, 2 kiến trúc còn lại là nhà khách
và nhà Tổ cũng đang chuẩn bị được dỡ, khoảng diện tích 2.000m2 của chùa
được tạm dùng làm nơi tập kết vật liệu và bảo quản tượng Phật. Câu hỏi
đặt ra: tại sao một di tích lịch sử - văn hóa quốc gia như chùa Phổ Giác
lại được phá dỡ và xây mới, chứ không phải được trùng tu theo kiến trúc
hiện tồn? “Tam sao” thành “thất bản” Theo lý giải từ phía thiết kế, sau
lần “chuyển địa điểm”, chùa Phổ Giác lại tiếp tục được chỉnh sửa khá
nhiều lần bởi nhà chùa và địa phương, trong đó gần nhất là năm 1951. Qua
quãng thời gian gần 150 năm ấy, các hạng mục của chùa gần như không còn
chút gì nguyên gốc và được “vá” bởi rất nhiều vật liệu xây dựng hiện
đại. Khảo sát năm 2008 cho biết: toàn bộ các tòa Tam bảo, nhà Mẫu và nhà
Tổ đều lợp bằng ngói Tây và lát... gạch men, hầu hết các cột, kèo trong
chùa đều bố trí sai nguyên tắc của kiến trúc đình chùa truyền thống và
trong tình trạng mục ruỗng nghiêm trọng. Ngoài việc chịu cảnh ngập lụt
trong mùa mưa vì nền Tam bảo thấp hơn mặt đường, nhà Mẫu do xuống cấp
cũng sập vào tháng 4/2009...
Mặt bằng chùa Phổ Giác hiện đã được dỡ gần hết“Chỉ riêng các vì kèo
của chùa cũng có cả đống xi măng và sắt thép. Tôi và GS Phan Huy Lê đều
nhận định: kiến trúc hiện tại của chùa là kiến trúc rất muộn và có nhiều
điểm bất hợp lý trong quy hoạch. Bởi thế, Cục Di sản đồng tình với đề
xuất của UBND TP Hà Nội về việc trùng tu chùa Phổ Giác”- ông Nguyễn Thế
Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết. Khi được hỏi về lý do công
nhận chùa Phổ Giác là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1991, ông
Hùng giải thích: Những năm trước đây, để phục vụ nhu cầu bảo tồn và
tránh xâm hại,việc xét tặng di tích khá “mở”. Chẳng hạn, ở nhiều địa
phương, nếu di tích từ thời Lê, Nguyễn đã xuống cấp nặng nhưng vẫn giữ
được một số di vật cổ rất giá trị như tượng Phật, chuông, bia... thì
cũng có thể được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Bởi, chúng ta cần
kể tới cả yếu tố lịch sử nữa... Bề nổi của một câu hỏi rất khó trả lời
Phải chăng, trường hợp chùa Phổ Giác chỉ là bề nổi của một câu hỏi rất
khó trả lời: nên bảo tồn và phục dựng theo cách nào cho hợp lý đối với
những di tích lịch sử - văn hóa đã mất đi nhiều giá trị theo dòng thời
gian? Thực tế, giống như trường hợp của nhiều kiến trúc chùa cổ, chùa
Phổ Giác không có bản thiết kế, bản vẽ kỹ thuật và tư liệu đủ để xác
định kiến trúc “chuẩn” ban đầu. Hồ sơ của đơn vị thiết kế cũng chỉ ghi
chung chung rằng công trình sau khi hoàn thành sẽ có kiến trúc theo
“phong cách kiến trúc truyền thống” của các ngôi chùa Việt Nam, cụ thể
nếu xét theo niên đại được dựng của chùa Phổ Giác thì sẽ là mẫu kiến
trúc cuối Lê đầu Nguyễn...
Cúc Đường
Nguon: Thể thao & Văn hóa