Mới đây nhất, ngày thứ hai
15 tháng 4 năm 2012, có vụ khủng bố nổ bom tại cuộc chay đua ở Boston
(Boston Marathon) đã gây thiệt mạng cho 3 người và gây thương tích gần
ba trăm người khác (282). Rất nhiều người trong số bị thương đó đã bị
cưa một chân hoặc hai chân.
Đặc biệt ngày 25/4/2013 đài CNN đã
giới thiệu một nạn nhân là cô Heather Abbot, 35 tuổi, một cư dân của
tiểu bang Rhode Island, bị cưa mất một chân. Lý do cô đến thăm Boston là
để xem trận đấu Baseball của đội Red Sox Boston ngày hôm đó. Nhân tiện
cô đi xem cuộc chạy bộ. Trong số 3 người chết có cô Lü Lingzi, 23 tuổi
là sinh viên của Boston University đến từ Trung Hoa.
Tuy nhiên, ông Joe Berti, 43 tuổi), là trường hợp ngoại lệ đã
thoát khỏi hai vụ nổ bom ở Boston và hai ngày sau đó ở Waco, Texas. Ông
là một trong tám người từ Austin (Texas) đến Boston chạy đua để gây quỷ
cho hội từ thiện “Champions4Children” với mục đích cứu giúp những trẻ em
bị bệnh hiểm nghèo và gia đình họ. Chỉ vài giây sau khi ông đến điểm
cuối (finish line) thì ông nghe tiếng nổ kinh hoàng. Bà Amy Berti, vợ
ông ta, chờ ông ta bên lề đường ở finish line, chỉ cách vụ nổ vài thước,
nhưng may mắn không bị thương. Trong khi người đàn bà đứng kế bên Amy
thì bị chặt đứt hai chân mà mấy ngón tay. Thoát khỏi tại họa ở Boston,
ông trở về Texas để làm việc trở lại. Trên đường đến Dallas, ông phải
lái xe trên xa lộ 35 gần Waco thì đột nhiên ông nghe một tiếng nổ rất
lớn (ông kể giống như trái bom nguyên tử nổ). Một trái lửa rất lớn dội
ngược vào xe ông. May mắn thay ông không hề hấn gì.
Vào tháng ba, năm 2011, có trận động đất rất lớn lên đến 9.0
Richter scale, dọc theo bờ biển Tohoku phía Đông Bắc Nhật Bản. Trận động
đất kéo theo những đợt sóng thần cao đến 40.5 thước (133 ft), giết chết
trên 15,848 người, mất tích gần 6,011 người và tàn phá biết bao nhà
cửa…
Vậy nhà Phật giải thích hiện tượng này như thế nào?
Trong nhà Phật có hai loại nghiệp, đó là biệt nghiệp và cộng nghiệp.
1) Biệt nghiệp: Như thường lệ, cứ mỗi sáng ông A đi tản bộ
chung quanh khu phố nhà ông. Nhưng sáng nay vì sương mù dày đặc nên một
chiếc xe không thấy ông băng qua đường nên đụng làm ông chết tại chỗ.
Trường hợp cái chết của ông A là biệt nghiệp. Đối với biệt nghiệp thì
vấn đề trở nên đơn giản vì nghiệp ai đã gieo thì chỉ người ấy chịu,
nhưng trước một tai họa chung thì sự việc phức tạp hơn nhiều.
2) Cộng nghiệp: Thật ra không nhất thiết một nghiệp ác
đời này sẽ sinh ra quả báo ở đời sau mà Luật Nghiệp Báo đã sắp xếp quả
báo của mọi người một cách rõ ràng từ nhiều trăm năm về trước khiến họ
sống quay quần với nhau dọc theo bờ biển, hoặc có những người ở nước
khác thì nhân duyên cũng khiến họ đi du lịch đến những nơi nầy trong
thời điểm xảy ra tai họa.
Thật vậy, chính nghiệp lực đã thúc đẩy những người có quả báo giống nhau
tìm về ở chung một môi trường với nhau. Ví dụ có khoảng vài ngàn người
trong quá khứ tạo nghiệp ác ở rải rác khắp nơi trên thế giới mà quả báo
của họ khá giống nhau là phải chịu chôn vùi theo dòng nước. Nhưng nhân
duyên để họ quay quần về sống gần nhau cần phải một thời gian là vài
trăm năm sau, do đó khi chúng ta thấy trận động đất, sóng thần ở Nhật
Bản nước cuốn theo hàng ngàn người là có sự chuẩn bị nhiều trăm năm của
Luật Nghiệp Báo mà thôi. Chưa chắc là những nạn nhân nầy đã từng tạo
chung một nghiệp ác trong quá khứ. Có thể mỗi người tạo riêng cho mình
mỗi nghiệp ác nặng nhẹ khác nhau, nhưng tất cả đều chiêu thành một quả
báo giống nhau nên nghiệp duyên đã thúc đẩy họ cùng định cư chung quanh
bờ biển. Vì thế người nghiệp nặng thì chết, người nghiệp nhẹ hơn thì bị
gãy chân, gãy tay, hay chỉ bị xây xát.
Một hôm, đức Phật đang ngồi trên núi Linh Thứu thấy có nhiều đoàn tỳ
kheo đi thiền hành. Đoàn thứ nhất gồm một số Tỳ kheo đi theo tôn giả Xá
Lợi Phất, đoàn thứ hai đi theo tôn giả Mục Kiền Kiên, đoàn thứ ba đi
theo tôn giả Đại Ca Diếp, đoàn thứ tư đi theo tôn giả A Na Luật, đoàn
thứ năm đi theo tôn giả Ưu Bà Ly và đoàn thứ sáu đi theo sau Đề Bà Đạt
Đa. Khi đó đức Phật mới nói với các tỳ kheo đang ở bên cạnh rằng:
- Những Tỳ kheo cùng đi theo Xá Lợi Phất là những Tỳ kheo có trí tuệ
lớn. Những Tỳ kheo cùng đi với Mục Kiền Liên là những Tỳ kheo có đại
thần thông. Những tỳ kheo đi theo Đại Ca Diếp là những tỳ kheo thích tu
khổ hạnh đầu đà…Còn những tỳ kheo mà đi theo Đề Bà Đạt Đa là những tỳ
kheo có tâm ác dục.
Và đức Phật đã kết luận rằng:
- Ai cùng đi theo người nào là đã có cái nghiệp chung với người đó.
Những Tỳ kheo đi theo tôn giả Xá Lợi Phất có cái nghiệp chung, tức là
cộng nghiệp, với Ngài về trí tuệ. Những Tỳ kheo đi theo tôn giả Mục Kiền
Liên là có nghiệp chung với Ngài về thần thông… Cho tới các Tỳ kheo đi
theo Đề Bà Đạt Đa cùng có nghiệp chung về ác dục.
Ngày nay, chúng ta thấy cộng nghiệp hiển hiện rất thực tế và cụ thể.
Người thích cờ bạc chỉ muốn giao du với người chơi cờ bạc, còn kẻ ham
rượu chè thì lân cận ăn chơi với người uống rượu. Người thích đi chùa
tụng kinh niệm Phật thì kết bạn với người đi chùa tụng kinh niệm Phật.
Như vậy, cộng nghiệp đưa đẩy con người thân cận, kết bạn với nhau và
biệt nghiệp khiến chúng ta có dáng mạo, tánh tình, năng khiếu và trí tuệ
khác nhau.
Vậy Nghiệp có thể chuyển được chăng?
Con người từ trong quá khứ đã tạo biết bao Nghiệp Báo, mà cứ mỗi nghiệp
chính là một nét vẽ, một vết mực điểm tô dần dần để hoàn thành bức tranh
cho cuộc đời của họ ở đời sau. Một lời nói thiện vừa thốt ra thì lập
tức một niềm vui đã hình thành và ngược lại một hành vi ác vừa thực hiện
xong thì Luật Nghiệp Quả vô hình cũng lập tức kiến tạo một nỗi khổ để
sắp đặt cho họ phải thọ lãnh về sau. Do đó bao nhiêu hạnh phúc, khổ đau,
cay đắng hay vinh quang đều đã được hình thành xong từ kiếp trước. Như
vậy khi con người vừa mới kết tinh vào noãn bào của người mẹ thì hài nhi
đã cưu mang một định mệnh do chính nó tạo ra từ (kiếp) trước. Cái định
mệnh vô hình nầy sẽ quyết định mọi thưởng phạt cho cuộc đời của nó khi
nó lớn lên. Nhưng đây là một định mệnh không do thần linh áp đặt mà do
chính do con người tự tạo lấy cho mình. Vậy con người có thể thay đổi
được cái định mệnh nầy không? Hay là với những nghiệp đã hình thành, con
người bị sức mạnh của nghiệp (lực) cuốn trôi khó mà chống lại?
Để trả lời nghi vấn nầy, trong kinh A Hàm, đức Phật dạy rằng:
Người gây nhân bất thiện, dù đời trước hay sau, nếu họ biết tu tâm, tu
thân và tu giới thì quả sẽ đổi thay. Còn nếu người gây nhân bất thiện mà
không biết tu tâm, tu thân và tu giới thì gây nhân nào sẽ thọ quả nấy.
Đó là nhân nào quả nấy và nếu gây nhân mà biết chuyển nghiệp thì quả
cũng đổi thay.
Chính đức Phật đã cho chúng ta một nhận định rõ ràng về cuộc sống để
chúng ta không còn bận tâm về sự may rủi thành bại trong đời. Nhưng làm
thế nào để chuyển nghiệp?
Tâm hồn của chúng ta đã tích lũy biết bao khuynh hướng vị kỷ, tham lam,
thù hận, đố kỵ, hơn thua…từ bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp. Vì chúng nó là
Ý nghiệp của đời quá khứ nên đời hiện tại tất cả những khuynh hướng bất
thiện này thúc đẩy chúng ta tiếp tục tạo tác những hành vi bất thiện để
đưa chúng ta mãi mãi vào con đường tối tăm tội lỗi. Vậy muốn chuyển
nghiệp chúng ta phải cố gắng chuyển hóa nội tâm của mình trước đã, rồi
hành động và hoàn cảnh sẽ dần dần thay đổi theo sau.
Trong xã hội có nhiều người nhận thấy cuộc đời của họ không được may
mắn, khổ nhiều hơn vui và thường gặp cảnh trái ý nghịch lòng. Vì tin sâu
vào luật Nghiệp Quả nên họ công nhận rằng trong đời quá khứ họ ít làm
việc phước mà tạo quá nhiều nghiệp bất thiện. Vì khao khát muốn chuyển
nghiệp, họ đi chùa cầu nguyện sự gia bị của thần thánh. Họ cúng dường
một mà muốn hưởng phước đức tới mười. Họ cũng chịu khó làm những việc
thiện khác, nhưng nội tâm tham lam, ích kỷ vẫn còn nguyên vẹn. Đối với
họ thì làm việc thiện vì muốn quả báo tốt cho chính họ chứ không phải
tình thương chân thật đối với con người. Chính họ đã xây lâu đài phước
thiện trên bãi cát vì nó không xuất phát từ nội tâm thuần thiện nào cả.
Theo luật Nghiệp Quả thì dĩ nhiên đời sau họ sẽ gặp nhiều may mắn, nhưng
trong họ bản chất tham lam, ích kỷ vẫn còn và chính bản chất tham lam
ích kỷ này sẽ thúc đẩy họ làm các việc bất thiện khác.
Vậy tu tâm hay chuyển hóa nội tâm là cố gắng loại bỏ cho được lòng tham
lam, tính sân hận và tật si mê…Bản chất của con người là tham ăn, tham
uống, tham mặc, tham sống lâu, tham tiền, tham sắc, tham danh, tham lợi…
Ai đụng đến chút tự ái là nổi điên và hễ thấy vật đẹp, cao quý thì muốn
chiếm lấy. Đây là tâm trạng chung của con người vì tham, sân, si đã ăn
sâu vào trong tiềm thức của chúng ta từ bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp. Do
đó chuyển hóa nội tâm là phải can đảm từ bỏ dần dần cho được tánh tham,
tật đố để tâm được sáng suốt. Một khi tâm được sáng suốt thì thân khẩu ý
trở thành thanh tịnh và dĩ nhiên căn nghiệp sẽ chấm dứt.
Phật dạy tu thân là thân nầy không làm điều ác dù lớn hay nhỏ đều phải
tránh xa. Còn điều thiện thì phải cố gắng hoàn thành. Còn tu giới là
người Phật tử phải giữ tròn ngũ giới, đó là không được sát sanh, không
được trộm cướp, không được vọng ngữ, không được uống rượu và không được
tà dâm. Tuy nói tu tâm, tu thân và tu giới nhưng chủ yếu vẫn là tu tâm.
Nếu chúng sinh tu tâm được viên mãn thì mọi nghiệp chướng không còn do
đó nghiệp khổ sẽ chấm dứt và cuộc đời sẽ được an vui tự tai.
Đức Phật dạy nguyên nhân của mọi đau khổ là vô minh và ái dục, hay nói
một cách khác chính lòng tham lam, sân hận, si mê là nguồn gốc của mọi
tranh chấp, oan trái để rồi đem đến những sự lo âu sầu muộn và bất mãn.
Con đường chuyển hóa nội tâm thiết thực là chúng ta phải biết giữ mình
theo Giới, Định, Tuệ để có thể diệt trừ tham, sân, si thì đời sống sẽ
được tự tại bởi vì tham thì phá giới, sân phá định, còn si thì phá trí
tuệ.
Cứu cánh của đạo Phật là giúp chúng sinh giải thoát hoàn toàn và vĩnh
viễn khỏi khổ, bằng cách tuyệt trừ mọi phiền não mà phiền não căn bản
nhất chính là si mê hay còn gọi là vô minh. Muốn diệt trừ tận gốc vô
minh, con người phải phát triển trí tuệ vì chỉ có ánh sáng của trí tuệ
mới có đủ công năng xóa đi hết màn đêm bóng tối của si mê. Không phải hễ
con người có thân là phải khổ, nhưng khổ là tại vì chúng ta nhận định
sai lầm nhắm mắt chạy theo chủ kiến hay định kiến của mình.
Vì thế Chánh kiến giúp con người thấy biết đúng mà nhà Phật gọi là “Như
thị” và từ đó làm nền tảng để phát triển trí tuệ. Thật vậy, có thấy biết
đúng thì dòng tư tưởng mới trong sáng cho nên con người hãy suy tư
chính chắn vì tư tưởng sẽ biến thành lời nói. Hãy cẩn thận với lời nói
của mình vì lời nói, ví như mủi tên bắn đi rồi không lấy lại được, sẽ
biến thành hành động. Hãy hành xử cẩn thận những hành động của mình vì
hành động sẽ biến thành thói quen (tập khí). Và sau cùng, con người hãy
nhìn lại những thói quen của mình vì thói quen kia sẽ biến thành nhân
cách của mình đó. Cuộc đời có thanh thoát, nhẹ nhàng hay sóng gió chập
chùng, phong ba bảo tố cũng bởi từ cái nhân cách hay lối sống của chúng
ta vậy. Nói cách khác cũng vì vô minh bất giác, con người lầm lẫn nương
theo thân, khẩu, ý mà tạo ra nghiệp (thiện, bất thiện) (Hành) và từ đó
số phận của mình sẽ do nghiệp lực đẩy đưa (Thức).
Nhà bác học Marie Curie nói rằng: “Không có gì trong cuộc đời là đáng sợ
(khó khăn) cả, một khi chúng ta (thực sự) hiểu được nó”. Do vậy, đạo
Phật là đạo không làm khổ mình, không làm khổ người mà muốn thành tựu
thì con người phải quay về sống với đạo đức nhân bản tức là cố gắng ly
dục, ly bất thiện pháp.
Một số người nói rằng điều kiện của một đời sống hạnh phúc là có sức
khỏe, có tiền tài và có địa vị trong xã hội, nhưng một đời sống hạnh
phúc chân thật chưa chắc đã hoàn toàn dựa vào những điều kiện vật chất
như thế. Chẳng hạn như một người mạnh khỏe lại dùng sức mạnh của mình
làm những điều tội lỗi thì chẳng được ích lợi gì. Còn người giàu sang mà
sống bỏn xẻn, ích kỷ, tham lam vô độ thì chính họ chẳng tìm được hạnh
phúc cho chính mình mà còn làm hại đến kẻ khác. Người có địa vị lại lạm
dụng quyền hành thì chỉ rước thêm oan trái oán thù mà thôi. Như thế thì
tiền tài danh vọng chưa phải là yếu tố chính cho một đời sống hạnh phúc
mà điều kiện tiên quyết để đem lại an vui là phải có tinh thần sáng suốt
và lành mạnh. Được tinh thần sáng suốt lành mạnh nầy thì sẽ không còn
bị dục lạc, oán thù hay mê loạn chi phối. Vì thế đức Phật lại dạy rằng:
- Người tùy theo thế tình thức là chạy theo tham cầu danh vọng. Khi được
công danh hiển đạt, thì thân thể đã già yếu. Kẻ tham danh lợi ở đời mà
không lo học đạo thì chỉ uổng công nhọc xác mà thôi. Ví như cây hương
đốt, khi được người ta ngửi thấy mùi thơm thì thân hương đã hóa thành
tro bụi, vì lửa nung đốt cháy liền thân hương vậy.
Tôn chỉ của đạo Phật là giúp chúng sinh giải thoát ra khỏi mọi hệ lụy
của phiền não khổ đau để có cuộc sống an vui tự tại mà muốn đạt đến cứu
cánh này thì chúng sinh phải biết buông xả. Vì thế trong Kinh Trung A
Hàm (Majjhima Nikaya), Đức Phật đã tóm gọn cốt lõi của đạo Phật trong
một câu thật ngắn gọn là ”Không được bám vúi vào bất cứ gì cả” mà Kinh
Kim Cang gọi là “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.
Thêm nữa, muốn chuyển hóa nội tâm được chu toàn thì trước hết chúng ta
phải phá tan cái bản ngã của mình. Trong kinh A Hàm, Đức Phật dạy rằng
một khi chúng ta chứng được “ngã không” nên khi làm việc lợi ích cho
người thì làm với một tâm niệm vô tư, không dính mắc. Có nghĩa là khi
làm việc thiện thì đừng nghĩ đến lợi lạc cho mình mà hướng tâm về sự lợi
lạc cho chúng sanh do đó việc thiện đó sẽ mang nhiều thiện quả về sau.
Ví dụ như khi chúng ta đi chùa lạy Phật thì thường hay cúng dường chút
ít tiền hay hoa quả, nhưng khi bái Phật thì chúng ta thường cầu nguyện
cho con trai có vợ đẹp, con gái có chồng giàu sang, làm ăn mua may bán
đắt, bà con thân quyến được bình an mạnh giỏi…Như vậy chúng ta đi chùa
với tinh thần bản ngã là cầu lợi cho mình nên không đúng với lời Phật
dạy. Mục đích tới chùa lạy Phật là để bớt tham thế mà chúng ta đi chùa
lạy Phật lại càng tham hơn thì cái bản ngã mê lầm đó sẽ biến cuộc đời
thêm đau khổ. Vì thế chúng ta nên làm việc phước đức với lòng vô ngã,
tức là làm việc thiện mà không cần quả báo cho mình hay hướng lòng từ bi
về người khác, thì Luật Nhân Quả chẳng những sẽ đền bù cho ta nhiều
phước đức về sau hay ở đời sau mà còn tạo cho ta một nhân cách cao
thượng và một tâm hồn trong sáng để tiếp tục hưởng phước thiện và làm
việc thiện.
Vậy chuyển nghiệp là cố gắng giải thoát cái bản ngã vị kỷ thấp hèn để có
một đời sống đạo đức xả kỷ, quên mình để sống trọn vẹn vì mọi người
chung quanh.
Đời sống xả kỷ vị tha được coi là một đức hạnh cao đẹp nhất của con
người. Cho dù chúng ta chưa chứng được trạng thái vô ngã thực sự, đó là
không còn chấp có “Cái Ta” và “Cái của Ta”, nhưng từng giây từng phút,
từng tâm niệm, chúng ta biết từ bỏ những lợi ích của mình để lo cho lợi
ích của mọi người thì cái tự ngã đang từ từ bị tiêu diệt.
Đức Phật đã khẳng định rất rõ ràng rằng ta gieo nhân thì chính ta phải
gặt quả và không có tha nhân nào, cho dù đó là Đức Phật hay Bồ Tát Quán
Thế Âm có thể chuyển “quả” của chúng ta được. Nói cách khác, mình gieo
nhân thì tự gặt quả lấy, hoàn toàn không có một tác nhân của Phật, Chúa
Trời, Thần, Quỷ … can dự vô nhân quả của mình. Mình gieo nhân tốt, không
cần sự cứu rỗi của ai cũng được sanh lên các cảnh giới an lành. Nếu
mình làm chuyện bất thiện thì sau khi chết, nghiệp bất thiện nầy tương
ứng với cảnh giới của những người bất thiện, khiến tâm thức của người ấy
sanh về cảnh giới chịu khổ sở để trả quả báo ác độc chớ không có một vị
thần nào đày ta xuống cõi âm ti, địa ngục cả.
Tuy nhiên, muốn lìa khổ được vui, đạo Phật dạy chúng sinh chuyển nghiệp
tức là chuyển mê thành giác. Cơ quan phát ra và tạo thành nghiệp gồm có:
thân, khẩu, ý. Trong 3 thứ nầy, quan trọng nhứt là ý . Ý nghiệp, là
những suy tính, so đo phân biệt, Duy Thức Học gọi nó là “liễu biệt cảnh
thức”. Ý là chủ động tạo nghiệp. Khi ý nghĩ điều lành, thì nó thúc đẩy
cái miệng nói ra điều lành và cái thân làm điều lành. Ngược lại, khi ý
nghĩ điều xấu ác, thì nó xúi giục cái miệng nói điều xấu ác hung dữ và
thân hành động tàn bạo độc ác. Chính ba nghiệp này là động cơ tạo thành
thiên đường hay địa ngục ở thế gian. Tất cả mọi khổ vui của con người,
từ cá nhân, đến đoàn thể, nói rộng ra là tất cả nhân quần xã hội khắp
năm châu bốn biển, đều do thân, khẩu, ý tạo ra cả. Cho nên, trong nhà
Phật rất chú ý đến 3 nghiệp quan trọng nầy. Sự tu hành của người Phật
tử, Phật dạy không cần tu đâu xa, chỉ cần tu chuyển đổi ở nơi 3 nghiệp
nầy. Một người biết tu chuyển nghiệp, thì chính người đó được lợi lạc
trong hiện tại và mai sau. Gia đình nào biết tu chuyển nghiệp thì gia
đình đó được hạnh phúc, hòa thuận, êm ấm. Và từ đó, lan rộng ra xã hội
được trật tự, an bình, hạnh phúc, lợi lạc, đó là mục đích mà người Phật
tử hướng đến.
Thế thì tu là chuyển nghiệp bởi vì nếu nghiệp không chuyển được thì
không ai tu làm gì. Chuyển là chuyển xấu thành tốt, chuyển ác thành
thiện, chuyển tà thành chánh, chuyển dở thành hay, chuyển mê thành giác.
Sở dĩ nói chuyển nghiệp mà không nói sửa nghiệp, bởi chữ chuyển ngầm ý
nói lên bên trong nội tâm hơn là nói cái bên ngoài. Chuyển đổi từ ý niệm
xấu để trở thành ý niệm tốt. Do đó, nhà Phật nói chuyển nghiệp mà không
nói sửa nghiệp là vậy.
Trở lại câu chuyện của ông Joe Berti ở trên. Đáng lẽ nhân duyên quả báo
đưa đẩy ông và gia đình đến Boston để trả những nghiệp quả mà ông đã tác
tạo từ kiếp trước, nhưng vì ông có tâm hồn thiện, hành động từ tâm cứu
giúp những người kém may mắn nên những phước đức quá to lớn đó đã chuyển
hết những tội nghiệp ngày xưa khiến ông và bà vợ thoát khỏi tại họa
hiểm nghèo. Đây là chuyện có thật bởi vì đạo Phật là đạo nhân duyên
nghĩa là trong quá khứ cho dù con người vì sống trong vô minh bất giác
tạo nên bao nhiêu tội nghiệp (nhân). Nhưng nếu bây giờ biết thức tĩnh,
dừng lại, tu tâm dưỡng tánh, tránh xa ác nghiệp, tạo nhiều thiện nghiệp
thì những ác nhân đó không có cơ hội tác tạo với ác nghiệp để gây ra
cảnh khổ cho mình. Nhân mà không có duyên thì tuyệt đối không bao giờ
thành quả. Cũng như gạo (nhân) mà không có nước, không nấu (duyên) thì
không bao giờ thành cơm được (quả).
Có người lý luận ngày xưa Tôn giả Mục Kiền Liên bị bọn ngoại đạo lõa thể
ném đá cho đến chết là để trả hết những tội nghiệp mà kiếp trước Tôn
giả làm nghề đánh cá đã giết hại vô số chúng sinh? Dựa theo tinh thần
Phật giáo, Tôn giả là người tu đắc đạo, chứng Thánh quả A la hán, tâm
hoàn toàn thanh tịnh thì tất cả chủng tử hữu lậu đã chuyển thành chủng
tử vô lậu nghĩa là tất cả tội nghiệp đã biến mất. Thế thì còn tội gì để
Tôn giả phải trả? Còn chuyện sống chết của người “đắc đạo” là do nhân
duyên chớ không phải do tội nghiệp. Cũng như khi nhân duyên độ sinh hết
thì đức Phật nhập Niết bàn thế thôi. Nên nhớ A la hán là quả vô sanh vì
thế từ đức Phật cho đến tất cả các vị A la hán khác không còn tái sanh
nữa cho nên không có vấn đề các Ngài tái sinh trở thành vị này vị kia để
độ sanh được. Do đó, cứu cánh của đạo Phật là giải thoát chớ không phải
tái sinh.
Để làm sáng tỏ vấn đề, có người hỏi đức Phật rằng:
- Bậc A-la-hán còn hay không còn sau khi chết?
Đức Phật trả lời rằng:
-Bậc A-la-hán đã giải thoát khỏi 5 uẩn thật sâu thẳm, khó lường như đại
dương. Bảo rằng Như Lai có tái sinh sẽ không thích hợp cho trường hợp
này. Bảo rằng Như Lai không tái sinh, cũng không phải không tái sinh đều
không thích hợp cho trường hợp này.
-Không thể nói rằng một bậc A-la-hán còn tái sinh, vì tất cả những dục
vọng tạo điều kiện tái sinh đều được đoạn trừ, cũng không thể nói rằng
bậc A-la-hán bị hủy diệt, vì không có cái gì để hủy diệt cả.
Đức Phật khi còn tại thế đã cực lực chống đối lối cúng tế nghi lễ phức
tạp của Bà la môn và tôn thờ thần thánh một cách mù quáng. Đó là một
trong những nguyên nhân đạo Phật ra đời để thổi một luồng sinh khí mới
vào trong xã hội phong kiến, đẳng cấp, kỳ thị của Ấn độ lúc bấy giờ.
Ngài xiễn dương tình thần khách quan bình đẳng vì ai cũng đều có máu đỏ
và nước mắt cùng mặn (Nguyên thủy) hay ai ai cũng đều có Phật tính (Đại
thừa) cho nên thay vì kỳ thị, xua đuổi con người nên gần lại với nhau,
cùng nhau xoa dịu những mãnh đời bất hạnh. Nhân loại kính phục đức Phật
chẳng những Ngài là đấng vô thượng đạo sư mà cuộc sống thanh bạch của
Ngài là một tấm gương sáng chói rạng ngời, là mẫu mực cho những ai muốn
đi trên con đường giải thoát giác ngộ. Đức Phật y bát bình thường giản
dị, đi chân đất đầu đội trần. Ngài nhỗ tận gốc rễ phong kiến, giai cấp
và bỏ công danh phú quý như bỏ đôi dép rách.
|
Phải hiểu rằng đạo Phật có mặt để đem lợi ích cho cuộc đời, chớ không phải để cuộc đời đem lợi ích lại cho đạo Phật. |
Do đó một Phật tử chân chính là người thấm nhuần giáo lý đức
Phật, rồi sau đó quay lại sống với mọi người bằng lòng từ bi vô ngã.
Phật pháp là con đường để sống, là ánh sáng trí tuệ hướng dẫn mọi người
sống đúng với chân lý và chắc chắn sẽ mang lại an vui tự tại cho mình và
cho tất cả mọi người.
Học Phật trước tiên là học làm người nghĩa là phải vun bồi. Tuy nhiên
đời sống đạo đức nhân bản thì thân tâm mới được tự tại cho nên Phật mới
dạy Bát Chánh đạo để chuyển hóa cuộc sống dần dần từ phàm đến thánh.
Ngay cả Lục Tổ Huệ Năng cũng nói rằng:”Phật Pháp tại thế gian, không lìa
thế gian giác” là như vậy. Còn lìa thế gian mà tìm Bồ Đề Niết bàn chẳng
khác tìm lông rùa, sừng thỏ mà thôi.
Khi nói về thiện ác, Lục Tổ dạy rằng:
Ngột ngột bất tu thiện nghĩa là đừng đặt vấn đề thiện vì bất cứ việc gì
không trái với chơn tánh thì con người gán cho nó cái tên là thiện, chớ
chẳng có gì thật là thiện ác cả.
Đằng đằng bất tạo ác nghĩa là chuyện ác ở đâu cũng có chỉ có điều là
mình không làm vì thế nếu không làm ác thì tự nó thành thiện chớ chẳng
có cái gì là thiện.
Tịch tịch bất kiến văn nghĩa là không còn chấp nơi thấy, nghe, hay, biết
thì có thanh tịnh nhẹ nhàng tức là thấy thì thấy tất cả mà như không
thấy gì hết. Nghe, ngửi, nếm, xúc, biết cũng thế. Nói thế thì người
chứng đạo cũng biết vui, biết đẹp, biết xấu, biết dở, biết tất cả đấy
chứ, nhưng họ không đưa cái biết ấy vào tâm (vô trước là không chấp) để
rồi sanh ra tham luyến cho nên đối với họ cái gì cũng biết nhưng xem như
không biết gì hết.
Đản đản tâm vô trước nghĩa là tâm thênh thang mở rộng như trời cao đất
rộng, không còn dính mắc, chấp trước. Trời thì che chở bao dung cho tất
cả mà không có ý niệm che chở riêng cho bất cứ một chủng loại nào. Đất
thì bao dung tất cả cho dù con người có đổ lên đất những thứ hôi tanh
nhơ bẩn hay hương hoa thơm ngát thì đất cũng an nhiên, không giận, chẳng
mừng.
Vì thế Phật giáo nhập thế là phải từ cái thế gian đầy ô nhiễm này mà tự
mình thanh lọc thân tâm, quán biết đời là giả tạm, cố gắng buông bỏ mỗi
ngày một chút thì hoa sen nơi chính mình sẽ vươn lên và nở rộ. Cho dù
đóa sen còn nằm trong bùn, sắp vọt ra khỏi bùn, vươn lên khỏi mặt nước
hay đã nở rộ thì tất cả đều mang theo bên trong mình một tiềm năng để
trở thành những đóa sen tươi đẹp, màu sắc rực rỡ và hương thắm dịu dàng.
Tóm lại, đức Phật khai mở một tôn giáo lấy lý trí làm nền tảng, một tôn
giáo khoa học, một tôn giáo dựa trên tinh thần vô ngã vị tha, một tôn
giáo vô tín ngưỡng cho nên toàn bộ giáo lý Phật Đà dựa trên giáo lý
“Duyên Khởi” nghĩa là tất cả hiện tượng vật chất hữu vi trên thế gian
này từ nhỏ như vi trần cho đến to lớn như biết bao hành tinh trong muôn
vàn dãy Thiên hà đều là do trùng trùng duyên khởi tức là vật thể làm
nhân làm duyên, nhân này quả nọ, tác tạo mà thành chớ không có bàn tay
mầu nhiệm nào nhúng vào. Từ đó tam pháp ấn (xương sống) của nhà Phật ra
đời, đó là “vô ngã, vô thường, khổ” (Nguyên thủy) hoặc “vô ngã, vô
thường, Niết bàn” hoặc là “vô ngã, vô thường, khổ, không” (Đại thừa).
Nếu đã là Duyên Khởi thì làm sao có tín ngưỡng được?
Lê Sỹ Minh Tùng/Nguồn: www.lesyminhtung.net