Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 35
NGUYỄN THẾ ĐĂNG
Khi đọc nghe trên đài, báo, những tin như “ngư dân cắt hàng tấn dây cáp quang dưới biển để bán”, hay “những cách làm ăn làm nghèo đất nước”,
chúng ta ắt tự hỏi thế nào là lòng yêu nước, lòng yêu nước cấu thành
bằng những yếu tố gì , và làm sao phát triển lòng yêu nước. Bởi vì chắc
chắn lòng yêu nước là một thành tố làm nên nhân cách con người và một
đất nước chỉ giàu mạnh phát triển cao khi lòng yêu nước của dân chúng
cũng giàu mạnh phát triển cao.
Lòng yêu nước là gì?
Thưở xa xưa, một dân tộc ( và có lẽ cho cả chung nhân loại) bắt đầu
từ một gia đình, một bộ tộc họ hàng.Với người Việt, gia đình đó có cha
là Lạc Long Quân, mẹ là Âu Cơ. Dần dần gia đình đó mở rộng ra về mặt
không gian lên núi, xuống biển, tiến vào những vùng đất trống), về mặt
truyền thống (sinh sản nhiều thêm, có một phần lai với giống người
khác), và về mặt thời gian (có chung nhau một lịch sử, những hoàn cảnh
đã từng chung sống). Cộng đồng cùng một huyết thống, cùng một cách sống,
cùng một ngôn ngữ, cùng một sự “chia ngọt sẻ bùi” qua lịch sử, dần dần
lập thành một quốc gia. Quốc gia còn tồn tại và phát triển cho đến ngày
nay là một quốc gia hiện đại.
Ở đây chúng ta chỉ nói đến một ý niệm dòng tộc họ hàng. Tất cả những
người Việt chúng ta đều là bà con họ hàng với nhau, dù có lai tạp, dù
cách xa bao nhiêu đời cũng vẫn cùng một gia phả, do đó có danh từ “đồng
bào”. Thế nhưng trải qua thời gian, trải qua sự cá nhân hóa, chuyên
nghiệp hóa và phức tạp hóa (đó cũng là một phần tất yếu của quá trình
tiến hóa của toàn bộ vũ trụ) rất thường chúng ta quên bẳng điều này. Có
lẽ chỉ những người sống ở ngoại quốc khi gặp một người Việt, họ dễ
thấy tình cảm họ hàng, đồng bào. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta hầu
như quên bẳng “đối tác” kia là họ hàng xa, là đồng bào của mình. Người
công chức thì quên người dân đến xin giấy tờ này là anh chị em bà con xa
của mình. Ngược lại người đến xin giấy tờ thì quên người ký tên đóng
dấu kia là đồng bào của mình. Cải cách hành chính trở nên khó khăn,
không phải chỉ vì yếu tồ pháp luật rườm rà và trình độ nghiệp vụ, mà
còn là yếu tố tâm lý, thấy người kia là đối tác, thậm chí đối thủ, không
thấy người kia là đồng bào. Và nếu công việc không được giải quyết mau
lẹ thì sự thiệt hại không chỉ dành cho một người hay hai người, mà cả
gia đình và cả xã hội. Đó là thiếu lòng yêu nước.
Chính tính chuyên nghiệp, tính bộ phận dẫn đến tính cục bộ đã làm
giảm lòng yêu nước. Nhưng không vì thế mà bỏ tính chuyên nghiệp. Tính
chuyên nghiệp cần có một đối tượng, cần một tính phỏ quát để cân bằng.
một trong những đối tượng, một yếu tố phổ quát hóa mà Phật giáo đề nghị
là từ bi – hỷ xả. Ở đây chúng ta đang chỉ nói đến lòng yêu nước. Lòng
yêu nước là đối tượng với chủ nghĩa vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân cực đoan,
chủ nghĩa cục bộ địa phương.
Chúng ta đã có những danh từ chính trị nhưng mang những tình cảm gần
gũi. Chẳng hạn “nhà nước” dùng cùng nghĩa với “chính phủ, chính quyền”.
Với phương Tây, trong tiếng Anh, tiếng Pháp, chính phù (govement,
gouvemment) do động từ (to govem, gouvemer), có nghĩa là cai trị , cầm
quyền hoặc nói nhẹ hơn, quản trị, điều hành. Còn trong chữ nhà nước ta
đang dùng, dù giải thích cách nào thì cũng có chữ nhà, mà chữ nhà là một
chữ thân thương, ngoài ý nghĩa là cái nhà, nhà là gia đình, chồng hay
vợ (nhà tôi), quê nhà…Phải chăng trong một danh từ để chỉ chính phủ,
chính quyền, chúng ta cũng đặt vào đó tình cảm yêu nhà, yêu nước? vì chữ
ngược lại là “nước nhà”, cũng có nghĩa là quốc gia, đất nước).
Những thành tố của lòng yêu nước.
Trong thời hiện tại, có 3 yếu tố chính để phát huy lòng yêu nước thêm sáng suốt, mạnh mẽ và hiệu quả.
1. Dân trí: Thí dụ ở trên, lấy cắp hàng cây số dây cáp quang
hẵn là thiếu dân trí, vì họ không ước lượng được sự thiệt hại to lớn cho
đất nước như thế nào để chỉ có vài chục triệu đồng, trong khi một lần
ra biển đánh cá phải hơn con số đó nhiều. Dân trí ta còn thấp, ít người
đọc báo, đọc sách , ít biết tình hình chính trị, kinh tế thế giới như
thế nào, tương quan chúng ta như thế nào với một thế giới toàn cầu hóa,
khoa học thế giới hiện đang ở trình độ nào, văn học nghệ thuật thế giới
hiện đang ra sao, có nên nhập những thứ mà với họ cũng cho là thấp kém
vào đây hay không.
IQ chỉ số thông minh là một phần của dân trí. Trong một thế giới toàn
cầu hóa, các ngành học thuật đều tương thông lẫn nhau, cho nên trí tuệ
của con người cũng phải đa diện, như thuật ngữ gọi là “liên ngành”,
ngoài sự sâu rộng của kiến thức, còn phải biết phán đoán, xử lý, chọn
lựa phương án, nhận định và tìm ra những ý tưởng mới.
Một cách đơn giản, chúng ta có thể rất yêu nước, nhưng nếu không dân
trí, lấy gì để phụng sự đất nước, để giải quyết những vấn đề ngày càng
tăng trong thế giới hiện đại?
2. Dân tình. Những xúc cảm, tình cảm cao đẹp, chỉ số xúc cảm
EQ là một phần của dân tình. Lòng yêu nước chỉ có khi có những tình cảm
cao đẹp, chắc hẳn nó không đứng một mình. Nếu người ta không yêu bản
thân, yêu gia đình, yêu bạn bè, thiên nhiên, núi sông, con người, người
ta cũng không thể yêu đất nước. Những xúc cảm cao cả, những lý tưởng cao
cả, tình thương cho con người, sự hy sinh vị tha vô ngã, niềm đam mê
cái Chân Thiện Mỹ là nền tảng cho một lòng yêu nước phát triển. Chớ
tưởng tình cảm không liên hệ gì đến kinh tế xã hội. Chỉ nghĩ đến người
khác một chút, chỉ cần thương yau6 đất nước một chút, dân trong thành
phố lớn như TP.HCM trong khi đi ăn uống, giải trí, du lịch, mua sắm
trong hai ngày nghỉ cuối tuần, chỉ cần tiết kiệm vài ngàn, chúng ta sẽ
có ít nhất vài tỷ đủ để thay đổi cuộc sống khốn khổ của một làng miền
xa, thiếu giếng, thiếu nước, thiếu đường đi, thiếu sách vở, thiếu radio,
TV…
Nhật Bản và Hàn Quốc sau chiến tranh hoàn toàn tan nát, nhưng cả hai
chỉ cần 30 năm (bằng thời gian có hòa bình cho đến nay ở nước ta) đã có
mặt trong danh sách 10 nước đứng đầu thế giới về kinh tế. trong cuộc
khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, trong khi có nước như Thái Lan
phải tuân thủ những quy định của Quỹ tiền tệ quốc tế, thì Hàn Quốc kêu
gọi dân chúng tiết kiệm “thắt lưng buộc bụng” và họ đã tự lực vượt qua
khủng hoảng. Đó là sức mạnh của dân tình, mà chúng ta hay gọi là đại
đoàn kết.
3. Dân chủ. Dân chủ là khái niệm quen thuộc của thế giới hiện
đại. Cũng thường nghe nói mục tiêu của chúng ta là một xã hội “công
bằng, dân chủ, văn minh”. Nhưng ở đây chúng ta không giới hạn từ ngữ dân
chủ trong phạm vi chính trị, vì gì đi nữa thì phạm vi ấy vẫn chưa phải
là toàn bộ đời sống. Dân chủ đối lập với quân chủ, mà bây giờ làm gì còn
chế độ quân chủ nữa. Chúng ta xem xét khái niệm này ở mức độ rộng hơn,
tức là triết học.
Sự sống trên trái đất bắt đầu từ các đơn bào, và sự sống sơ khai đó
khoa học quan sát thấy là có tính tự phát, tự chủ, tự tổ chức, tự trao
đổi với môi trường để sống, tự tiến hóa, tự sinh sản…Con người là đại
diện cho sự sống ở cấp độ cao nhất, phức tạp nhất, cho nên ngoài những
tính chất trên, nó còn có những tính chất cao cấp hơn, chẳng hạn tính
chọn lựa, quyết định, , tính trách nhiệm, tính sáng tạo, và sự phát
triển khá đầy đủ các lĩnh vực ý chí, tình cảm, trí năng…Vậy thì mục đích
tiến hóa của con người là phát triển những tính chất ấy đến mức hoàn
thiện nhất, và giá trị con người cũng được đánh giá theo mức độ phát
triển của các tính chất, các khả năng này. Chưa phát triển các tính
chất, các khả năng này để thành một con người đúng nghĩa thì dân chủ
chỉ là một danh từ suông, không biết sử dụng dân chủ như thế nào và sử
dụng như thế nào cho lợi mình, lợi người, cho xã hội tiến bộ. Chẳng lẽ
dân chủ là chạy ẩu, , vượt đèn đỏ, cứ thảy rác ra đường, tha hồ nhậu
nhẹt, sống mà chẳng lợi ích gì cho đời? Dân chủ đòi hỏi sự tự chủ, tự tổ
chức, tự trao đổi, tự tương giao, tự tiến hóa ở mức độ căn bản trung
bình chung của một con người.
Khi một người đạt đến mức tự chủ, tự giác, tự tổ chức , tự trao đổi
với môi trường xã hội, tự tiến hóa…người đó tự động và đương nhiên có
dân chủ. Nhưng con người không sống một mình, nó sống với xã hội. Thế
nên xã hội phải tạo cho cá nhân môi trường để phát triển những tính chất
trên, để hoàn thành bổn phận và sứ mạng làm người của nó. Một xã hội
tạo được một môi trường cho con người phát triển, tiến hóa là một xã hội
dân chủ. Nếu mở rộng khái niệm như vậy, thì lòng yêu nước rất cần
những yếu tố trên vì những yếu tố đó đều dẫn tới trách nhiệm cá nhân đối
với xã hội và đất nước. Hơn nữa, đó không phải là một cái gì do người
cầm quyền hay ai đó khoác vào cho con người, mà trách nhiệm ấy, bổn phận
ấy là cái tất yếu khi con người đã đủ trưởng thành, đã đủ tiến hóa.
Những điều ở trên không mâu thuẩn với khái niệm một xã hội lý tưởng
của Phật giáo: tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tức là những tiềm
năng chân thiện mỹ ở nơi mình nên xã hội cần phải là môi trường tốt đẹp
cho sự phát triển những tiềm năng ấy. Nếu dùng chữ “làm Phật”(tác Phật)
của người xưa để chỉ sự tiến hóa đến toàn hảo, đến giác ngộ, thì chúng
ta có thể nói rằng con người không chỉ cần có “quyền làm người”, mà thêm
nữa còn có “quyền làm Phật”.
Trong khi đi tìm ý nghĩa của danh từ dân chủ của phương Tây, chúng ta
gặp thấy ý nghĩa của dân chủ là “lợi ích cho bản thân mình, đồng thời
lợi ích cho những người khác”. Đây cũng là mọtột khái niệm cốt lõi của
Đại thừa Phật giáo. Hơn nữa, với Phật giáo, dân chủ không chỉ là sự công
bằng, bình đẳng trong quyền được sống, công bằng bình đẳng trong quyền
và cơ hội được phát triển tất cả trong tiềm năng tốt đẹp trong tính
người, mà hơn nữa còn là sự quan tâm chăm lo, giúp đỡ những người bẩm
sinh là thua thiệt, yếu đuối, dù có đưa ra cơ hội bình đẳng cũng không
nắm lấy được. Đây cũng là một khái niệm cốt lõi của Đại thừa, rất cần
thiết để tạo dựng một xã hội bình đẳng mà hài hòa: lòng Từ bi. Sự quan
tâm giúp đỡ này không chỉ nằm trong khái niệm, trong văn chương, mà phải
thể hiện thành 8điều luật trong xã hội.
Tổng hợp những yếu tố trên, chúng ta có được những nét chính để tạo
dựng một xã hội tốt đẹp, nghĩa là một xã hội thật sự hài hòa và hòa hợp,
hướng đến Chân Thiện Mỹ của toàn nhân loại. Đó cũng là viễn tượng tốt
đẹp cho lòng yêu nước hướng tới, bởi vì lòng yêu nước không chỉ hướng về
quá khứ, mà toàn bộ sức mạnh của nó đặt ở tương lai.
Biết ơn và báo ơn
Tình yêu nào đến mức chín chắn trưởng thành đều phối hợp với những
yếu tố khác của tâm thức để bao gồm vào nó sự biết ơn và báo ơn. Từ tình
gia đình, tình thầy trò, tình yêu nam nữ cho đến tình yêu đất nước đều
như vậy.
Sự sống của thân thể, sự sống giáo dục nên người, sự thành đạt của ta
đều nhờ người khác, nói rộng ra là nhờ xã hội và đất nước. Chỉ nói về
ngôn ngữ thôi, các nhà khoa học đã nói với những bằng cớ cho thấy một
đứa bé đến mươi mấy tuổi mà chưa được tiếp xúc với xã hội, chưa có một
ngôn ngữ để sử dụng, nó chỉ ở tình trạng động vật cấp cao, chưa đủ tình
cảm vả lý trí để thành một con người. Nó không còn hy vọng trao đổi
thông tin để có văn hóa và văn minh. Chỉ một ngôn ngữ để trao đổi và
tương giao mà chúng ta gọi là tiếng mẹ đẻ, chúng ta phải biết ơn tổ tiên
đến chừng nào.
Các kinh luận Phật giáo thường nói đến bốn ơn: ơn cha mẹ, ơn chúng
sanh, ơn đất nước (bao gồm các người đại diện lãnh đạo đất nước), ơn Tam
bảo (Phật, thầy, và những phương pháp dẫn dắt chúng ta trên con đường
tiến hóa). Nếu kể ra cho hết các ơn thì có lẽ không cùng: ơn thiên
nhiên, ơn loài thực vật (nếu trái đất này không có loài thực vật thì
loài người cũng không xuất hiện), xa xôi hơn, ơn vũ trụ (những hằng số
tạo ra và giữ cho vũ trụ tồn tại chỉ nhích khác đi vài phần triệu thì sẽ
không có con người trên trái đất này). Và còn ơn biết bao người: ngừi
tốt giúp đõ ta tiến bộ, người thù ghét ta giúp ta thêm nhẫn nhục, khoan
dung, thậm chí thương xót, người tốt giup ta ái mộ cái tốt, người xấu
giúp ta biết sợ cái xấu…
Thế nên yêu nước phải bao gồm lòng biết ơn và báo ơn đất nước. Chúng
ta hãy nhìn lại một bài học lịch sử: Cuộc chiến tranh thắng lợi trong
việc bảo vệ đất nước trước quân Nguyên, Mông vào đời Trần, từ vua Trần
Thái Tông qua Trần Thánh Tông, cho đến Trần Nhân Tông.Chúng ta cần hiểu
tâm trạng của các vua Trần; vị nào cũng là Phật tử thuần thành,. vị nào
cuối đời cũng ở chùa, thành ra trước việc giết (giới sát), dù là để bảo
vệ tổ quốc, họ phân vân, khó khăn khi quyết định. Trần Nhân Tông gửi
thư đến Thoát Hoan xin lui quân, nhắc lại lời nói của Hốt Tất Liệt không
đem quân vào nước ta. Chẳng hạn vua Thánh Tông tỏ ý muốn hàng, Trần
Hưng Đạo đã trả lời: “Xin bệ hạ chém đầu tôi rồi hãy hàng”. Chúng ta đều
biết số phận một vị vua đầu hàng sẽ thế nào, hoặc bị giết ngay hoặc bị
lưu đày và chết sớm ở nước bên kia. Đầu hàng thì chỉ mình vua chịu, còn
nhân dân sẽ được yên ổn. Chẳng hạn vua Trần Nhân Tông mở Hội nghị Diên
Hồng hỏi ý kiến các phụ lão đại diện cho toàn dân rồi mới quyết định
đánh. Trước thủ cấp tướng giặc Toa Đô, khi kinh thành Thăng Long bị tàn
phá và còn nằm trong tay giặc, vua Nhân Tông “thương hại nói :Người làm
tôi phải như thế này. Rồi cởi áo Ngự đắp lên cho đem chôn”. Xong chiến
tranh, tất cả tù binh được thả về. Cái rương chứa tài liệu những ai đã
đầu hàng, thậm chí những chứng cứ phản bội tổ quốc theo giặc, vua cũng
cho đốt mà không xem. Khi nói về chiến đấu và chiến thắng, Trần Quang
Khải, Trần Nhân Tông chỉ nói đến“giang sơn”, “xã tắc”, ‘sơn hà”, còn
Trần Hưng Đạo (Hịch tướng sĩ) có nói đến triều đình nhà Trần, nhưng
nhiều nhất là đất nước, “bỏ mình vì nước”, “quốc sĩ”, “quân quốc”, “xã
tắc”, “tổ tiên”. Ví dụ hai câu thơ của Nhân Tông khi chiến thắng trở về
Thăng Long: “Xã tắc hai phen phiền ngựa đá /Non sông nghìn thuở vững âu
vàng” (Xã tắc lưỡng hồi lao thách mã / Sơn hà kim cổ điện kim âu). Hoàn
toàn không có cái tôi, công lao của tôi, công lao của nhà Trần tôi mà là
công lao của tất cả, từ hữu tình đến vô tình, kể cả con ngựa bằng đá
(lao thạch mã). Do đó mà đất nước, non sông bền vững muôn đời.
Sự vĩ đại của một thời đại mà sử gia Ngô Sĩ Liên xem “vua là thánh,
tôi là thần”, không phải là họ tham đánh giặc, không phải là chỉ lo bảo
vệ vương triều. Sự vĩ đại của họ không phải là chiến thắng đến 3 lần đạo
quân bách chiến, bách thắng từ Á sang Âu, nhưng họ còn vĩ đại hơn, vì
chiến thắng ấy là sự hy sinh bản thân họ (như đã nói, rất phân vân khi
phải chọn lựa chiến tranh), vì đó là sự báo ơn đất nước.
Nhớ lại sơ lược lịch sử nhà Trần, chúng ta thấy rõ thêm một điều:
lịch sử không phải là cuốn sách ghi lại những điều đã qua, đã mất hẳn.
Lịch sử còn được sống lại bằng sự tham dự của ý thức và tình cảm của
người đương thời. Ai trong chúng ta cũng có một cái gì của người xưa,
của các vua Hùng, của các vua đời Lý, của Nguyễn Huệ Quan Trung, của
những vinh quang và khổ nhục, của những thành công và những sai lầm của
đất nước. Sự tham dự bằng ý thức, bằng hồi tưởng, bằng đồng hóa này làm
nên một phần của lòng yêu nước.
Nhưng chúng ta không phải là những người vĩ đại, chúng ta là người
bình thường, có phải chúng ta không cần có lòng yêu nước, và không thể
báo ơn trước? Thật đơn giản và dễ dàng. Không vứt rác ra ngoài đường là
yêu nước và báo ơn nước. Không vượt đèn đỏ, bớt nói thách khi bán hàng,
làm hàng cho thật tốt hơn thay vì làm hàng giả, hàng xấu. Không chặt cây
khi không cần thiết mà trồng thêm cây, học hành làm việc hôm nay tốt
hơn hôm qua…là yêu nước và báo ơn nước. Có câu chuyện trên báo: Trời
mưa. Trong hiên phố là hai cô gái ăn mặc đẹp đẽ vừa nói chuyện vui vẻ
vừa uống bịch nước. Uống xong hai cô vứt hai bịch nước ra đường. Bên kia
đường, một anh Tây đang trú mưa đầu trần chạy ra dưới trời mưa lượm hai
bịch nylon bỏ vào thùng rác rồi chạy vào lại dưới hiên.
Có thể tóm gọn rằng: giá trị mỗi người chúng ta tăng lên mỗi ngày, đó
là giá trị đất nước tăng lên mỗi ngày. Thế thì biết làm cho giá trị
của mỗi người chúng ta tăng lên mỗi ngày, đó là lòng yêu nước. Hoặc lạm
dụng một thuật ngữ của Phật giáo, đó là “giới luật”của lòng yêu nước.
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 35 | NGUYỄN THẾ ĐĂNG