Lực hấp dẫn
văn hóa của Thăng Long lớn và xuyên suốt cả ngàn năm, ngay khi chỉ là
tỉnh Hà Nội hay là thủ phủ Đông Pháp thì đất Thăng Long vẫn là nơi hội
tụ và là chóp đỉnh văn hóa tinh hoa. Tất nhiên trong thế kỷ 19 còn có
một trung tâm văn hoá đối trọng là Huế và trong thế kỷ 20 thêm Sài Gòn,
trung tâm thứ ba. Tuy nhiên vai trò, quy mô và sức hội tụ của hai trung
tâm này phần nào vẫn mang tính vùng miền, chưa đạt tầm quốc gia thực sự
như Thăng Long - Hà Nội
1. Con người Thăng Long - Hà Nội
Người Thăng Long - Hà Nội là những ai?
Trước
hết là quan lại, từ bậc trung trở xuống. Các đại quan, công thần, đại
trí thức thường quê các tỉnh khác. Binh lính cũng tuyển từ các vùng
khác (Thanh Hóa chẳng hạn, để bảo đảm an ninh dòng tộc).
Hai là
tầng lớp thợ thủ công chất lượng cao từ khắp bốn phương về buôn bán và
phần nào là sản xuất tại đây. Khi họ lập ra các phường tạo ra khu ‘phố
phường’ nổi tiếng và đáp ứng nhu cầu cả nước thì tay nghề và chất lượng
sản phẩm mới được đẩy lên tuyệt đỉnh.
Ba là lớp thương nhân buôn
bán ở đây. Chủ yếu là các tiểu thương, doanh nghiêp vừa và nhỏ. Các
doanh nhân lớn hình như cũng không phải ‘Hà Nội gốc’.
Bốn là trí
thức, văn nghệ sĩ ở hẳn hay vãng lai rồi tỏa về các tỉnh hoặc đi vào
phương Nam. Từ Sư Vạn Hạnh, Trần Quốc Tảng, Trần Thái Tông, Trần Nhân
Tông, Lê Thánh Tông, Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Nguyễn An, Hồ Nguyên
Trừng, Lê Hữu Trác, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Lãn Ông,
tới Tú Xương, Tản Đà… các trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ của tất
cả các ngành nghệ thuật mới thế kỷ 20 đều có Thăng Long Hà Nội làm mảnh
đất quy tụ, duy dưỡng, phát huy tài năng rồi đưa ảnh hưởng của họ ra
toàn quốc. Sau 1954 trong lý lịch họ thành phần được khai là ‘trí thức,
tiểu tư sản thành thị’.
Cuối cùng phải kể tới tầng lớp thanh
niên sinh viên học sinh. Các trường học từ thời Chu Văn An tới trường
phổ thông và đại học thời cận hiện đại nơi đây đã là trung tâm đào tạo,
quy tụ trí thức trẻ, chủ thể quan trọng nhất của giao tích và đổi mới
văn hóa. Trong lý lịch họ sẽ khai thành phần là ‘tiểu tư sản học sinh’.
Không thể coi thường tầng lớp trẻ tuổi này trong văn nghệ Viêt Nam rất
nhiều các tác phẩm đỉnh cao góp phầm làm bùng nổ văn hóa là của những
tác giả ở lứa tuổi thanh niên thuộc thành phần này. Tính chất giao
tích, tiếp nhận cái mới là một nguyên nhân của hiện tượng đó bởi tuổi
trẻ của sinh viên học sinh là mảnh đất tốt nhất cho sự giao tích, đổi
mới.
Ở Thăng Long - Hà Nội những đặc sắc của con người và văn
hóa vùng miền vốn rất phong phú và phức tạp không đối chọi nhau như ở
nơi khác mà dung hợp, hòa tan vào nhau. Ở đây các nguồn lực trí tuệ
được nhào nặn, thống nhất trở thành trí tuệ, văn hóa của cả nước. Văn
hóa Hà Nội do người của cả nước làm nên, nên mặc nhiên nó mang tầm quốc
gia tính đại diện. Và vì thế khi lan tỏa đi khắp nơi nó dễ dàng được
chào đón như là chuẩn cần noi theo! Từ cách phát âm tiếng Việt, nghệ
thuật ẩm thực tới khoa học, nghệ thuật… đều vậy.
Thiếu nữ bên hoa huệ, tranh Tô Ngọc Vân
2. Vài nét văn hóa Thăng Long - Hà Nội
Không
gian vật chất, lối sống và hành vi xã hội, không gian tinh thần và tính
chất giao thoa ngã tư sẽ là các khuôn triện đóng dấu bản sắc văn hóa Hà
Nội như một phần căn bản và đại diện cho văn hóa Việt Nam đồng thời như
một không gian văn hóa, một vùng, một địa phương đặc biệt.
Những
nét bản sắc ấy thể hiện ở tính cách người Hà Nội (gồm ngững người ba
đời liền ở đây và những người sống và làm việc ở đây). Những tính cách
ấy tôi luyện, nhào trộn qua thực tế đời sống và biến thiên lịch sử để
lắng đọng trong các tác phẩm nghệ thuật. Đây là sự phát triển song song
chứ không phải quan hệ đơn giản cái nọ quy định cái kia Không phải lối
sống, tính cách ‘người Hà Nội’ quy định những đặc sắc văn nghệ Thăng
Long - Hà Nội hay ngược lại mà đó là sự phát triển song song trên bình
diện đời sống vật chất, chính trị, kinh tế, xã hội và trên bình diện
đời sống tinh thần, sáng tạo văn nghệ.
‘Trường phái Hà Nội’ là
cái người ta có thể nói tới trong nhiều ngành văn nghệ với hai nội
dung: Một là nó có bản sắc, tính cách khác với văn nghệ các vùng khác,
mà khi đối chiếu so sánh hay khi thưởng thức người ta sẽ nhận ra ngay
mặc dù nó không phải một trường phái nghệ thuật thực thụ về mặt nghệ
thuật học (như biểu hiện, vị lai, sơn thủy đời Tống xưa hay Mao-Pop gần
đây…) Hai là nó giống như ‘Trường phái Paris’ theo nghĩa quy tụ các
nghệ sĩ các nơi khác về đó và họ tạo ra một dòng nghệ thuật đóng góp
vào nghệ thuật địa phương đương thời. (L’Ecol de Paris dùng để chỉ nghệ
thuật các họa sĩ từ khắp các nước đến sống và làm việc tại Paris khoảng
năm 1905- 1925 và sau thế chiến II).
Thơ Mới và Tự lực văn đòan
khác thơ Bình Định, Huế hay văn báo chí và tiểu thuyết Nam Bộ. Sân khấu
kịch nói, điện ảnh Hà Nội khác sân khấu điện ảnh Sài Gòn, ca khúc Hà
Nội cũng dễ nhận diện ngay…
Thành phần dân chúng như trên và
chức năng đô hội như trên quyết định một số tính cách ‘người Hà Nội’ mà
chúng ta dễ dàng đồng thuận khi quy ước. Có thể phác họa như sau:
-
Buôn bán và làm công chức thì phải suy nghĩ căn cơ nhưng cũng phải lanh
lẹn trong ứng xử, khéo ăn khéo nói. Cởi mở tươi cười nhưng không bộc
tuyệch, nông nổi. Câu “Lời nói không mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho
vừa lòng nhau” chắc chắn do người Hà Nội nắm bản quyền.
- Trí
thức, học sinh, trung lưu trưởng giả tất nhiên cũng phải thanh lịch và
tao nhã. Thanh lịch Tràng An cũng giống như ‘lịch sự pa-ri-diêng’ vậy!
Hãy nghe anh phu xe kéo và cô gái điếm trong Ngựa người - Người ngựa
của Nguyễn Công Hoan thưa gửi với nhau thì biết người Hà Nội thanh lịch
tới mức nào! Về văn nghệ và đời sống văn nghệ tôi thấy Hà Nội có nhiều
điểm rất giống Paris, không giống Bắc Kinh hay Berlin!
- Đồng
thời sự sản xúât tinh thần tạo ra phong cách tư duy khá thâm trầm và
phong cách cảm thụ tao nhã tính tế. Từ cách ăn tới nét vẽ, câu văn hay
sự nghiên cứu khoa học đều vậy.
- Ở nơi ngã tư hội tụ,hội nhập
nên người Hà Nội, văn hóa Hà Nội có tính bao dung, dễ chấp nhận, xuê
xoa các mâu thuẫn tránh các đối lập.
- Để hoàn thành chức năng
trung tâm hội tụ rồi lan tỏa ‘người Hà Nội’ thường trung dung, ba phải,
nhiều khi bảo thủ để hãm phanh những gì quá cấp tiến, cực đoan, thái
quá có thể dẫn tới gẫy đổ.
3. Trường phái Hà Nội
Một
số nét ước lệ là bản sắc văn hóa Hà Nội có thể thấy qua những tác phẩm
mỹ thuật: Khéo léo, tế nhị - Tinh tế thâm thúy - Trung dung bảo thủ -
Ngại mâu thuẫn cực đoan. Cũng có thể hiểu rằng những đặc sắc thẩm mỹ đó
làm mỹ thuật ta có một ‘trường phái Hà Nội’.
a. Khéo léo tế nhị
Kỹ
thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí là tuyệt khéo. Bức Hoa Phù Dung hay các
bức ‘vườn xuân’ với các cô tân thời áo dài được vẽ với những nét uốn
lượn cũng rất khéo. Nét lượn của Nguyễn Gia Trí là những điệu múa lúc
nhanh lúc chậm, những khúc nhạc réo rắt. So với Lê Quốc Lộc hay Kim
Đồng… thì ‘khéo léo hơn’ do đó ‘Hà Nội’ hơn!
Hai thiếu nữ trong
vườn và các tranh thiếu nữ tượng trưng - phi thời gian của Lê Phổ rất
tế nhị trong biểu cảm, các cung bậc tình cảm của tác giả được thể hiện
như cánh hoa quỳnh đang từ tốn xòe ra và tỏa hương trong đêm. Nguyễn
Phan Chánh không khéo léo như Lê Phổ nhưng còn thế nhị hơn khi mô tả
tình cảm con người trong đời thực, một cách hiện thực, không lãn mạng
hay tượng trưng: Chơi ô ăn quan, Cô hàng xén, Lên Đồng… như những lời
tâm sự đối thoại ân cần nhất. So với Mai Trung Thứ, Nguyễn Thụ, Kim
Bạch… sẽ thấy hai danh họa này ‘Hà Nội’ hơn.
Tranh sơn mài Thiếu nữ bên cây phù du, của Nguyễn Gia Trí
b. Tinh tế thâm thúy
Nguyễn
Tư Nghiêm thâm thúy. Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân tinh tế. Ở Nguyễn Sáng,
Hoàng Trầm, Trần Lưu Hậu có những cái mạnh, cái đẹp khác,không thâm
trầm như thế. Phố Hà Nội năm 46 của Bùi Xuân Phái so với các tranh
chiến tranh khác có cảm xúc tinh tế hơn. Thiếu nữ của Tô Ngọc Vân và cả
các ký họa kháng chiến của ông trở nên ‘mẫu mực’ được ưa thích vì hết
sức tinh tế. Nếu so với tranh Văn Đa, Quang Thọ, Nguyễn Hiêm… sẽ thấy
ông ‘Hà Nội’ hơn
c. Tính trung dung
Trong giao tích văn
hóa, hội họa Pháp Trần Văn Cẩn, và phần lớn các họa sĩ Trường Mỹ thuật
Đông Dương đã làm làm được chuyện thần tình giống như cà chua, bắp cải
ở Tây sang được luộc ăn chấm với nước mắm dầm trứng, nước luộc đánh cà
chua. Một món đặc Việt Nam, rất ngon mà người phương Tây chưa hề biết
đến. Một kiệt tác ẩm thực Hà Nội. Nguyễn Tiến Chung như món quê dung
hòa khẩu vị thành thị và nông thôn. Thiếu nữ, Chùa Phổ Minh của Nguyễn
Sáng dung dị hòa hợp không gây cấn và vì thế ta thấy chúng ‘Hà Nội’ hơn
Kết Nạp Đảng… và Thành đồng Tổ quốc của chính ông hay Trái tim và nòng
súng của Huỳnh Văn Gấm (cũng quê Nam Bộ) chứa nhiều xung đột mâu thuẫn
lộ liễu mà các họa sĩ Hà Nội cho là ‘hơi cương kiểu cải lương’.
Ba đặc điểm trên cũng sẽ được thấy rõ khi ta xem tác phẩm của các thế hệ sau.
Người
mẹ chiến sĩ của Đỗ Sơn, Hà Nội của tôi của Lương Xuân Đoàn, Thương binh
về làng của Đặng Thị Khuê… khác hẳn tranh cùng đề tài của các họa sĩ
phương Nam. Những đàn bà không đầu của Nguyễn Quân, Thành Chương với
những tranh có vẻ đồ họa lập thể hoặc sơn mài của Lý Trực Sơn khác với
khỏa thân của Nguyễn Trung, Nguyễn Phước, Đinh Cường hay tranh ‘triết
lý’ của Bửu Chỉ nhiều.
Tranh Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Lê Thiết Cương… đối diện với tranh Hoàng Tường, Hứa Thanh Bình, Nguyễn Tấn Cương cũng vậy.
Lê
Quảng Hà với các tranh quá mạnh mẽ, quá gây cấn và khiêu khích, vừa
biểu hiện vừa siêu thực vì thế được ngay cả những người rất thích tranh
của anh coi là ‘lạ với Hà Nội’! v.v. Những thí dụ nêu trên chỉ để minh
họa không có giá trị xếp thứ hạng hay đánh giá nào của tác giả.
Tuy
nhiên ‘trường phái Hà Nội’ trong hội họa chỉ theo nghĩa hội tụ người tứ
xứ và khác biệt với hội họa các vùng văn hóa khác chứ không phải là một
trường phái đúng nghĩa được xây dựng bởi một nhóm nghệ sĩ cực đoan gắn
kết với nhau bởi một thế giới quan riêng, một nhận thức luận nhất quán,
hay một phương thức ứng xử xã hội, một hệ ngôn ngữ thể hiện triệt để,
mới chưa từng có… Đó là bởi ‘trường phái’ theo đúng nghĩa của nó đã là
một sự cực đoan, một khối mâu thuẫn mà tính trung dung của văn hóa Hà
Nội không dễ chấp nhận. Vì vậy tôi muốn nói rằng: Nếu có một ‘Trường
phái hội họa Hà Nội’ thì cũng có nghĩa là ở đó không có trường phái
thực thụ nào cả!
Nguyễn Quân