Chùa Bửu Minh

Nếu như người Ai Cập tự hào với kim tự tháp thì ngay tại Indonesia, Châu Á, chúng ta có thể chiêm ngưỡng một công trình đền thờ cổ kính vào bậc nhất thế giới


Borobudur là một ngôi đền tháp lớn ở miền trung đảo Java, Indonesia. Tên Borobudur có gốc từ Vihara Buddha Ur trong tiếng Phạn, có nghĩa là "đền thờ Phật trên ngọn núi".
 

 
Các nhà nghiên cứu đến giờ vẫn chưa xác định được chính xác từ khi nào công trình được xây dựng. Có rất nhiều ý kiến cho rằng ngôi đền có từ giữa thế kỉ thứ 7 và thế kỉ thứ 8. Các học giả nhất trí rằng phải mất khoảng 100 năm để xây dựng nó, và trong suốt 200 năm, ngôi đền là trung tâm của Phật giáo ở Java. Borobudur đã hoàn thành trước Angkor Wat ở Campuchia hàng thế kỉ.
 

 
Ngôi đền sau đó đã bị lãng quên hàng thế kỉ khi đạo Hồi phát triển mạnh mẽ ở đất nước này. Và trải qua thời gian, ngôi đền bị che phủ bởi tro của núi lửa Merapi và rừng rậm.
 
Vào năm 1814, một phái đoàn các nhà khoa học châu Âu, do chính quyền thuộc địa Hà Lan ở Indonesia cử đến, mới tiến hành nghiên cứu và tu bổ lại ngôi đền. Nhưng ngôi đền đã bị đổ nát, hư hỏng quá nhiều.
 
Năm 1970, chính phủ Indonesia phải kêu gọi UNESCO giúp đỡ. 600 nhà phục chế có tên tuổi trên thế giới đã tiến hành trùng tu lại ngôi đền trong suốt 12 năm trời và tiêu tốn mất 50 triệu đôla Mỹ.
 

 
Ngôi đền tháp nằm trên đỉnh một quả đồi, giữa vùng đồng bằng phì nhiêu, phía sau là một dãy núi màu lam, làm nổi bật lên ngôi đền.
 

Đền cao 42m, dài mỗi mặt chân đền là 125m, người ta phải đi qua một chặng đường dài hơn 5000m mới hết các bậc và hành lang. Ở tầng cao mới có thể thấy được toàn bộ cấu trúc của Borobudur.
  
Nhìn từ trên cao, Borobudur là một kiểu kiến trúc hình chóp gồm hai phần: phần tròn ở trên và phần vuông ở dưới. Phần tròn gồm tháp trung tâm hình chuông và ba tầng bậc tròn rộng đồng tâm bao quanh.
  
Borobudur được xây theo quan điểm vũ trụ quan Phật giáo, gồm 6 tầng hình vuông tượng trưng cho 6 cõi (trời, người, atula, ngạ quỷ, thú vật, địa ngục), với mỗi cạnh đáy là 123 mét, trên đó có 504 tượng Phật. Bên trên còn có thêm 3 tầng hình tròn, tượng trưng cho tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới), trong đó có 73 tượng Phật lớn, mỗi tượng được đặt trong một tháp hình chuông

 
Tầng thứ nhất (từ chân đồi lên) hình vuông, mỗi cạnh hướng về một phương rõ rệt. Giữa mỗi cạnh có một khoảng trống rộng 7,38 m, có hai con sư tử bằng đá đồ sộ chầu hai bên.
 

 
Chiều cao sư tử đến 1,7m (kể cả bệ), chiều dài 1,26 m, chiều rộng 0,8 m, miệng chúng khá rộng, lông bờm ở lưng, cổ, ngực dựng lên trông rất dữ tợn, đuôi uốn cong ngược về phía sau. Tám con sư tử ở bốn cạnh có con đã được đẽo gọt, chạm trỗ hoàn chỉnh, có con còn đang dở dang.
 

 
Tầng thứ hai cách tầng thứ nhất 1,52 m, không xây theo dạng hình vuông như ở tầng thứ nhất, mà là hình đa giác 20 cạnh, gần như bao quanh lấy sườn đồi. Tuy nhiên, vẫn có bốn cạnh lớn hướng về bốn phương trời, giữa có bốn tầng cấp. Hai bên tầng cấp có hai lan can uốn cong duyên dáng. Cuối lan can là một đầu voi rất to, trong miệng ngoạm một con sư tử; còn đầu lan can kia, là một đàn sư tử, mõm mở rộng, lưng tựa vào tường.
 
Từ tầng thứ ba trở lên, lại có hình dạng vuông, riêng tầng ba trên cùng có dạng hình tròn. Trên mỗi tầng có xây dựng nhiều đền đài miếu mạo, cái lớn nhất ở giữa, hai bên là những cái bé hơn. Trên cùng của đền tháp là mái tròn hình chuông.
 


Tất cả các bậc thềm từ tầng một đến tầng chín đều được phủ kín những phù điêu, được chạm trỗ rất công phu, mô tả về cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mầu Ni, các bồ tát và các anh hùng đã giác ngộ Phật pháp, về thiên đàng, về địa ngục...
 

 
Riêng ba tầng trên cùng phẳng phiu, trơn nhẵn có trổ 72 tháp chuông hình mắt cáo. Bên trong có đặt 72 tượng Phật ngồi (tầng một 32, tầng hai 24 và tầng ba 16).
 

 
Ngày nay, Borobudur đã được phục hồi, tuy không được hoàn toàn như trước, nhưng đã thể hiện được dáng dấp và làm khách tham quan vô cùng ngưỡng mộ, xứng đáng là một trong những kì quan nổi tiếng của châu Á. Hằng năm, đây là nơi hành hương của Phật tử Indonesia trong dịp lễ Vesak truyền thống.


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage