Vị kinh sư này vì vô ý đã không
đổ nước trong chậu sau khi sử dụng. Vị luật sư cho đó là phạm luật. Vị
kinh sư nghĩ là vì không cố tình cho nên mình không có lỗi. Nguyên do vụ
tranh chấp chỉ có thế, nhưng đệ tử của hai vị ai cũng bênh vực thầy mình
và nói bên đối phương là sai lầm. Cuộc tranh chấp vì thế mà leo thang.
Bên này bắt đầu nói bên kia là vu khống. Bên kia bắt đầu nói bên này là
vọng ngữ. Cuối cùng vị luật sư tuyên bố giữa đại chúng là vị kinh sư
phạm giới, và nếu không sám hối thì vị này sẽ không được phép tham dự
các buổi bố tát tụng giới hàng nửa tháng.
Tình
trạng trở nên căng thẳng. Hai bên nói qua nói lại. Những lời qua lại này
cũng tai hại như những mũi tên độc. Các vị khất sĩ chia thành hai phe.
Cũng may là có một số các vị khất sĩ không chịu theo phe nào. Họ than
thở với nhau: “Chết mất, chết mất! thế nào cũng có chia rẽ trầm trọng
trong giáo đoàn".
Trong
khi đó, Bụt vẫn chưa hay biết gì, tuy người đang an cư ở một tịnh xá sát
bên tu viện. Một số các vị khất sĩ đi tìm Bụt và trình lên người hiện
tình của đại chúng, và cầu Bụt can thiệp. Bụt liền đi tìm vị luật sư.
Người nói:
-
Chúng ta không nên quá tin ở quan điểm riêng của chúng ta. Chúng ta phải
lắng nghe và tìm hiểu quan điểm của người bên kia. Chúng ta phải làm mọi
cách để tránh sự chia rẽ trong đại chúng.
Rồi
Bụt đi tìm vị kinh sư. Người cũng nói với vị kinh sư những lời mà người
đã nói vị luật sư, hy vọng hai người sẽ đi tới hòa giải. Sau đó người
trở về tịnh xá.
Nhưng
cuộc can thiệp của Bụt không có hiệu quả. Cả hai bên vì lời qua lẽ lại
đều đã bị thương tích trầm trọng. Các vị khất sĩ đứng ở giữa không đủ
sức để giàn xếp một cuộc hòa giải. Nội vụ được chuyền tới tai giới đệ tử
tại gia và chẳng bao lâu các giáo phái bên ngoài đều biết tới. Uy tín
của đoàn thể khất sĩ bị thương tổn nặng. Đại đức Nagita thị giả của Bụt
thấy thế, không chịu nổi nửa. Thầy lại đem nội vụ trình lên Bụt và cầu
cứu Bụt tới can thiệp một lần nữa.
Bụt
khoác áo và tới thẳng thính đường của tu viện. Người bảo đại đức Nagita
thỉnh chuông triệu tập đại chúng. Khi mọi người đã tụ họp đầy đủ, Bụt
nói:
- Xin
các thầy hãy chấm dứt việc tranh chấp và cãi cọ. Xin quý thầy hãy chấm
dứt tình trạng chia rẽ trong nội bộ giáo đoàn. Xin trở về với sự tu học.
Nếu chúng ta tu học thật sự thì chúng ta không còn là nạn nhân của tự ái,
giận hờn và chia rẽ nữa.
Một vị
khất sĩ đứng lên, bạch:
- Thế
Tôn, xin Thế Tôn đứng ra ngoài vụ tranh chấp này. Xin người cứ an trú
trong niềm vui tịnh lạc của thiền định. Đây không phải là việc của người.
Chúng tôi đã lớn: chúng tôi có thể tự mình giải quyết vụ này được, không
cần đến Thế Tôn.
Vị
khất sĩ nói xong, mọi người đều im lặng. Bụt cũng im lặng. Một lát sau,
người đứng dậy, rời bỏ thính đường. Người trở về tịnh xá lấy bình bát và
áo, rồi người một mình đi vào Kosambi để khất thực. Khất thực xong,
người vào rừng một mình để thọ trai. Thọ trai xong người đứng dậy, ôm y
bát từ bỏ thành phố Kosambi, hướng về phía bờ sông mà đi. Không ai được
phép đi theo người, kể cả thầy thị giả, kể cả đại đức Ananda.
Bụt đi
lần hồi tới thị trấn Balakalonakaragama. Tại đây người gặp một vị đệ tử
là đại đức Bhagu. Thấy Bụt, đại đức rất vui mừng, đại đức rước Bụt vào
một cụm rừng, mời Bụt ngồi rồi đi tìm nước và khăn cho Bụt rửa mặt và
tay chân. Bụt hỏi thăm về sự tu học của thầy Bhagu. Thầy nói thầy rất an
lạc ở đây, dù thầy ở có một mình. Bụt nói:
- Ở
một mình đôi khi mà khỏe hơn là ở với nhiều người.
Sau
khi giảng dạy thêm giáo lý và khích lệ đại đức Bhagu về sự tu học, Bụt
từ giã thầy để đi về phía công viên Đông Trúc cách đó không xá. Bước vào
công viên, Bụt bị người cai vườn ngăn lại, ông ta nói:
- Sa
môn, ông đừng đi vào trong công viên, sợ làm rộn các vị đang tu hành
trong ấy.
Bụt
chưa biết nói sao thì từ trong công viên đại đức Anuruddha đi ra. Thầy
vái chào Bụt và nói người cai vườn:
- Đó
là thầy của chúng tôi đấy, xin ông cứ để cho người vào.
Rồi
đại đức đưa Bụt vào phía trong công viên. Ở đây, Bụt gặp thêm hai vị
khất sĩ khác: đại đức Nandiya và đại đức Kimbila. Hai người được gặp Bụt
rất mừng. Thầy Nandiya nâng bát cho Bụt, còn thầy Kimbila thì nâng áo
sanghati của người. Họ sắp chỗ ngồi cho Bụt bên một bụi tre vàng. Họ đem
nước và khăn tới cho Bụt rửa mặt và rửa chân. Rồi cả ba thầy chắp tay
làm lễ Bụt. Bụt bảo ba thầy ngồi xuống bên cạnh:
Người
hỏi:
- Các
thầy ở đây có được an tịnh không? Sự tu học có thuận lợi không? Việc
khất thực hành hóa có dễ dàng không?
Thầy
Anuruddha đáp:
- Bạch
thầy, chúng con ở đây rất an ổn. Ở đây khung cảnh rất an tịnh. Việc khất
thực và hành hóa cũng dễ dàng. Chúng con đã đạt được nhiều tiến bộ trong
sự tu học.
Bụt
hỏi:
- Các
thầy có thương mến nhau và hòa hợp với nhau không?
- Thưa
Thế Tôn, chúng con rất thương mến nhau. Chúng con hòa hợp với nhau một
cách dễ dàng như nước với sữa. Riêng con, được sống với hai huynh
Kimbila, và Nandiya là một điều may mắn lớn cho đời con. Con trân quý
tình bằng hữu này lắm. Mỗi khi con nói hay con làm một điều gì, dù là
khi hai huynh không có mặt, con cũng nghĩ đến hai huynh. Con tự hỏi con:
nói như thế và làm như thế thì hai huynh có vừa ý không? Nếu con có một
chút nghi ngờ rằng lời nói và việc làm ấy có thể làm cho hai vị phật ý
là con nhất định không nói và không làm. Thưa Thế Tôn, chúng con tuy là
ba người mà cũng như là một.
Bụt
gật đầu ưng ý. Người nhìn hai thầy kia. Thầy Kimbila nói với Bụt:
- Điều
sư huynh Anuruddha nói đó là sự thật. Chúng con rất hòa hợp với nhau và
rất thương mến nhau.
Thầy
Nandiya nói:
-
Chúng con biết chia xẻ cho nhau đồng đều mọi thứ. Từ chỗ ăn ngủ cho đến
kiến thức và kinh nghiệm, chúng con đều sẵn lòng chia xẻ cho nhau.
Bụt
khen:
- Tốt
lắm! Tôi rất hài lòng khi thấy các thầy ăn ở với nhau như vậy. Có sự hòa
hợp đó, một đoàn thể tu học mới thật sự là một đoàn thể tu học. Các thầy
đã thật sự tỉnh thức cho nên quý thầy mới thực hiện được sư hòa hợp đó.
Bụt ở
lại với ba thầy một tháng. Người nhận xét như sau:
Buổi
sáng sau giờ thiền tọa, ba thầy cùng đi khất thực một lần. Khất thực
xong, vị nào về trước thì đi sắp đặt chỗ ngồi đi lấy nước uống, nước rửa
và một cái chậu sạch để sẵn tại đó. Xong rồi vị ấy mới đi rửa mặt, rửa
chân, và ngồi xuống để quán niệm và thọ trai. Trước khi thọ trai, vị ấy
san bớt thức ăn trong bát vào chiếc chậu sạch. Thức ăn này là để dành
cho vị khất sĩ nào không xin được đủ một phần ăn. Khi các vị kia về, thì
nước rửa và nước uống đã có sẵn. Họ khỏi phải đi xách nước. Họ chỉ cần
ngồi xuống rửa tay, rửa mặt và rửa chân trước khi ngồi xuống thọ trai.
Sau khi thọ trai và uống nước, cả ba người cùng đi dọn dẹp. Nếu thức ăn
trong chậu còn dư, họ đem đổ ở một khoảng đất không có cây cỏ, hoặc đổ
xuống nước nơi không có loài vật nào đang sống. Họ cùng rửa và cùng úp
các chậu lại. Ai thấy bình nước uống hết nước thì đi lấy thêm. Ai thấy
vại nước rửa lưng đi thì đi xách nước thêm. Ai thấy cầu tiêu không được
sạch thì đi chùi rửa. Việc gì cần hai hoặc ba người mới làm nổi thì họ
đâu vai chung sức lại. Họ không cần bàn cãi gì hết về công việc hàng
ngày. Cứ mỗi năm ngày họ ngồi lại một lần để cùng học hỏi giáo lý và
trao đổi kinh nghiệm tu tập.
Trước
khi từ giã ba thầy, Bụt nói:
- Các
thầy, bản chất của một tăng đoàn (sangha) là sự hòa hợp. Theo tôi, ta có
thể minh định sự hòa hợp như sau:
- Thứ
nhất là thân hòa đồng trú,
nghĩa là cùng chia xẻ vói nhau một trung tâm tu học, một khu rừng hay
một mái nhà.
- Thứ
hai là lợi hòa đồng quân,
nghĩa là cùng chia xẻ với nhau đồng đều những tiện nghi của cuộc sống.
- Thứ
ba là giới hòa đồng tu,
nghĩa là cùng hành trì với nhau những giới và những luật đã được truyền
thọ và ban hành.
- Thứ
tư là khẩu hòa vô tránh,
nghĩa là chỉ sử dụng thứ ngôn ngữ hòa hợp, tránh tất cả những lời nói có
thể gây ra sự xích mích và tranh cãi.
- Thứ
năm là kiến hòa đồng giải,
nghĩa là trao đổi và chia xẻ những hiểu biết và những kiến thức với
nhau, không dấu diếm cái hiểu biết cho riêng mình, để cho mọi người cùng
được học hiểu.
- Thứ
sáu là ý hòa đồng duyệt,
nghĩa là các ý kiến khác nhau phải được tổng hợp lại, và không ai có thể
bắt buộc mọi người khác phải làm theo ý kiến riêng của mình như thế để
tạo nên sự vui vẻ hòa hợp trong đoàn thể.
Các vị
khất sĩ! Từ nay về sau, chúng ta phải lấy sáu nguyên tắc hòa hợp này mà
sống với nhau.
Ba vị
đại đức hoan hỷ tiếp nhận lời nhận của Bụt. Từ giã ba thầy, Bụt lên
đường. Bảy ngày sau, người tới Parileyyaka, Bụt đi vào rừng Rakkhita, và
tìm thấy một cây sala cành lá sum suê. Người đặt y bát xuống và ngồi
nghĩ dưới gốc cây đẹp đẽ này. Bụt có ý định muốn ở lại một mình tại đây
trong mùa an cư sắp tới.
Dưới
cây sala, người cảm thấy có nhiều an lạc và thoải mái. Đây là một khu
rừng xanh tốt, có đồi, có suối lại có hồ. Sống một mình, Bụt thấy dễ
chịu hơn khi có đông đảo đệ tử. Ở Kosambi, hiện giờ nhiều vị khất sĩ
đang sống trong phiền não, và phiền não lan tới cả giới đệ tử tại gia.
Người cảm thấy buồn vì chính đệ tử của người cũng không chịu nghe lời
người khuyên bảo. Người biết đó là sự buồn giận đang che mất tâm trí họ.
Trong
rừng Rakkhita, Bụt gặp rất nhiều loài thú vật. Có cả một đàn voi nữa.
Con voi mẹ vốn là một con voi chúa thường hay đem những con voi khác và
đàn voi con xuống tắm dưới hồ. Nó dạy cho những con voi con uống nước,
ăn cỏ và ăn những cây bông súng. Bụt nhìn con voi mẹ dạy đàn voi con ăn
những cây bông súng. Nó lấy vòi nhổ một đám bông súng, khỏa những cây
bông súng để rửa ở mặt nước cho bùn đất trôi đi rồi mới đưa vào miệng.
Các con voi con tập một hồi rồi cũng làm được như con voi mẹ.
Mấy
con voi con này rất có cảm tình với Bụt. Voi và Bụt rất thân cận và yêu
mến nhau. Có khi voi mẹ hái cả trái cây để cúng dường Bụt. Bụt ưa vuốt
đầu những con voi con và đưa chúng xuống bờ hồ. Con voi chúa thường dùng
tiếng rống để triệu tập đàn voi và những con voi con. Tiếng rú của con
voi chúa rất là oai vệ. Bụt đã học và bắt chước được tiếng rú này. Có
một lần sau khi con voi chúa rú lên tiếng rú oai vệ của nó, Bụt cũng bắt
chước rú lên, con voi chúa nghe tiếng rú lập tức nhìn về phía Bụt, và nó
tới trước Bụt rồi quỳ hai chân trước xuống, Bụt vuốt ve và đỡ nó dậy.
Bụt ở
lại an cư tại đây. Đây là mùa an cư thứ mười của Bụt sau ngày thành đạo.
Đây là lần thứ hai người an cư một mình. Suốt này người ở trong rừng.
Chỉ buổi sáng vào giờ khất thực người mới rời khỏi khu rừng xanh tốt của
người để đi vào tụ lạc mà thôi.
Sau
mùa an cư, Bụt từ giã đàn voi và khu rừng xinh đẹp. Người đi về hướng
Đông Bắc. Nửa tháng sau người về tới tu viện Cấp Cô Độc ở Savatthi. Đại
đức Sariputta thấy Bụt về mừng lắm. Rahula cũng có mặt tại đó. Nhiều vị
đại đệ tử cũng có mặt tại đó: các đại đức Mahamoggallana, Mahkassapa,
Mahakunda, Upali, Mahakotthiya, Mahakappina, Mahakunda, Revata, và
Devadatta ... Các đại đức Anuruddha, Kimbila, Nandiya từ công viêng Rừng
Trúc ở Karagama cũng đã về tới. Ni sư Gotami cũng có mặt tại Savatthi.
Thấy Bụt ai nấy đều mừng rỡ.
Bước
vào tịnh xá, Bụt gặp thầy Ananda đang sắp đặt và quét dọn lại tịnh xá.
Một năm và bốn tháng trời, Bụt đã vắng mặt tại đây. Thấy Bụt, đại đức
Ananda mừng quá. Thầy buông chổi vái chào Bụt, Bụt hỏi thăm thầy về tình
trạng ở Kosambi. Thầy nói:
- Sau
khi Bụt bỏ đi, một số huynh đệ đến tìm con và nói: “Này sư huynh, Thế
Tôn đã bỏ đi rồi, người đi một mình. Tại sao sư huynh không tìm theo Bụt
để làm thị giả cho người. Nếu sư huynh không đi thì chúng tôi đi vậy”.
Con trả lời: “Nếu Bụt đi mà không cho ai biết mà cũng không từ giã huynh
đệ chúng ta, đó là vì người muốn đi một mình. Chúng ta không nên làm
phiền người". Sau đó khoảng sáu tháng, một số huynh đệ lại tới nói với
con: “Này sư huynh, lâu nay chúng mình không được nghe Thế Tôn dạy bảo,
không được nghe giáo pháp trực tiếp từ miệng của bậc thầy nói ra. Chúng
ta nên đi tìm người”. Chúng con đã lên đường tìm Bụt nhưng không được
gặp. Không ai biết Bụt ở đâu. Cuối cùng chúng con tìm về Savatthi. Về
tới đây chúng con cũng không thấy Bụt. Chúng con tự bảo nên kiên nhẫn
chờ Bụt tại đây. Thế nào người cũng về. Thế nào người cũng không bỏ các
đệ tử xứng đáng của người.
- Khi
thầy rời Kosambi, tình trạng như thế nào? Các vị khất sĩ còn cãi cọ nhau
nhiều không?
- Thế
Tôn, hồi ấy tình trạng còn căng thẳng lắm. Căng thẳng hơn ngày Thế Tôn
ra đi nhiều, không bên nào chịu thua bên nào. Không khí thật là khó thở.
Mỗi lần đi vào thành phố khất thực là chúng con lại bị giới cư sĩ hỏi
nhau về vụ tranh chấp. Chúng con nói: “Có nhiều vị khất sĩ đứng ngoài vụ
tranh chấp. Xin quý vị biết cho điều đó”, và đó là điều duy nhất mà
chúng con có thể làm. Dần dần giới cư sĩ bắt đầu phản ứng. Họ tìm tới tu
viện và nói với các vị khất sĩ trong vụ tranh chấp: “Quý thầy đã không
nghe lời Bụt để cho Bụt phải buồn lòng mà bỏ đi. Quý thầy có trách nhiệm
rất lớn. Giới tại gia của chúng tôi đã mất rất nhiều niềm tin. Xin quý
thầy xét lại”. Thưa Thế Tôn, ban đầu thì các thầy không chú ý tới lời
cảnh cáo của giới tại gia, nhưng sau đó, giới tại gia cương quyết bảo
nhau không cúng dường cho các vị có mặt trong cuộc tranh chấp. Hỏi tại
sao không cúng dường tăng bảo, họ trả lời: “Quý vị không xứng đáng với
Bụt, bởi vì quý vị không có sự hòa hợp. Nếu quý vị nghe lời Bụt mà hòa
giải được với nhau, rồi sau đó đi tìm Bụt để sám hối, thì chúng tôi sẽ
khôi phục được niềm tin. Lúc đó chúng tôi mới hành trì lại phép cúng
dường với tất cả tâm thành của chúng tôi được". Thưa Thế Tôn, giới tại
gia ở Kosambi cương quyết lắm. Họ nói thì họ làm. Ngày rời Kosambi, con
nghe nói là hai bên định ngày tập hợp để đi tới sự hòa giải. Con nghĩ là
họ sẽ hòa giải được và sớm muộn gì họ cũng tìm về tới đây để xin sám hối
với Bụt.