Trong những ngày kỷ niệm lịch sử đầy ắp suy tư này, dường như mỗi chúng ta đều như nghe thấy " Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất. Những buổi ngày xưa vọng nói về" [Nguyễn Đình Thi].
Và rồi, một quá khứ gần và một quá khứ xa ít hay nhiều hòa vào nhau
trong sự đa dạng của thời hiện tại. Những ngày tháng Tám của thời hiện
đại với hai sự kiện tuyệt vời : nhà toán học Ngô Bảo Châu được tặng giải
thưởng Fields [có thể xem là giải Nobel trong toàn học] đúng vào ngày
19/8/2010, sau đó một tuần, mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Lão tướng
Huyền thoại, biểu tượng của niềm tin, trí tuệ và khí phách của dân tộc
thế kỷ XXI, tròn 100 tuổi. Những sự kiện lớn ấy như một làn gió lành xua
bớt đi sự oi bức, ngột ngạt báo hiệu những cơn bão đang kéo vào từ Biển
Đông cùng với hơi lạnh của "gió mùa đông bắc"!
Trong khi một lịch sử gần chạy nhanh về với chúng ta thì một lịch sử
xa lại chạy đến với chúng ta bằng những bước chân chậm rãi . Nhưng dù "gần" hay "xa", dù "nhanh" hay "chậm ", thì những "rì rầm trong tiếng đất"
ấy vẫn có sức khơi gợi mãnh liệt những nỗi niềm dân tộc. Tiếng vọng từ
quá khứ "gần" hay quá khứ "xa" thì đều cùng vang lên những âm hưởng giục
giã xao động lòng người trong những ngày này, những ngày đầy ắp suy tư
như vừa nói!
Có lẽ vì thế mà bỗng ong ong trong tai bài thơ Thiền của thiền sư Khuông Việt thế kỷ thứ X , bài Gốc lửa: "Trong cây vốn có lửa. Sẵn lửa, lửa mới sinh ra". Quả đúng vậy "Mộc trung nguyên hữu hỏa, Nguyên hỏa phục hoàn sanh". Bởi vì, nếu cây không có lửa, khi cọ xát sao lại thành? "Nhược vị mộc vô hỏa, Toàn toại hà do manh?".
Một bước đột phá trong toán học tầm cỡ đỉnh cao thế giới, đẩy
cao thêm khát vọng tuổi trẻ từ một nhà khoa học trẻ, và một huyền thoại
về vị lão tướng có tên trong danh sách những vị tướng tài ba lừng danh
nhất thế giới tự cổ chí kim đang là người duy nhất còn chứng kiến những
bước đi bão táp của thế kỷ XXI. Hai sự kiện kỳ diệu ấy lại cùng diễn ra
trong những ngày Tháng Tám lịch sử đánh dấu cột mốc sang trang trong
biên niên sử của dân tộc Việt Nam ta, đang giục giã những nghĩ suy về
sức mạnh tiềm ẩn trong đời sống dân tộc.
"Nguyên hỏa phục hoàn sanh", lửa đã chứa sẵn trong chính mình,
thì rồi khi cọ xát, tức là khi có sự tác động từ bên ngoài, lửa mới bật
ra được chứ! Niềm tin vào sức sống bất tận của dân tộc, một dân tộc bị
dìm trong đêm đen của ngàn năm bắc thuộc vẫn đủ sức bật dậy tự khẳng
định mình, một dân tộc luôn luôn ở trong cái thế địa -chính trị trứng
chọi đá vẫn hiên ngang tồn tại và lần lượt đánh tan những đế quốc xâm
lược khổng lồ từ thế kỷ XIII cho đến thế kỷ XX để hôm nay hội nhập với
thế giới.
Và quả là quá nhiều suy tư về những kỷ niệm được gợi lên trong cuộc
gặp mặt tại nhà riêng của vị Đại tướng huyền thoại ở 30 Hoàng Diệu. "Gặp lại các anh hôm nay, tôi như thấy lại các thời đại"
đó lời mở đầu xúc động của bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng. Mà đúng
vậy, thật đơn giản mà cũng thật sâu nặng, như một đúc kết lịch sử qua
một câu chân thành, đừng quên bà cũng là một nhà sử học.
Nhìn vào ánh mắt và giọng nói nhân hậu của người lính già Lê Trọng
Nghĩa, người cao tuổi nhất trong số ngồi đây, một nhân chứng lịch sử,
người đã gắn bó với Đại tướng từ những ngày đầu tiên trong cánh rừng
Việt Bắc, hôm nay đến đây không nói nhiều về thời kỳ đánh giặc mà nhấn
mạnh rằng: "anh Văn đã là điểm tựa vững vàng cho sự nghiệp xây dựng
đất nước trong thời bình, đang cổ vũ chúng ta và đồng hành trong cuộc
đấu tranh cho dân chủ và tự do của nhân dân ta", và gật đầu tán
thành với bổ sung của anh Việt Phương, người bạn chí cốt, cũng là người
gắn bó dài lâu với Đại tướng, rằng: "... và vẫn đang là người tiếp tục hướng dẫn, động viên tất cả chúng ta hiện nay trong chặng đường mới này".
Quả thật, "Không có huyền thoại nào lớn lao hơn huyền thoại do đời sống dựng nên"
như lời nhắc nhở của Andersen, người kể chuyện cổ tích hay nhất thế
giới. Không hấp thu vào mình khí phách và trí tuệ của dân tộc, bản lĩnh
và sức sống bất tận của nhân dân mình thì làm sao có huyền thoại kia?
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng phát biểu của giáo sư Hoàng Tụy
gửi đến buổi họp mặt do đại tá Trịnh Nguyên Huân truyền đạt lại, đã gợi
lên một logic và sự liên tưởng thú vị: "Tôi luôn luôn nhớ đến lời
căn dặn của Đại tướng, lúc đảm nhiệm trọng trách Phó Thủ tướng phụ trách
Khoa học-Công nghệ, Giáo dục-Đào tạo: "Phấn đấu thực hiện cho
được một Điện Biên Phủ trong khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo". Sự
kiện Ngô Bảo Châu nhận được giải thưởng Fields đã là một Điện Biên Phủ
của trí tuệ Việt Nam, thật là vui mừng, nhưng đồng thời càng phải quyết
tâm thực hiện một Điện Biên Phủ trên lĩnh vực Khoa học-Công nghệ và Giáo
dục-Đào tạo". Đương nhiên, khi nói khoa học, cần nhớ rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, "anh Văn", luôn coi trọng cả khoa học xã hội.
Khi đọc những thông tin mà báo chí đã đưa về cuộc gặp này, tôi không
khỏi ân hận vì đã khước từ gợi ý của anh Việt Phương phát biểu trong
cuộc họp với ý nghĩ rằng, mình chỉ là bậc đàn em trong những người lính
già từng gắn bó với Đại tướng, nên dành thời gian ít ỏi cho những người
đáng kính đó.
Nhưng rồi ân hận vì đáng lý cần phải nói rõ hơn, đương nhiên Đại
tướng dành nhiều ưu ái cho giới sử học vì ông là Chủ tịch danh dự của
Hội Sử học, nhưng ông cũng đặc biệt quan tâm đến các ngành KHXH khác.
Chỉ riêng về Xã hội học, đã nhiều lần Đại tướng gọi tôi đến trình bày
những vấn đề đang nghiên cứ và đưa ra những chỉ dẫn rất sâu sắc, đặc
biệt là với chủ đề nông dân và nông thôn mà chúng tôi đang theo đuổi.
Thậm chí, khi đang nghỉ ở Cửa Lò, tình cờ biết chúng tôi cũng đang có
mặt tại đấy, Đại tướng đã dành 2 buổi để nghe anh Việt Phương và chúng
tôi đến để trao đổi về những vấn đề xã hội bức xúc.
"Cuộc gặp mặt tại nhà riêng của vị Đại tướng huyền thoại ở 30 Hoàng Diệu".
Ảnh Lê Anh Dũng.
|
Có lẽ ông là người hiếm hoi đã trả lời cho chúng tôi về một tiểu luận
đóng góp với Đại hội X. Và rồi khi biết chúng tôi đang gặp những khó
khăn không đáng có Đại tướng đã ân cần động viên cổ vũ. Trong tủ sách cá
nhân của chúng tôi, cuốn "Tổng tập Hồi ký" của Đại tướng là một kỷ vật
vô giá. Cuốn sách mà đại tá Huân trực tiếp mang đến với lời đề tặng của
Đại tướng " Chúc đồng chí TL có những đóng góp mới vào lý luận của Đảng. Hà Nội ngày 27/9/2006. Ký tên VNG".
Khi đọc lời đề tặng và chữ ký quắc thước và tuyệt đẹp của đại tướng, dạo ấy, nhà văn Nguyễn Khải đã giục chúng tôi : "Anh phải phóng to ra, đóng khung treo lên, vì nó đẹp như một bức tranh thủy mạc vậy"!
Tuy vậy, chỗ treo lên trang trọng nhất chính là trong trái tim mình, để
rồi tự mình vượt lên chính mình mà có những đóng góp mới xứng đáng với
lời động viên của con người huyền thoại ấy.
Những xúc động của buổi họp mặt càng nối dài thêm những suy tư Tháng
Tám! Mà đâu chỉ tháng Tám, dường như mùa thu Hà Nội với những "rì rầm" của "buổi ngày xưa vọng nói về" ấy còn kéo dài đến tháng 9 với Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tròn 65 tuổi, để rồi kéo dài đến đại lễ 1000 năm Thăng Long đúng vào dịp "năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về" giải phóng Thủ đô vào tháng 10!
Và cái quá khứ gần ấy như nối lại với sự dồn nén của lịch sử để bộc phát vào ngày 19/8/1945 với "Xung
gan giận toan thiêu rừng Bắc, Vẫy tay thù mong tát biển Đông... Dòng
Lam Thủy máu hồng cuồn cuộn, Mây Hồng Sơn khí giận ùn ùn..." trong
lời thơ của Phan Bội Châu. Đây là khí thế của các cuộc khởi nghĩa giành
quyền độc lập trong đêm đen nô lệ thời Bắc thuộc cách đây hơn ngàn năm.
Lời tâm huyết của cụ Phan trong "Việt Nam quốc sử Bình diễn ca" ấy dường như liền mạch cảm xúc với "Tây
Tiến đoàn quân không mọc tóc... Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm, Heo
hút cồn mây súng ngửi trời, Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống... Rải
rác biên cương mồ viễn xứ, Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. Áo bào
thay chiếu anh về đất, Sông Mã gầm lên khúc độc hành" trong lời thơ
của Quang Dũng mở đầu cho cuộc trường chinh cứu nước của các giai đoạn
chống xâm lược 23/9/1945 đến chiến thắng Điện Biên 1954, rồi lại tiếp
tục cho đến ngày 30/4/1975 và tiếp đó là các cuộc chiến đẫm máu ở biên
giới tây nam và biên giới phía bắc chống lại sự gian hiểm và xấc xược
của những thế lực không muốn thấy một nước Việt Nam độc lập, thống nhất
trong hòa bình xây dựng để có dân chủ và giàu mạnh tại vị trí đầu cầu
của vùng Đông Nam Á năng động và đầy tiếm lực.
Đều là những câu thơ có lửa, bật ra từ trái tim muốn trở thành ngọn đuốc.
Phải chăng những tiếng vọng ấy đã giục giã nỗi niềm suy tư về vận
nước, mà đôi khi những lo toan về miếng cơm manh áo hàng ngày phần nào
bị chìm lấp đi. "Quốc tộ như đằng lạc" [vận nước đan xen với nhau như mây quấn"],
câu ấy nằm trong bài vận nước của thiền sư Pháp Thuận [915-990], một
kiệt tác ghi lại dấu ấn của một tầm vóc tư tưởng và triết lý mà đến cả
mười thế kỷ sau cứ như những lời "sấm tiên tri"! Đó là tiếng vọng đánh
thức nỗi niềm dân tộc, là những "lời ru miệt mài, ngàn năm ngàn năm" [Trịnh Công Sơn].
Những tiếng vọng ấy đánh thức những tiềm năng đang ngủ quên trong sâu
thẳm tâm tư của nhiều con người đang bận bịu bươn chải kiếm sống. Những
tiềm năng ấy khác nào đốm lửa được ủ kín trong tro ấm của bếp lửa đã
tắt chỉ cần ngọn gió thổi bùng lên. Ngọn gió của Cách mạng Tháng Tám,
của Tuyên ngôn Độc lập 2/9, mà nếu không có những thời khắc lịch sử ấy,
thì cũng không thể có sự trọn vẹn hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân
tộc, non sông quy về một mối. Biết bao máu của các thế hệ Việt Nam đã đổ
ra để có những ngày này.
Thế hệ những người đang sống hôm nay phải nghe cho ra những "rì rầm trong tiếng đất" vọng về nói rằng "Nước chúng ta. Nước những người chưa bao giờ khuất". Những tiếng vọng của Đất Nước, những tiếng vọng của ông cha nhắc nhở con em họ phải sống thế nào cho xứng đáng với xương máu đã đổ ra.
Khi những tiềm năng đang ngủ quên được đánh thức sẽ bật ra sức mạnh
dời non lấp biển của khối quần chúng nhân dân đông đảo, những người thực
sự làm nên lịch sử. Chính những con người bình thường ấy hợp lực lại
thành nhân dân từng biểu tỏ sức năng động tự thân làm xoay chuyển cục diện như lịch sử từng ghi nhận.
Chính sức năng động tự thân của khối quần chúng đông đảo được
khởi động sẽ tạo ra những đột phá mà mọi tính toán, mọi "quy hoạch" đều
ngỡ ngàng. Lịch sử cho thấy rất nhiều bài học như vậy. Máu xương của ông
cha đã đổ ra sẽ không uổng khi sự hy sinh ấy khởi động được ý chí nhân
dân, làm bùng lên sức năng động tự thân của khối quần chúng lớn lao từng
làm nên lịch sử. Và lịch sử sẽ được viết tiếp.