Các anh chị thân mến,
Ðề tài thảo luận của chúng ta hôm nay là "Ðạo Phật với Thanh
niên". Tiêu đề như thế thường gây ấn tượng rằng có nhiều hình thái
đạo Phật khác nhau ; và mỗi hình thái cho từng lứa tuổi, hay tùy
theo thành phần xã hội khác nhau. Nhưng cũng có thể hiểu, chỉ có
một đạo Phật mà thôi, và nội dung thảo luận của chúng ta nay sẽ xem
xét đạo Phật ấy có những đặc điểm gì được xem là cơ bản, rồi từ
đó rút ra kết luận rằng, đạo Phật trong ý nghĩa như vậy có phù hợp
với tuổi trẻ hay không? Tất nhiên, các Anh Chị ở đây đều là Phật
tử, do đó câu trả lời đã có sẵn từ bao lâu rồi. Dù nói theo ý nghĩa
nào, hay nhìn vấn đề từ góc cạnh nào, chúng ta sẽ không nêu ra
bất cứ định nghĩa, và cũng không quy chiếu đạo Phật vào những yếu
tính hay đặc tính nào.
Nói thế, có khi cũng hơi khó cho các Anh Chị vấn đề. Chắc ở trong
đây cũng có nhiều Anh Chị đã từng đọc sách Thiền, và có thể đã
nghe nói đến công án Thiền, đại khái như thế này. Một người hỏi
Thiền sư: Phật là gì? Thiền sư đáp: "Ba cân gai". Không phải là câu
chuyện bông đùa, cũng không phải Thiền sư muốn đưa ra một mệnh
đề triết học siêu nghiệm rắc rối. Bởi vì, ở đây chúng ta đi tìm ý
nghĩa của đời sống, tìm để phát hiện những giá trị của đời sống.
Nói theo cách nói của một nhà văn hay nhà thơ, chúng ta không định
nghĩa, không mô tả, vì chúng ta không đi tìm kiến thức bách khoa
về sự sống, mà đi tìm hương vị đích thực của nó. Như con ong đi tìm
hoa, không phải chỉ tìm hương sắc của hoa. Hương sắc của hoa chỉ là
tín hiệu của giá trị tồn tại. Nó tìm hoa để hút mật, làm dưỡng
chất cho tồn tại của mình và cho tất cả nòi giống của mình.
Tuổi trẻ thường được nhắc nhở, khuyên bảo rằng cần phải học hỏi
để sống cho đáng sống. Ca dao cũng nói rằng "làm trai cho đáng
nên trai, xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài yên", và các bạn trẻ
hiểu rằng, ta sẽ phải làm nên sự nghiệp hiển hách nào đó kẻo
không thì sẽ uổng phí cuộc đời. Rồi bạn ấy làm nên sự nghiệp lớn
thật, và người đời thán phục. Chúng ta cũng hết sức thán phục.
Nhưng hãy nhìn sâu vào đôi mắt của bạn ấy một chút, nếu co ai trong
chúng ta đây có vinh dự được nhìn. Chúng ta thấy gì? Những phương
trời cao rộng, để cho "cánh hồng bay bỗng tuyệt vời", hay một
phương trời tiếc nuối, "khi ngoảnh lại ngắm màu dương liễu, thà
khuyên chàng đừng chịu tước phong"? Cả hai. Người đuổi bắt ảo ảnh để
tìm ảnh thực vĩnh cửu của chính mình. Vị ngọt của đời ở đâu,
trong cả hai?
Bây giờ chúng ta hãy tạm rời bức tranh lãng mạn ấy, để nhìn sang
một hướng khác. Có hình ảnh nào đáng chiêm ngưỡng hơn hay không?
Cũng còn tùy theo điểm đứng nghệ thuật của người nhìn.
Thuở xưa, có một vương tử, mà ngai vàng đã dọn sẵn, vó ngựa chinh
phục cũng đã sẵn sàng yên cương. Rồi một đêm, khi cả cung đình
đang ngủ say trong giấc ngủ êm đềm của uy quyền, danh vọng, giàu
sang; vương tử gọi quân hầu thắng cho ngài con tuấn mã trường
chinh. Nhưng vó ngựa trường chinh của ngài không tung hoành chiến
trận. Thanh gươm chinh phục của ngài không đánh gục những chiến sĩ
yếu hèn. Gót chân vương giả từ đó lang thang khắp chốn sơn cùng
thùy tận: cô đơn bên bờ suối, dưới gốc cây. Ngài đi tìm cái gì? Ta
hãy nghe Ngài nói: "Rồi thì, này các Tỳ kheo, một thời gian sau,
trong tuổi thanh xuân, khi tóc còn đen mượt, với sức sống cường
tráng; mặc dù cha mẹ không đồng ý với gương mặt đầm đìa nước mắt, Ta
đã cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, lìa bỏ gia đình, sống không gia
đình. Ta trong khi ra đi như vậy, làm người đi tìm cái gì đó chí
thiện, tìm con đường hướng thượng, tìm dấu vết của sự tịch mịch tối
thượng". Ngài đi tìm và khai phát con đường dẫn về thế giới
bình an và hạnh phúc vĩnh cửu.
Rồi con đường ấy được công bố, được giới thiệu cho những ai như
những đóa sen tuy sinh trưởng từ bùn sình, nước đọng, đang đã có
thể vươn lên khỏi bùn sình, bản thân không bị nhiễm mùi tanh hôi
của bùn sình. Tuy vậy, không phải ngay từ đầu con đường vừa được
khám phá và công bố ấy được tiếp nhận một cách đầy tin tưởng bởi
tất cả mọi người. Số người chống đối không phải ít.
Khi đức Ðạo sư trẻ tuổi đến Magadha, vương quốc hùng mạnh nhất
thời bấy giờ, nhiều thanh niên con nhà gia thế, như Yasa cùng
các bạn bè, và các thanh niên trí thức hàng đầu như Sariputta và
Moggallana, và nhiều thanh niên quý tộc, vương tôn công tử, tiếp nối
nhau từ bỏ gia đình, từ bỏ địa vị xã hội sang cả, chọn con
đường vinh quang của Chân lý. Từ một góc độ nào đó mà nhìn, sự ra đi
của họ tạo thành một khoảng trống lớn cho xã hội, làm đảo lộn
nếp sống đã thành thói quen của quần chúng. Dân chúng lo ngại. Họ
thì thầm bàn tán, rồi phiền muộn, rồi thất vọng, và rồi giận dữ.
Dư luận gần như dấy lên đợt sóng phải đối: "Sa-môn Gotama làm cho
những người cha mất con, những bà vợ trẻ trở thành góa bụa. Sa-môn
Gotama làm cho các gia đình có nguy cơ sụp đổ". Dư luận phản đối
ấy không kéo dài đủ để gây thành làn sóng phản đối. Chẳng mấy chốc,
những người cha, những bà vợ trẻ ấy nhận thấy không phải họ bị
phản bội hay bị bỏ rơi cho số phận cô đơn, mà họ được chỉ cho thấy
hương vị tuyệt vời của tình yêu và hạnh phúc mà trong một thời
gian dài họ không tìm thấy.
Như thế, trong những ngày đầu tiên khi vừa được công bố, con
đường chí thiện, con đường tối thắng và tối thượng của thế gian,
dẫn đến thế giới bình an vĩnh cửu không phải bằng sức mạnh chinh
phục của gươm giáo, mà bằng sức mạnh của từ bi và trí tuệ; con
đường ấy được nồng nhiệt tiếp nhận bởi những con người rất trẻ, bởi
tầng lớp ưu tú nhất của xã hội; tầng lớp định hướng tương lai
của xã hội.
Rồi ba thế kỷ sau, một bạo chúa với đạo quân hùng mạnh bách chiến
bách thắng, sau một trận tàn sát khốc liệt, chống gươm đứng
nhìn hàng vạn xác chết chợt thấy rằng chiến thắng oanh liệt đẩm máu
này không thể là sức mạnh tối thượng để có thể chinh phục lòng
người. Dù nó mang lại cho người chiến thắng những giây phút vinh
quang ngây ngất. Vị hoàng đế trẻ cảm thức sâu xa đó không phải
là nguồn suối của bình an và hạnh phúc. Kể từ đó, đế quốc mênh mông
không cần được bảo vệ bằng sức mạnh của gươm giáo; thần dân của
đế quốc sống trong thái bình thịnh trị, được bảo vệ bằng sức mạnh
của từ bi và khoan dung.
Có lẽ chúng ta nên dừng lại ở đây. Hình ảnh ấy đối với nhiều
người quá cao xa, nhìn lâu tất choáng ngợp. Dù vậy, tự thâm tâm
của mình, không một bạn trẻ nào, dù là nam hay nữ, không cảm nhận
rằng mình đang được thúc đẩy bởi một động lực không thể cưỡng, đó là
khát vọng chinh phục. Chinh phục tình yêu, chinh phục danh
vọng, chinh phục địa vị. Dù nhìn từ góc độ nào, dù tiến theo hướng
nào; chúng ta như những trẻ nít đuổi theo cánh bướm. Khi đã nắm
được xác bướm trong lòng tay, ít ai tự hỏi: chinh phục và chiến
thắng này có ý nghĩa gì? Và ta vẫn mãi miết đuổi theo những cánh
bướm này rồi đến cánh bướm khác. Trong lịch sử loài người, có
bao nhiêu nhà chinh phục vĩ đại, sau chiến thắng, lại cảm thấy ta
cũng chỉ là một con đường yếu đuối trước sức mạnh bao dung của
tình yêu nhân loại?
Vó ngựa của Thành-cát-tư Hãn không chùn bước trước bất cứ kẻ thù
nào, nhưng tâm tư của Ðại Hãn cảm thấy bất an khi nhìn sâu vào
cuối con đường chinh phục một bóng dáng đang thấp thoáng đợi chờ. Ðó
là kẻ thù cần phải chinh phục sau cùng. Ðại Hãn cũng biết rằng dẫu
cho tập hợp sức mạnh của trăm vạn hùng binh cũng không thể đánh
bại kẻ thù ấy, chinh phục vương quốc ấy. Ông cho đi tìm một người
trợ thủ, tìm cố vấn thông thái nhất và khôn ngoan nhất để tập hợp
được sức mạnh siêu nhiên. Sứ giả của Ðại Hãn đi vào núi Chung nam
thỉnh cầu Ðạo trưởng Khưu Xử Cơ. Ðạo trưởng khởi hành, băng sa mạc,
đến tận đại bản doanh của Ðại Hãn, để giảng giải cho Ðại Hãn ý
nghĩa trường sinh bất tử, những ẩn nghĩa huyền vi từ quyển thiên thư
năm nghìn chữ của Thái thượng Lão quân. Cuối quyển thiên thư,
khi tất cả ẩn ngữ coi như đã phơi bày ý nghĩa thâm sâu. Khả hãn chỉ
xác nhận được một điều: ta sẽ là người chiến bại trong cuộc
chiến cuối cùng ấy.
Vậy, ý nghĩa của chinh phục là gì?
Mỗi người trong chúng ta sống và đi tìm một cái gì đó, một ý
nghĩa nào đó, cho sự sống hay lẽ sống của mình. Với tuyệt đại đa
số, tình yêu và hạnh phúc là lẽ sống, hoặc là tài sản, hoặc danh
vọng, hoặc quyền lực, là lẽ sống. Người ta tự đày đọa tâm trí
mình, làm khổ nhọc hình hài mình, để đuổi bắt những gì được coi là
tinh hoa của đời sống. Người ta cũng biết rằng ngoài những cái
lẽ sống phù du, ảo ảnh của hạnh phúc, còn có những phương trời cao
rộng, còn có con đường chí thiện; nhưng chỉ một số rất ít người
bước theo hướng đó, và lại rất ít người đến đích. Vì sao thế?
Có một nhà nghiên cứu văn học, khi viết về nhà thơ Lý Bạch,
không tiếc lời ca ngợi con người tài và đời sống phóng khoáng ấy.
Rồi nhà nghiên cứu kết luận: nhưng chúng ta không sốnh như Lý Bạch
được, vì chúng ta còn có gia đình vợ con, và nhiều thứ ràng buộc
khác. Phải chăng tất cả chúng ta đều sinh ra với một dây thòng lọng
treo sẵn nơi cổ, còn Lý Bạch thì không? Phải chăng chúng ta chỉ
được phép chiêm ngưỡng, thán phục những cuộc đời và những nhân cách
cao thượng, như người hành khất đói rách chỉ được phép từ xa
đứng nhìn một cách them thuồng những ngọc ngà châu báu trên thân thể
một công nương mỹ miều? Lý Bạch không thể sống như ta, và ta
cũng chẳng cần phải trở thành người như Lý Bạch để được người đời
thán phục. Mỗi người ẩn chứa trong tự thân một kho báu vô tận.
Cần gì phải vay mượn hay ăn cắp giá tri của tha nhân. Không nên tự
đánh giá mình quá thấp kém.
Người cùng tử trong kinh Pháp Hoa, không dám vọng tưởng bản thân
là con trai và cũng là người thừa kế duy nhất của vị trưởng giả
giàu sang, mà thế lực có khi còn lấn lướt trên hàng khanh tướng của
triều đình. Anh chàng trai trẻ này cảm thấy sung sướng khi người ta
nhận mình làm một tôi tớ hèn mọn, và rất lấy làm vinh dự được là
tôi tớ hèn mọn của gia đình sang cả ấy. Vinh dự với công việc quét
dọn các hố xí. Vinh dự được nằm ngủ trong chuồng ngựa. Thế
nhưng, tự bản chất, trong huyết thống, và như một định mệnh quái dị,
nó phải là người thừa kế duy nhất của gia đình ông trưởng giả.
Nó chỉ được công nhận tư cách thừa kế khi nào tự nhận ra nguồn gốc
huyết thống của mình, tự khẳng định giá trị cao sang của mình.
Không thể rằng một kẻ tự xác nhận giá trị con người của nó không cao
hơn giá trị con ngựa nòi của ông chủ, mà kẻ đó lại có ý nghĩa
muốn khẳng định mình là kẻ thừa kế duy nhất. Ðó không phải là thừa
kế, mà là âm mưu sang đoạt. Chắc chắn nó sẽ phải bị trừng phạt vì
tham vọng điên rồ. Ở đây, trong khi chúng ta không tự khẳng định
được phẩm chất cao quý của mình, không nhìn thấy những giá trị cao
cả của đời sống; những giá trị không cao hơn các hàng ghế và các
nấc thang xã hội đã được cố định như là trật tự không thể đảo lộn;
ấy thế mà nghĩ rằng "Ta là Phật tử", nghĩa là kẻ thừa tự hợp
pháp của gia tộc Như lai, há chẳng phải là một sự soán nghịch chăng?
Trong số những người bạn trẻ của tôi, không ít người cố vươn lên,
tự khẳng định giá trị bản thân; tự cho rằng khi cần và nếu muốn
thì có thể khoác lên mình phẩm phục sang nhất, ngồi ở địa vị cao
nhất trong xã hội không phải là khó; và khi không cần thiết thì
cũng có thể "vứt bỏ ngai vàng như đôi dép rách". Những người bạn ấy,
sau một thời gian vật lộn với đời để tự khẳng định giá trị của
mình, có bạn "may mắn" leo lên được chiếc ghế cao, bỗng chợt thấy
tất cả ý nghĩa và giá trị của đời sống đều được vẽ vời, được
khắc chạm lên chiếc ghế này. Từ đó, họ cố buộc chặt mình vào đó,
và quyết tâm bảo vệ nó "với bất cứ giá nào".
Cũng có người bạn, sau cuộc tình đổ vỡ, chợt thấy hạnh phúc trong
vòng tay chỉ là ảo ảnh. Anh tìm đến tôi sau những ngày lang
thang, đau khổ. Không phải anh đến tìm nơi tôi một nguồn an ủi, mà
đến để giảng cho tôi một bài pháp rất hay về nghĩa của tình yêu và
vĩnh cửu; hạnh phúc chân thật và lẽ sống cao cả, chí thiện. Trong
khi lặng lẽ nghe anh nói, cảm thấy như mình đang uống từng giọt
nước cam lồ ngưng tụ từ những giọt nước mắt nóng bỏng; và thầm
tự hỏi: bạn mình đã "chứng ngộ Niết bàn" rồi chăng? Phải thú nhận
rằng, bây giờ, đã ba mươi năm sau, tôi vẫn không quên được "bài
thuyết pháp" tuyệt vời ấy. Nhưng chỉ một thời gian ngắn thôi; anh
lại lao mình chạy theo những cuộc tình mới. Tôi hỏi. Anh nói,
hương vị ngọt ngào của mối tình đầu ấy không nhạt mờ theo năm tháng
được. Nó vĩnh viễn ẩn kín ở một góc tối nào đó trong trái tim anh.
Anh đuổi theo những mối tình hời hợt, thoáng chốc; chạy theo
danh vọng phù hoa; tất cả chỉ muốn quên đi những gì đã đi và đi mất
mà không bao giờ níu kéo lại được. Thỉnh thoảng, nhớ lại anh, tôi tự
hỏi, bây giờ thực tế anh đang gặt hái những thành công trên
đường đời; nếu nghĩ lại những năm tháng của tuổi trẻ ấy, anh có thấy
mình dại dột chăng? Là đuổi bắt ảo ảnh chăng? Và giữa hai quãng đời
ấy, thật sự đâu là ảo ảnh?
Người ta nói, tuổi trẻ các bạn đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc
đời; vậy hãy chuẩn bị hành trang mà vào đời. Tôi muốn nói cách
khác. Bằng tuổi trẻ của mình đã đì qua, tôi muốn nói rằng, tuổi trẻ
các bạn đang được đặt trước hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát,
hay trước hai ngả đường cần phải lựa chọn không lưỡng lự: tình
yêu và sự nghiệp. Trước mặt các bạn là con đường thăm thẳm, đang ẩn
hiện mơ hồ dưới ánh sao mai. Chưa phải là buổi bình minh để các
bạn thấy rõ mình đang đứng đâu và con đường mình sẽ đi đang dẫn về
đâu. Và trước mắt có thật sự là hai ngả đường phải lựa chọn, hay
thực tế chỉ một mà thôi? Các bạn sẽ tiến tới theo hướng nào? Học
tiến lên theo con đường công danh sự nghiệp, bởi vì "đã sinh ra ở
trong trời đất, phải có danh gì với núi sông"? Hay săn đuổi bóng
dáng một mùa xuân vĩnh cửu? Cả hai ý nghĩa, các bạn trẻ đều hiểu
rõ. Chúng ta không cần biện giải dài dòng. Có điều, sự hiểu biết
của các bạn về con đường trước mắt không phải do chính mình đã
nhìn thấy, như thấy rõ con đường mình đang đi, khi ánh bình minh
xuất hiện; mà do dấu vết của nhiều thế hệ đì trước. Dễ có mấy ai
tự vạch cho mình một lối đi riêng biệt, không dẫm theo bất cứ lối
mòn nào.
Lần bước theo những vết mờ của người đi trước, tuổi trẻ định
hướng cho tương lai của mình. Trong số họ, rất ít người bước ra
khỏi bóng đêm của rừng rậm, để bằng chính đôi mắt của mình, nhìn
thấy rõ con đường đang đi đang chạy theo hướng nào, dưới mặt trời
rực sáng của ban mai.
Chúng ta hãy đi tìm một người trong số rất ít người ấy. Người
không xa lạ với chúng ta. Tôi muốn nhắc các ban vua Trần Nhân
Tông. Tuổi trẻ, lớn lên giữa cung đình xa hoa, đầy lạc thú, nhưng
người thiếu niên vương giả lại sống như một ẩn sỹ ngay giữa hoàng
thành. Trường trai, khổ hạnh; không biết người ta có nhìn thấy
phong độ hào hoa nơi thiếu niên vương giả này hay không. Nhưng vua
cha nhìn thân thể gầy còm của người kế vị ngai vàng mà khóc: Biết
con có đủ nghị lực để giữ vững giền mối giang sơn chăng? Tuy
vậy, con người ấy, về sau, khi ngự trị trên ngai vàng, làm chủ một
đất nước, không chỉ đã tự khẳng định giá trị bản thân, mà còn
khẳng định ý nghĩa sinh tồn của một dân tộc. Dù ngồi trên bệ rồng
cao vời vợi; dù xông pha chiến trận; hay dù trên vó ngựa khải hoàn,
từ những chiến thắng oanh liệt; mà cho đến nay, trong bóng đền
khuya, trong bóng đêm tịch mịch của lịch sử, chúng ta vẫn mường
tượng nhịp mõ công phu và giọng kinh man mác nhưng vẫn rành rọt
khí phách anh hùng của bậc quân vương vốn coi ngai vàng như đôi dép
bỏ: "Nhất thiết hữu vi pháp, Như mộng huyễn bào ảnh". Làm sao
trong con mắt nhìn, thế giới này chỉ tồn tại như hạt sương trên đầu
cỏ, lại có thể định hướng không chỉ cuộc đời của riêng mình mà cho
cả vận mệnh của dân tộc? Hy vọng các bạn trẻ có thể tự mình tìm
thấy câu trả lời. Bởi vì, nếu các bạn có thể trả lời được câu hỏi
ấy, các bạn cũng có thể định hướng cuộc đời của mình mà không e
ngại rằng sẽ có điều nhầm lẫn.
Bây giờ, chúng ta hãy trở lại đề tài thảo luận. Rất nhiều Anh Chị
khi nghe đọc lên đề tài, nghĩ rằng diễn giả sẽ nêu lên một hình
thái đạo Phật như thế nào đó, sau đó nghiệm xét xem hình thái ấy có
những điểm nào phú hợp với tuổi trẻ, ích lợi thiết thực cho
tuổi trẻ. Cho đến đây, chưa có hình thái nào được giới thiệu. Có Anh
Chị nào cảm thấy thất vọng không? Cũng nên thất vọng một ít.
Như thế để chứng tỏ rằng chúng ta đến với đề tài không phải thụ
động; ai nói sao nghe vậy. Nhất định, phải có sự lựa chọn; dù không
phải là lựa chọn một cách tùy tiện. Khởi đầu của nhận thức, tất
phải có sự lựa chọn. Hoạt động trí năng của tuổi trẻ, trước tất cả,
là khả năng lựa chọn. Tuổi trẻ học tập để biết lựa chọn. Ðịnh
hướng cho tương lai của mình bằng sự lựa chọn sáng suốt.
Vả lại, ở đây ta cũng không nên thất vọng nếu nói rằng không có
một hình thái đạo Phật nhất định nào dành riêng cho tuổi trẻ.
Chỉ có một mảnh trăng trên trời. Nhưng là trăng bạc màu tang tóc;
hay trăng tươi mát hồn nhiên; hoặc là trăng thề làm chứng cho trái
tim chung thủy; và cũng có khi là "trăng già độc địa làm sao, xe
dây chẳng lựa buộc vào như chơi". Cũng có tuổi trẻ đến với đạo
Phật, mong cầu giọt nước cành dương làm sống dậy một tâm hồn khô
héo vì tình yêu bị phản bội. Cũng có tuổi trẻ đến với đạo Phật để
gột rửa sạch "gót danh lợi bùn pha sắc xám, mặt công hầu nằng
rám mùi dâu". Các bạn trẻ ấy tự tìm thấy hình thái đạo Phật thích
hợp với mình. Nếu đạo Phật không đáp ứng được cho những tâm hồn
đau khổ, chán chường cuộc sống ấy, chẳng khác nào y sĩ từ chối bịnh
nhân. Vậy thì, các bạn trẻ cũng nên tự mình tìm cho mình một hình
thài cho đạo Phật thích hợp; không phải là hình thái được lập
thành khuôn mẫu do bởi các Anh Chị trưởng, do các Ðại đức, Thượng
tọa, hay do các nhà nghiên cứu uyên bác. Một thiền sư Việt nam đã
nói: "Nam nhi tự xung thiên chí, hưu hướng Như lai hành xứ
hành". Ta hãy đi con đường do chính ta lựa chọn, không cần gì phải
lắc nhắc theo dấu vết của Như lai. Khẩu khí này nhiều khi khiến
ta sợ hãi, e rằng có quá tự phụ, quá ngạo mạn chăng? Ðừng có phổ
nhạc những lời ấy thành giai điệu với tiết tấu hành khúc dồn dập,
mà hãy thử phổ thành một sonata nhỏ của mặt hồ tĩnh lặng, ta sẽ
nghe được âm hưởng này: hãy bình thản tự chọn cho mình một hướng đi,
sẵn sàng chịu trách nhiệm đối với hậu quả xuất hiện trên hướng
đi ma ta đã chọn. Lời Phật cần ghi nhớ: "Chúng sanh là kẻ thừa tự
những hành vi mà nó đã làm". Và còn có lời Phật khác nữa: "Hãy
là kẻ thừa tự Chánh pháp của Như lai; chớ đừng là kẻ thừa tự tài
vật".
Các bạn trẻ đang học tập để chuẩn bị cho mình xứng đáng là kẻ
thừa sự. Kế thừa gia nghiệp của ông cha, cũng dòng họ. Kế thừa
sự nghiệp của dân tộc. Kế thừa di sản nhân loại. Dù đặt ở vị trí
nào; bản thân của các bạn trẻ trước hết phải sẽ là người thừa kế.
Thành công hay thất bại trong sự nghiệp thừa kế của mình, đó là
trách nhiệm của từng người, của từng cá nhân. Hãy tự đào luyện cho
mình một trí tuệ, một bản lãnh, để sáng suốt lựa chọn hướng đi,
và dũng cảm chịu trách nhiệm những gì ta đã lựa chọn và gây ra cho
bản thân và cho cả chúng sanh.
Không có đạo Phật chung chung cho đồng loạt tuổi trẻ. Mỗi cá nhân
tuổi trẻ là biểu hiện của mỗi hình thái đạo Phật sinh động.
Chúc các Anh Chị có đầy đủ nghị lực để chinh phục những vương
quốc cần chinh phục; để chiến thắng những sức mạnh cần chiến
thắng./.