Ảnh minh họa
Thế nên, bước chân đầu tiên để đi vào cánh cửa giải
thoát, hạnh phúc, thiết nghĩ, không có phương thức nào tốt hơn là biết
thường xuyên lắng nghe tiếng nói từ nội tâm của chính bạn. Bởi lẽ, có vô
số tiếng nói khác nhau, làm bạn phải chao đảo, thậm chí đi đến những
quyết định sai lầm và gây ra hệ lụy khôn lường. Do đó, tiếng nói của nội
tâm bao giờ cũng là tiếng nói trung thực nhất. Nó có khả năng mách bảo
con tim bạn sống biết yêu thương, kết nối với mọi người trong vòng sống
tương tục. Từ đó khối óc bạn thật sự thông mẫn về trí tuệ để làm hóa
hiện bao điều kỳ diệu cho chính mình và cho cuộc sống thêm thăng hoa.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, thái tử Tất Đạt Đa, sau bao nhiêu năm
cầu đạo và tu khổ hạnh, cuối cùng đến ngồi ở gốc cây Bồ đề, yên lặng để
lắng nghe tiếng của nội tâm mình và trở thành bậc Đại giác, thành Phật.
Xem ra, lắng nghe tiếng nói từ nội tâm là cái chìa
khóa vàng dẫn tới cánh cửa giác ngộ và giải thoát hiện hữu ngay giữa cõi
đời này, chứ không phải ở một nơi nào khác xa cách chúng ta. Không ai
khác, Trần Thái Tông là vị vua khai sáng ra triều đại nhà Trần, nhờ nghe
theo lời chỉ dạy của Quốc sư Trúc Lâm: “Tâm tịch nhi tri, thị danh chân
Phật” (Lòng lặng mà biết, đó là Phật thật), mà trở thành bậc minh quân lưu danh ở đời, một thiền gia chứng ngộ phổ hóa đạo Thiền vào trong lòng dân chúng Đại Việt.
Rõ ràng, khi bạn thực thi lắng nghe tiếng nói nội tâm
để hiểu và thực hành vào trong đời sống thường nhật là lúc bạn có năng
lực chuyển hóa tất cả mọi tiềm năng giác ngộ và giải thoát có sẵn trong
nội tâm mình được hiển lộ ra ngoài. Và như thế, bạn thực sự sống một đời
sống thực nghiệm tâm linh với một nội tâm thanh tịnh, sống với cái gia
tài quý giá nhất, vốn có sẵn của mình, đúng như Phật hoàng Trần Nhân
Tông thường khuyến cáo:
“Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”
(Trong nhà sẵn ngọc thôi tìm kiếm
Lặng lòng đối cảnh hỏi chi Thiền).
Thế nên, bạn cần phải thường xuyên chiêm nghiệm về
mình, tức là chiêm nghiệm về ngôi nhà – quê hương đích thực của bạn.
Phật hoàng Trần Nhân Tông nói “trong nhà” tức là trong nội tâm. Ngọc tức
là tiềm năng giác ngộ và giải thoát vốn có sẵn. Lặng lòng là sự yên
lặng của tâm, của lòng. Tiếng nói của nội tâm chính là sự yên lặng. Một
sự yên lặng nội tại sâu lắng, để dẹp yên tiếng gào thét của đam mê dục
vọng, của ngoại trần xâm nhập vào trong tâm thức.
Bạn sẽ thật sự hạnh phúc khi tiếng nói của nội tâm
của mình được vang vọng trong chiều hướng thăng tiến của tâm linh, không
còn sự chấp thủ (nắm giữ) bất cứ điều gì ở đời và một sự oán kết với
bất cứ ai đang hiện hữu. Khi đó tâm của bạn thật sự yên lặng, một sự yên
lặng giúp cho tâm mình thấy biết tất cả. Yên lặng ở đây không có nghĩa
là không có tiếng nói, tiếng ồn. Yên lặng là nội tâm hoàn toàn thanh
tịnh. Mọi niệm đều dứt bặt, trong tâm hoàn toàn trống vắng, không có
niệm nào được hưng khởi. Vì còn có niệm là còn có ức chế, còn sự hệ lụy
khổ đau, khiến cho bạn hao phí năng lượng một cách vô ích. Trái lại, với
nội tâm hoàn toàn yên lặng, bạn sẽ cảm nhận một trạng thái thư giãn và
hỷ lạc tuyệt vời. Lúc bấy giờ, năng lượng vận động một cách tự do trong
toàn thân, đem lại cho bạn một sức mạnh, một sức sống mới để làm hóa
hiện biết bao điều kỳ diệu mà đôi khi bạn cố đi tìm lại không gặp.
Và như vậy, mỗi người trong chúng ta, có nhiều điều
kiện và cơ hội để thực tập về một đời sống biết lắng nghe – để hiểu
những điều đã và đang xảy ra trong cuộc sống. Mọi sự sẽ trở nên đơn
giản, không còn sự phức tạp giữa cái thành công hay thất bại, giàu có
hay nghèo khổ, địa vị quyền uy hay khốn cùng đạo tặc… trong sự mưu sinh,
tồn tại giữa cuộc đời. Thậm chí, khi bạn ngồi một mình cũng không thấy
cô đơn trống vắng, cảm giác buồn chán, như cụ Nguyễn Công Trứ từng nói:
“Ở nhà lại muốn ra đi
Ra đi lại muốn ở nhà khi hơn”.
Cũng chính trong những giờ phút hiếm có đó, nếu được
ngồi một mình, bạn hãy lắng nghe tiếng nói của nội tâm, mà Thiền sư Kiều
Trí Huyền mô tả là huyền bí và kỳ diệu: “Ngọc lý bí thanh diễn diệu
âm/Cá trung mãn mục thị thiền tâm/Hà sa cảnh thị Bồ đề cảnh/Nghĩ hướng
Bồ đề cách vạn tầm”. Nói một cách dễ hiểu hơn là: “Trong viên ngọc phát
ra âm thanh huyền bí, kỳ diệu/ Ở đó, khắp nơi là tâm thiền/Tất cả cảnh
giới đều là cảnh giới giác ngộ (Bồ đề)/Ấy thế mà lại đi tìm Bồ đề cách
xa hàng vạn dặm”.
Tại đây, bạn cần hiểu rằng, ngọc ở đây là nội tâm, âm
thanh kỳ diệu, huyền bí đó là sự im lặng. Thiền tâm là tâm giác ngộ.
Cảnh Bồ đề là cảnh giác ngộ. Giác ngộ và giải thoát đều ở đây cả. Cho
nên, thế giới nội tâm chính là thế giới tự chứng tự nội mà bạn không cần
đi tìm cách xa hàng vạn dặm?
Cũng như xưa kia, vua kiêm Thiền sư Trần Nhân Tông,
đi thăm một ngôi tháp cổ đã cảm hứng làm một bài thơ thiền, đầy đạo vị.
Trong bài thơ, cảnh vật được mô tả trong 4 câu đầu là chất xúc tác giúp
cho thi sĩ trở về với nội tâm mình, lắng nghe tiếng nói của nội tâm, rồi
vô cùng hân hoan, tựa vào lan can mà thổi sáo, mặc cho ánh trăng chiếu
sáng khắp lồng ngực.
Phải chăng ánh trăng ở đây biểu trưng cho ánh sáng
của trí tuệ. Lồng ngực ở đây chính là nội tâm của thi sĩ, mà sự im lặng
sâu thẳm mở đường cho trí tuệ chiếu sáng:
“Cảnh tịch đài du cổ
Thời lai xuân vị thâm
Vân sơn tương viễn cận
Hoa kính bán thời âm
Vạn sự thủy lưu thủy
Bách niên tâm ngữ tâm
Ỷ lan hoành ngọc địch
Nguyệt lượng mãn hung khâm”
(Cảnh lặng đài thêm cổ
Thời tiết mới vào xuân
Mây núi chập chờn xa gần
Đường hoa có lúc im bóng
Vạn sự như nước chảy
Trăm năm lòng nói với lòng
Dựa lan can, nâng sáo thổi
Lồng ngực đầy ánh trăng).
Đó chính là niềm vui của người biết lắng nghe tiếng nói của nội tâm, sự im lặng của nội tâm mà mỗi người cần hướng đến.
Tóm lại, sống trong một thế giới hiện đại có nhiều
điều bạn phải lo âu và suy nghĩ về nó. Điều đó cũng có nghĩa có vô số âm
thanh vang vọng nhiều chiều khác nhau khiến bạn phải chao đảo và rối
loạn trong sự sinh tử luân hồi. Cuộc sống thật sự hạnh phúc khi bạn biết
lắng tiếng nói từ nội tâm để thiết lập một đời sống hướng thượng, mang
lại giá trị hạnh phúc cho đời này và đời sau:
“Mong sao tâm tôi mãi mãi
Trong vắt như ngọc pha lê
Quang đãng như bầu trời không mây
Thanh tịnh như hư không không bụi
Rộng lớn mênh mang như biển cả không bờ
Vững vàng không chuyển như núi đá bất động…”.
.
Thích Phước Đạt