Rồi ngày mai sẽ đến, có thể ta đạt được cái ta muốn nhưng ta lại tham cái mới. Tại sao chúng ta không tập trung và chú tâm cho hiện tại nhỉ!
Ai ngờ em thốt ra một câu ngắn gọn như 1 nhát dao đâm vào lòng tôi “Em mất cả buổi chiều. Thầy cần Phật còn em cần tiền!”
Ngày chủ nhật tôi đưa 2 học trò của mình đến chùa thăm một sư thầy. Sư thầy chuẩn bị sẵn ấm trà ngon, đốt trầm thơm để chúng tôi cùng uống trà và đàm đạo.
Cuối buổi trà đàm chúng tôi mới biết rằng hôm nay là ngày vía của đức Địa Tạng Vương bồ tát, đồng thời nhà chùa có tổ chức lễ sám hối sau tháng Vu lan báo hiếu. Tôi vui mừng biết tin này và xin ở lại để cùng dự ngày lễ quan trọng và ý nghĩa.
Buổi lễ rất trang nghiêm, long trọng và ấm cúng. Chúng tôi cùng nhau lễ Phật, tụng kinh, niệm Phật và nghe sư thầy trụ trì nói bài pháp ngắn về những việc làm và công đức mà các Phật tử đã làm trong cả tháng vu lan. Tất cả những ai có mặt trong buổi lễ đặc biệt này vô cùng hoan hỷ.
Sau đó chúng tôi còn được sư thầy mời lại dùng bữa tối gồm xôi và chè. Thật là ngon. Thật là ấn tượng.
Rồi chúng tôi về. Trên đường tôi hỏi Hồng – học trò của tôi xem em có thích chương trình hôm nay không, và rằng em thấy hôm nay tuyệt vời chứ. Trong lòng nghĩ rằng em sẽ cám ơn tôi, sẽ nói ra những cảm nhận tốt đẹp, những gì em học được từ buổi nói chuyện với sư thầy, từ chương trình sám hối, từ bài pháp thoại và từ bữa tối giản dị và ngon. Ai ngờ em thốt ra một câu ngắn gọn như 1 nhát dao đâm vào lòng tôi “Em mất cả buổi chiều. Thầy cần Phật còn em cần tiền!”
Tôi dừng xe và tâm sự với Hồng. Hồng cho rằng mỗi lứa tuổi cần 1 thứ khác nhau. Em nói rằng chỉ những người có đủ tiền bạc, công danh sự nghiệp, cuộc sống ngon lành và những người già sắp chết hay ít ra những ai nghỉ hưu không có việc gì làm mới đi chùa, mới tìm đến Phật. Em hỏi tôi có nhìn những người đến lễ Phật hôm nay không, rằng đa phần là người già.
Hồng nói với tôi rằng hôm diễn ra chương trình Phật pháp ứng dụng vừa rồi, trong số gần 200 người đến dự có khá nhiều người đứng tuổi và giàu có. Em bảo nhìn vào áo họ mặc, đồng hồ họ đeo, túi họ mang là em biết. Rằng người giàu khi không lo đến tiền nữa mới cần đến Phật để tìm bình an.
Tôi hỏi Hồng cần gì. Em nói rằng em cần tiền. Tôi hỏi em cần bao nhiêu thì em bảo kha khá. Tôi hỏi tiếp kha khá là bao nhiêu thì em không trả lời được.
Tham vọng hình như là một hiện tượng tự nhiên của con người. Đã là cuộc đời là có lòng tham. Lúc nào chúng ta cũng nghĩ đến tương lai, làm mọi cách để tạo cho mình một tương lai tốt đẹp theo cách của mình. Cô học trò của tôi hiện nay chỉ nghĩ đến tiền và lo tiền. Tôi hiểu rằng cô muốn có càng nhiều tiền càng tốt. Còn nhiều đến bao nhiêu thì chưa biết.
Chúng ta ít để tâm đến hiện tại. Chúng ta làm mọi cái, làm tất cả và cầu mong cho điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai. Rồi ngày mai sẽ đến, có thể ta đạt được cái ta muốn nhưng ta lại tham cái mới. Tại sao chúng ta không tập trung và chú tâm cho hiện tại nhỉ!
Trong toàn bộ thời gian ở trong chùa chiều chủ nhật Hồng đã buồn bực (tôi hiểu như vậy) và em luôn nghĩ đến tiền. Nếu như đi dạy thêm em sẽ kiếm được từng này. Nếu như kinh doanh em sẽ kiếm được từng kia. Còn tôi, thật sự chỉ chú tâm đến việc uống trà khi dùng trà với sư thầy, lễ Phật khi tất cả đạo tràng lễ Phật.
Tôi thật sự có chánh niệm trong mỗi việc làm của mình và chú tâm vào giây phút hiện tại. Tôi tiếc rằng mình đã làm một việc thiện – gieo duyên cho các trò của mình, để các em sớm biết đến Phật pháp, để sớm ngộ ra và để cuộc đời đẹp hơn nhưng có một số em đã không nhận ra điều đó. Có thể các em chưa dủ duyên. Cũng có thể tôi chưa đủ phước.
Quan sát của Hồng là đúng – phần lớn người đến chùa là già. Chính vì nhận ra đều này nên tôi và các phật tử khác muốn làm gì đó để đạo Phật đến được với các bạn trẻ, nhất là học sinh sinh viên.
Cũng còn may mắn rằng ngay trong buổi lễ mừng vía Đức Bồ tát Địa Tạng tôi thấy có đến cả chục bạn trẻ. Có em mới quãng chục tuổi đã biết theo mẹ, theo bà đến chùa.
Bạn cần gì? Bạn có cần tiền hơn Phật như người học trò của tôi không?
Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty sách Thái Hà
Nguồn link: phattuvietnam.net