chúng tôi hỏi ý kiến ông về sự tu tập Phật pháp của các thiền
sinh bên này. Nói chung, ông rất lạc quan về những điều ông thấy, duy có một
điều ông phê bình rõ rệt. Thầy tôi bảo, sự tu tập ở Tây phương làm ông nhớ đến
hình ảnh của những người chèo thuyền. Họ dùng hết sức, cố gắng tinh tấn chèo và
chèo... Nhưng chỉ có điều là họ đã quên mở sợi dây cột thuyền vào bến. Ông bảo,
ông thấy người ta rất kiên nhẫn và nỗ lực tu tập để đạt đến những trạng thái
thiền định cao. Những trạng thái siêu việt, thoát ra ngoài mọi ý niệm của không
gian, thời gian, của thân và tâm. Nhưng ông không thấy người ta tha thiết gì đến
cách đối xử với nhau trong đời sống hằng ngày. Họ sẽ từ bi đến đâu đối với một
người thợ sửa ống nước đến muộn, hay một đứa bé chơi bẩn thỉu? Họ có thật sự có
mặt trong những hoàn cảnh khó chịu ấy không? Con đường tu tập có thể đưa ta đến
những trạng thái siêu việt và thăng hoa. Nhưng con đường ấy phải bắt đầu ở ngay
nơi này, chính bằng sự tiếp xúc của ta trong đời sống hằng ngày.
Mọi chúng sinh, tất cả chúng ta, đều mong muốn được hạnh phúc. Nhưng ít ai biết
phương cách để đạt được việc ấy. Như tôi đã nói, đó cũng chính là lý do khiến
đức Phật quyết định truyền bá giáo pháp của ngài. Hãy nhìn cuộc sống quanh ta,
bạn có thấy biết bao nhiêu người muốn được hạnh phúc, nhưng suốt đời họ lại cứ
đi làm những việc mang đến khổ đau!
Trong những buổi đầu đi truyền bá giáo pháp, đức Phật chỉ dạy cho người ta biết
rộng lượng, cẩn thận trong lời nói và hành động của họ. Nếu chúng ta muốn có
hạnh phúc, điều thiết yếu đầu tiên là gìn giữ giới luật. Đức phật dạy, một con
tim đầy tình thương sẽ biểu lộ ra ngoài bằng một thái độ chăm sóc. Đó chính là
cơ bản của giới luật. Cả hai chỉ là những khía cạnh khác nhau của cùng một sự
tỏa chiếu.
Giới luật, tiếng Pali là sila, cùng với sự rộng lượng, là những nền tảng cần
thiết cho sự giải thoát. Đây vừa là bước đầu tiên của con đường tu tập, vừa là
quả trái kỳ diệu cuối cùng. Đức Phật dạy, giới luật là nguồn gốc của cái đẹp
chân thiện nhất, vượt lên trên mọi cái đẹp tầm thường, tương đối và hư dối khác.
Giới luật là phản ảnh của tình thương sâu sắc nhất trong ta. Khi ta thật sự biết
thương mình, ta sẽ không làm hại một ai khác, vì tất cả chúng ta đều có liên hệ
mật thiết với nhau. Bảo vệ người khác cũng là bảo vệ chính ta. Giới luật có thể
được thực thi trên mọi lãnh vực: trong mối liên hệ với chính ta, trong mối liên
hệ với người khác và với cả môi trường chung quanh.
Tất cả mọi việc trên đời này đều gắn bó rất chặt chẽ với nhau. Những gì chúng ta
nghĩ, chúng ta làm, dầu nhỏ nhoi đến đâu cũng đều có ảnh hưởng đến một cái lớn
hơn. Vì vậy, nếu chúng ta muốn tâm mình được tĩnh lặng, muốn thấy được sự sống
trong tất cả, ta cần phải biết sống trong sự hòa hợp.
Ta không thể suốt ngày hành động bất chấp hậu quả rồi buổi tối ngồi kiết già
trên tọa cụ và muốn kinh nghiệm sự giải thoát. Mỗi phần trong sự sống của ta đều
phải hài hòa với tất cả những phần khác. Ta không thể bỏ phần này và chỉ giữ
phần kia. Đó là lý do vì sao “chánh mạng”, một chi phần trong Bát chánh đạo,
được xem là một yếu tố rất quan trọng trên con đường giải thoát. Chẳng hạn,
chúng ta không thể trong suốt tám giờ làm việc mỗi ngày chuyên nói dối, lừa lọc,
rồi vẫn cảm thấy nguyên vẹn, không hao tổn khi ngồi xuống tu tập. Muốn được giải
thoát, chúng ta cần phải tiếp xúc với sự sống một cách trọn vẹn và thấy được mối
liên hệ giữa mình với mọi sự sống.
Đức Phật là biểu tượng của một con người nguyên vẹn nhất. Từ bi, thành thật và
tuệ giác lúc nào cũng có mặt trong ngài, cho dù ngài có ở một mình, ở với người
khác, đi đây đó hay là ngồi yên. Chúng ta cũng có thể được nguyên vẹn như đức
Phật. Và chúng ta đạt được điều ấy bằng sự thực tập giới luật, tức sila.
Trong truyền thống Phật giáo, giới luật dành cho hàng cư sĩ có năm điều:
1. Nguyện không giết hại sinh mạng hoặc hành xử bạo động đối với người khác.
2. Nguyện không lường gạt và trộm cắp. Không lấy những gì không phải do mình tạo
ra.
3. Nguyện không ăn nằm với những người không phải vợ hay chồng của mình. Tôn
trọng những cam kết của mình và người khác để bảo vệ hạnh phúc gia đình.
4. Nguyện không nói những điều sai sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và
căm thù, không loan truyền những tin không biết chắc là có thật, và không phê
phán hoặc lên án những điều mình không biết chắc.
5. Nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy và những chất có tính
cách độc tố.
Đa số chúng ta đều nghĩ rằng mình là người tốt. Thật ra, tôi cũng tin rằng đa số
chúng ta thật sự là những người tốt. Vì vậy, khi chúng ta nghe nói hay đọc về
Năm giới của người cư sĩ, ta tự nghĩ, đó là chuyện dĩ nhiên thôi, ta đâu có giết
hại ai, ta đâu có trộm cắp của ai, ta đâu có xúc phạm ai, nói xấu ai, hoặc say
sưa gì đâu! Nhưng dù vậy, trên con đường tu tập, tôi khám phá rằng, lúc nào ta
cũng cần phải xem xét lại những gì mình thật sự hiểu về các giới luật này. Càng
thực tập giữ giới, ta càng khám phá sâu sắc hơn các mức độ năng lượng khác nhau
và sự bảo vệ do giới luật mang lại.
Ví dụ, đa số chúng ta ai cũng biết rằng giết người là một trọng tội, vì ta cảm
nhận được thế nào là mạng sống của con người. Ta biết giá trị của sự sống người
khác, vì ta biết trân quý sự sống của chính ta. Nhưng trong chúng ta, ít ai có
thể ý thức và cảm thông được sự đồng nhất giữa sự sống của mình và những sự sống
có hình thái khác.
Chúng ta thường quan niệm rằng, giá trị của sự sống lệ thuộc vào kích thước của
một sinh vật. Ví dụ, ta có thể dễ dàng đập chết một con ruồi nhỏ bé. Vì không
thấy được mình có một sự nối liền nào với con ruồi, nên ta có thể ra tay dễ dàng.
Nhưng sự sống có mặt trong con ruồi có khác biệt gì với sự sống có mặt trong
chúng ta không? Khi ta cảm thấy xa cách với những sự sống khác hình dạng với ta,
ta có hạnh phúc hơn không, nó có giúp ta cảm thấy nguyên vẹn hơn không?
Nếu nhìn cho thật sâu, ta sẽ thấy được tính cách đồng nhất của mọi sự sống. Đức
Phật dạy, tất cả mọi chúng sinh đều mong muốn được hạnh phúc. Mọi sinh vật, dầu
mang bất cứ hình dạng nào, cũng đều muốn có hạnh phúc. Khi chúng ta kinh nghiệm
được lẽ chung này, quan niệm về sát sanh của chúng ta cũng sẽ tự nhiên thay đổi,
và sự hiểu biết của ta về giới thứ nhất cũng sẽ sâu sắc hơn.
Giới không trộm cắp cũng rất thâm thúy. Nó không chỉ có nghĩa là ta không lấy
những gì không phải của mình, nhưng còn phải thận trọng với tài vật của mình nữa.
Nếu lòng tham khiến ta lúc nào cũng nghĩ đến việc trộm cắp, ta sẽ xem mọi người
khác, mọi trách nhiệm và bổn phận đối với người khác đều là những chướng ngại
cho sự chiếm đoạt của mình. Ta sẽ bất chấp và gạt hết chúng qua một bên, miễn là
đạt được những gì mình muốn. Ngay trong những hành động rất nhỏ nhặt, như là sử
dụng kem đánh răng, dầu gội đầu của ai mà không hỏi trước, cũng hàm chứa thái độ
bất chấp này của ta đối với người khác. Bạn hãy thử chú ý việc gì xảy ra trong
tâm mình lúc ấy - một cảm giác tách rời với người khác. Giới không trộm cắp,
thực tập cho sâu, sẽ giúp ta ý thức được tính chất tương quan, sự liên hệ lẫn
nhau của mọi vật trên thế giới. Vì vậy, chúng ta phải biết chia sẻ cho nhau
những gì mình có.
Trong kinh tạng Pali có những mẩu chuyện tiền thân của đức Phật, gọi là Jtaka,
kể về khi ngài còn là Bồ Tát trước khi thành đạo. Trong đó có câu chuyện về một
vị vua. Một hôm, nhà vua tuyên bố sẽ gả công chúa và tặng phân nửa giang sơn cho
bất cứ người nào có thể trộm cắp một món đồ gì đó mà không ai hay biết. Khi tin
được loan truyền ra khắp nơi, có những chàng trai trẻ tìm đến nhà vua với những
món đồ vật khác nhau trong tay. Có người đến nói: “Con có đánh cắp được chiếc
vòng bằng ngọc này, và không ai biết cả!” Vị vua đáp: “Không được, ngươi về đi.”
Một người khác nói: “Con có trộm được chiếc xe ngựa này thật đẹp, và không ai
hay biết gì cả!” Và vị vua lại đáp: “Cũng chưa được, ngươi về đi.” Mọi người đều
bối rối, không biết ý nhà vua như thế nào.
Cho đến một ngày kia, có một chàng trai trẻ xuất hiện, nhưng không mang theo một
vật nào hết. Anh ta nói: “Kính thưa hoàng thượng, thần không có một vật nào để
dâng lên ngài.” Vị vua hỏi: “Tại sao lại không?” Người trai trẻ trả lời: “Vì ta
không bao giờ có thể lấy một món gì mà không có ai hay biết, vì chính ta bao giờ
cũng biết được việc ấy.” Và đó là câu trả lời mà nhà vua muốn nghe. Nhà vua muốn
tìm được một người nối ngôi có đủ tuệ giác.
Thật vậy, ta lúc nào cũng biết. Mặc dù có thể trong lúc đang hành động, chúng ta
chưa hoàn toàn ý thức được rằng mình đã làm hại, đã gieo trồng một hạt giống khổ
đau cho ta và người khác. Nhưng ta vẫn biết!
Và giới thứ ba có liên quan đến vấn đề tình dục cũng thế. Một trong những câu
của ngài Sayadaw U Pandita mà tôi ưa thích nhất là “Tình dục làm hư bộ óc.”
Trong cuộc đời, ta đã thấy có biết bao nhiêu người sẵn sàng đánh đổi cả sự
nghiệp, gia đình, tình yêu, hoặc bằng hữu của mình, chỉ để thỏa mãn dục tình
trong chốc lát. Chúng ta sẵn sàng hy sinh hạnh phúc dài lâu để đổi lấy một thú
vui tạm bợ. Và khi ta bất chấp mọi sự để thỏa mãn lòng tham muốn của mình, chắc
chắn khổ đau sẽ có mặt. Trong cuộc đời, chúng ta thấy đầy dẫy những câu chuyện
ngoại tình, phản bội, lường gạt và chiếm đoạt. Những câu chuyện ấy minh họa cho
ta thấy những tai hại của một năng lượng dục tình không được kiềm chế.
Có lần, một người bạn tôi tham dự buổi họp mặt một cộng đồng tu học. Lần ấy, có
một người bị đem ra khiển trách vì anh ta phạm giới tà dâm. Người bạn tôi phát
biểu: “Trong căn phòng này, có ai chưa từng làm một điều gì dại dột liên quan
đến tình dục?” Và không một người nào đưa tay lên. Dục tình là một năng lực rất
mãnh liệt. Một tâm linh lành mạnh đòi hỏi ta phải biết kiềm chế dục tình, nhưng
không tự hào, và không để nó xúi giục làm một việc gì có hại cho mình và người
khác.
Chúng ta cố gắng không làm hại người khác trên phương diện vật chất, như là
không sát sanh, không trộm cắp và không tà dâm. Và chúng ta cũng tránh không gây
thương tổn cho người khác bằng lời nói của mình nữa. Ta nên ý thức rằng lời nói
của mình có một năng lực rất lớn. Đâu phải lời nói của ta thoát ra khỏi miệng
rồi sẽ tự nhiên tan biến mất! Nó có một ảnh hưởng rất to tát đến cuộc đời này.
Đặc biệt, chúng ta thực tập không nói dối, vì điều đó chỉ làm tăng thêm sự vô
minh trong cuộc đời này mà thôi.
Vài năm trước đây, tôi có một kinh nghiệm có thể minh họa rõ ràng tình trạng si
mê do sự nói dối tạo nên. Lúc ấy, tôi đang sống chung nhà với một vài người bạn.
Và có một người bạn nữ khác sống ở gần đấy quen với tất cả chúng tôi. Chị quyết
định sang Ấn Độ để học thiền. Vì biết mẹ chị sẽ lo lắng lắm, nên chị không muốn
cho bà ta biết chị đi có một mình. Chị nói dối với bà rằng chồng chị cũng sang
Ấn Độ với chị, nhưng thật ra thì không. Chị đưa cho mẹ chị số điện thoại của
chúng tôi, dặn bà gọi đến nếu có việc gì khẩn cấp.
Hai mươi bốn giờ trước khi chị bạn ấy trở về Hoa Kỳ, mẹ chị gọi điện thoại cho
chúng tôi và hỏi: “Các cô cậu có nghe tin gì từ con gái tôi và chồng nó không?”
Người bạn trả lời điện thoại quên lời dặn của chị bạn, đáp ngay: “Dạ có, chồng
của chị mới ăn chiều ở đây, anh ấy về nhà rồi!” Vừa lúc ấy, anh ta sực nhớ tới
sự lỡ lời của mình, bèn tìm cách sửa lại bằng cách nói dối thêm. Anh bảo: “Bác
biết không, anh ấy sang Ấn Độ với chị nhưng vì có việc gấp trong sở nên phải về
sớm hơn một chút.”
Mẹ chị bạn biết ngay là có việc gì không ổn. Bác biết là chúng tôi đã không nói
hết sự thật. Bác khiếp hoảng lên: “Cậu giấu tôi điều gì phải không? Có phải nó
bị bệnh rồi không, bệnh nặng lắm phải không, hay là còn tệ hơn thế nữa! Chuyện
gì vậy, cậu phải nói cho tôi nghe đi!” Người bạn tôi đáp: “Không, không có gì
hết. Chị ấy vẫn khỏe mạnh. Ngày mai chị sẽ về đến đây.”
Vài phút sau cuộc điện thoại đó, một người bạn khác gọi đến chúng tôi: “Chị có
biết ai vừa mới gọi tôi không? Má của chị bạn đó!” Bà ta quá nghi ngờ và lo âu
về những gì chúng tôi nói, nên đã gọi một vòng cho những người quen, xem ai có
thể nói sự thật cho bà nghe. Và bây giờ, chúng tôi bàn với nhau phải gọi điện
thoại đến tất cả mọi người quen, dặn họ phải nói dối như thế nào nếu mẹ chị bạn
ấy có gọi đến.
Rồi bỗng đâu, một người hoàn toàn xa lạ, không ai quen biết, điện thoại đến
chúng tôi. Thì ra đó là người hàng xóm của mẹ chị. Bác nhờ bà ta gọi đến chúng
tôi, hy vọng rằng nếu tôi không nói được sự thật cho bác nghe, thì có thể kể cho
một người khác. Và lần nữa, chúng tôi lại phải gọi hết tất cả mọi người, báo
động về người hàng xóm này, và dặn họ phải trả lời như thế nào cho ăn khớp.
Giữa tình trạng kịch liệt ấy, chúng tôi lại bắt đầu nhận những cuộc điện thoại
nặc danh gọi đến, nói những lời tục tằn. Thường ngày, nếu nhận được những cuộc
điện thoại như vậy, chúng tôi sẽ không bắt điện thoại lên nữa. Nhưng trong hoàn
cảnh này, bắt buộc chúng tôi phải trả lời. Lỡ có ai gọi hỏi về mẹ chị bạn, chúng
tôi phải nói dối cho ăn khớp với nhau!
Cuối cùng một chị bạn trong chúng tôi bỏ cuộc. Chị không còn chịu nổi nữa. Sau
đó, chị trình bày hết với mẹ chị bạn kia: “Bác nghĩ đúng, tụi cháu đã không nói
cho bác nghe hết sự thật. Sự thật là thế này: chồng chị ấy không hề sang Ấn Độ
với chị. Chị đi có một mình. Chị vẫn vui khỏe không sao hết. Ngày mai chị sẽ về
tới đây!”
Và lúc ấy có hai điều thú vị xảy ra. Thứ nhất, người mẹ vì bị nói dối quá nhiều
nên bây giờ vẫn nghi ngờ và không tin đó là sự thật. Còn điều thứ hai, tôi nhận
thấy trong tâm mình, vì đã nói dối quá nhiều, nên bây giờ cũng không còn nhớ thế
nào là sự thật nữa! Tình trạng hỗn loạn đã chế ngự tất cả. “Mà anh chồng có thật
sự sang Ấn Độ không chứ? Chuyện gì đã xảy ra?” Một lần nữa, tôi ý thức được sức
mạnh của sự thật. Chối bỏ sức mạnh ấy chỉ đem lại cho chúng ta một sự hỗn loạn
mà thôi.
Và giới chót của năm giới nói về việc cố gắng giảm bớt sự si mê của mình, bằng
mọi hình thức. Ta nguyện sẽ không dùng những chất có tính cách làm mê mờ tâm trí
hoặc khiến ta trở nên vô ý. Ý niệm này bao giờ cũng là một đề tài tranh luận sôi
nổi đối với người Tây phương. Thế nào là “làm mê mờ tâm trí hoặc khiến ta trở
nên vô ý”? Nếu như ta chỉ muốn uống một hớp rượu nhưng không say sưa, như vậy có
phạm giới không? Chung chung thì tôi hiểu được câu hỏi ấy! Chúng ta mỗi người
phải tự tìm lấy câu trả lời cho chính mình, cho hoàn cảnh của mình. Con đường ta
đi là con đường Trung đạo, ta cần phải thấy được những gì mình cần phải làm,
trong sự quân bình, trong mỗi giây phút, khi đối diện với những trường hợp khác
nhau.
Khi tôi bắt đầu học với ngài Sayadaw U Pandita, có người hỏi ông về giới cấm
uống rượu: “Có bất cứ trường hợp nào mà ta có thể uống rượu được không?” Tôi nhớ
câu hỏi ấy được nêu lên với hy vọng câu trả lời sẽ là: “Được, nếu ta uống có
chừng mực,” hoặc, “Ta có thể uống một chút trong trường hợp xã giao vì không
muốn làm mất lòng người khác, hoặc khi đến nhà bà con và người ta mời một ly
rượu nho chẳng hạn.” Nhưng câu trả lời thật sự của ngài U Pandita là: “Nếu như
có người nào trói anh lại và đổ rượu vào miệng anh, và anh không thích chút nào
cả, chừng đó anh có thể uống.”
Khi nghe câu trả lời ấy tôi nghĩ: “Cái đó thì hơi cực đoan!” Nhưng dù sao, khi
suy ngẫm lại lời của ngài U Pandita, tôi tự bảo: “Mình là ai mà dám gạt bỏ những
lời ông ta nói? Tại sao mình không thử khiêm tốn thực hành theo những gì ông dạy
đi, rồi biết?” Và tôi quyết định, như một sự thử nghiệm, trong một thời gian tôi
sẽ không uống một hớp rượu nào hết. Và nhiều năm sau, tôi vẫn không uống một
giọt rượu nào.
Một điều thú vị là tôi cảm thấy có một sự thay đổi rõ rệt sau lần thử nghiệm ấy.
Tôi cảm thấy như mình vừa buông bỏ được một gánh nặng. Trong tôi dường như có
một sức mạnh mới, một sự trong sáng mới, tuy rất tinh tế. Nhưng tôi không hề tự
hào về việc ấy, tôi cũng không buộc người khác phải “Bỏ ly rượu ấy xuống!” Nó
chỉ là một cảm giác thư thái trong lòng. Tôi cảm thấy đơn giản hơn, vững mạnh
hơn, và tự tin hơn. Tôi cảm thấy tự trọng hơn.
Trong vấn đề giữ giới, nếu ta chịu thử nghiệm, thực hành thử, việc ấy tuy đơn
giản nhưng sẽ có một ảnh hưởng rất lớn. Chúng ta sẽ khám phá rằng, mình lúc nào
cũng phải cải tiến, vì sự hiểu biết về giới luật mỗi ngày lại càng sâu sắc hơn,
và chúng sẽ mang lại cho ta nhiều hạnh phúc hơn.
Ta cũng cần hiểu rõ hơn về luật nghiệp quả. Thật ra, đức Phật dạy, ta sẽ không
bao giờ hiểu được luật nghiệp quả một cách hoàn toàn. Ngài gọi đó là một trong
bốn điều bất khả tư nghì, bốn điều không thể nghĩ bàn được trong cuộc đời. Nhưng
dù vậy, ta vẫn có thể chứng nghiệm được một phần nào của quy luật tự nhiên này.
Luật nghiệp quả không phải chỉ là một năng lực tạo nên những biến cố trong cuộc
đời chúng ta mà thôi. Nó còn là một năng lực mạnh mẽ nhất. Không hiểu được luật
nghiệp quả, ta dễ dàng cảm thấy mình chỉ là nạn nhân của cuộc đời: “Tại sao lại
là tôi?” Chúng ta có thể cảm thấy may mắn hoặc bất hạnh, nhưng ta vẫn nghĩ rằng
hoàn cảnh xảy đến với mình, thay vì ta là một phần của chúng. Ý thức được luật
nghiệp quả tức là ta dám đứng ra nhận lãnh trách nhiệm về tâm linh, cũng như về
luân lý của mình.
“Mọi chúng sinh đều làm chủ nghiệp quả của mình.” Tài sản thật sự của ta thật ra
chỉ có bấy nhiêu thôi. Nghiệp quả là những gì ta sẽ mang theo từ đời này sang
đời khác. Màu sắc của tác ý ta, tức những động cơ đứng phía sau lời nói và hành
động, là những hạt giống chúng ta đang gieo trồng trong giờ phút này. Tác ý của
ta là hạt giống, và khi nào đủ duyên, sớm hay muộn gì rồi nó cũng sẽ kết thành
hoa trái. Tác ý muốn cứu giúp người khác sẽ mang lại quả hạnh phúc. Và tác ý
muốn làm thương tổn người khác, chắc chắn sẽ mang lại cho ta quả khổ đau.
Ta cũng nên nhớ rằng luật nghiệp quả không hề vận hành theo một đường lối máy
móc cứng nhắc. Đây không phải là một tiến trình nhất định bày sẵn, mà nó cho
phép rất nhiều yếu tố bất định khác ảnh hưởng đến sự chín mùi của kết quả. Như
một hạt giống được gieo trồng ngoài vườn. Quả của nó không chỉ tùy thuộc vào
tiềm năng của hạt giống ấy, mà còn vào tình trạng của thửa vườn nữa. Tất cả
những tác ý của ta đều có liên quan với nhau. Cái này sẽ chuyển hóa và ảnh hưởng
đến cái kia. Ví dụ, ta có thể nói một lời không thật và làm hại người khác.
Nghiệp quả bất thiện của lời nói ấy sẽ lớn mạnh thêm nếu ta quen sống trong sự
gian dối, lường gạt. Và ngược lại, hậu quả ấy có thể được cải hóa tốt đẹp hơn
nếu ta quen sống với sự thật và lòng từ bi.
Đức Phật dạy, vì những tác dụng hỗ tương phức tạp của các điều kiện ảnh hưởng
lẫn nhau, ta không thể đơn giản nói rằng, một hành động này chắc chắn sẽ mang
lại một kết quả kia. Một quan niệm phổ thông về luật nghiệp quả sẽ nói rằng, nếu
bạn giết một con muỗi, thì trong đời này hoặc đời sau, bạn sẽ bị giết hại bởi
một đàn muỗi. Đức Phật dạy, nếu như luật nghiệp quả cứng nhắc như vậy, ta sẽ
không thể có cơ hội giải thoát, ta sẽ không bao giờ chuyển hóa được những khổ
đau của mình. Nhưng nếu ta biết rằng nghiệp quả của một hành động có thể thay
đổi được, tùy theo những nhân duyên và điều kiện khác ảnh hưởng đến chúng, ta có
thể giải thoát và chấm dứt những khổ đau.
Và trong cuộc sống, lúc nào ta cũng đang tạo dựng một môi trường ảnh hưởng. Sự
huân tập những nghiệp thiện và bất thiện trong quá khứ của một người, cũng như
cá tính của người ấy, sẽ ảnh hưởng đến kết quả sau cùng. Cùng một hành động
nhưng sẽ có những kết quả khác nhau, tùy theo môi trường nào ta đã tạo nên. Nếu
như ta làm một điều bất thiện và rồi nói dối để che giấu, ta sẽ ảnh hưởng xấu
đến môi trường ấy. Và ngược lại, nếu ta sống trong giới luật, chánh niệm và từ
bi, môi trường của ta sẽ là một không gian rộng lớn và bao la. Nếu ta có lỡ làm
một việc bất thiện, nghiệp quả cũng sẽ được chuyển hóa nhờ sự rộng lớn và cởi mở
của môi trường ấy.
Vì vậy, giáo Pháp của đức Phật, sự tu tập, sẽ bảo vệ ta. Sự bảo vệ ấy - tạo một
môi trường bao la, rộng lớn cho những hành động và nghiệp quả - cũng chính là
con đường tu tập bốn tâm vô lượng. Chúng ta tập phát triển năng lực của từ, bi,
hỷ và xả, như đức Phật dạy, cho đến một ngày tâm ta trở nên như không trung,
không bị nước sơn làm dơ bẩn, hoặc như một dòng nước trong, không lửa nào cháy
được. Mặc dù ta không thể chui vào hang động, trốn vào rừng sâu, hoặc kéo mền
đắp kín để trốn tránh nghiệp quả, nhưng ta vẫn có thể chuyển hóa nó bằng tình
thương và chánh niệm.
Hiểu được luật nghiệp quả không có nghĩa là ta sẽ trở nên một người thụ động,
như là không cần đi nha sĩ khi có một chiếc răng đau. Không phải ta cứ ngồi đó
chịu đau đớn và than: “Thôi, nghiệp mình như vậy thì phải chịu, chứ biết sao!”
Ngược lại, hiểu được luật nghiệp quả, ta sẽ nối liền với sự sống. Ta cảm nhận
được ý nghĩa cuộc đời này sâu sắc hơn. Ta bớt bất mãn, cay cú, chống đối hoặc
bám víu vào những gì xảy đến với mình. Và ý thức đó, tự nó có một năng lượng làm
vơi bớt khổ đau cho ta rất nhiều.
Vào năm 1991, tôi có tham dự một khóa hội thảo về chủ đề cảm xúc và sức khỏe.
Buổi chiều trong khóa hội thảo, một số nhà tâm lý Tây phương có rất nhiều kinh
nghiệm về việc chữa trị những nạn nhân bị tra tấn, hành hạ, đứng ra trình bày về
vấn đề này. Các nhà tâm lý muốn đặc biệt chia sẻ đến những cử tọa đang hiện diện,
họ đều là những người đã có kinh nghiệm trực tiếp về sự tra tấn, hành hạ.
Trước hết, họ trình bày những hậu quả tâm lý của các nạn nhân sau khi bị tra tấn:
phải sống với những hình ảnh ấy, bị khủng hoảng, tuyệt vọng, căm hờn, cảm thấy
bị chà đạp, mất hết nhân phẩm, kinh nghiệm sự cô đơn và không còn tin tưởng một
ai. Tiếp theo, họ trình bày những phương cách để chữa trị các tình trạng đó:
giúp nạn nhân đối diện với những sự căm hờn và sợ hãi của mình, và giúp họ trở
lại với cuộc đời của họ, với xã hội chung quanh. Các nhà tâm lý trình bày những
kiến thức chuyên môn của mình với niềm tin rằng họ đang giúp đỡ những người bạn,
những nạn nhân trực tiếp: “Chúng tôi muốn trao cho các bạn món quà này, vì chúng
tôi biết rằng các bạn đã phải chịu đựng quá nhiều khổ đau.”
Sau phần trình bày rất chi tiết ấy, vị đại diện cho người Tây Tạng là đức
Đạt-lai Lạt-ma đã trả lời: “Thật ra người Tây Tạng chúng tôi không có những kinh
nghiệm giống như quý vị đã trình bày.” Ngài giải thích thêm, mặc dù nhiều người
Tây Tạng đã phải trải qua những đau đớn rất lớn về mặt thể chất, nhưng một số kể
lại rằng, họ đã thực tập niệm tâm từ cho những người đã hành hạ họ. Họ hiểu rằng,
một người đi tra tấn người khác như vậy phải sống trong một tâm trạng rất đen
tối.
Đức Đạt-lai Lạt-ma nói thêm, ngay cả những người Tây Tạng nào không thể ban rải
tâm từ đến cho kẻ tra tấn mình, họ vẫn ý thức được luật nghiệp quả. Nhờ vậy, họ
vẫn có niềm tin trước những gì đang xảy ra. Đối với họ, những sự tra tấn này
không phải là những tai họa tự nhiên xảy đến. Và họ cũng không hề tự ti mặc cảm:
“Tôi đáng phải lãnh chịu việc này.” Thay vì vậy, họ tin rằng tất cả mọi sự đều
có một ý nghĩa, một trật tự, một kinh nghiệm mạch lạc, cho dù nó có ghê gớm đến
đâu. Đó là lý do đức Đạt-lai Lạt-ma tin rằng người dân của ông không hề bị ảnh
hưởng của những trạng thái tâm lý tiêu cực về sau.
Luật nghiệp quả không phải là để ta tự trách mình. Và nó cũng không có nghĩa là
ta đổ lỗi cho các nạn nhân: “Đó là nghiệp của các anh thì các anh phải lãnh chịu.
Ai bảo các anh làm những việc ác, giờ đây các anh phải gánh chịu.” Hiểu được
luật nghiệp quả cho thấu đáo, ta sẽ không phê phán và cũng không trách móc một
ai. Nghiệp quả không chia cách bất cứ ai, ngược lại, nó nối liền tất cả chúng ta
lại với nhau.
Trong thời gian bắt đầu tập ngồi thiền, tôi bị đau nơi đầu gối, và cái đau này
rất ghê gớm. Lúc tôi tập thiền ở Bồ-đề Đạo tràng, dường như mọi người chung
quanh tôi ai cũng ngồi trong tĩnh lặng và an lạc, chỉ có mình tôi là bị đày đọa,
giày vò bởi cái đau. Suốt buổi ngồi thiền, tôi cứ nhúc nhích, cử động mãi, trong
khi những người khác ngồi trông thật yên bình. Tôi cảm thấy rất chán nản, không
phải chỉ vì cái đau nơi chân, mà còn vì thấy mình là một thiền sinh “dở”, ngồi
không yên cứ nhúc nhích hoài. Có một lúc, tôi tìm gặp vị thầy mình và nói với
một giọng rất tủi thân: “Tại sao chỉ có mình con là bị đau đớn nhiều thôi! Đâu
có ai khác bị khổ như con?”
Ngài Munindra thờ ơ trả lời: “Thì chắc kiếp trước cô đã hành hạ nhiều thú vật
nhỏ!” Tôi nghĩ: “Trời ơi, vậy thì ghê quá!” Lúc đó tôi mới mười tám tuổi, chưa
đủ thời giờ trên đời này để làm hại gì nhiều! Nhưng dù vậy, tôi đã có rất nhiều
mặc cảm tội lỗi. Lời tuyên bố của ngài Munindra vô tình lại làm lớn thêm mặc cảm
của tôi. Những gì tôi đã làm trong đời này đủ thấy tội lỗi lắm rồi. Bây giờ còn
nghĩ tới kiếp trước, hình ảnh tôi đi bắt những con bướm và bứt hết cánh chúng,
hoặc mổ xẻ những con thú nhỏ, khiến tôi cảm thấy khổ sở hơn. Và tôi cộng thêm
mặc cảm tội lỗi giày vò ấy vào với cái đau nơi chân của mình.
Sau này, tôi hiểu rằng thầy tôi không phê phán hay trách móc gì tôi hết, ông chỉ
lặp lại câu trả lời ấy hoàn toàn dựa trên kinh sách. Tâm ông không hề ghét bỏ
hoặc xa cách tôi. Đối với ông, cuộc đời của chúng ta đều mang một ý nghĩa. Việc
gì cũng có những nguyên nhân của nó.
Có người hỏi đức Phật, vì sao trên đời này người ta lại gặp quá nhiều hoàn cảnh
khác biệt nhau. Ngài đáp, vì tất cả chúng ta đều là chủ nhân của những nghiệp
quả khác nhau. Ngay cả sau khi chết, sản nghiệp chúng ta đem theo sẽ là năng lực
của tác ý mình và những kết quả của chúng.
Đức Phật dạy, người nào thường sát sanh sẽ bị chết yểu, và những ai thường phóng
sinh sẽ được tuổi thọ cao. Những kẻ gây đau đớn cho người khác sẽ bị bệnh hoạn,
tàn tật và yếu đuối, và những người sống hiền hòa sẽ được khỏe khoắn, mạnh mẽ.
Những kẻ tham lam, bủn xỉn sẽ bị nghèo khó, và những người thường bố thí sẽ được
giàu sang. Những người thích tìm học đạo lý sẽ được thông minh, và những kẻ
không đoái hoài gì đến sự thật sẽ chịu ngu đần. Những kẻ trộm cắp và tà dâm sẽ
không có bạn tốt, và những người sống đạo hạnh sẽ được kính trọng và có nhiều
bằng hữu.
Nhưng đó không phải là những thực tại tuyệt đối. Chúng chỉ là những khuynh hướng
tương đối mà thôi. Đối với đức Phật, thế giới sinh tử luân hồi này là vô thủy,
vô chung. Chúng ta đã trải qua biết bao nhiêu kiếp trong quá khứ. Trong khoảng
thời gian vô tận ấy, ta đã làm tất cả. Ta thương, ta ghét, ta trộm cắp, ta bố
thí, ta tà dâm, ta đạo hạnh, ta lường gạt, ta chân thật... Không có một điều gì
mà ta chưa từng làm! Và trong vòng sinh tử luân hồi bất tận ấy, chúng ta đã từng
là cha mẹ của nhau, anh em của nhau, vợ chồng của nhau, và kẻ thù của nhau.
Và chúng ta cũng không thể cảm thấy xa lạ hoặc tách rời với bất cứ một người nào
hoặc một sự vật nào. Vì ta đã từng là họ, đã từng là những sự vật ấy! Không có
một nơi nào trên mặt đất này mà lại không có nước mắt ta, tiếng cười ta, nơi ta
chôn nhau cắt rốn và là mồ chôn của ta... Hiểu như vậy thì nơi đâu mà chẳng là
nhà! Bất cứ ai ta gặp đều là người ta đã từng quen biết. Và không một việc gì
trên đời này mà ta không thể làm!
Vì vậy, ta không thể hiểu nghiệp quả theo một cách nông cạn hoặc hời hợt. Đó là
một sự sống rộng lớn và vô cùng tận. Trong bất cứ một giây phút nào, mỗi khi ta
kinh nghiệm một kết quả của nghiệp, cho dù đó là thiện hay bất thiện, kinh
nghiệm ấy không phải chỉ riêng ta, mà là của tất cả chúng sinh. Và khi có một
việc gì xảy ra bên ngoài, ta vẫn ý thức rằng nó cũng là kinh nghiệm của chính ta.
Như trong một giấc mơ, tất cả nhân vật đều là những phản ảnh của tâm ta.
Nếu bạn không tin vào thuyết luân hồi, bạn vẫn có thể hiểu được những gì tôi
muốn trình bày bằng cách nhìn vào nội tâm. Dầu bạn có tin vào sự tái sanh hay
không, bạn vẫn có thể thấy được tất cả mọi trạng thái đều đang có mặt bên trong
bạn. Vì vậy, bạn không cần phải cảm thấy xa lạ, không cần phải sợ hãi mỗi khi
chúng khởi lên. Và bạn cũng không cần phải cảm thấy cách biệt khi chúng xảy ra
bên ngoài bạn. Tất cả chỉ là những biểu hiện của tâm thức mà thôi, và chúng có
muôn hình vạn trạng. Cho dù bất cứ một việc gì xảy ra, bên trong hay bên ngoài,
cho dù bạn có gặp bất cứ một người nào đi chăng nữa, tất cả cũng chỉ là chính
bạn dưới một hình thái khác mà thôi!
Nhiều năm trước đây, khi tôi còn là một sinh viên ngành y. Trong thời gian thực
tập tại một bệnh viện, người ta đưa đến một đứa trẻ bị thương tích vì mẹ nó đánh
đập, và có cả bà ta đi theo. Lúc đó có khoảng ba mươi sinh viên thực tập và một
số nhân viên bệnh viện. Mọi người đều biểu lộ một thái độ lạnh lùng và khinh
miệt đối với người mẹ, như muốn nói với bà: “Bà là một người tàn ác, bà rất xa
cách với chúng tôi! Làm sao bà lại có thể hành động bất nhân như vậy được?” Sau
đó, khi nhóm chúng tôi họp với nhau, có người nói lên ý tưởng ấy. Tôi đáp lại:
“Tôi hiểu được những hành động như vậy. Có lúc trong tôi cũng có những cơn giận
xung thiên có thể thúc đẩy tôi làm những việc ấy. Mặc dù tôi chắc chắn là mình
sẽ không bao giờ hành động theo sự thúc đẩy đó, vì tôi có ý thức rõ ràng trong
giờ phút ấy. Nhưng tôi thông cảm với bà mẹ, tôi không cảm thấy hoàn toàn xa cách
với bà ta.” Khi tôi vừa nói xong, ba mươi cặp mắt đều đổ dồn về phía tôi, và một
sự im lặng hoàn toàn. Tôi ngồi đó tự nghĩ: “Mình nói có gì bậy lắm không?” Nhưng
tôi biết, mặc dù những gì tôi nói có thể làm mọi người khó chịu, nhưng đó vẫn là
sự thật.
Ý thức được rằng hạnh phúc và khổ đau hoàn toàn tùy thuộc vào hành động của mình,
rằng hành động quyết định số mạng của ta, sẽ giúp ta làm chủ được đời mình. Nếu
chúng ta hiểu rằng tất cả mọi việc khởi lên đều có nguyên nhân, ta sẽ biết cách
chuyển hóa khổ đau. Ta không cần cố gắng diệt trừ những khổ đau, khó khăn và
nguy hiểm khởi lên trong đời mình. Thay vì vậy, ta chỉ cần tìm cách thay đổi
những điều kiện nào đã khiến chúng sinh khởi, cũng như đã duy trì sự có mặt của
chúng.
Khi ngồi quán chiếu lại đời mình, ta sẽ thấy những gốc rễ của khổ đau chính là
sự tham lam, sân hận và si mê. Chúng là nguồn gốc của vòng sinh tử luân hồi.
Hiểu được điều này, con đường ta đi sẽ trở nên nhẹ nhàng và sáng suốt hơn. Ta
biết rằng những khổ đau của ta thật ra không có thực thể, chúng không phải là
một thực tại tuyệt đối nào cả. Không hề có một vật gì “cứng rắn” giam giữ ta.
Thật ra, khổ đau chỉ là sự kết hợp của những điều kiện duyên sinh mà thôi. Nếu
ta thay đổi điều kiện, ta sẽ thay đổi được vấn đề. Nếu ta thay đổi nhân, ta sẽ
thay đổi quả.
Khi hành xử theo phương cách này, ta sẽ không cần đến những đường lối bạo động,
ta không cần phải lên án hoặc sợ hãi. Lúc nào ta cũng biết mình cần làm gì.
Không cần dụng công nhiều, cuộc đời ta vẫn như một dòng nước trong mát trôi chảy
thong dong về hướng hạnh phúc và an nhiên. Ta không còn làm nạn nhân của những
ngọn gió hoàn cảnh, như một chiếc lá nổi trôi vô định, bị cuốn xô bềnh bồng đây
đó. Khi tâm ta bình, thế giới cũng bình.
Sự giữ giới sẽ là một thành trì bảo vệ ta trong cuộc đời, nó ngăn ngừa những
điều kiện nào thúc đẩy ta hành động bất thiện qua lời nói hoặc việc làm. Trên
đời này, con người nhiều khi đối xử với nhau rất tồi tệ. Mỗi lần sau một khóa tu
nhiều ngày trở về, cầm tờ báo lên đọc là tôi lại cảm thấy thật đau lòng. Những
việc chúng ta làm cho nhau chỉ chồng chất thêm núi khổ đau. Khi hố tham, sân, si
càng sâu thẳm bao nhiêu, những hành động của ta lại càng tàn nhẫn bấy nhiêu.
Trong chúng ta ai cũng đã có cái cảm giác khi lỡ làm một điều gì sai rồi muốn
giấu kín vì sợ người khác biết. Ví dụ, ta đang nói xấu một người nào, và chợt
người ấy bước vào phòng. Bạn còn nhớ cái cảm giác “chết rồi!” đó như thế nào
không? “Họ có nghe mình nói gì không? Họ đang nghĩ gì? Rồi họ sẽ lại đi đồn đãi
gì về mình đây?” Những ý nghĩ ấy tuy nhỏ nhoi, nhưng nó cũng có hại cho ta. Muốn
thật sự có hạnh phúc, ta phải tránh xa những tình trạng ấy.
Và ngược lại, trong chúng ta chắc ai cũng biết cái cảm giác khi ta làm một việc
gì và sẵn sàng nhận nó với một sự tự tin và tĩnh lặng, vì đó là một việc tốt
lành. Đó cũng chính là con đường cao thượng nhất, con đường của bất hại, sẽ mang
lại cho ta niềm hạnh phúc tuyệt vời. Với cảm giác đó, ta sẽ có thể đi giữa cuộc
đời với nhân phẩm, với sự nguyên vẹn, với hạnh phúc và an lạc, với sự đơn giản
và thư thái. Chúng ta lúc nào cũng sống an nhiên, và không hề phải lo lắng người
khác nghĩ gì về mình. Kinh sách ghi lại biết bao nhiêu câu chuyện về những người
đạt được giác ngộ nhờ quán chiếu những việc thiện họ đã làm. Thật vậy, niềm vui
do chúng đem lại có một năng lượng giải thoát rất lớn.
Sống một cuộc sống bất hại là một sự bảo vệ căn bản và thiết yếu nhất mà ta có
thể ban cho hoặc tiếp nhận từ người khác. Cách sống ấy bảo vệ ta, vì khi không
hành động theo tham, sân, si, ta sẽ không mang mặc cảm tội lỗi, khổ đau và hối
hận nào trong tâm, trong giờ phút này và ngay cả khi nhắm mắt. Và cách sống ấy
cũng bảo vệ người khác, vì ngăn chặn không cho ta biến tham, sân, si thành những
hành động hoặc lời nói gây khổ đau cho người chung quanh.
Đức Phật dạy, sự hành trì giới luật sẽ mang lại cho ta và người khác một thái độ
không sợ sệt. Chúng ta sẽ thoát ly ra khỏi mọi sự sợ hãi. Ta không còn phải thấp
thỏm lo sợ những hậu quả xấu do hành động của mình đem lại. Và ta cũng giúp
người khác bớt sợ hãi hơn nhờ niềm tin của họ đặt vào ta. Khi nhìn thấy rõ được
chính mình, ta sẽ muốn phục vụ hết mọi chúng sinh. William Butler Yeats viết:
“Chúng ta có thể làm tâm mình trở thành một mặt hồ tĩnh lặng để người khác quây
quần chung quanh, và họ sẽ thấy được hình bóng của chính họ. Vì vậy, hãy sống
một cuộc đời trong sáng hơn, và có lẽ mãnh liệt hơn, với sự tĩnh lặng của mình.”
Nhưng sống với tâm từ và hành trì giới luật, không có nghĩa là từ đây về sau sẽ
không còn một khổ đau nào xảy đến cho ta nữa. Bởi vì khổ đau lúc nào cũng có mặt,
và có thể xảy đến cho bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào. Điều đó chỉ có nghĩa là ta
vẫn có thể sống hạnh phúc và không sợ hãi, dẫu cho có bất cứ việc gì xảy ra.
Có sự khác biệt rất lớn giữa một thái độ do dự, không biết phải làm gì, và một
thái độ tự tin, biết hành trì giới luật. Kinh sách diễn tả thái độ thứ nhất
giống như một người “bị đâm đầu xuống hố hầm không có chỗ bám víu”. Tình trạng
ấy chẳng có gì là thú vị. Còn thái độ tự tin, trong sáng, biết rõ mình đang nói
gì và làm gì, trong kinh gọi đó là “tiếng gầm của một con sư tử lớn”.
Khi ta biết hộ trì Giáo pháp, Dharma, Giáo pháp sẽ hộ trì ta. Khi ta biết nâng
đỡ và gánh vác nó, nó sẽ nâng đỡ và gánh vác ta. Khi ta ôm chặt chân lý, chân lý
sẽ ôm chặt và bảo vệ ta. Chúng ta tìm một nơi nương tựa bằng cách tạo nên những
điều kiện cho nơi ấy có mặt. Đó là luật nghiệp quả. Và con đường dẫn ta đến hạnh
phúc phải là con đường hành trì giới luật. Dharma, tức con đường giải thoát,
cũng giống như một toàn diện ảnh (hologram) mà trong bất cứ một phần nhỏ nào ta
cũng thấy được cái toàn phần. Cũng vậy, trong bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ xả,
ta tìm thấy con đường bất hại; và trong những hành động bất hại ta lại thấy được
bốn tâm vô lượng, hay bốn thiên trú, bốn cõi hạnh phúc. Và đó chính là con đường
hạnh phúc chân thật đang dành sẵn cho ta.
Nguyễn Duy Nhiên