Nơi đây miền đất Phật. Có một thời
bừng nở đóa Vô Ưu. Bước chân Phật đi về không dấu hạn. Hai ba nghìn năm gỗ đá
thành mây bay. Đường em đi miên viễn dặm dài. Áo Nghĩa Thư sương khuya trăn
trở. Dấu Như Lai là hư không dấu ái. Ngày em về dấu ái thành hư không. Thu
vắng quá nên trần gian hóa giải. Nên mùa Thu nơi vườn Lâm Tỳ Ni bầy hạc trở về.
Chỉ có lầu vàng là hạc một lần đi không trở lại. Và chỉ có đồng xa là hai con
hạc trắng bay về …
Vườn Lâm Tỳ Ni mùa hạc về làm tổ.
Người xưa bắt hạc đứng trên lưng
rùa. Đầu đội đèn chân cột trói vào mảnh linh hồn bé nhỏ. Giống hạc, giống
người bên nhau mà xa nhau về khổ. Hạc không nhà nên tự do bay đi mười phương
phiêu du. Người có nhà, có cả lâu đài đeo mang như gánh nặng. Hạc về làm tổ
nơi vườn Lâm Tỳ Ni như làm nhà ở đó. Người về chiêm bái nơi vườn Lâm Tỳ Ni cho
đến khi bóng tối quay về thì không còn ai nán lại trầm tư. Có một đêm khuya
Phật bỗng hiện về. Chỉ có bầy hạc nhướng cổ cao nhìn hào quang sáng chói như
mặt trời. Phật mỉm cười im lặng vì hạc là chúng sanh không nhiều lời. Hạc thấy
Phật trong đêm tối rạng ngời. Bóng tối trong mắt người, chỉ có vườn cây khuất
lấp. Người cầu nguyện nhiều lời nên bỏ quên mình mà sống với ai. Phật mỉm cười.
Không thấy.
Hết mùa ở tổ hạc lại ra đi - Từ giã
vườn Lâm Tỳ Ni.
Cứ tiến tới xoải cánh đời vô định.
Chim thiên di bốn biển là nhà. Bầy hạc nhỏ mà niềm vui như Hy Mã. Không phụ
đời ta sống chính trong ta. Thu năm sau bầy hạc về chốn cũ. Lâm Tỳ Ni người
mới đã xa người. Thương bạn cũ có bao người đã khuất. Núi xa vời đỉnh tuyết
vẫn màu tươi.
Trenton, Thu 2010
Trần Kiêm Đoàn