Chùa Bửu Minh

(PGVN) Truyền thông Phật giáo là chuyển tải thông tin, hình ảnh. Người làm truyền thông không biết rõ đối tượng nhận thông tin thuộc nhóm nào? Có tính chất gì? Có sở thích, nhu cầu như thế nào về Phật giáo nên hiệu quả truyền thông chưa cao

Phần 1: Truyền thông Phật giáo và công thức 4H

(PGVN) Truyền thông Phật giáo là chuyển tải thông tin, hình ảnh. Người làm truyền thông không biết rõ đối tượng nhận thông tin thuộc nhóm nào? Có tính chất gì? Có sở thích, nhu cầu như thế nào về Phật giáo nên hiệu quả truyền thông chưa cao

Hiện nay trên mạng Internet có hàng ngàn trang web, blogs liên quan đến Phật giáo bằng tiếng Việt, trong đó có khoảng 250 trang web Phật giáo cập nhật thông tin ở mức độ ngày, tháng, quý. 

Truyền thông có hiệu quả vốn đã là khó, truyền thông Phật giáo có hiệu quả lại càng khó hơn. 

Chúng tôi xin chia sẻ những vấn đề chính trong giới hạn hiểu biết và kinh nghiệm của mình.

Trước hết, chúng ta cần thống nhất với nhau về khái niệm “truyền thông Phật giáo” sao cho sát thực nhất với vai trò của nó. Truyền thông (communication) là quá trình chuyển tải, chia sẻ thông tin. 

Có nhiều cách định nghĩa lĩnh vực truyền thông, chúng tôi xin đưa ra hai khái niệm, cấp độ truyền thông Phật giáo, để từ đó những người “trong cuộc” xem xét mình đang ở cấp độ nào?

- Cấp độ 1: Truyền thông Phật giáo là chuyển tải thông tin, hình ảnh. Người làm truyền thông không biết rõ đối tượng nhận thông tin thuộc nhóm nào? Có tính chất gì? Có sở thích, nhu cầu như thế nào về Phật giáo nên hiệu quả truyền thông chưa cao. 

Ví dụ, một phóng viên có nghiệp vụ báo chí, muốn tìm hiểu đề tài Phật giáo. Người ấy đi phỏng vấn, trao đổi đề tài với tăng, ni. Người ấy vẫn có thể nắm bắt vấn đề, viết hoàn thiện đề tài và chuyển tải đầy đủ nội dung Phật giáo cho bạn đọc. Nhưng bài viết có giúp bạn đọc thay đổi nhận thức hay không lại là chuyện khác (liên quan đến vấn đề hoằng pháp). Bởi đạo Phật là đạo thực hành, chứ không phải là đạo để nghiên cứu - lý luận.

- Cấp độ 2: Truyền thông Phật giáo không đơn thuần là chuyển tải thông tin, hình ảnh mà đồng nghĩa với hoằng pháp. Người hoằng pháp là người đưa Phật pháp đến nơi cần đến, đúng đối tượng, đúng lúc đúng chỗ sao cho hiệu quả tốt nhất. 

Người hoằng pháp là người hiểu được căn cơ đối tượng truyền thông, nắm bắt được nhu cầu, thị hiểu, tâm tư... để đưa ra nội dung truyền thông phù hợp. Do đó, nội dung truyền thông “rớt” vào tâm người nhận thông tin - nghĩa là họ dễ dàng nhớ được, nhớ rồi thì khó quên!

Như vậy, chúng ta – những người làm truyền thông Phật giáo đều có mong muốn đạt hiệu quả ở cấp độ 2. Nếu ai đã tin hiểu Luật Nhân Quả thì không dại gì lãng phí sức người, sức của để làm truyền thông như những con sóng táp vào bờ, rồi lại trôi tuột đi.

 Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

*Người làm truyền thông Phật giáo tự nâng cấp chính mình

Nhiều người làm nghề báo hoặc nghề diễn thuyết lâu năm, họ rất hiểu vấn đề này: Nếu ta thâm nhập, trải nghiệm thì ta sẽ “săn” được chi tiết, sáng tạo cho bài báo; sẽ có sức mạnh để thu hút, có “lửa” để truyền đạt tốt hơn cho bạn đọc, cho khán thính giả. 

Tương tự nguyên lý ấy, chúng ta cũng được đức Phật dạy phương pháp hoằng pháp hiệu quả. Người nào có công phu thực hành đạo Phật thì người ấy có sức mạnh nội tâm để cảm hoá người khác. 

Khi người viết có sự suy ngẫm, thực hành, trải nghiệm về vấn đề nào đó, thì người ấy sẽ hiểu sâu sắc và chuyển tải thấu tình đạt lý, khiến cho người tiếp nhận thông tin có ấn tượng, dễ ghi nhớ, không quên.

Đức Phật dạy: “Ai tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta”. Nếu người làm truyền thông biết tôn kính Tam Bảo, cần mẫn thực hành lời Phật dạy, người ấy sẽ được khai sáng trí tuệ, sẽ cảm hiểu được giáo pháp của Như Lai, “thấy Pháp là thấy Phật”. Nếu một người có công phu tu học và thực hành, sau đó thực hiện hoằng pháp thì mới có hiệu quả tương ứng. 

Do đó, người làm truyền thông Phật giáo cần trải qua pháp học và pháp hành thì mới có thể làm tốt công việc truyền thông Phật giáo. 

Ví dụ, một phóng viên đọc cuốn sách Phật giáo, thấy nội dung hấp dẫn, người ấy dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu Phật giáo. Sau đó, trải nghiệm và cảm nhận những điều mà mình thấy hay, thấy đúng và áp dụng vào cuộc sống. Quá trình như vậy gọi là pháp học và pháp hành.

Đặc biệt, người phật tử nên nhớ công thức 4H "HỌC – HÀNH – HOẰNG – HỘ". Mức độ khó tăng dần lên theo thứ tự từ cấp độ một đến cấp độ bốn; Theo đó công đức cũng tăng dần theo thứ tự từ một đến bốn; trong đó việc hoằng pháp đứng thứ ba, cuối cùng là Hộ pháp.

Đón đọc các kỳ tiếp theo:

Chia sẻ một số kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông, Kỹ năng khai thác đề tài và góc độ tiếp cận đề tài; Xử lý khủng hoảng thông tin; Kỹ năng viết Thông cáo báo chí.

Bạch Tầm Xuân


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage