Chùa Bửu Minh

Kính bạch ....
Kính thưa…
Trong cái không khí se lạnh của mùa đông, chúng con ( chúng tôi ) chợt nhớ đến hai câu thơ của Thiền Sư Hoàng Bá : “ Nếu chẳng một phen xương lạnh buốt, Hoa Mai đâu dễ ngửi mùi hương “.

Hai câu thơ Thiền gợi nhớ đến một sự kiện thể thao lớn của các nước Đông Nam Á ( Seagame 22 ) . Một Seagame lần đầu được tổ chức tại Việt Nam, một Việt Nam còn khó khăn nhiều về mặt kinh tế, nhưng hào khí Phù Đỗng đã đưa Việt Nam đứng đàu bảng sắp hạng với hơn 100 huy chương vàng,55 huy chương Bạc, 45 huy chương Đồng . Chúng ta tự hỏi vì đâu có được những tấm huy chương cao quý đó ? Câu trả lời theo tinh thần của Đạo Phật, là đất nước chúng ta đã tổng hợp quy tụ được những nhân duyên tốt đẹp, để lập nên những kỳ tích thể thao, khiến cho nhiều nước trên thế giới phải kinh ngạc thán phục . Nhân duyên chính cho niềm tự hào dân tộc đó là sự dẫn dắt lèo lái tài tình, liên kết nhân tâm của chư vị lãnh đạo từ trung ương đến địa phương. Không biết bao nhiêu mồ hôi, sự khổ luyện, hao tổn tinh thần vì vận dụng chất xám quá mức, và có cả máu nữa...chính vì chịu đựng một phen xương lạnh buốt của chư vị lãnh đạo,cũng như của các vận động viên mà hàng triệu triệu người con dân việt cảm thấy tự hào mình là người Việt Nam,được ngắm nhìn hít thở hương sắc của hoa mai, sung sướng cùng cực khi mình hơn điểm thi đấu với đội bạn. Đau khổ,nghẹt thở, bàng hoàng khi cầu thủ của mình chểnh mảng một chút, để trái bóng thản nhiên trôi lăn từ cầu môn này qua cầu môn kia như trôi trong giấc mộng.


Từ niềm vui hiện tại, nhớ lại công ơn của tiền nhân biết nhường nào ! Tấm lòng,mồ hôi , nước mắt, và cả máu nữa của các vị đã mở mang bờ cõi, đã vun bồi tô điểm để cho ngày hôm nay con cháu có được một nền văn hoá văn minh tự hào với bè bạn năm châu . Chính nhờ sự hy sinh và xả thân cho đại nghĩa của chư vị tiền bối, ( trong đó có cả các tăng ni phật tử ) nên tổ quốc chúng ta mới có được di sản tầm cở thế giới như quần thể kiến trúc cố đô Huế, phố cổ Hội An , các di sản vừa nêu sự đóng góp của các ngôi chùa cổ không phải là nhỏ


Kính bạch Chư Tôn Đức
Kính thưa quý vị…
Vừa mới vào đề chúng con ( chúng tôi ) có hơi lạc đề một chút , nhưng vì cảm xúc của một sự kiện to lớn của đất nước vừa mới trôi qua, còn nóng hổi trong tâm tưởng, nên mới có sự liên tưởng như vậy .


Mùa xuân tuy chưa đến nhưng đang tiềm ẩn thấp thoáng trên ngàn cây nội cỏ, dường như hương xuân thanh khiết đang dào dạt quanh đây, như đang hoà nhập vào lòng của tất cả những người con Phật. Tất cả chúng con dâng trọn niềm tin lên Tam Bảo, cầu nguyện cho một Phật sự quan trọng vừa được khởi đầu: Lễ đặt đá đại trùng tu Chùa Bửu Minh.


Trong khung cảnh trang nghiêm, thanh tịnh, dạt dào cảm xúc. Thay mặt toàn thể Phật tử chùa Bửu Minh chúng con thành kính đảnh lễ Chư Tôn Hoà Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức Tăng Ni đã hoan hỷ quang lâm chứng minh lễ đặt đá hôm nay. Một mong ước rất nhiều năm của Phật tử Bửu Minh chúng con, đến hôm nay mới khởi đầu thực hiện.


Cũng trong giờ phút hân hoan này, chúng tôi vui mừng chào đón quý vị đại biểu, đại diện Đảng, Chính quyền, Mặt Trận, Ban Tôn Giáo & Dân Tộc, trong tình cảm Đạo Pháp Dân Tộc đã dành thì giờ quý báu đến tham dự lễ đặt đá. Sự hiện diện của quý vị nói lên chính sách thân dân vì dân của Đảng và đó là một niềm vinh dự cho chùa Bửu Minh chúng tôi.


Và đặc biệt chúng tôi chào mừng các Ban Hộ Tự, các Chùa Tịnh Xá, quý Phật tử gần xa, các nhà hảo tâm và toàn thể quý vị đáp lời mời của chúng tôi về tham dự lễ, sự có mặt của quý vị trong buổi lễ đặt đá này đã thể hiện tình cảm cao đẹp, nghĩa tình đồng đạo với nhau.


Kính Bạch...
Kính thưa...
Đức Phật là một con người từ bỏ danh vọng bạc tiền, quyền uy sắc đẹp đặc biệt nhất của nhân loại. Từ bỏ ngôi vị Thái tử cao sang tôn quý, đầy quyền uy để dấn thân tìm đạo giải thoát. Sáu năm tu khổ hạnh trong rừng sâu, chứng đạo dưới cội cây Bồ Đề, và nhập diệt cũng trong rừng cây Ta La. Ngài đã từ bỏ lầu vàng gác ngọc tìm về và sống với thiên nhiên. Ban đầụ Ngài không hề nghĩ đến phải cất một ngôi chùa hay một Tịnh Xá, Ngài chỉ giảng và dạy đạo cho đệ tử trong những cánh rừng cây hoặc bên những thảm cỏ xanh rộng ven bờ suối. Nhưng rồi về sau đệ tử tìm đến Ngài tu học mỗi ngày một đông, nhu yếu tu học của Phật tử đã khiến cho Trưởng giả Cấp Cô Độc và Thái Tử Kỳ Đà phát tâm dâng cúng đất và rừng cây, Tịnh xá Kỳ Hoàn hình thành là do công đức lớn lao của hai vị đại thí chủ đó. Trước đó Tịnh xá Trúc Lâm cũng đã được xây dựng lên cho Đức Phật giảng dạy đồ chúng, đó là ngôi chùa đầu tiên trong lịch sử của Đạo Phật.


Từ Tịnh Xá Trúc Lâm các ngôi Tịnh Xá khác cũng lần lượt hình thành tôn tạo, quanh lưu vực sông Hằng như Kỳ Hoàn, Trùng Các giảng đường... từ tấm lòng của những người Phật tử tín mộ Phật. Và theo chân các nhà truyền giáo đạo Phật đã vượt biên cương Ấn Độ truyền đến các châu lục và những ngôi chùa từ đấy đã được xây cất lên cho từng nước với những kiểu dáng khác nhau. Ngôi chùa đầu tiên xây cất trên đất nước chúng ta là chùa Dâu ở tỉnh Bắc Ninh vào thế kỷ thứ nhất của công nguyên. Hai mươi thế kỷ sống chung cùng dân tộc, đạo Phật và dân tộc như nước với sữa. Dòng sinh mệnh của đạo phật chính là dòng sinh mệnh của dân tộc. Khi nào đất nước thịnh đạo Phật thịnh, khi nào đất nước suy đạo Phật cũng suy theo.


Tiểu sử chùa Bửu Minh gắn liền với lịch sử hình thành Xí nghiệp chè Biển Hồ. Chùa Bửu Minh hiện nay là hậu thân của ngôi chùa có tên là Phật Học. Khởi thủy ở xóm Cỏ May, cách ngôi chùa hiện nay khoảng 1 km, về hướng Tây Nam, cạnh bờ đập thủy lợi, cầu treo hiện nay.


Phật giáo có mặt ở Tây Nguyên nói chung, hai tỉnh Gia Lai - Kon Tum nói riêng, là do chư tăng và các vị cư sĩ thuần thành mộ đạo người Kinh mang từ miền xuôi lên. Cụ thể là Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị... Vì chùa Phật Học có liên quan đến chùa Bác Ái - Kon Tum. Nhân đây cũng xin nhắc lại, cụ Võ Chuẩn, huấn đạo Kon Tum là một phật tử người Thừa Thiên, xin phép Tòa khâm xứ Trung kỳ tổ chức lễ kỳ siêu bạt độ cho đồng bào chết vì nạn đói, và khai tự hiệu cho chùa Bác Ái (trước đó gọi là Âm Linh miếu). Đó là vào năm 1931 (Tân Mùi ) niên hiệu Bảo Đại thứ 6. Ngài Từ Vân ở Bình Định (thường gọi là Tăng Cang Lê Tế), Trụ Trì chùa Bác Ái từ năm 1933 đến năm 1944.


Thượng tọa Thích Đồng Trí, trụ trì chùa Bửu Minh từ năm1978 đến năm 1989 (trước năm 1975 là học tăng tu học tại chùa Bửu Minh, hiện nay là Trưởng Ban trị sự phật giáo tỉnh Kon Tum). Thầy được đạo hữu Nguyễn văn Tròn (là người hương đăng chăm sóc ngôi chùa Phật Học thời kỳ mới thành lập) cho biết, ngôi chùa Phật Học là do Ngài Tăng Cang Lê Tế khai sơn.


Đồn điền trà Biển Hồ thường gọi là Sở trà do tư bản Pháp khẩn hoang thành lập năm 1922, ông chủ đầu tiên là ông Ala Vena, ông chủ thứ hai là ông Henri-De Guenivau. Năm 1930 Sở trà Biển Hồ có một ông Sếp (Chef) tên là Nguyễn Văn Khanh người Huế. Gia đình ông ở tại Kon Tum là một Phật tử mộ đạo, nên ông đã đứng ra vận động thành lập Chùa Phật Học, để cho công nhân Sở trà lễ bái tu tập. Ông Nguyễn Văn Khanh là người đại diện cho một số Phật tử, mời ngài Tăng Cang Lê Tế từ chùa Bác Ái - Kon Tum xuống Sở trà Biển Hồ chứng minh thành lập chùa Phật Học vào năm 1936.


Do chiến tranh, năm 1946 Nhà máy trà bị cháy, năm 1947 chùa Phật Học bị sập, đến năm 1961 ông chủ Sở trà người Pháp là ông Henri-De Guenivau cho đất cất chùa trở lại theo nguyện vọng của công nhân phật tử, toạ lạc tại vị trí hiện nay, lần trùng tu này đặt tên chùa là Bửu Minh.


Từ lúc mới thành lập cho đến nay, trụ trì và tính cả các vị hương đăng nữa gồm có bảy đời: Đạo hữu Nguyễn văn Tròn, Thầy Hai Đẩu, Thượng Tọa Thích Từ Hương, Thầy Thích Thiện Tín, Thầy Thích Tịnh Viên, Thượng Tọa Thích Đồng Trí, Thầy Giác Tâm.


Trước năm 1975 trong tỉnh Gia Lai chỉ có chùa Bửu Thắng là lớn, còn các ngôi chùa khác chỉ xây dựng bằng những vật liệu tận dụng nhỏ gọn, đơn giản, chưa có những ngôi già lam to lớn tiêu biểu. Nhưng đến sau năm 1975 đất nước hoàn toàn thống nhất, với chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền đã cho xây dựng và trùng tu rất nhiều ngôi chùa quy mô với những đường nét kiến trúc đặc thù tiêu biểu bản sắc dân tộc. Như chùa Bửu Long, Bửu Nghiêm, Long Thiền, Quan Âm, Minh Thành, Tịnh Xá Ngọc Phúc, chùa Phước Minh v.v… và hôm nay là Chùa Bửu Minh. Điều đó đã chứng minh được ý tưởng "đất nước thịnh đạo Phật thịnh, đất nước suy đạo Phật suy theo".


Kính bạch...
Kính thưa...
Từ rất xa xưa, các mái chùa cổ kính đã góp phần tô điểm cho làng quê Việt Nam. Cây đa bến nước, mái đình, mái chùa không tách rời trong tâm trí kỷ niệm của mỗi người dân xa quê hương, nhớ tới nơi chôn nhau cắt rốn, nhớ tới tổ tiên ông bà, họ hàng, làng xóm. Tiếng chuông chùa thu không vang lên trong những buổi hoàng hôn đã đi vào nhịp sống thường nhật của mỗi người dân. Đã có một thời kỳ dài trong lịch sử dân tộc, Phật giáo là quốc giáo, dù sau này không còn giữ địa vị độc tôn nhưng tinh thần từ bi bác ái của Phật giáo vẫn thấm sâu trong tâm hồn người Việt. Lên chùa lễ Phật, vãng cảnh, không phải chỉ là việc làm của các Phật tử mà là đông đảo các tầng lớp nhân dân và thật sự là một nét đẹp trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc.


Việt Nam là một xã hội ở phương Đông, từ mấy chục thế kỷ nay dân tộc ta đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo. Những yếu tố tích cực của Phật giáo còn tồn tại lâu dài trong đời sống văn hoá dân tộc, là di sản văn hoá dân tộc, đã có tác dụng không nhỏ đến việc thúc đẩy xã hội phát triển.
Chúng ta không quan niệm một xã hội văn minh phát triển, chỉ có về mặt vật chất kỹ thuật, về tổng sản lượng quốc dân, về mức thu nhập bình quân... mà một xã hội phát triển văn minh cần phải phát triển cả về mặt tinh thần với những giá trị nhân bản cao quý với cuộc sống văn hoá tốt đẹp.


Cất chùa thờ Phật, lên chùa lễ Phật để hướng tới điều thiện là nhu cầu của cõi tâm linh, hướng tới cái chân, cái thiện cũng còn là để hướng tới cái mỹ, để cảm nhận vẻ đẹp của các ngôi chùa. Chùa Việt Nam nào cũng có vẻ đẹp, mỗi chùa có một vẻ đẹp riêng, mỗi ngôi chùa gắn liền với lịch sử xa xưa của một vùng, một làng xóm, ở đó những người sống trong chùa và ngoài chùa đã bằng công sức mồ hôi và trí tuệ của mình, xây dựng nên những giá trị tinh thần và vật chất của mỗi miền và của cả đất nước. Có người đã góp phần tích cực vào việc xây dựng Nhà nước Đại Việt ngay từ buổi đầu dựng nước như Thiền Sư Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, Huyền Quang... Nhiều người đã dốc cả cuộc đời vì cái thiện, là những tấm gương về điều thiện cho dân chúng trong vùng noi theo. Đã có thời kỳ trong hàng trăm năm, chùa là trường học, là nơi truyền bá cái thiện, truyền bá văn hoá. Ngày nay ở vùng đồng bào Khơ Me Nam Bộ, chùa vẫn còn là trường học cho thanh thiếu niên trong vùng, chùa và trường là một, đủ cho thấy ý nghĩa văn hóa của ngôi chùa trong lịch sử dân tộc.


Kính bạch...
Kính thưa...
Chư Tổ Sư có dạy:
Phật pháp phát triển mở rộng là do công của Chư Tăng Ni hoằng hoá. Chùa tháp trang nghiêm là nhờ tín tâm đóng góp của hàng Phật tử tại gia.


Thật vậy! Từ hàng ngàn năm nay những ngôi chùa từ Bắc chí Nam, (chỉ trừ một số ít ngôi chùa lớn do các vị vua Phật tử xây cất) còn hầu hết hoặc lớn hoặc nhỏ đều do bà con Phật tử đóng góp xây dựng nên, chính vì vậy nên ngôi chùa là ngôi nhà chung, ai cũng thấy sung sướng hạnh phúc khi được góp công sức của mình vào công trình tu bổ tôn tạo chùa. Đạo Phật cực thịnh trong triều đại nhà Trần, dân chúng xuất gia làm Tăng cũng như chùa chiền được xây dựng lên rất nhiều, khiến các tầng lớp trí thức nho giáo đã công kích đạo Phật được viết trong một văn bia chùa Thiệu Phúc ở Bắc Giang:


"Đạo Phật lấy phúc họa cảm động người ta mà sao được lòng người sâu xa bền chặt đến thế? Trên từ vương công, dưới dến dân thường, hễ đối với đạo Phật dâng hết của cũng không tiếc. Nếu hôm nay đem tiền cúng xây dựng chùa tháp họ rất vui mừng, như cầm chắc được một biên lai trong tay để ngày mai nhận tiền. Cho nên từ kinh thành đến hang cùng ngõ hẻm, chẳng dụ mà theo, chẳng thề mà tin, không đe dọa mà sợ, hễ chỗ nào có người ở là có chùa, đổ đi thì làm lại, hư thì sửa... Còn ta đọc sách thánh hiền khá nhiều, khá rõ đạo lý để khai hoá thứ dân, mà chưa được một người nghe theo ta. Nên ta rất hổ thẹn với bọn Phật đồ, vì hổ thẹn nên ta nói lên lời này...”


Qua lời công kích nêu trên của nho sĩ Lê Quát chúng ta thấy được giáo lý luân hồi nghiệp báo của đạo Phật đã ăn sâu vào tâm thức dân tộc Việt. Dân tộc Việt Nam rất tin vào thuyết lành dữ báo ứng ở hiền gặp lành và họ luôn nhận thức rằng: Thực hiện trăm điều phước đức không phước đức nào lớn hơn là đúc chuông, tạo tượng Phật, xây chùa, và gắn bó với chính quyền, đưa đất nước mỗi ngày mỗi phồn vinh phát triển


Kính bạch...
Kính thưa...
Chùa Bửu Minh, cũng như mọi hiện tượng khác trên cuộc đời, đã trải qua thăng trầm cùng lịch sử, khởi thủy gỗ ngói đơn sơ, rồi chiến tranh bị sập, lần trùng tu thứ nhất, Phật tử đi nhặt từng viên gạch bỏ ở Sở trà Đăk Đoa về xây dựng, mới thấy được công lao của các bậc tiền bối và các thế hệ đi trước. Thoắt một cái đã hơn bốn mươi năm, thế rồi chùa Bửu Minh cũng đã hai lần sập mái, khiến cụ Vũ Gia Tham phó Ban Tôn Giáo Trung ương có lần ghé thăm chùa đã phải ngậm ngùi thương cảm, gợi ý nên trùng tu trở lại để cho khang trang hơn mà phục vụ nhu cầu tín ngưỡng quần chúng.


Là một công dân tu sĩ sinh trưởng ở Làng Trại Mộ - Biển Hồ cách chùa Bửu Minh non cây số, lớn lên đi tu tại chùa Bửu Minh, nên chúng con cảm thấy mình có nợ với ngôi chùa làng và quê hương. Chùa Bửu Minh là nơi gởi gắm niềm tin vào chân lý đầu tiên, xóm Trại Mộ nơi đã sinh ra và cưu mang mình. Bẩm thụ khí chất không khoẻ từ hồi còn thơ ấu, nên chưa già mà đau yếu quanh năm, biết vậy nhưng chúng con vẫn luôn cố gắng hết sức mình để giữ gìn tô bồi cho ngôi chùa suốt hai mươi mấy năm qua, có giai đoạn tưởng chừng như không thể duy trì nổi.


Đặt đá xây dựng lại chùa lần này, đối với chúng con thật quá sức. Nhưng Phật sự việc gì đáng làm phải làm. Xây dựng chùa tháp cũng khó mà cũng dễ. Dễ là đối với các vị cao tăng thạc đức, còn vô cừng khó là đối vđi hàng hậu học đức mọn như chúng con. Chúng con rất lấy làm lo lắng cho công trình trùng tu chùa, vì sau lễ đặt đá này là thi công. Vì đạo pháp vì quê hương chúng con, chúng tôi ngưỡng mong Chư Tôn Đức Hòa Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức Tăng Ni, các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm, cùng toàn thể Phật tử xa gần hết lòng yểm trợ chúng con, chúng tôi về mặt tinh thần cũng như vật chất, và tạo mọi sự thuận duyên cho chùa Bửu Minh sớm hoàn thành công trình trùng tu ngôi chánh điện như tâm nguyện ước ao.


Một lần nữa, chúng con xin tâm thành cảm niệm ân của Chư Tôn Đức Tăng Ni đã đến hộ niệm cầu nguyện cho buổi lễ đặt đá quan trọng này. Chúng tôi không quên ơn các cấp chính quyền vì sự gắn bó giữa đạo pháp và dân tộc dành rất nhiều thì giờ quý báu để đến chia vui với toàn thể Phật tử chùa Bửu Minh. Chúng tôi cũng hết lòng thâm tạ tình cảm của các nhà hảo tâm các giới Phật tử xa gần loan tin mời giúp chúng tôi đến tham dự lễ đặt đá, và ngay ngày hôm nay chư vị đã cúng dường hỗ trợ cho chúng tôi một số tịnh tài vô cùng quý giá, để chúng tôi vững niềm tin mà tôn tạo ngôi chánh điện, tôn thờ Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni chí tôn chí kính của nhân loại chúng sanh.
NAM Mô CÔNG ĐỨC LÂM BỒ TÁT MA HA TÁT


Trụ Trì Chùa Bửu Minh
Thích Giác Tâm


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage