Chùa Bửu Minh

Tình yêu là một phần của cuộc sống. Hầu như ai cũng có ít nhất một lần “bước” vào đường yêu.
>> Ngăn ngắn về tình yêu Có người hạnh phúc với tình yêu của mình, có người “học yêu” mãi chẳng xong. Có lẽ tình yêu giống như một "ma trận" với quá nhiều những bí ẩn mà mỗi người khi yêu mới biết mình thành công hay thất bại, hạnh phúc hay đau khổ trong cuộc yêu của chính mình…

 

540818.jpg

Tình yêu là câu chuyện muôn màu không hồi kết nơi cõi Ta bà này - Ảnh minh họa

Kể chuyện tình yêu

Lúc mới yêu, người ta có thể làm tất cả vì nhau, luôn tôn trọng cảm xúc của nhau và luôn muốn giữ một hình ảnh đẹp trong lòng đối phương. Bởi con người có động tác giả, nên những bất hòa tàng ẩn thực chất đã ngấm ngầm nguy cơ bùng phát ngay trong quan hệ yêu thương. Nhưng do chưa biết hết “tẩy” - cái tốt và cả cái xấu thuộc về bản chất của nhau nên người ta chấp nhận nhau hoặc “bị” thuyết phục bởi nhau. Và khi con người càng khéo léo thì những cái muốn “giữ lại cho riêng mình” càng được gìn giữ tốt hơn. Một khi ta biết nhiều về đối phương của mình, ta cảm thấy hụt hẫng, thất vọng hoặc cảm thấy như thể mình đang bị “lừa”.

Và khi đã “vào tròng” rồi, nếu cả hai trân trọng nhau và tôn trọng mối quan hệ đang có thì cả hai có thể thay đổi để dung hòa một cách tốt nhất với nhau. Nếu khi ấy, một trong hai hoặc cả hai không thiện chí “thay đổi vì nhau” thì tất cả sẽ như giọt nước tràn ly với những mâu thuẫn đã chất chồng từ lâu và quan hệ coi như kết thúc. Nếu tệ hại hơn nữa cả hai có thể sẽ gây cho nhau những tổn thương không đáng có và có thể ngọn lửa sân hận của mỗi người trong quan hệ này sẽ cháy mãi, cháy mãi về sau, đến khi mà những tưởng thời gian đã làm lành mọi nỗi đau.

Tình yêu là câu chuyện muôn màu không có hồi kết. Thiết nghĩ, một tình yêu chân chính không thể thiếu sự thành thật, thủy chung, trách nhiệm, thấu hiểu nhau và từ bi với nhau...

Trên đời này có vô số những kiểu bắt đầu của tình yêu và vô số những kiểu kết thúc. Có người cho rằng, khi yêu thương là ta đang “chịu đựng” đối phương và đến khi nào không đủ sức chịu đựng nữa thì “tạm biệt” nhau. Yêu thương sao mà “khổ” đến vậy? Nhưng nếu xét cho cùng, khi ta thật sự yêu ai, ta sẽ tôn trọng cảm xúc của đối phương như đối với chính cảm xúc của mình vậy. 

Khi có những bất hòa xảy ra, nếu ta đặt vị trí của mình vào vị trí của đối phương thì ta sẽ có thể hiểu nhiều hơn và yêu nhiều hơn người thương của mình. Có lẽ vậy nên mới có người cho rằng: “yêu em, lòng tôi bỗng hóa từ bi”. Khi yêu ai, chúng ta phải chấp nhận yêu cả cái tốt lẫn cái chưa tốt của họ. 

Nếu yêu thương không có từ bi thì yêu thương đó mang trong nó nhiều sự vị kỷ và quan hệ này cũng không thể bền vững. Tuy nhiên, để có một quan hệ tốt đẹp, bền vững thì thiện chí và nỗ lực phải xuất phát từ cả hai phía, phải là sự đồng điệu từ hai con tim và sự bao dung của hai tấm lòng.

Tình yêu cũng cần lắm sự thành thật và thủy chung. Thành thật với người yêu và với chính mình. “Thủy” là đầu, “chung” là cuối. Thủy chung là “trước sau như nhất”. Dù trong thuận lợi hay nghịch cảnh, những người yêu nhau phải đối xử với nhau tốt đẹp như cái thuở ban sơ, “tương kính như tân” mà không nên có sự sai khác. 

Đôi khi người ta phải trả những cái giá quá đắt nhưng sau rốt thì “chỉ có tình thương ở lại”. Có nỗi đau tự đến nhưng không có nỗi đau tự hoại nên chớ nên làm tổn thương nhau vì “có những phút xao lòng”, những ham muốn vốn dĩ có thể kiểm soát được.

Tình yêu vô dục

Sẽ rất đỗi lạ lùng nếu buộc những người yêu nhau làm quen và chấp nhận ý niệm về một “tình yêu vô dục”. Người ta có quan điểm rằng: tình dục là đỉnh cao, là cái đích cuối cùng của tình yêu. Dù là tình yêu dị giới hay đồng giới chăng nữa thì tình dục vẫn giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong quan hệ yêu thương. Ở một chừng mực nào đó, điều này đúng vì con người vật chất luôn có những tham dục rất con người như thế. 

Tuy vậy, do là con người vật chất nên một lúc nào đó, người ta sẽ thấy “ngán” nhau - đây là một thực tế. Khi đó, có người dùng cái tâm, cái tình và trách nhiệm để điều phục những ham muốn đó, nhưng cũng có người lăn chảy theo những tham dục đó để rồi tự tay mình phá vỡ đi mối quan hệ mà bản thân họ đã từng kỳ vọng đi đến bến bờ hạnh phúc. Tuổi trẻ đồng nghĩa với những ham muốn mãnh liệt và cháy bỏng. 

Điều quan trọng là mỗi người phải biết kiểm soát dục vọng của mình. Tuy nhiên, nếu muốn cuộc đời hạnh phúc và trọn vẹn hơn thì người ta phải học cách sống với nhau bằng tình thương và lòng nhân ái hơn là chỉ đơn thuần một cuộc sống hưởng thụ và thỏa mãn ái dục. Để không phải hối hận vì có lúc ta đã phụt cháy trong những đam mê của chính mình và gây ra bao hệ lụy cho mình và những người thân thương.

Nếu yêu thương chỉ xuất phát từ mong muốn thỏa mãn những cảm xúc giới tính và tinh thần thuần túy và nhất thời thì đó không phải là yêu thương chân chính. Mà đó chính là luyến ái thường tình - một thứ yêu thương giả hiệu. Đến một lúc nào đó, khi ta thấy đã nhàm chán với những cảm xúc được thỏa mãn thì đồng nghĩa với việc yêu thương đang thoái trào và đứng bên bờ vực của đổ vỡ. 

Nếu yêu không gắn với tình nghĩa và trách nhiệm, tình yêu không gắn với tình thương thì quan hệ yêu thương đó rồi sẽ cũng chết yểu, hạnh phúc đó cũng sẽ như sương tan đầu cỏ.

Trần Trọng

http://giacngo.vn/phatgiaotuoitre/doisongquanhta/2012/02/15/36545A/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage