Con người thời ăn lông ở lỗ, trần truồng như nhộng, cảm thấy thoải
mái, nhưng sau đó phát hiện ra vài điều bất tiện, diễu qua diễu lại
không hay lắm bèn tìm cách che đi cái chỗ cần che. “Xấu che tốt khoe”,
nhưng ở đây cái gì tốt, cái gì quý, thì che trước. Bởi nó thường kèm
theo những rắc rối không lường được, nhiều khi không cản nổi! Do vậy mà
phải giấu nó đi cho đỡ nguy hiểm. Nhưng hình như lá nho hơi nhỏ, chẳng
những che không đủ kín mà đôi khi còn bị rách, nhất là khi lá đã khô. Do
vậy mà có miếng che khác làm bằng…vỏ cây đập dập, an tòan hơn, rộng rãi
hơn, vừa cứng, vừa dày. Hiện nay còn thấy các bộ quần áo bằng vỏ cây
đặt ở các viện bảo tàng. Gần đây nghe nói có nơi làm du lích, tái tạo
lại các “mode” quần áo bằng vỏ cây cho du khách mặc rất thú vị. Khi có
thể kéo sợi, se chỉ, thì người ta có quần áo vải, rồi tơ lụa, rồi chất
liệu tổng hợp (nylông)… thậm chí có quần áo làm bằng sô-cô-la, bằng đậu
tương (đậu nành), trái cây… trong các buổi trình diễn thời trang hấp
dẫn, ai thấy cũng muốn nhai, muốn nuốt. Nhìêu bãi biển ở Âu Châu quy
định ai vào đó phải trần truồng. Ở một chỗ ai cũng trần truồng thì một
người có mặc quần áo trở nên… lôi cuốn, mọi người sẽ xúm lại coi và…bắt
chước. Cũng như gần đây, khi có một vụ cố ý trần truồng hoặc vô tình lộ y
gì đó thì lại gây xôn xao.
Văn hóa cũng phải thay đổi, thích nghi sao cho phù hợp. Hoàng hậu, công
nương, qúy phi, công chúa… hẳn phải tha thướt lượt là, gấm vóc đoan
trang; công nhân thợ dệt dĩ nhiên phải quần áo gọn gàng, tóc ngắn, tránh
gây tai nạn. Tazan đóng khố để dễ đu từ cây này sang cây khác kịp cứu
mỹ nhân. Thầy thuốc khoác blouse trắng… Một cô y tá xứ Brazil chỉ đội
mủ, đeo khẩu trang còn thì trần truồng như nhộng trong lúc chăm sóc bệnh
nhân ở phòng cấp cứu đã lập tức bị Nghiệp đoàn điều dưỡng đưa ra tòa!
Hồi xưa, phụ nữ mặc váy chùng, áo buộc dây, cho nên khi cô gái nông thôn
lên thành thị về thì Nguyễn Bính la trời: “Áo cài khuy bấm em làm khổ
tôi!”. Cũng may, ông không có dịp nhìn các cô mini jupe cũn cỡn, hở rún
hớ hênh bây giờ. Nữ sinh hạnh phúc trong chiếc áo dài trắng đơn sơ mà
thanh lịch, tự hào tuổi…học trò, thơ ngây, trong trắng. “Nắng Saigòn
anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà đông/ Anh vẫn yêu màu áo ấy
vô cùng/ Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng” (Nguyên Sa). Chỉ cần đổi cái màu trắng đó sang màu tím thôi đã đủ làm người ta khổ! Hoàng Nguyên kêu lên: “Rồi áo tím qua cầu/ tà áo tím phai màu/ để dòng Hương giang hờ hững cuốn trôi mau”…
Con người dễ mất văn hóa khi để cho bản năng hoành hành. Ăn mặc “mát mẻ”
một cách… nghệ thuật thì còn coi được, mát mẻ quá thì nhàm chán. Ở xứ
đầy hình ảnh “playboy” thì người ta phải nhờ tới Viagra, Cialis… dù tuổi
hãy còn rất trẻ. Tình trạng rối loạn, vô sinh ngày càng toàn cầu hóa,
trầm trọng thêm. Cái đó có sự góp phần của văn hóa mặc. Việc truyền
giống là cần thiết nên thiên nhiên phải có cách… khen thưởng chút gì đó.
Con người thông mình, tận dụng khai thác, lại không cần mùa màng thời
tiết chi, lúc nào cũng động được, nên tạo nhiều mối nguy. Kinh tế phát
triển, cơm no, cật ấm, thì dễ sinh sự. Làm đẹp nhân tạo ngày càng phát
triển, lừa gạt nhau, sử dụng cả những thứ có hại cho sức khỏe, lâu lâu
kêu trời vẫn không chừa! Hình thể có thể đẹp ra- dù giả tạo- nhưng cảm
xúc thì ngày càng lụi tàn. Hết rồi những huyền nhiệm, những linh thiêng,
vốn đã làm nên “văn hoá” cho con người. Khi bình đẳng được hiểu lầm là
xóa mọi ranh giới, nữ thành nam, nam thành nữ thì nguy tai! Đàn ông yểu
điệu thục nữ, quần là áo lượt…; con gái tay kiếm tay cung… Lúc đó đàn
ông sẽ thấy đàn ông hấp dẫn hơn, con gái sẽ thấy con gái hấp dẫn hơn!
Có sự đan xen nhiều thứ văn hóa: văn hóa thống trị, văn hóa nô dịch, văn
hóa lai căng, văn hóa cưỡng bức… Khi trái đất trở thành một hòn bi
xanh- thế giới nhỏ lại trong lòng bàn tay thì ảnh hưởng văn hoá không
thể tránh được.
Nhưng, hãy tôn trọng sự khác biệt. Bảo vệ văn hóa mình. Trước hết, là cái “mặc”.