Chùa Bửu Minh

Hơn bao giờ hết, hiện nay hai chữ "văn hóa" được ưa chuộng và sử dụng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội như: văn hóa giao tiếp, văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử,

văn hóa kinh doanh, văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa thời trang, văn hóa tín ngưỡng… Ở đây, chúng tôi muốn nói lên một vài suy nghĩ của mình về một khái niệm văn hóa vừa lạ mà vừa quen: "Văn hóa Tịnh độ". Nói lạ là với những người chưa hoặc ít đi chùa, niệm Phật, còn với những người Phật tử thuần thành thì ai ai cũng biết "Tịnh độ" chỉ cho cảnh giới vô cùng thanh tịnh, an lạc và vui sướng, không còn bóng dáng và khái niệm khổ đau của Đức Phật A Di Đà, do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu trong kinh A Di Đà.

hp_18233.jpg

"Văn hóa" theo nghĩa rộng, là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn. Ở đây, chúng tôi chỉ tập trung đề cập đến những đặc trưng cơ bản và gần gũi nhất của kiểu "Văn hóa Tịnh độ" được diễn tả qua kinh A Di Đà.

Khái niệm "Văn hóa Tịnh độ" bất chợt xuất hiện trong tâm thức khi chúng tôi trên đường đi bái Phật từ Đài Bắc (Pháp Cổ Sơn của ngài Thánh Nghiêm), đi ngang Đào Viên, Tân Trúc, Miêu Lật đến Đài Trung (Trung Đài thiền tự của ngài Duy Giác), vượt qua Chương Hóa, Vân Lâm, Gia Nghi đến Đài Nam, Cao Hùng (Phật Quang Sơn của ngài Tinh Vân), đi vòng Bình Đông, Đài Đông đến Hoa Liên (Từ Tế hội của Ni sư Chứng Nghiêm), rồi ngang qua Nghi Lan về lại Đài Bắc trong chuyến thăm viếng Đài Loan nhân dịp Vu lan vừa qua. Tức là chúng tôi đã đi giáp một vòng lãnh thổ Đài Loan, viếng thăm bốn tông phái hưng thịnh nhất của Phật giáo Đài Loan hiện nay. Ấn tượng lớn nhất in sâu vào ký ức chúng tôi là trên suốt dọc đường từ thành thị đến nông thôn, chúng tôi luôn nhìn thấy các băng-rôn, bảng hiệu ghi: Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô Quan Thế Âm Bồ tát, Nam mô Địa Tạng Vương Bồ tát…treo, dán, in hoặc viết trên cổng nhà, cổng xưởng, cổng công ty, giữa đường hay hai bên đường.

Hơn nữa, chúng tôi thường được nghe pháp âm niệm Phật phát ra từ máy niệm Phật, băng đĩa niệm Phật… Cảnh tượng danh hiệu Phật, Bồ tát phổ biến khắp nơi nơi gợi cho chúng tôi liên tưởng tới một đoạn trong kinh A Di Đà diễn tả về thế giới Cực lạc: "Cõi đó thường có những giống chim màu sắc xinh đẹp lạ thường, nào chim Bạch hạc, Khổng tước, Anh-võ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già, Cộng mạng. Những loài chim đó ngày đêm sáu thời kêu tiếng hòa nhã, tiếng đó diễn nói những pháp như Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát thánh đạo phần v.v… Chúng sanh trong cõi đó nghe tiếng chim xong thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng" (Kinh A Di Đà, HT.Thích Trí Tịnh dịch). Ở cõi Cực lạc, nhiều loại chim quý, dùng tiếng vi diệu diễn nói Phật pháp, để cho dân chúng cõi đó nghe mà luôn luôn tinh tấn tu hành. Không những các loài chim quý, mà cả gió, cây muôn vật cũng biết xiển dương Tam bảo: "Trong cõi nước của Đức Phật đó, gió nhẹ thổi động các hàng cây báu và động mành lưới báu, làm vang ra tiếng vi diệu, thí như trăm nghìn thứ nhạc đồng một lúc hòa chung. Người nào nghe tiếng đó tự nhiên đều sanh lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng"(Sđd). Còn ở Đài Loan trong thế kỷ XXI, thì danh hiệu Phật, Bồ tát được diễn nói bằng những hình thức hiện đại hơn.

"Văn hóa Tịnh độ" được thiết lập theo các quy chuẩn, giá trị vật chất và tinh thần nhất định. Thứ nhất, đây là cảnh giới không có khổ đau, chỉ có hạnh phúc, sung sướng. Bởi vì nơi đây không có ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh), ngay cả danh từ "ác" còn không có, huống chi là có thật. Điều này thể hiện ngay trên danh xưng "Thế giới Cực lạc" (nghĩa là thế giới vô cùng an lạc, vui sướng).

Thứ hai, dân chúng trong nước này đều là chư thượng thiện nhân (những bậc thượng thiện). Tuổi thọ của người dân ở đây lâu dài khó có thể tính được. Điều kiện để "nhập quốc tịch" vào nước Cực lạc thật không đơn giản: "Không thể dùng chút ít phước đức nhân duyên mà được sinh về cõi đó" (Sđd). Muốn sinh về cõi Cực lạc thì nhất định phải đạt đến cảnh giới tâm không tạp loạn: "Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói Đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu của Đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không tạp loạn. Thời người đó đến lúc lâm chung Đức Phật A Di Đà cùng hàng Thánh chúng hiện thân ở trước người đó. Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi nước Cực lạc của Đức Phật A Di Đà" (Sđd). Tóm lại, đạo đức và trí tuệ của người dân ở đây đạt tầm mức rất cao, họ sống vui, sống lâu, sống khỏe và không có bịnh tật.

Thứ ba, điều kiện, hoàn cảnh và môi trường sống ở đây từ nhà cửa, phố xá, cơ sở hạ tầng đến phương tiện sinh hoạt tinh thần thật tuyệt vời. Quan trọng là tất cả đều nhằm hướng cho dân chúng thăng tiến trí tuệ và tâm linh, chứ không phải cốt hưởng thú vui dục lạc: "Cõi Cực lạc có bảy từng bao lơn, bảy từng mành lưới, bảy từng hàng cây, đều bằng bốn chất báu bao bọc giáp vòng…, lại có ao bằng bảy châu báu, trong ao đầy nước tám công đức, đáy thuần dùng cát vàng trải làm đất. Vàng bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành những thềm, đường ở bốn bên ao; trên thềm đường có lầu gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. Trong ao có hoa sen lớn như bánh xe: hoa sắc xanh thời ánh sáng xanh, sắc vàng thời ánh sáng vàng, sắc đỏ thời ánh sáng đỏ, sắc trắng thời ánh sáng trắng, mầu nhiệm thơm tho trong sạch" (Sđd).

Một trong những nét sinh hoạt hàng ngày của người dân là: "Cõi nước của Đức Phật đó, thường trổi nhạc trời, đất bằng vàng ròng, ngày đêm sáo trời, rưới hoa trời mạn-đà-la. Chúng sanh trong cõi đó thường vào lúc sáng sớm, đều lấy đãi hoa đựng những hoa tốt đem cúng dường mười muôn ức Đức Phật ở phương khác, đến giờ ăn liền trở về bổn quốc ăn cơm xong đi kinh hành" (Sđd).

Nước Cực lạc, vật chất sung mãn, môi trường sinh thái trong lành và thanh khiết, đời sống tâm linh hướng thượng lý tưởng và thánh thiện, môi trường không ồn ào, hoàn cảnh không độc hại, không khí không ô nhiễm, con người không còn tạo ác nghiệp.

Thiết lập "Nhân gian Tịnh độ" ngay trong đời sống hiện tại là một trong những nội dung cốt yếu của hành giả tu pháp môn Tịnh độ hướng tới. Những khía cạnh cơ bản về giá trị vật chất và tinh thần của "văn hóa Tịnh độ" qua kinh A Di Đà được trình bày ở trên, thể hiện rõ đây là nét văn hóa Chân, Thiện, Mỹ mang giá trị vĩnh hằng đối với nhân loại trong hiện tại cũng như tương lai.

THÍCH HẠNH TUỆ

Nguon: giacngo.vn


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage