Chùa Bửu Minh


TIỂU SỬ

HÒA THƯỢNG TÁNH THIÊN NHẤT ĐỊNH

KHAI SƠN TỔ ĐÌNH TỪ HIẾU

(1784-1847)



Tổ sư húy thượng Tánh hạ Thiên, hiệu Nhất Định, thuộc đời thứ 76 từ Tổ Ma ha Ca-diếp ở Tây Trúc, đời thứ 39 Thiền phái Lâm Tế ở Đông độ và đời thứ 5 Thiền phái Thiệt Diệu Liễu Quán, Việt Nam.

Ngài thế danh là NGUYỄN VĂN NỘI, sinh năm Giáp Thìn, 1784, tại làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị (nay là thôn Trung Kiên, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).

Năm lên 6 tuổi, Canh Tuất, 1790, Ngài xin song thân đem vào chùa Huệ Lâm ở Huế, xin xuất gia với Ngài Đạo Minh Phổ Tịnh.

Đến năm 19 tuổi, Quý Hợi, 1803 Ngài được Bổn sư thế độ và ban pháp danh là Tánh Thiên, pháp tự là Nhất Định. Cũng trong năm này Ngài được Hội đồng thập sư trao giới đặc cách thọ Tam đàn Cụ túc với Hòa thượng Mật Hoằng ở chùa Quốc Ân, Huế.

Ngài là người học trò được Bổn sư thế độ thứ tư sau các pháp huynh Tánh Tuệ Nhất Nguyên, Tánh Tâm Nhất Trì, Tánh Chiếu Nhất Nguyệt.

Năm Mậu Thìn, 1808 Hòa thượng Đạo Minh Phổ Tịnh được bà Hiếu Khương Hoàng Thái hậu, mẹ của vua Gia Long cung thỉnh về trú trì chùa Thiên Thọ, tức là chùa Báo Quốc ngày nay. Bấy giờ Ngài Tánh Thiên Nhất Định cùng đi theo Bổn sư về chùa Thiên Thọ để tiếp tục việc tu học.

Năm Giáp Tuất, 1814 Ngài được Bổn sư trao kệ đắc pháp:

Nhất Định chiếu quang minh

Hư không mãn nguyệt viên

Tổ Tổ truyền phó chúc

Đạo Minh kế Tánh Thiên.

Nghĩa là: Nhất Định chiếu sáng tinh

Hư không trăng tròn xinh

Tổ Tổ trao lời chúc

Tánh Thiên từ Đạo Minh.


Năm Bính Tý, 1816, Bổn sư viên tịch, Ngài cư tang để hầu Thầy và cũng trong năm này Ngài được Tông môn cung thỉnh trú trì chùa Thiên Thọ.

Trong suốt 14 năm làm trú trì chùa Thiên Thọ, hằng năm cứ vào mùa Xuân và mùa Thu, Ngài chuyên tâm nghiên cứu Tam tạng giáo điển để giảng dạy cho đồ chúng. Còn mùa Hạ và mùa Đông là Ngài bặt dứt duyên hóa độ để chuyên tâm Thiền quán.

Năm Canh Dần, 1830, Ngài được triều đình Minh Mạng trao tặng “Giới đao độ điệp”, khiến Ngài Ngài an tâm duy trì Phật giáo và chứng ngộ Thiền cơ.

Năm Quý Tỵ, 1833, triều đình Minh Mạng cung thỉnh Ngài về trú trì Linh Hựu Quán. Đến năm Ất Mùi, 1835 (ngày 01.10 niên hiệu Minh Mạng thứ 16) lại cung thỉnh Ngài lên giữ chức Tăng Cang.

Năm Kỷ Hợi, 1839, triều đình Minh Mạng lại cung thỉnh Ngài sang làm Tăng Cang chùa Giác Hoàng (khu Tam tòa cũ ở Nội thành Huế).

Trong suốt thời gian đảm nhiệm chức vụ ở các ngôi chùa của quốc gia, ngoài việc dạy đạo cho các vương tôn công tử, thì giờ còn lại Ngài dành hết vào việc tụng niệm và Thiền quán. Do đó, Tương An Công Miên Bửu, vị hoàng tử thứ bảy của vua Minh Mạng đã vô cùng kính trọng đức hạnh của Ngài, nên đã có bài thơ dâng tặng Ngài như sau:

“Dạ tụng Pháp hoa kinh

Chân tâm bách luyện tinh

Phòng vô phiến trần nhập

Bích quải điểm đăng minh

Tích hữu Uyên Minh đức

Tâm như Huệ Viễn thinh

Chúng nhân đồ ngột ngột

Yên đắc thấu sinh sinh.”

Nghĩa là: Đêm tụng kinh Pháp hoa,

Chơn tâm tinh luyện đa

Không còn vi trần hoặc

Vách treo ánh đèn pha

Dấu tích Uyên Minh biết

Tâm đồng Huệ Viễn xưa

Người đời nhiều phiền lụy

Khó hiểu lẽ sinh ra!



Không chỉ có nhà vua, các hoàng tử, mà các quan đại thần cũng rất mến mộ tài năng và đức hạnh của Ngài. Tiêu biểu như vị Thượng thư Bộ Hình Nguyễn Đăng Giai dưới hai triều vua Thiệu Trị và Tự Đức. Trong bi ký tại chùa Từ Hiếu, ông đã ghi lại những lời tán thán như sau: “Thiền sư Nhất Định phụng hành Phật pháp, giáo hóa từ bi, tiếp độ chúng sanh. Ở trong hàng tín chúng đã có nhiều người hoặc đã bước lên cửa ngõ nhiệm mầu nơi thế giới Hoa tạng, hoặc đã đi vào biển tính giác ngộ của đức Phật Tỳ Lô Giá Na. Há không phải là hạnh từ bi của Ngài đó sao?”.

Trong những năm hành hóa tại chùa Thiên Thọ và các ngôi chùa của Quốc gia, Ngài đã tiếp nhận và thọ ký cho 41 vị đệ tử xuất gia, trong đó có 15 vị được Ngài trao kệ đắc pháp và trong số này, lại có 3 vị nổi tiếng là đạo cao đức trọng . Đó là quý Ngài Hải Thuận Lương Duyên, trú trì chùa Báo Quốc, Ngài Hải Thiệu Cương Kỹ, trú trì chùa Từ Hiếu và Ngài Hải Toàn Linh Cơ, trú trì chùa Tường Vân.

Cũng trong thời gian này, Ngài viết bài “Phổ khuyến niệm Phật”, theo thể thơ Lục bát để khuyến hóa mọi người thực hành pháp trì danh niệm Phật.

Năm Quý Mão, 1843, Ngài nhận thấy tuổi đã cao, nên Ngài gửi đơn lên triều đình Thiệu Trị xin từ nhiệm chức vụ Tăng cang chùa Giác Hoàng. Được vua Thiệu Trị chuẩn nhận, Ngài rất vui mừng, liền cảm tác hai câu thơ:

“Hạnh phùng tấu đắc nhân hồi lão

Nhất bát cô thân, vạn lý du!”

Nghĩa là: "Già rồi lại được vua thương

Một thân, một bát rộng đường vân du!”


Cũng vào năm này, Ngài trao chức vụ trú trì chùa Báo Quốc cho pháp đệ là Thiền sư Tánh Chiêu Nhất Niệm, rồi chống gậy vân du lên núi Dương Xuân (thuộc huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên).

Như vậy, hạnh phúc của Ngài lúc này là ánh trăng vằng vặc, là núi rừng thênh thang, là suối reo róc rách, là tiếng chim hót giữa bầu trời tự do. Ngài cũng được tự do bưng cơm, nấu nước, xoáy trầu và chăm sóc đời sống tinh thần cho mẹ già.

Tuy Ngài sống giản dị, khiêm tốn giữa chốn núi rừng mà mùi hương Đạo hạnh vẫn lan tỏa khắp nơi. Các công tôn vương tử, văn nhân thi sĩ của đất Kinh đô vẫn thường xuyên tìm đến để thăm viếng và học hỏi đạo nơi Ngài.

Năm Bính Ngọ, 1846, thi bá Tùng Thiện Vương Miên Thẫm đã lên thăm Ngài và ở lại tại An Dưỡng am, để được ngồi chung trên Thiền sàng với Ngài, cùng uống nước trà, cùng ngồi lắng yên nghe suối hát... Bỗng nhiên, trong lòng khởi sinh ý tưởng liền hỏi Ngài rằng: “Thưa Thượng nhân, ở trong chỗ này, đối với sở đắc là cái gì?”.

Nghe hỏi, Ngài chỉ mỉm cười, im lặng không nói, khiến Tùng Thiện Vương Miên Thẫm kính trọng Ngài một cách lạ lùng. Sau đó, Tùng Thiện Vương đem quà dâng tặng, Ngài từ chối và nói: “Tôi đã có hai người đệ tử chăm sóc, trồng rau đậu, sớm tối đủ dùng, không mong cầu nhiều”.

Qua lời nói ấy, càng khiến Tùng Thiện Vương kinh ngạc đức hạnh của Ngài, đến nỗi phải thốt lên rằng: “Ôi, Thượng nhân quá kỳ lạ và đặc biệt làm sao!”. Rồi cũng đêm ấy, nơi An Dưỡng am, giữa núi rừng tịch mịch, mưa gió lất phất, hồn thơ Miên Thẫm bỗng dưng trào hứng:

“Tứ sơn phong vũ dạ trì trì

Mính uyển thiền sàng tĩnh tọa nghi

Bất thị kim triêu quá trúc viện

Văn chung vô hạn bích vân ty!”

Nghĩa là: " Non khuya mưa gió bốn bề

Giường thiền tĩnh lặng chén trà bốc hương

Ước chi am trúc ghé thường

Nghe chuông vô hạn mây sương một màu!”

Trong những ngày Ngài an trú tại am An Dưỡng, các quan đại thần thường lui tới thăm viếng và nhất là các quan Thái giám: Dương Oai, Đặng Tín, Nguyễn Khanh, Nguyễn Đức, Trần Lung, Trần Ngôn, Ngô Siêu... và chính các quan Thái giám này, đã nhiều lần tha thiết xin Ngài cho phép họ xây dựng ngôi Phạm vũ tại đây. Nhưng Ngài nhất mực từ chối và còn có lời khuyên họ rằng: “Nếu tôi muốn ở chùa to Phật lớn, có nhiều danh lợi thì tôi ở chùa Linh Hựu, Giác Hoàng, Báo Quốc chứ lên đây để làm gì?. Thôi, mong quý vị để cho tôi được sống cuộc đời an bần, thanh tịnh, nhàn nhã với núi mây!”.

Ngài sống cuộc đời tu hành nhàn nhã ở núi Dương Xuân được năm năm, đến ngày Mồng 07 tháng 10 năm Đinh Mùi, 1847 thì Ngài viên tịch. Hưởng thọ 63 tuổi đời với 44 hạ lạp.

Bảo tháp của Ngài được Môn đồ tôn trí trong khuôn viên An Dưỡng am.

***

Sau khi Ngài viên tịch được môt năm, tức là vào năm Mậu Thân, 1848, người Cao đệ thứ hai của Ngài là Thiền sư Hải Thiệu Cương Kỹ cùng các quan Thái giám trong Nội viện đã tôn tạo An Dưỡng am thành một ngôi chùa rộng lớn, để tỏ lòng ngưỡng mộ đức Từ bi, hạnh hiếu thuận và tâm nguyện độ tha của Ngài.

Cũng trong năm này (niên hiệu Tự Đức nguyên niên, 1848) Dực Tông Hoàng đế cảm nhận tâm Từ bi và hạnh hiếu thuận lớn lao của Ngài, nên đã sắc phong chùa là “Từ Hiếu Tự”. Vì thế cho nên ngày nay thường gọi là An Dưỡng am Từ Hiếu.



***

Suốt 63 năm ứng hiện giữa hồng trần, Ngài là bậc đã chứng đạt được nguồn tâm, suốt thông tự tánh, nên Ngài đã từng khai thị:

“Liễu ngộ tức tâm, tâm thị Phật

Tương thừa tục diệm vĩnh xương long”

Nghĩa là: Giác ngộ được tâm, tâm là Phật

Muôn đời đèn tuệ tiếp trao nhau!

Hoặc Ngài dạy:

“Tảo giác mê vân lung hạo nguyệt

Tuệ phong xuy tán kiến quang minh”.

Nghĩa là: Sớm biết mây mờ che bóng nguyệt

Tâm mê gió tuệ quét sáng trưng!



Ngài không chỉ là bậc liễu đạt Thiền cơ mà còn là bậc suốt thông Tịnh độ về cả hai mặt Lý tính và Hành sự, cả tự lực và tha lực nữa.

Đối với thể tính hay tự lực, Ngài dạy: “Nếu không làm bung vỡ cốt tử Di Đà, thì làm sao nhận ra được bộ mặt xưa nay của chính mình!”.

Còn đối với hành sự hay tha lực, Ngài dạy: “Cầm chuỗi một xâu, thề chết mới thôi, vịn hàng cây bảy dãy, trông thẳng mà bước đi”. Hoặc trong bài Phổ khuyến niệm Phật, Ngài dạy:

“Niệm Phật thì phải ân cần,

Thức khuya dậy sớm tay lần hạt châu.

Niệm Phật ngay thẳng làm đầu,

Ân cao cũng trả, nghĩa sâu cũng đền.

Niệm Phật thọ mạng tăng diên,

Phật vô lượng thọ ta liền khác chi!

Niệm Phật nhớ chữ Từ bi,

Tham lam bớt bớt, sân si vừa vừa...”


Bởi vậy, trong thời đại triều Nguyễn, Ngài là một trong những Tăng sĩ không chỉ tiêu biểu cho sự chứng ngộ tâm linh siêu việt, mà còn là bậc có khả năng dung hóa trộn lẫn giữa Thiền tông và Tịnh độ, tạo thành pháp môn bất nhị để hòa quang đồng trần, nhằm chuyển hóa hêt thảy căn cơ, đưa tất cả đều đi vào biển tính giác ngộ.

Do đó, Ngài là bậc kế thừa mạch đạo từ Hội Linh Sơn, nơi đức Phật đưa cành hoa khai thị, tôn giả Ca Diếp đắc ý mỉm cười, cho đến Bồ đề Đạt ma khi qua Động độ, mắt sâu hun hút, đập vỡ kiến thức, đốt cháy ngôn từ, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật.

Đến Tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền, treo cao nguyên lý vô tâm, Phật và chúng sanh bất nhị - Đánh thức tự tánh giác ngộ, khai mở sức sống rạt rào qua tiếng hét rợn người, hoặc chiếc gậy sắt quơ đánh ngang tàng hùng liệt.

Xuống Tổ Hoán Bích Nguyên Thiều, đem đèn Lâm Tế thắp sáng vùng đất Bình Định, Phú Xuân vượt ngoài năng sở:

“Lặng yên gương không ảnh

Ngọc sáng soi không hình

Rõ ràng vật không vật

Mênh mông không chẳng không!”.



Qua Tổ Thiệt Diệu Liễu Quán, phải buông tay trên hố thẳm để tự khẳng định lấy chính mình và rồi công án vỡ toang, mặt trời tâm linh bừng sáng:

“Búp măng trên đá dài hơn trượng

Cây chổi lông rùa nặng mấy cân!”



Hoặc: “Dây đứt đàn tranh chơi suốt buổi

Gảy sừng trâu đất rống thâu đêm”.



Và rồi từ Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán, xuống đến Ngài Tánh Thiên Nhất Định đã qua Năm đời truyền thừa, đèn tuệ trao nhau cùng đi trên con đường lớn thực tiễn, biển tính lắng trong, nguồn tâm nhuần khắp, cội đức gió lành... đến nay trải qua Một Trăm Năm Mươi Năm, với tám thế hệ truyền thừa: “Tánh, Hải, Thanh, Trừng, Tâm, Nguyên, Quảng, Nhuận”.

Đèn tuệ của những thế hệ ấy, không chỉ thắp sáng một vùng mà trên nhiều vùng. Không chỉ thắp sáng một quốc gia mà ngày nay đã tỏa chiếu khắp hơn ba mươi quốc gia trên thế giới, không những thắp sáng cho thế hệ hiện tại mà còn thắp sáng tâm linh cho nhiều thế hệ tương lai, từ “Giới định phước huệ” đến “Đạt ngộ chơn không”.


NAM MÔ HÚY THƯỢNG TÁNH HẠ THIÊN, HIỆU NHẤT ĐỊNH TỔ SƯ

Thùy từ chứng giám



Tỳ kheo THÍCH THÁI HÒA


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage