Chùa Bửu Minh

Chú Giang Thanh là người Hoa, được cả xóm gọi là chú Bảy Trệt. Dáng người cao ráo, môi luôn nở nụ cười thân  thiện. Nhờ vào tính siêng năng cần mẫn và khéo tay, chú luôn tìm cách làm mọi việc để có thu nhập nuôi sống gia đình.

doi-ban-gia-than-thiet

 Ngay sau tháng Tư năm bảy mươi lăm, đời sống kinh tế rất khó khăn, chú đã tự tìm cho mình nghề hàn thùng  tưới cây từ những tấm tôn cũ để đáp ứng nhu cầu cung cấp rau xanh trong thành phố; đến khi nhu cầu thùng  tưới cây giảm đi, chú lại đan chiếu, thắt dây lác gia công làm hàng thủ công mỹ nghệ, rồi chú chuyển qua chạy xe lôi, sau đó là xe lôi đạp… đó là dấu ấn thành  quả lao động sáng tạo của chú, cũng là nỗi khát khao vượt khó, vươn lên tìm cái ăn cái mặc nuôi vợ và bầy con nhút nhít năm sáu đứa cho đến lúc trưởng thành.

Chú đã qua tuổi bảy mươi, chiều cao hơn một mét bảy cũng  đã khom thấp  xuống  theo  thời gian. Cuối cùng thì ông trời cũng đã đền  bù cho chú. Qua bao gian truân vất vả, những người con chú lớn dần, cũng biết bươn chải, lăn xả để tìm miếng cơm manh áo phụ giúp gia đình, đời sống của chú cũng thư thả hơn.

Từ ngày xe lôi, xe ba gác không còn được lưu hành để đảm bảo an toàn giao thông và làm đẹp cảnh quan thành phố, chú Bảy buồn lắm; chú thấy thiếu vắng một cái gì thân thiết trong cuộc sống hằng ngày. Người xưa bảo “cái nghiệp nó triệt vào thân”, những lối nhỏ thân quen trong vài chục năm chạy xe đã tạo ra “lối mòn khó quên” trong tâm thức của chú, do vậy sáng nào chú cùng chiếc xe“đòn giong” – người bạn thân thiết – tìm lại một thời vui buồn gian khổ, mặc dù chú đã quá quen những cảnh vật trên con đường này. Điểm thân quen  chú thường  ghé ngồi chơi trước khi về nhà là tiệm sửa xe của chú Ba, người bạn đồng hành chạy xe lôi cả chục năm với nhau và cũng là người bạn thân thiết trong cuộc đời chú.

Sau khi bị tai nạn giao thông gãy chân, chú Ba không thể chạy xe được nữa, đem số tiền chắt chiu, dành dụm mua dụng cụ mở tiệm sửa xe đầu hẻm, mong kiếm ít tiền tiếp vợ con chợ búa hàng ngày.

Sáng nào cũng vậy, trừ những  ngày mưa bão, sau một  vòng theo  thói quen  chú Bảy lại dừng  xe dành mươi phút ngồi bên chú Ba tâm sự thế thái nhân tình, chuyện con cái, cháu chắt.

Hôm đó xe tôi hư, ghé nhờ chú Ba sửa. Trong khi ngồi chờ, tôi cũng vui lây tình cảm của hai ông bạn già: “Con thấy hai chú thân mật với nhau quá, khiến nhiều người ganh tỵ. Có tiền bạc cũng chưa không kiếm được tình bạn như hai chú”.

Chú Ba nói: “Ờ, tụi tui chơi với nhau nhiều năm rồi. Cùng chung  chạy xe, đem  mồ hôi đổi lấy bát  cơm, nên hiểu nhau hơn ai hết. Vắng một vài hôm là lo lắng cho nhau sợ có đau ốm gì không? Tôi với ổng hình với bóng, tuy nghèo mà vui cô ạ!”.

Cảm động trước hình ảnh hai người bạn già, tôi đã chụp lại mấy kiểu ảnh để tặng  các chú làm kỷ niệm. Chú Bảy rất mừng, thấy có đám bông  giấy nở rộ trên tiểu đảo giữa đường, chú bảo tôi ra đó chụp cho chú một “pô” với hoa. Khi tôi đưa tay sửa lại áo khoác của chú “sộc sệch” và nói: “chú bỏ mũ ra, cháu chụp cho rõ mặt”. Chú cười thật tươi, ôn tồn trả lời: “Con cứ chụp đi, chú thích mặc chiếc áo khoác và đội chiếc mũ này, đó là những vật thân thương của chú”.

Mải công việc, gần cả tháng sau tôi mới rửa ảnh và mang  lại nhà cho chú Bảy, chú vui lắm đi khoe khắp xóm, tất nhiên là có khoe với cả chú Ba nữa. Xem hình xong hai ông lão đều cười thật rạng rỡ.

Người ta thường nói “Người già như chuối chín cây” thật  đúng  vậy. Mới dăm  bữa sau ngày tôi đưa hình tặng, chú Bảy đã ra đi do bị bệnh bất ngờ. Tôi đến viếng và không ngờ lần chụp ảnh đó là lần cuối cùng của chú và một trong những chiếc ảnh đó được gia đình chọn rửa lớn ra làm ảnh thờ.

Thím Bảy tâm sự với tôi: “Mấy tấm ảnh con chụp ổng lúc còn sống ổng thích lắm, khen con có tay nghề chụp đẹp, thím lấy ảnh đó làm ảnh thờ”. Vậy là tôi đã giúp chú giữ lại cho vợ con chú hình ảnh với nụ cười thanh thản.

Mấy hôm sau, trên đường đi làm tôi ghé cho chú Ba hay chú Bảy đã mất, chú Ba kêu sảng sốt: “Trời ơi! sao lẹ vậy, thảo nào mấy bữa nay tao trông mãi mà không thấy ổng ghé như mọi khi! Tội nghiệp ổng quá bây ơi!”. Khuôn mặt chú trầm xuống, hai dòng nước mắt chảy trên khuôn mặt sạm đen vì dầu dãi nắng mưa.

Chiều nay bên  ngôi mộ mới, có một ông lão loay hoay che gió mưa đốt nén nhang thơm chia tay người bạn già dưới cơn mưa. Trong nước mưa rơi trên mộ có cả nước mắt của người  bạn thâm giao.


MAI  XUÂN  HIỆP | Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 149


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage