Chùa Bửu Minh

SỨC KHỎE ĐẦU TUẦN.


Nguyễn Đăng Đời

TS Tuấn cho biết, điều trị hen cho trẻ em rất nhiều khó khăn vì thuốc chữa hen cho trẻ em hiện nay vẫn còn chứa nhiều corticoid, chất dễ gây ngộ độc cho trẻ em. Nếu không được điều trị dự phòng sớm, khi trẻ bị bệnh điều trị trong cơn cấp dễ phải sử dụng liều cao dẫn đến ngộ độc thuốc.



 Mời các bạn xem vài chuyên đề về sức khỏe

 
Chuyên đề 1:
Chữa rối loạn giọng nói tuổi dậy thì bằng luyện giọng
Người bệnh được tập thở, tập phát âm, kể chuyện, tập hát, tập phong cách... Phương pháp này đơn giản và không tốn kém, nhưng tỷ lệ thành công lại cao (gần 88%). Đa số nam thanh niêncó giọng nói eo éo tìm được giọng nam trầm sau 5 đợt tập.

Đây là kết quả điều trị ban đầu của Trung tâm Tai Mũi Họng TP HCM.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc Trung tâm, cho biết, rối loạn giọng tuổi dậy thì là sự duy trì giọng nói trẻ em sau khi đã dậy thì đầy đủ và thanh quản đã phát triển hoàn toàn. Nói cách khác, bệnh nhân có thanh quản trưởng thành nhưng lại không có giọng nói trưởng thành, khiến họ mặc cảm và hạn chế giao tiếp. Bệnh nhân cũng dễ tổn thương khi bị chọc ghẹo hoặc bị hiểu lầm giới tính khi nói chuyện qua điện thoại.

Nghiên cứu của bác sĩ Ngọc Dung trình bày tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật ngày 21/12, cho thấy bệnh nhân đến khám chủ yếu ở độ tuổi 16-25. Phần lớn ý thức được sự khác thường của giọng nói, nhưng một số người chỉ vô tình đến khám tai mũi họng và được bác sĩ giới thiệu tới phòng thanh  học.

Phần lớn họ là sinh viên hoặc những người làm nghề có giao tiếp, cần sử dụng giọng nói (như hướng dẫn viên du lịch chẳng hạn), hoặc thường xuyên phải giao tiếp qua điện thoại. Đa số có phong cách yếu đuối, ẻo lả như phụ nữ. Họ thường là con trai một trong những gia đình có nhiều chị em gái.

Tiến trình điều trị

Đầu tiên, bệnh nhân được khám và chẩn đoán bằng ống soi hoạt nghiệm dây thanh (hình được ghi vào băng video) và ghi âm giọng nói vào băng cassette. Sau đó, họ được tiến hành luyện giọng theo phác đồ:

- Thư giãn.

- Tập thở bụng, đằng hắng, phát âm.

- Tập đọc nhỏ, to, thấp, cao; tập kể chuyện.

- Tập động tác môi miệng.

- Tập phong cách.

- Tập hát và phát âm theo đàn.

Mỗi đợt tập bắt đầu bằng một buổi học tại Trung tâm Tai Mũi Họng, sau đó bệnh nhân tự tập ở nhà 2 lần/ngày, mỗi lần nửa tiếng. Bệnh nhân được ghi âm giọng nói để đánh giá sau 5 đợt tập, ghi âm và tái khám soi thanh quản sau 10 đợt tập.

Sau khi điều trị, đa số bệnh nhân hài lòng với giọng nói trầm cố định của mình. Ngoài ra, họ còn thay đổi phong cách và lối sống, trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn.

Chuyên đề 2:

CHỮA BỆNH BẰNG PHƯƠNG PHÁP XÔNG HƠI

Lương Y Võ Hà

Ra mồ hôi là một hình thức điều tiết thân nhiệt của cơ thể do hệ thần kinh tự động điều khiển. Từ lâu y học dân gian đã biết lợi dụng cơ chế nầy để trị bệnh qua hình thức xông hơi bằng nồi nước xông. Việc tăng tiết mồ hôi và giãn nở những mạch máu ngoại biên qua xông hơi không những có thể giúp giải cảm, hạ sốt mà còn được vận dụng để làm tiêu thủng tán thấp, hạ cao huyết áp và giải độc cho cơ thể trong nhiều trường hợp khác nhau.

Nồi xông giải cảm

Trong y học cổ truyền, giải biểu là phương pháp dùng những phương dược làm cho ra mồ hôi, phát tán biểu tà để chữa những chứng cảm mạo giai đoạn đầu khi tà khí còn trệ đọng ở da thứa hoặc kinh lạc. Với cùng mụcđích nhưng đơn giản mà ít tốn kém dân gian thường dùng cách xông hơi bằng nồi xông. Hơi nước nóng bốc lên từ nồi xông làm giãn nở mạch máu dưới da vừa kích thích lưu thông khí huyết vừa thúc đẩy việc đào thải hàn khí hoặc thấp khí ra khỏi cơ thể theo đường mồ hôi. Do đó xông hơi có thể làm giải cảm hoặc hạ sốt.

Cách làm nồi xông.

Vật liệu

Một cái nồi có sức chứa từ 4 đến 5 lít.

Một khăn lông để lau mồ hôi

Một đôi đũa gỗ để xốc lá cây trong nồi.

Một chăn rộng đủ để phủ kín người ngồi trên một ghế thấp cùng với nồi xông đặt trước mặt

Lá cây tươi khoảng từ 600gr đến 800gr. Lá cây có công dụng chính là giữ hơi nóng trong nồi được lâu. Do đó nếu chỉ cần dùng hơi nước nóng để ra mồ hôi thì có thể tận dụng những loại lá cây có sẳn quanh nhà. Thông thường nồi xông có thể sử dụng một vài loại lá có tinh dầu thơm để cảm thấy dễ chịu và thêm tính sát trùngđường hô hấp qua hơi thở. Nếu chọn được các loại lá có tính cay, ấm như bạc hà, kinh giới, tía tô… có thể làm tăng tính phát tán, mồ hôi sẽ ra nhiều hơn. Ngoài ra những trường hợp xông hơi để trừ phong thấp có thể lựa chọn những loại lá có tính khu phong như vòi voi, lá lốt, cây cứt lợn.. . Ở nông thôn nông dân thường ra vườn hái mỗi thứ lá một nắm . Một nắm lá sả. Một nắm lá tía tô. Một nắm lá tre. Một nắm lá bưởi. Một nắm lá chanh. Một nắm lá tràm… Ở thành thị nếu không có sẳn vườn cây có thể đến tiệm thuốc bắc mua một thang lá khô xông giải cảm sẽ được bán một thang lá khô khoảng 150gr gồm một số lá cây có tính phát tán giải biểu như hương nhu, tía tô, kinh giới, bạc hà, ngủ trảo…

Thực hành xông hơi

Đổ nước vào nồi vừa ngập phủ phần lá cây. Đậy kín nấp. Nấu sôi. Người xông mặc quần áo lót hoặc cởi trần ngồi trên một ghế thấp. Đặt nồi nước xông trước mặt, giữa 2 chân. Trùm kín người và nồi xông bằng tấm chăn đã chuẩn bị sẳn. Lúc đầu chỉ mở hé nấp nồi để hơi nóng chỉ xông đến phần bụng và chân. Khi quen với sức nóng có thể mở nấp nồi rộng hơn để hơi nóng bốc lên nhiều tuỳ theo sức chịu đựng của người xông. Khi hơi nóng đã giảm, dùng đôi đũa gỗ xốc lá cây trong nồi để giúp hơi nóng tiếp tục bốc lên. Khi thấy lượng mồ hôi tiết ra đã vừa đủ hoặc khi nồi xông không còn bốc hơi nóng thì tung chăn ra và dùng khăn lau khô khắp người trước khi thay quần áo sạch.

Xông hơi trị huyết áp cao

Quá trình xông hơi vừa làm giãn nở mạch máu ngoại biên vừa tăng tiết mồ hôi để thông thoát bớt nước ra khỏi cơ thể. Cả hai yếu tố nầy đều có tác dụng giảm nhẹ áp lực lên tim và lên thành mạch. Việc bài tiết nước ra khỏi cơ thể bằng đường mồ hôi không những không làm mệt Thận mà còn tránhđược những phản ứng phụ không cần thiết khi phải dùng những chất hoá dược lợi tiểu để làm hạ huyết áp. Ngoài ra do tính tương tác giữa thần kinh và cơ, việc giãn nở những cơ trơn của thành mạch máu còn có tác dụng điều hoà thần kinh giao cảm. Đây cũng là lý do cho thấy xông hơi có thể giải toả căng thẳng và giảm stress. Áp huyết cao thường kèm theo tình trạng cường cơ, gia tăng hoạt động của thần kinh giao cảm và sự tăng tiết chất adrenalin. Những hệ quả nầy lại tác động ngược trở lại để tiếp tục làm tăng huyết áp. Trái lại việc giãn mạch dưới da, thư giãn được các cơ trơn sẽ có tác dụng ức chế giao cảm, điều hoà nội tiết và làm hạ huyết áp. Như vậy biện pháp xông hơi đã đảm bảo được một số cơ chế quan trọng để làm hạ huyết áp cao. Do đó bên cạnh việc tuân thủ một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý việc xông hơi nhẹ từ 1 đến 3 lần mỗi tuần rất hữu ích cho những người có tiền sử áp huyết cao hoặc đang phải sống đồng hành cùng huyết áp cao.

Xông hơi giải độc

Quá trình trao đổi chất và cung cấp năng lượng trong cơ thể tạo ra những sản phẩm không cần thiết và thậm chí có hại cho cơ thể cần phải được đào thải ra ngoài. Việc bài tiết những cặn bả sinh học và những chất độc hại thường thông qua 4 đường. Đó là đường thở, đường đi tiêu, đường đi tiểu, đường mồ hôi. Trên mặt da có khoảng 2,5 triệu tuyến tiết mồ hôi. Một người trung bình tiết ra khoảng 1 lít mồ hôi mỗi ngày. Nếu xông hơi có thể tiết đến 2 hoặc 3 lít mỗi ngày. Do đó hình thức xông hơi bằng nồi xông có thể giúp tăng cường giải độc cho nhiều trường hợp khác nhau mà không phải đưa vào cơ thể bất cứ dược chất gì.

Trước hết xông hơi có thể giúp trục thuỷ giải độc rất có hiệu quả trong các chứng sưng phù, ứ nước do gan, do thận hoặc do tim. Quá trình xông hơi nhiệt độ dần dần tăng lên khiến cơ thể phân huỷ một lượng mở nhất định để điều hoà thân nhiệt. Do đó biện pháp xông hơi phối hợp với việc ăn uống và vận động hợp lý cũng hữu ích cho việc chống béo phì. Dân gian còn có kinh nghiệm dùng nồi xông để giải độc và phục hồi sức khoẻ khi cảm thấy mệt mỏi hoặc khó chịu sau mỗi lần đi về từ những vùng rừng núi ẩm thấp, sơn lam chướng khí, sau khi đi thăm bệnh hoặc đi viếng đám ma. Liệu pháp xông hơi cũng có thể được dùng để giải độc ma tuý sau cai nghiện. Một chương trình nghiên cứu về phương pháp giải độc nầy đã được ông L.Ron Hubbard tiến hành và công bố vào năm 1979. Ông cho biết việc xông hơi để thúc đẩy bài tiết chất độc theo đường mồ hôi phối hợp với việc uống bù nước và chế độ ăn uống nhiều rau tươi, bổ sung sinh tố, khoáng chất là một phương pháp rất có hiệu quả để giải độc và hồi phục sau cai nghiện.

Ngoài việc xông hơi toàn thân ta cũng có thể vận dụng cách xông hơi cục bộ để giải quyết yêu cầu điều trị riêng lẻ cho một khu vực nhất định trên cơ thể. Xông vào vùng mủi với nước xông có thêm cây cứt lợn, bồ kết, tế tân… có thể chửa viêm mủi, viêm xoang. Xông vào vùng mặt để làm nở lỗ chân lông và tăng tiết bả nhờn trong điều trị mụn hoặc tăng cường lưu thông khí huyết ra vùng mặt để làm đẹp da mặt. Để xông vào vùng mủi hoặc vùng mặt có thể dùng một bìa cứng làm một cái phểu có phần miệng lớn vừa đủ phủ kín miệng nồi. Phần đáy phểu nhỏ hơn vừa đủ bao kín 2 mủi hoặc khuôn mặt để hứng lấy hơi nóng từ nồi bốc lên. Xông hơi vùng lưng, vùng hạ thể (từ lưng xuống chân), hoặc chỉ 2 bàn tay, hai bàn chân hoặc 2 khớp gối để chữa đau nhức trong các chứng phong thấp, thấp khớp. Để xông hơi tán thấp ở bàn tay bàn chân, ngoài việc xông hơi bằng nồi xông, dân gian còn dùng cách xông hơi nóng thông qua viên gạch hoặc viên ngói nung đỏ. Với cách nầy cần chuẩn bị 3 hay 4 viên gạch, khoảng 150 gr lá ngải cứu tươi, 150gr lá lốt tươi, một chén giấm và một chén rượu. Đun nóng đỏ viên gạch. Trộn đều hổn hợp lá ngải cứu và lá lốtđã đâm nát với giấm và rượu. Tuần tự đổ mỗi lần một ít thuốc đã trộn lên mỗi viên gạch đã đun nóng. Đặt bàn tay hoặc bàn chân cần chữa trị lên phía trên viên gạch để hứng lấy hơi nóng từ viên gạch bốc lên. Hơi nóng bốc lên có mang theo hoạt chất của lá lốt và ngải cứu làm tăng tiết mồ hôi có tác dụng khu phong hoá thấp ở các khớp tay và chân. Mỗi lần xông có thể cần đun nóng lại viên gạch 2 hoặc 3 lần. Mỗi đợt điều trị có thể từ 5 đến 7 ngày.

Vài điều cần chú ý khi xông hơi

Theo đông y, mồ hôi là một loại tân dịch, là một dạng của âm huyết. Huyết và khí nương nhau. Ra quá nhiều mồ hôi có thể làm tổn thương âm huyết và hao hụt cả dương khí. Do đó việc xông hơi lâu hay mau, ra nhiều hay ít mồ hôi phải phù hợp với yêu cầu của từng người và từng chứng trạng. Xông giải cảm chỉ xông một lần. Người trẻ, người khoẻ, người mập mạp có thể cho ra nhiều mồ hôi. Người yếu, người gầy, người cao tuổi, người dễ ra mồ hôi chỉ nên cho ra ít mồ hôi mỗi lần. Người già yếu suy nhược, người bệnh nặng, người bị sốt do siêu vi, phụ nữ có thai không nên xông hơi. Cần ghi nhận tình trạng cơ thể sau mỗi lần xông. Chỉ nên tiếp tục xông khi có cảm giác thoải mái sau mỗi lần xông. Ngược lại nếu cảm thấy mệt mỏi hoặc chóng mặt sau mỗi lần xông thì không nên tiếp tục xông. Ngoài ra nên uống bù nước sau khi xông. Có thể uống một ly nước trà gừng nóng hoặc nước chanh nóng. Không nên dùng các loại nước ướp lạnh hoặc nước đá liền sau khi xông.

Chuyên đề 3:

ĐÁNH GIÁ CÂN NẶNG VÀ MỨC ĐỘ NGUY CƠ CỦA THỪA CÂN

                                                                                              BS. ĐÀO THỊ YẾN PHI

                                                                                                TT Dinh dưỡng TPHCM

Vóc dáng luôn luôn là vấn đề được phụ nữ quan tâm hàng đầu trong một chuỗi những mối quan tâm nhằm giữ gìn sắc đẹp và tuổi xuân. Sự phát triển ồ ạt của nền kinh tế đã kéo theo sự đi lên của ngành thời trang và qua đó, việc "giữ eo" cho hợp với thị hiếu chung của xã hội hiện nay đang ngày càng phổ biến, không chỉ ở những phụ nữ trên 30 mà ngay cả những cô gái còn rất trẻ. Bên cạnh đó, ở những người lớn tuổi hoặc có các bệnh lý mãn tính liên quan đến dinh dưỡng, việc giữ gìn cân nặng hợp lý là một trong những mục tiêu để giúp kéo dài tuổi thọ, giảm nguy cơ bệnh tật và mang lại chất lượng cao cho cuộc sống. Nhưng trong thực tế, vóc dáng như thế nào là đẹp, đồng thời vẫn đảm bảo được sức khoẻ và giảm các nguy cơ bệnh tật, vẫn còn là mối băn khoăn của rất nhiều người.

Nếu chỉ nhìn vào hình dáng bên ngoài, rất khó để đánh giá một người là "mập" hay "ốm" vì phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố chủ quan của người đánh giá. Trong các trường hợp cần đến sự thống nhất trong cách đánh giá cân nặng như trong các cuộc thi người mẫu, hoa hậu, các cuộc điều tra về nhân trắc, tình trạng dinh dưỡng của một quần thể. các giám khảo và những người làm công tác khoa học phải sử dụng các chỉ số đánh giá tình trạng dinh dưỡng. Có nhiều chỉ số khác nhau để đánh giá tình trạng dinh dưỡng, và các loại chỉ số khác nhau cũng có thể đưa ra các chỉ tiêu khác nhau về cân nặng với cùng một chiều cao, tùy thuộc vào mục đích của việc đánh giá. Ví dụ các chỉ tiêu cho các cuộc thi hoa hậu, người mẫu. thường đưa ra cân nặng thấp hơn so với cân nặng đòi hỏi của các nhà chuyên môn về mặt sức khoẻ.

Các nhà khoa học thường dùng chỉ số BMI (Body Mass Index) để đánh giá cân nặng hợp lý theo chiều cao :

                         Cân nặng ( tính bằng kg)

BMI =    ---------------------------------

                         Chiều cao 2 (tính bằng m)

Ở người trưởng thành BMI trung bình nằm trong khoảng 18,5 đến 25. Dưới 18,5 là suy dinh dưỡng, 25 - 30 là thừa cân, trên 30 là béo phì.

Tuy nhiên chỉ số BMI không nói lên được khu vực và tỷ lệ phân bốù các thành phần dinh dưỡng trong cơ thể vì vậy không đánh giá được một cách chi tiết mức độ nguy cơ có thể có ở một người thừa cân, đồng thời cũng không áp dụng được trong một số trương hợp như vận động viên, trẻ em dưới 18 tuổi. Các chuyên gia dinh dưỡng thường phải áp dụng thêm một số các chỉ số khác để đánh giá mức độ nguy cơ ở những người thừa cân, và ở cả những người có cân nặng trong giới hạn bình thường.

Các chỉ số thường được sử dụng hơn cả là:

* Tỷ lệ số đo vòng eo và vòng mông (WHR - Waist Hip Ratio)

Tỷ lệ này thường phải dưới 0,85 ở phụ nữ và dưới 0,95 ở nam giới. Chỉ số này càng lớn nguy cơ bệnh tật càng cao đặc biệt là với các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh mạch vành.

* Tỷ lệ mỡ trong cơ thể

Đây cũng là chỉ số quan trọng để đánh giá nguy cơ bệnh tật, bên cạnh đó còn nêu lên được sự cân đối giữa chế độ ăn và chế độ hoạt động. Tỷ lệ mỡ trung bình là 18 - 22% ở nam và 20 - 27% ở nữ. Khi tỷ lệ mỡ cơ thể vượt trên 25% ở nam hay 30% ở nữ, nguy cơ bệnh tật sẽ tăng lên, ngay cả với những người có BMI bình thường. Những người có chiều cao và cân nặng hoàn toàn giống nhau có thể có tỷ lệ mỡ cơ thể khác nhau, vì chế độ ăn và vận động khác nhau. Tỷ lệ mỡ sẽ thấp hơn ở những người vận động nhiều hơn (đi lại, hoạt động tay chân, tập thể thao. ) và có một chế độ ăn cân đối, hợp lý so với nhu cầu của cơ thể. Trong điều trị giảm cân, việc giảm cân luôn luôn phải đi kèm với việc giảm tỷ lệ mỡ, thậm chí giảm cân có thể xem là thành công nếu tỷ lệ mỡ giảm đi nhiều trong khi cân nặng giảm rất ít.

Có nhiều cách để tính tỷ lệ mỡ của cơ thể: Đo bề dày lớp mỡ dưới da bằng các loại thước chuyên dụng, hoặc dùng các loại cân chuyên dụng. Phương pháp thứ hai thường được áp dụng hơn vì đơn giản hơn, nhanh hơn và có độ chính xác cao. Ở Việt nam hiện nay, loại cân này đã được đưa vào sử dụng tại một số cơ sở chuyên khoa về dinh dưỡng.
Chuyên đề 4:
Sử dụng thuốc bổ sung vitamin cho trẻ

Tác giả : TS. DS. NGUYỄN HỮU ÐỨC (ÐH Y Dược - TPHCM)
Vitamin (còn gọi là sinh tố) là những chất dinh dưỡng cần thiết được cung cấp hàng ngày để cơ thể phát triển và hoạt động bình thường. Tuy lượng cung cấp nhỏ, thậm chí rất nhỏ, nhưng số vitamin cần thiết lại lên đến con số 13, gồm 4 vitamin tan trong dầu là A, D, E, K và 9 vitamin tan trong nước như vitamin C, các vitamin nhóm B (B1, B2, B5, B6, PP.).
NHỮNG BƯỚC TIẾN MỚI TRONG VIỆC NGHIÊN CỨU VITAMIN

Do cơ thể không thể tự tổng hợp được vitamin (ngoại trừ khi tắm, phơi nắng thích hợp để biến tiền vitamin D thành vitamin D), nên ta phải ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất để được cung cấp đủ vitamin. Nếu hàng ngày, ăn uống đầy đủ chất, với 600g thức ăn ta sẽ được cung cấp khoảng 1g vitamin.

Hiện nay, việc nghiên cứu về tác dụng của vitamin đã có nhiều bước tiến mới. Ngoài chức năng dinh dưỡng, nhiều công trình khoa học còn ghi nhận chức năng sinh hóa mới của một số vitamin; Như vitamin K có thêm chức năng tham gia chuyển hóa calci, vitamin D tham gia vào chức năng miễn dịch (tức sự đề kháng) của cơ thể, vitamin B6 tham gia điều hòa các chất sinh học có cấu trúc steroid (như hormone sinh dục) v.v... Ðặc biệt, có 3 vitamin được công nhận có tác dụng chống oxy hóa là vitamin C, vitamin E, beta-caroten (tức tiền vitamin A). Ðây là những vitamin có thể vô hiệu hóa các gốc tự do (là các chất có hại cho cơ thể) giúp bảo vệ tế bào, mô, phòng ngừa một số bệnh, làm chậm quá trình lão hóa.
NHỮNG ÐỐI TƯỢNG NÀO CẦN ÐƯỢC BỔ SUNG VITAMIN?

Nếu hàng ngày ta ăn uống với chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ thì không sợ thiếu vitamin. Ðặc biệt, nên tăng cường rau cải, trái cây các loại cho bữa ăn vì đây là nguồn vitamin thiên nhiên rất tốt. Nên lưu ý một số đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin như người ăn kiêng (người ăn chay trường), người bệnh (nhiễm trùng, phỏng, phẫu thuật), người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, người nghiện rượu, hút thuốc nhiều... Riêng đối với trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, đương nhiên phải được bổ sung vitamin; Hoặc trẻ sau giai đoạn bị bệnh (nhiễm trùng, ho hen, tiêu chảy...) thì việc uống thêm vitamin là cần thiết.
TRẺ BÌNH THƯỜNG CÓ CẦN THIẾT BỔ SUNG VITAMIN?

Về mặt lý thuyết, nếu trẻ ăn uống cân bằng, hợp lý, đầy đủ và tình trạng bình thường (tức không có dấu hiệu suy dinh dưỡng) thì không cần bổ sung vitamin. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ chế độ ăn không cung cấp đầy đủ thì ngay cả những trẻ khỏe mạnh cũng nên bổ sung vitamin. Bởi vì các vitamin vốn có trong thực phẩm sẽ bị mất đi hay giảm trầm trọng trong một bữa ăn đầy đủ nhưng chất lượng thực phẩm không đảm bảo (rau bị héo, trái cây không còn tươi nên mất nhiều vitamin C), hoặc bảo quản chế biến thực phẩm không tốt (gạo càng trắng càng có ít vitamin B1, thức ăn nấu quá kỹ vitamin C sẽ không còn...). Vì vậy nhiều khi bác sĩ vẫn khuyên cho những trẻ xem ra khỏe mạnh uống bổ sung vitamin. Còn với trẻ béo phì, bác sĩ thường khuyên nên ăn chế độ ít chất béo và cần thiết phải bổ sung các vitamin, vì chế độ ăn ít chất béo không giúp hấp thu đủ lượng vitamin tan trong dầu là vitamin A, D, E, K.
NHỮNG LƯU Ý KHI DÙNG THUỐC BỔ SUNG VITAMIN CHO TRẺ

- Sử dụng thuốc bổ sung vitamin không thay thế được thức ăn, mà vẫn phải ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm.

- Trong các loại vitamin, vitamin A và D không được dùng thừa, dùng quá liều vì sẽ tích lũy lại trong cơ thể và có thể gây ngộ độc. Nếu dùng loại Multivitamin ngày uống 1 viên thì không được chứa quá 5.000 đơn vị quốc tế (IU) vitamin A và không quá 400 IU vitamin D. Nếu dùng loại dung dịch uống, phải lấy số giọt hoặc thể tích (số ml) theo đúng bản hướng dẫn sử dụng thuốc. Nên cho trẻ dùng dạng lỏng như dung dịch uống vì vừa dễ uống vừa dễ hấp thu.

- Không nên dùng vitamin C liều quá cao (hơn 1g/ngày) vì có thể gây tiêu chảy, loét đường tiêu hóa, sỏi thận khi dùng dài ngày.
Chuyên đề 5:
Có nên sử dụng điều hòa cho trẻ?

Nên sử dụng điều hòa cho trẻ vào ngày nắng nóng, nhưng nhiệt độ trong nhà không nên chênh lệch quá 7 độ C so với ngoài trời. (Ảnh minh họa)

Giadinh.net - “Mọi người suy nghĩ rằng, trời càng nắng và nắng càng kéo dài thì càng không nên sử dụng điều hòa cho trẻ con. Điều đó là một sai lầm”-TS Đào Minh Tuấn, Khoa Hô hấp, BV Nhi TƯ cho biết như vậy.

Để chênh lệch 7­­ độ C

Theo TS Tuấn, trong thời gian nắng nóng kéo dài vừa qua, số trẻ vào khám và điều trị ở khoa Hô hấp, BV Nhi TƯ rất đông. Khoa Hô hấp có 50 giường bệnh nhưng những ngày này, lúc nào cũng quá tải lên tới hơn 100 cháu phải nhập viện điều trị. Cũng theo TS Tuấn, không phải là do trời quá nóng mà khiến trẻ dễ ốm, nhất là bị các chứng liên quan đến đường hô hấp mà là do thời tiết nắng nóng nhưng độ ẩm lại quá cao nên gây bệnh viêm đường hô hấp trên của trẻ.

BS Phạm Mạnh Thân, Phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cho biết: Những ngày nắng nóng vừa qua, bệnh nhân đến khám tăng vọt, đặc biệt là phòng khám nhi của bệnh viện. Số bệnh nhân này hay mắc những bệnh liên quan đến mùa hè như viêm đường hô hấp, sốt siêu vi trùng hay ỉa chảy vì ngộ độc thức ăn.

 BS Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết, nguyên nhân là do thời tiết quá nắng nóng, trẻ thường nằm quạt thốc trực tiếp vào người khi ngủ. Vì khi trẻ ngủ say, thân nhiệt giảm nên rất dễ bị viêm họng, sốt dẫn đến tiêu chảy. BS Lộc cảnh báo, nhiều cha mẹ quá lạm dụng điều hòa nhiệt độ đã để nhiệt độ chênh hơn nhiều so với ngoài trời, điều này không tốt cho trẻ nhỏ, chỉ nên để 25 - 27oC là hợp lý.

Trước những băn khoăn của cha mẹ về vấn đề nên hay không nên sử dụng điều hòa cho trẻ vào những ngày nắng, TS Tuấn cho rằng, việc sử dụng điều hòa cho trẻ vào mùa nắng là hợp lý. Và khi để nhiệt độ trong nhà chênh với nhiệt độ ngoài trời 7oC thì sẽ tốt cho trẻ (ví dụ ngoài trời là 35oC thì trong phòng điều hòa nên để 28oC là phù hợp) và sẽ không ảnh hưởng đến việc nếu trẻ có chạy liên tục ra ngoài nơi không có điều hòa.

Nhưng TS Tuấn cũng khuyến cáo, khi đã sử dụng điều hòa cũng nên hạn chế để trẻ đi ra, đi vào giữa hai nơi có nhiệt độ chênh lệch nhiều lần. TS Tuấn cũng khuyên, nếu sử dụng điều hòa cho trẻ cũng nên sử dụng thêm máy tạo độ ẩm. Nhưng cũng chỉ sử dụng làm ẩm nhẹ, nếu không lại tạo ra độ ẩm lớn dễ làm trẻ viêm đường hô hấp hơn. Bên cạnh đó, cần xịt, nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên làm sạch đường hô hấp trên của trẻ.

Đề phòng viêm hô hấp dẫn đến hen

Theo TS Tuấn, tỉ lệ trẻ em bị hen phế quản ngày càng gia tăng, gấp 2 lần so với người lớn. Theo ước tính thì có khoảng 10% trẻ em dưới 15 tuổi bị hen. Việc chẩn đoán hen là khó khăn vì khi khám, nếu các bác sĩ không có kinh nghiệp dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.



Hiện nay, Bộ Y tế đã cho phép đưa thuốc có chứa chất Montalukast, thuốc đầu tiên được chỉ định điều trị cho trẻ em mắc bệnh hen dưới 6 tháng tuổi. Loại thuốc có chứa chất này được chỉ định cho cả người lớn và trẻ em điều trị hen phế quản mạn tính, bao gồm dự phòng cả các triệu chứng hen ban ngày và ban đêm, điều trị người hen nhạy cảm với aspirin, và dự phòng cơn thắt phế quản do gắng sức. Trước đây, cũng chỉ có thuốc hen sử dụng cho trẻ em từ 4 tuổi trở lên.

Cũng theo TS Tuấn, nếu chủ quan không điều trị dứt điểm khi trẻ bị viêm phế quản thì dễ dẫn đến trẻ bị chuyển sang hen. Khi đó, điều trị cơn hen ở trẻ khó khăn hơn nhiều điều trị khi trẻ bị viêm phế quản. Và khi trẻ có triệu chứng khó thở, thở co thắt vùng ngực thì cần đưa trẻ đi khám, không được sử dụng thuốc điều trị hen mà không theo chỉ định của bác sĩ.


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage