Chùa Bửu Minh

Vu lan cũng là ngày mà nhiều người dân Huế đi thăm mộ và thắp hương cho người quá cố, dù không đông bằng ngày Tết cổ truyền. Đây là một nét đẹp truyền thống mà người Huế còn giữ được, nó thật sự cần thiết đối với giới trẻ trong đời sống hiện đại này.



Chùa Từ Đàm trong mùa lễ hội. Ảnh: Internet
Chùa Từ Đàm trong mùa lễ hội. Ảnh: Internet

Tháng 7 âm lịch, người Việt ta có một ngày lễ mà giới Tăng Ni, Phật tử thường gọi là lễ Vu lan. Đây là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất, một tập tục đáng quý, đáng trân trọng, thể hiện tinh thần “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. 

Rằm tháng 7 âm lịch cũng là ngày xá tội vong nhân mà dân gian gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh. Mọi người đến cửa chùa để tỏ lòng thành với người đã sinh thành ra mình, dù ai còn mẹ hay mất mẹ cũng làm mẹ được vui… Tháng 7 âm lịch còn là tháng mưa Ngâu - gắn với sự tích ông Ngâu bà Ngâu hay còn gọi là tích Ngưu Lang - Chức Nữ.

Không phải là ngày lễ của riêng Huế, kiểu như cũng trong dịp tháng 7 âm lịch này là lễ Thu tế làng Dương Nỗ hay lễ hội điện Hòn Chén, nhưng Vu lan là nét riêng không thể nào lẫn lộn, là dịp mà tính cách và tâm hồn Huế được bộc lộ một cách rõ rệt nhất. Khi viết những dòng này, tôi đã nhớ đến mẹ tôi ở quê. 

Đã hơn 10 năm nay, khi con cái đã trưởng thành và yên bề gia thất, còn lại một mình mẹ tôi đi chùa và ăn chay vào dịp ngày Rằm và mồng Một. Ngôi chùa làng Dạ Lê nằm ven Quốc lộ 1A đã trở thành điểm đến và là ngôi nhà thứ hai của mẹ. Ở tuổi đã ngoài 70, nhưng cả tuần trước ngày lễ Vu lan, mẹ tất bật và bận rộn nhưng vui vẻ và hoạt bát hẳn lên.
 
Ở Huế, Vu lan là lễ hội lớn thứ hai sau lễ Phật Đản và không mâm cao, cỗ đầy. Chùa là nơi quần tụ mọi người. Huế từng được mệnh danh là chiếc nôi của Phật giáo. Đất Cố đô hiện có hàng trăm ngôi chùa, phường nào, làng nào cũng có chùa. Dịp này, các chùa đã mở cửa từ sáng sớm để đón mọi người đến thắp hương, cầu nguyện cho người thân. 

Hòa vào cùng thiên nhiên, sự yên tĩnh của chùa Huế đã mang lại những giá trị tâm linh cho người dân Huế lẫn du khách viếng thăm. Từ các cụ già cho đến các em bé, cả gia đình cùng đi chùa, tạo nên một không khí thật ấm cúng nơi cửa thiền.

Vu lan cũng là ngày mà nhiều người dân Huế đi thăm mộ và thắp hương cho người quá cố, dù không đông bằng ngày Tết cổ truyền. Đây là một nét đẹp truyền thống mà người Huế còn giữ được, nó thật sự cần thiết đối với giới trẻ trong đời sống hiện đại này. 

Còn nữa, Vu lan cũng là thời gian mà nhiều tổ chức và cá nhân thể hiện được lòng từ bi của mình bằng công tác từ thiện với những món quà ủy lạo cho các bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện hay những trẻ em nghèo, những người neo đơn, tàn tật ở các cơ sở nuôi dưỡng.

Từ nhiều năm nay, tôi vẫn có thói quen buổi tối đêm Rằm tháng 7 âm lịch chở con đi một vòng dạo quanh một số ngôi chùa lớn ở Huế. Đi để vãn cảnh chùa. Đi để cho con cái có được những trải nghiệm về lễ Vu lan ở Huế, cảm nhận một vẻ đẹp văn hóa của vùng đất quê hương. 

Và điều mà tôi cảm nhận được là, cũng như tôi, nhiều người đang ở Huế, đi xa Huế, có những hoài niệm và tình yêu dành cho Huế đều mong chờ đến ngày Rằm tháng 7 âm lịch với niềm háo hức, Vu lan này ở Huế có chi lạ?

Đan Duy (TTH - Cố đô Huế )


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage