Chùa Bửu Minh

Các chuyên gia y học phát hiện rằng: Ngay khi thai nhi hình thành, thì liền có hai tim thai đập đầu tiên. Tim thai thứ nhất là não. Tim thai thứ hai là tim. Khi hài nhi được sinh ra, thì bộ não là nơi phức tạp nhất gồm hàng trăm tỉ nơ ron thần kinh. Đó cũng chính là hệ thống vận hành của

mọi máy cái, mọi hệ điều hành, mọi hệ lập trình, trung tâm dẫn đầu điều hành bao giờ cũng phức hợp nhất, tiêu tốn năng lượng nhất và phát ra nhiều dữ kiện soi sáng nhất. Mỗi cá nhân cũng như mỗi dân tộc sẽ không thể vận trình nếu không có bộ não cũng như tư tưởng loài người đã thực chứng, các chủ thuyết, lý thuyết, chủ nghĩa đã mang ánh sáng dẫn dắt cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của nhân loại thế nào. Chắc hẳn, ở Việt Nam, một dân tộc đã hình thành quốc gia từ rất lâu, không thể không có ánh sáng soi chiếu từ bộ não cũng như tư tưởng để dẫn lối. Tư tưởng nghĩa là gì? Chắc chắn tư tưởng chỉ có một con đường biểu hiện qua ngôn ngữ. Cao hơn nữa là chữ viết. Nhưng cách đây chưa lâu, đầu thế kỷ 20 nước Việt còn đến hơn 90% mù chữ, vậy thì làm thế nào để tư tưởng có thể chuyển tải và phát triển trong xã hội của người Việt? Có thể nói, người Việt đã tạo ra kho tàng tục ngữ, ca dao khá phong phú để đưa đường chỉ lối cho đời sống. Tục ngữ, ca dao đó như một phương ngôn soi sáng, vào trong những hoàn cảnh cụ thể, nó như "túi gấm" được mở ra, hoạch định cho vấn đề, xác định cho sự việc, và chấn chỉnh cho mọi loay hoay bùng nhùng.

Để thưởng thức văn học và về tu từ lẫn giá trị tư tưởng, rất nhiều người Việt, cả nam lẫn nữ, từ Bắc qua Trung, chí Nam đều có thể thuộc làu làu "Truyện Kiều" để lảy lên khi cần thưởng thức hay dẫn lối. Với tục ngữ, ca dao thì còn nhiều người thuộc hơn, họ thuộc bằng cách học truyền khẩu qua miệng nhau, hoặc học bằng kinh nghiệm và trí nhớ, mỗi khi gặp việc có người nói thế, thì lần sau khi gặp việc, người ta liền nhắc lại.

Mở màn, bất cứ cộng đồng nào, sắc tộc, dân tộc, hay xã hội nào muốn sống chung thì đều phải có công lý. Công lý là một thước đo chuẩn mực tương đối "bất dịch", chứ không thể là thước do tùy tiện, muốn đo kiểu gì cũng xong, đo vào người khác thì thành tội, đo vào người nhà mình thì có công. Người Việt nói chắc chắc: "Muốn tròn thì phải có khuôn, muốn vuông thì phải có thuốc". Một trong những món ăn dân tộc hàng đầu của người Việt là bánh chưng, hay bánh tét, thì đều phải gói bằng khuôn vuông hay tròn. Nhưng còn xa hơn thế, kiến trúc là khoa học và nghệ thuật hàng đầu của loài người, vì chỗ ở bao giờ cũng chiếm quan tâm bậc nhất. Mà muốn dựng xây nhà, những người thợ đều phải dùng đến thước, có thước thì cột mới thằng, rui mè mới ăn khớp, và tường mới phẳng. Suy ra mọi việc ở đời thì phải có khuôn thước là chuẩn mực xây dựng, cũng như là cái soi chiếu để giải quyết các bất đồng, thưởng cho kẻ có công, phạt người có tội.

Tiếp đó người Việt bảo: "Nói phải củ cải cũng nghe". nghĩa là, dù anh có nhỏ bé bao nhiêu, khi anh có lẽ phải trong tay, anh sẽ thuyết phục được tất cả mọi người, mọi sự, cho dù đó là thứ bé tẹo như củ cải. Vì vậy muốn có lẽ phải thì không thể cậy quyền, cậy tiền, cậy lớn để ức hiếp người khác. Không thể: "Cha nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa". Có rất nhiều đàn ông trong nhà chiếm cứ cả ba vị trí, làm chồng, làm cha, làm quan, khi ấy ông cậy quyền nói lấy được, thử hỏi không khí gia đình sẽ nghẹn thở sự bất công đến mức nào? Cái bất công trong nhà sẽ làm nảy ra bất công khác, dẫn đến sự kình chấp, mâu thuẫn, cãi cọ, chửi bới đấu đá trong nhà. Gia đình lại là tế bào của xã hội, tế bào nhà ông bất công lục đục, thử hỏi ông sẽ hòa tan vào xã hội một thứ ô nhiễm bất công kiểu gì?! Vì quyền bình phu quyền thời phong kiến áp chế như vậy, nên người Việt cũng đã manh nha và tạo ra sự cân bằng của nữ quyền: "Lệnh ông không bằng cồng bà". Thực ra là tinh thần phản kháng của phụ nữ Việt với chế độ nam quyền áp đặt từ ngay trong gia đình.

Người Việt còn khai triển tiếp khuôn thước chính đáng của đạo đức như "Cây ngay không sợ chết đứng", hoặc "có cứng mới đứng đầu gió", rồi "đường đi hay tối, nói dối hay cùng". Và rõ rệt nhất là: "Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành". Phải nói đây là phương nguyên chứa đựng nguyên lý thâm sâu và nội dung toàn vẹn về đạo đức làm người. Ăn ngay, tức nếu cứ ăn thức ăn sạch, lại còn ăn đúng đạo đức lương tâm, không ăn theo, ăn bám, ăn chầu rìa, ăn mày, hay tham nhũng, thì con người ta sẽ vừa mạnh khỏe về thể xác, vừa mẫn tiệp về tâm hồn. Nói thật, tức người ta chỉ gieo hạt thật sự vào đời sống, thì khi đó không còn lý do cho những gian trá sinh sôi, cuộc sống sẽ tốt lành mọi nẻo, và tự nhiên mọi quanh co, gian dối, tội lỗi sẽ biến mất.

Để sống chung với người khác rất cần sự chân thực và công lý. Người Việt bàn về phẩm chất sống như sau: "Ăn cơm cáy thì ngáy o o/ Ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy". Có nghĩa là, nếu ta tự biết đủ với sự hoàn cảnh của mình, có gì ăn nấy, nghèo cam chịu nghèo, thì ta sẽ sống thanh bần lạc đạo, nghĩa là nghèo nhưng tâm hồn nhẹ nhõm thanh thản, ngủ ngáy đều. Trong khi đó nếu ta tìm mọi cách để được ăn ngon, nào buôn một bán mười, nào điêu trác gian manh, nào đòi ăn ngon mặc đẹp, làm ăn chụp giật mà cả chớp, thậm chí còn tham nhũng, lừa đảo, ăn trộm hay ăn cướp, thì dù được ăn ngon, nhưng tâm hồn không thể nhẹ nhõm thanh thoát trái lại nặng nề, ô trọc, u phiền... Tiếp đó, người Việt dạy nhau làm sao phải từ bỏ ích kỷ hại tha để tiến đến xả kỷ hiến tha, như "được lòng ta, xót xa lòng người". Nghĩa là, trong mọi việc, mọi quyền lợi, nếu ta chỉ tính đến mức có lợi cho ta, thì sẽ gây tổn thất cho người, khiến người phải xót xa buồn phiền. Và trong cuộc sống cũng đừng nên có cảnh:

Của mình thì giữ bo bo
Của người thì thả cho bò nó ăn

Người Việt cũng có rất nhiều câu cảnh báo về sự tham, hay thế lực hắc án của đồng tiền, nào "kim ngân phá lề luật", nào “đồng tiền đi trước, mực thước theo sau". Hoặc rõ ràng hơn:

Bên hàng túi bạc kè kè
Nói quấy, nói quá người nghe rầm rầm

Như vậy, người nghe không nghe trình độ, trí tuệ, cũng như vấn đề của người nó, mà chỉ nghe vì tiền, vì vụ lợi cho mình mà nghe. Sức mạnh ca dao còn thể hiện ở việc chỉ ra thói dâm ô, háo sắc của những thứ quan tham:

Bộ binh, bộ hộ, bộ hình
Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi

Ca dao chỉ ra sự tham lam của mẹ cha khi gả bán con gái:

Cha mẹ đòi ăn cá thu
Gả con xuống biển mù mù tăm tăm

Ca dao cũng không nề hà đả thẳng vào phái đẹp đào tơ liễu yếu, rằng, đừng có nhập nhằng trong tình cảm:

Có yêu thì nói rằng yêu
Chẳng yêu thì nói một điều cho xong
Chớ đừng dở đục dở trong
Lờ lờ nước hến cho lòng tương tư

Ngoài phê phán, dằn mặt thói hư tật xấu, ca dao còn biểu dương những đức tính tốt đẹp và ca tụng ánh sáng của trí tuệ một cách cao vời, hết cỡ như:

Quanh năm ở với người đần
Không bằng một lúc sống gần người khôn

Sơ lược tính ra, tục ngữ ca dao của người Việt đã đi từ công lý đến tình yêu với người khác, rồi có cả lẽ sống tham - sân - si... Nó đích thực là sức sống tâm hồn bền bỉ của người Việt đặc biệt trong những thế kỷ có rất ít người biết chữ. Xin bái phục tục ngữ, ca dao!

Nguyễn Hoàng Đức
chungta.com


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage