Vẫn chưa đi được một bước, chàng nghĩ - trên lộ trình về chân phúc.
Vẫn còn nguyên vẹn mọi cá tính trần gian, trần ai, tham sân, phiền não.
Cẩm nang mang theo có ích gì không? Cái linh quang sáng
suốt mầu nhiệm vẫn thường trực chiếu sáng, rỡ rỡ, hằng hằng - nhưng tại sao, vẫn
từ trong ấy, vẫn gọi kêu âm ỉ, đòi vươn ra, đòii bước tới? Vươn đến đâu, bước
đến đâu khi toàn bộ vận hành của pháp giới đều là màyà .
Một bên là thần Vichnou bảo tồn, một bên là thần Shìva hủy diệt -
thì có cái gì gọi là thực hữu? Đã không có cái gọi là
tồn tại ngoài không thời gian thì sao ta không chịu dừng lại?
Nhưng dừng lại ở đâu? Ở cái vùng trống không hoang liêu
điêu tàn thê thảm này à?
Dừng lại mà không phải là lắng dứt, yên nghỉ thật sự thì chỉ là sự đầu hàng,
thua cuộc, sự thu rút, quánh đặc lại của một cái ao hồ
tù đọng. Phải là sự dừng lại của bão tố.
Phải là sự im lặng mênh mông của đại dương. Phải là sự yên nghỉ sau cuộc ra đi dài. Như voi chúa ra trận
mạc: ngửng đầu và tiến lên.
ảnh minh họa từ net
Triết Hựu nằm lả người bên bờ suối. Xa kia
thung lũng là trang trại của Vọng Việt. Bây giờ, Vọng Việt đã quá xa cách chàng.
Y đã nghiễm nhiên tách rời, nhảy vọt lên cao với hào quang
danh vọng tỏa rộng xung quanh. Người bạn từ một thuở ấu
thơ đã chết. Những giờ luận đạo, những lúc tham thiền,
những khi ngoạn du, biết bao kỷ niệm đã đầy ắp giữa hai người. Và chỉ có Vọng Việt mới xứng đáng là đối thủ của chàng trong kiếp
lạc đà thâu lượm và chở mang kiến thức.
Giờ y đang làm gì, nghĩ gì, phía sau cái tiểu giang san ngà ngọc
kia? Y đã đạt “cái ấy”? và
đã thật sự dừng lại? Hay đang dừng lại nơi ngôi cao và danh vị để hưởng thụ thân
xác trong ý nghĩa cụ thể nhất? Và cũng là người nhất?
Một đầu óc minh triết như vậy, với dáng người trầm tĩnh và tự chủ như vậy, một
đời sống tuổi thơ thánh thiện như vậy - có
le nào lại tự phản bội lấy mình để ôm níu, dính mắc vào những cái - mà đã một
thời, hai người từng khinh bỉ và chế nhạo?
Triết Hựu chưa khẳng định, nhưng đã
hai lần, từ Vọng Việt, cái bóng tối ấy hiện ra: Một lần bóp nát những đọt lá bên
bờ suối và một lần tự đắc, thỏa mãn trên diễn đàn. Một bên thì thò cánh
tay ra để bóp nát ngoại giới, một bên thì thò cánh tay ra để chiếm hữu
ngoại giới: cánh tay của bóng-tối-vô-thức ấy. Đã một thời chàng thấy rõ cánh
tay ấy của mẹ và của cha. Bây giờ là Vọng Việt. Chàng có thể lầm lẫn không?
Triết Hựu còn nhớ thuở xưa, một lần,
tại Bénarès, trên bờ sông Jumma, cả hai đi theo sau
cuộc lễ Durga-puja xem đám rước thần huyền mẫu Kàlì. Từng gia đình, từng đoàn,
từng lũ đều bưng những tấm hình thần Kàlì rồi đem ném xuống sông,
sau đó trở về hoan hỷ múa hát tưng bừng.
- Kàlì là vợ của Thần Shìva- thần hủy
diệt. “Một tượng trưng của hủy diệt, quẳng xuống dòng trôi
chảy hủy diệt, có nghĩa là gì?
Vọng Việt đưa mắt dò hỏi chàng.
- Hủy diệt
của hủy-diệt tức sinh hóa, sáng tạo
(shakti) - một tượng trưng thứ hai của thần Shìva. Nên
Kàlì không những là thần chết mà còn là thần sanh đẻ nữa.
Ngài có bốn tay, hai tay tử, hai tay sanh!
Có khác gì âm dương luận của dịch kinh Trung Hoa - Âm dương
lưỡng cực trong nhau, xung đối để tạo nên sự hòa điệu, sinh thành tứ tượng, bát
quái?
- Chỉ khác danh từ, kiến giải hoặc
kiến luận là khác thôi. Và còn tùy thuộc ở trình độ thẩm thấu và lãnh hội.
Im lặng hồi lâu, Vọng Việt lại hỏi:
- Thiện hữu ơi! Sinh rồi tử. Tử rồi sanh.
Đấy là định luật tất yếu. Khi thiện hữu thấy người ta
quẳng thần hủy diệt xuống dòng trôi chảy hủy diệt, rồi hoan ca, rồi hát ca trên
đường trở về nhà - thiện hữu có tìm ra được một mật nghĩa nào để tạo một thái độ
sống cho đời mình?
Triết Hựu không trả lời được cho đến
khi cả hai đứng trong đám đông xem cuộc hỏa thiêu người trên sông.
- Sự chết chỉ là một lớp tro tàn, như
bạn thấy đó. Thân xác này có thể quẳng vứt trên nghĩa địa, trên rừng cho dã thú,
trên bãi hoang cho kên kên thì cũng giống nhau. Vậy thì
thái độ sống không phải là thái độ thân xác, sự chết - mà phải là thái độ tinh
thần, sự sống. Sự sống, chính là sống hợp lẽ đạo đời
đời vậy.
Vọng Việt thở dài xa xôi:
- Thiện Hữu ơi! Sống hợp lẽ đạo đời đời là sống thế nào? Đạo là thăng trầm,
doanh hư, là đắc thất, là sự tương hỗ vận hành của nghịch lý âm dương… Cái ấy nó
tạo sự xuống lên, tử sinh nhịp nhàng cho vạn hữu.
Vậy sống hợp lẽ đạo là cũng phải xuống lên, tử sinh nhịp nhàng như chúng, hay là
bước ra ngoài, khoanh tay
thiên cổ nhìn hoa nở rồi tàn, đông khứ xuân lai?
- Phải rồi. - Triết Hựu lại hăng say
nói, đạo là Brµhman, là phạm thể, là thái cực, là Thượng đế, là thực tại tuyệt
đối nhất nguyên. Sống hợp lẽ đạo là trở về với Thượng đế nhất nguyên trong lòng mình,
từ bỏ sự phân ly sai biệt, chia cắt, nhị nguyên. Vì
“vô, danh thiên địa chi thủy; hữu, danh vạn vật chi mẫu”. Cho nên,
"thường vô” mới thấy được cái sơ thủy, cái đầu
tiên, cái đạo. Mà “thường hữu” là vào dòng, là trôi lăn, là trôi chảy, là chia lìa, là làm Adam và Eva để lưu đày
vĩnh kiếp! Nhưng cũng nh “thường hữu” mới có sự sinh thành của sum la van tượng.
Bây giờ, nhớ lại lần đối thoại đó,
Triết Hựu hổ thẹn vô cùng.
Chàng tưởng đâu chàng hiểu biết nhiều lắm.
Bao nhiêu hiểu biết rồi cuối cùng cũng không giải quyết được gì.
Vọng Việt cũng như chàng đều là kẻ mù lòa trên đường về với Thượng đế.
Con đường vô danh có phải là âm lý, vì âm là co rút lại. Con đường hữu danh có
phải là dương lý, vì dương là giản nở, là phát triển ra. Nhưng thái độ âm hay
dương đều ở trên hai cực của xung khí, mâu thuẫn và khổ đau cả. Chàng nhớ trên
đường về nhµ, Vọng Việt nói:
- Hủy diệt hủy diệt tức sinh hóa, vậy
vào dòng vào dòng tức lộ trình sáng tạo.
Một câu nói của Vọng Việt đã mù xa
trong ký ức bây giờ hiện bật lên, trở thành lời giải cho thái độ sống của Vọng
Việt bây giờ. Y vào dòng, tức chọn con đường hữu
vi, hữu danh, nhập thế. Tức là đối nghịch lại con đường của chàng: vô
vi, vô danh, xuất thế. Một bên: vô, danh thiên địa chi thủy. Một bên: hữu,
danh vạn vật chi mẫu. Nhưng: “thử lưỡng giả đồng xuất nhi dị danh. Đồng vị chi
huyền, huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn” (Lão Tử Đạo Đức Kinh: Hai cái
đó đồng một chỗ mà đi ra nhưng tên gọi khác nhau. Vì đồng nên
gọi huyền. Huyền rồi lại huyền nữa.
Đó là cửa vào ra của mọi huyền diệu.)
Triết Hựu chợt run bắn người lên,
tưởng như đã thâm ngộ lẽ huyền vi của Đạo. Nhưng một
lúc sau như một gáo nước lạnh tạt vào mặt chàng: “thường hữu, dục dĩ quan kỳ
kiếu”. “Kiếu” có ngĩa là vi tế, cũng có nghĩa là chia
lìa! Không thể biện minh gì được nữa rồi. Triết Hựu
cương quyết phủ nhận con đường hữu danh của Vọng Việt.
Trên bờ sông, Triết Hựu đã suy nghĩ
lan man như vậy, rối loạn như vậy, bế tắc như vậy. Khi tất cả những sợi
thần kinh trong các tế bào óc tạm thời lắng dịu thì những tế bào ruột lại gọi
kêu: Đói. Đói.
Triết Hựu lại tò mò lắng nghe chúng.
Và chµng chợt mỉm một nụ cười chế nhạo, khinh bỉ.
Thế gian, suốt một đời, vạn cuộc đời, chỉ lo đáp ứng cho chúng, giải quyết chúng.
Còn chàng thì không. Không bao giờ! Chúng là c¸i cđa
con người thân xác. Ta là con người tinh thần. Ta cứ là không đói xem thử mày
làm gì ta, thân xác? Triết Hựu lại mỉm cười đầy vẻ ngạo mạn và
thách thức. Nếu ngươi trang bị bằng rắn cobra hoặc nàga,
tay ôm cái thây ma, những chuỗi hột bằng sọ người, tay cầm thanh gươm,
tay cầm đầu người máu me vừa mới chặt - như nữ thần Kàlì thì ta có ngán gì đâu?
Thuở xưa - Triết Hựu mơ màng nghĩ -
có một chàng thanh niên ®ạo sĩ trong cuộc chạy đua về Thượng đế, y ngồi nghỉ
dưới một gốc cây. Chàng ta cũng mệt,
cũng đói, và cũng bị “cái ấy” săn đuổi chạy thất điên bát đảo.
Ngồi đây thật là diễm phúc và kỳ thú nếu cây biết tỏa ra mùi trầm hay hương hoa
của bốn phương trời. Đạo sĩ nghĩ như vậy và gốc cây chợt cho
hương và trầm. Nếu có một mâm cơm ngon lành, thanh niên
®¹o sĩ ước tiếp.
Thượng đế biết sự thối thất của ®¹o sĩ, ngài bèn sai một sứ giả thiên thần hóa
dạng một thiếu nữ diễm kiều, trên tay bưng một mâm cơm, dĩ nhiên là đầy những
sơn hào hảo vị, đến dâng lên đạo sĩ:
- Đây là giang sơn của nữ vương khoái
lạc - Thiếu nữ nói - Và thiếp là nô tì của người. Xin dâng chàng vật
thực mọn mảy này để nói lên tấm lòng của nữ chúa đối với khách đạo sĩ hào hoa.
- Ta là sa-môn - Đạo sĩ nhướng mày
đáp - Ta là kẻ sống đời tinh thần cao khiết, từ bỏ dục, từ bỏ ái, từ bỏ sắc, từ
bỏ những đam luyến của khoái lạc ngũ
trần. Thâm tạ tấm thịnh tình của nữ vương khoái lạc.
Dù thế nào ta vẫn chối từ. Ta chẳng bao giờ còn bị vòng
tay của mµyµ quyến dụ nữa!
Thiếu nữ vẫn mỉm cười và đưa mắt trữ
tình mời mọc.
Đạo sĩ quay phắt mình và bước đi. Nhưng mùi
thơm
của thức ăn, của kỳ nữ chợt kéo trì chân chàng lại. Và chàng
ngã quỵ xuống.
Không còn dậy được nữa…
Triết Hựu cất tiếng cười to lên. Yếu quá. Yếu quá.
Thượng đế thật là đấng toàn tri, biết rằng y sẽ gục ngã.
Còn ta? Con sư tử bên trong chàng rống to lên: “Không.
Không bao giờ”. Và chàng lại mỉm cười, bỏ bờ suối, men theo con đường nhỏ
dẫn về rừng, ở đấy là những sườn núi dựng đứng cao chớn chở, phía trên đổ xuống
một làn nước bạc nom như dải lụa trắng, như chiếc sari hoặc khaddar vắt trên vai
của các thiếu nữ. Sau xa nữa là khu rừng già.
Trong tâm hồn của Triết Hựu, từ thuở ấu thơ cũng có hình ảnh một khu rừng lý
tưởng: khu rừng có những tảng đá liền lạc dựng đứng chênh vênh hướng tới đỉnh
trời xanh. Và từng con suối lượn quanh
lặng lờ, những dòng thác ồ ạt ngàn năm từ hoang nguyên tuôn xuống. Ở
đấy, sau từng động đá cổ quái âm u, dưới những gốc cổ thụ lâu đời, trên sườn núi
cheo leo - có những sa-môn, đạo sĩ đem thân kim cương mà tạc tượng với đất trời,
ngồi trầm tư bất động cô liêu lạnh lùng như đỉnh tuyết - nói lên ý chí bất khuất,
hướng thượng để đạt quyền năng tạo hóa - hay nhô thân phận hữu hạn của mình lên
trời cao vô h¹n. Thế giới ấy, hình ảnh một khu rừng như vậy chỉ là mơ tưởng hay có
thể hiện thực?
Có tiếng cười của những cô gái từ
phía rừng vọng ra. Chàng không muốn
đi đến hướng ấy nữa. Chàng ngồi lại. Chẳng biết có định mệnh nào
chờ ta vào ngày mai?
Phải chăng, những thăm dò, dự định, dự tưởng chỉ như là những mũi tên hữu hạn
bắn vào tương lai mịt mù phía trước? Vô ích thôi.
Có thể chàng sẽ đói và chết ở đây. Nhưng sự việc như vậy cũng vừa tầm thường vừa kỳ lạ quá. Lại giản dị nữa. Chàng có thể nhịn đói và
chết nhưng chắc chắn là với nụ cười bình lặng. Chàng cũng có thể
ăn cỏ, rễ cây, lá cây, củ rừng và nhiều thứ tương tự khác để sống. Chàng
biết rằng mình có thể thích ứng với những đời
sống thật đơn giản. Đơn giản như một sa-môn khổ hạnh. Chết
sống không vấn đề. Mà vấn đề là sống để làm gì và chết
để làm gì. Sự sống vốn bất khả hủy diệt thì đời sống
mới
chỉ là sự kéo dài của đời sống cũ - rồi có khác gì với những khổ đau và vô vọng
hiện giờ không? Hay qua một cuộc tái sanh, sự khổ đau còn mịt mù hơn vậy nữa,
cộng thêm một lớp thời gian, chủng nghiệp và vô minh?
Ta sẽ thí nghiệm thỏng
tay buông thả đời mình, Triết Hựu nghĩ. Và chàng lại
nằm dài xuống gốc cây.
Có tiếng vó ngựa. Hựu nom thấy một
thiếu nữ đang rẽ cương tiến về phía rừng. Dáng dấp quen
thuộc của thiếu nữ đập vào trí tò mò chàng. Triết Nguyệt!
Thiếu chút nữa chàng la lớn. Triết Nguyệt đi ngựa, đấy
là một điều kỳ lạ. Lại một mình vào rừng, đấy là một kỳ
lạ khác.
Một chiếc xe hai ngựa từ chân đồi đi ra. Thoáng thấy
xe, Triết Nguyệt buông cương cho ngựa dừng lại. Nàng
buộc ngựa rồi đến ngồi trên một tảng đá. Xe đã
đến gần. Và khi ấy, Triết Nguyệt cất
giọng hát:
“Khi nàng đến, Thượng đế chợt che mặt
sau làn lụa trắng,
Và dòng sông thì trải mình bằng tấm
thảm xanh,
Cả vũ trụ nín hơi rồi cất lời ca
thánh linh,
Đấng ngôn và lời ngủ quên trong đôi
mắt biếc,
Ta thổi linh khí pràna thành mưa bụi
nhỏ rải lên mái tóc nàng,
Thành hạt ngọc màni
Ta hiến dâng nàng, ôi thần nữ...
Em chàng sao lại thuộc cả thơ của tu
sĩ Chandi Das? Ôi! Nhà thơ trữ
tình lãng mạn xứ Bengali đó đã nhập thể vào tâm hồn Triết Nguyệt rồi chăng?
Tiếng ca ấy rõ ràng đã làm cho nàng ly thoát khỏi trần gian hạn hẹp để bay bổng
lên mấy tầng trời cao vút. Triết Hựu lặng lẽ nhìn đôi mắt Triết Nguyệt lim nhim,
hai tay
ngửa ra như muốn ôm choàng cả vũ trụ vào lòng. Và chính chàng
cũng thấy tâm hồn mình lâng lâng, như rơi hẫng vào một cõi miền khói sương, nửa
hư nửa thực, có âm nhạc lời ca, vũ khúc nghê thường và tiên nữ.
Lời ca ấy cũng có mãnh lực làm cho chiếc xe hai mã dừng lại, bất động. Phía sau xe
hai thiếu nữ bước ra, cũng đưa mắt nhìn Triết Nguyệt, lặng lẽ…
Lời ca đã dứt mà âm hưởng hình như
còn véo von, lên cao mãi, len lõi qua mấy từng mây.
Hựu chưa một lần dám nghĩ rằng, một bài ca tình ái mà có mãnh lực đưa tâm hồn
người lên cao như vậy, lại có thể giải thoát trong một vài phút giây nữa… Ôi,
nhưng đấy cũng chỉ là một trạng thái vong ngã thôi, dù là vong ngã tuyệt vời! Nó
cũng là một hình thức của khoái lạc đấy, nhưng chỉ là khoái lạc phù du! Không ngờ em chàng mà cũng có đời sống tình cảm vời vợi như vậy.
Từ lâu, trong mắt chàng, Triết Nguyệt chỉ là sự kết tinh của một khối thuần chất
hồn nhiên, một cái gì ở bên kia của cõi thánh thiện và
cao khiết. Hình ảnh của một viên ngọc pha lê trắng tinh,
trong suốt thường hiện lên trong óc chàng mỗi khi nghĩ đến em. Viên ngọc ấy, bây
giờ, có cái gì đây, như là những hạt cát vi ti dính lên
ở đấy bởi một chất keo cuộc đời? Có cái gì ở đấy nữa, hình như
là những sợi mỏng của tháng năm, niềm vui, nỗi buồn, yêu thương và đau khổ?
Như vậy, có nghĩa là Triết Nguyệt đã đánh mất thiên đường tuổi thơ.
Có nghĩa là bắt đầu làm một hiện sinh để đi vào dòng trôi chảy cát lửa của trần
gian. Triết Hựu lại thở dài, đăm chiêu, tư lự.
Lúc ấy, một thanh niên bà-la-môn bước
ra khỏi xe: Vọng Việt. Lại một lần
nữa, Triết Hựu suýt buột miệng kêu lên. Chàng hầu như không còn tin ở mắt mình nữa.
Có thể như vậy được sao? Cái thế giới thường được coi
là nhất thể mà nó phức tạp muôn chiều như vậy à? Sự biến hóa đa dạng của nó lại tạo nên những tao ngộ đến không lường
ước được.
- Sao nàng lại biết ta ở đây mà tìm
đến?
Triết Nguyệt không trả lời Vọng Việt
mà đưa mắt nhìn hai thiếu nữ với đôi mắt buồn hoang dại.
Vọng Việt hôn tay nàng:
- Đấy là hai người hầu nữ thường đi theo ta mỗi lúc đi dạo - do lệnh của cha.
Nàng đừng có ý nghĩ nào khác.
Hỡi thần nữ! Vũ trụ này trong mắt ta, chỉ có nàng thôi.
- Hầu nữ mà cũng quốc sắc thiên hương
nhỉ. - Triết Nguyệt lơ đãng nói.
Vọng Việt ngồi xuống một bên, ôm bờ
vai nàng.
- Địa vị của ta bây giờ nó rắc rối
như vậy đó. Hình như mỗi người
đều có một hiện hữu với những tương quan nhất định.
Nói một cách minh triết là: tương quan xác định cho hiện hữu.
Cắt đứt tương quan, hiện hữu không thực tại. Nàng có
đồng ý với ta như vậy không?
Triết Nguyệt quay mặt đi, cười lạt:
- Thưa giáo chủ! Nơi đây chẳng phải là diễn đàn của minh triết để giáo chủ trổ tài
với môn đệ. Nói chuyện với môn đệ thì chỉ cần đao to
búa lớn chứ không cần đúng sai. Nói chuyện với môn đệ thì chỉ cần nói sao
cho kêu, cho bay bướm văn hoa chứ không cần một lý luận chặt chẽ. Nhưng thưa giáo chủ, khi nói chuyện với người khác thì nên chú trọng
đến sự sơ hở và sai lầm của lý luận.
Vọng Việt vẫn ôn tồn:
- Ta lý luận sai ư? Nàng hãy chỉ cho ta nhé?
- Vũ trụ
này chỉ có nàng thôi! Sao mà nịnh nọt
ngon ngọt đến thế. Khi
vũ trụ mà chỉ có một, thì không là một hiện hữu độc lập đứng ngoài mọi tương
quan đó sao? Mà hiện hữu độc lập đứng ngoài mọi tương quan vốn không thực tại.
Vọng Việt không hề lúng túng, vuốt
mái tóc nàng, mỉm cười:
- Có chứ, thưa thần nữ! Có cái hiện
hữu mà độc lập tuyệt đối ở ngoài mọi tương quan so sánh đối đãi: đấy là vẻ đẹp
toàn bích và toàn mỹ, đấy là Thượng đế của tâm hồn ta, thần nữ ạ!
Hắn là một kẻ nhồi bóp được nghịch lý
mà, Triết Hựu nghĩ.
Chàng lại không ngờ trên tình trường, hắn còn là một con cáo
già nhiều thủ đoạn ma mị nữa. Em chàng lại là một con nai tơ trên bước
đường tình ái cũng như suy tưởng và lý luận, thì làm gì thoát khỏi được cái bẫy
tròng êm ái đó? Hắn còn một lợi khí nữa là vẻ đẹp nam tính
cùng danh vọng. Chẳng thể cứu gỡ được nữa rồi.
Cắt đứt tương quan nghĩa là chấm dứt hiện hữu. Đấy là
trường hợp của em chàng chứ không phải là Vọng Việt.
Nàng ở ngoài tương quan với Vọng Việt, nàng sẽ không sống nổi.
Họ nói chuyện với nhau rất nhỏ, một
lúc lại đề cập đến chàng:
- Thế ra em không tìm ra ảnh ư?
- Vừa trở về nhà thì em nghe mẹ kể
lại sự xung đột. Ảnh bảo là sẽ bỏ gia đình mà vĩnh viễn ra đi để làm một hoang tử vô
quy.
Hoang tử vô quy, ôi, biết làm sao gặp ảnh để nói một lời!
Triết Nguyệt lại hỏi Vọng Việt:
- Hình như Triết Hựu không còn thân
với anh nữa? Tình bạn cũng đoạn tuyệt luôn?
- Có lẽ vậy. Y chọn con đường vô
danh. Nhưng y không hiểu rằng vô cũng là hình thức khác của
hữu. Con đường đã đối nghịch thì làm sao còn gặp được nhau như thuở “vô
phân biệt” của tuổi thơ?
- Anh ấy sẽ về đích trước anh.
Vọng Việt có vẻ trầm ngâm:
- Ảnh cao thượng và thánh thiện quá.
Kẻ còn tìm kiếm. Ta thì dừng lại rồi.
Triết Nguyệt cười rúc rích:
- Dừng lại ở cái địa vị giáo chủ minh
triết giáo? Dừng lại ở cái chức hàn lâm đại học sĩ của quốc vương trao?
Dừng lại ở nơi tòa lâu đài, bạc tiền, ngựa xe và hầu nữ?
Im lặng.
- Nàng “không thấy” được ta đâu, đừng
nghĩ lầm mà trở ngại cho tình yêu thương. Dù sao, ngoài Triết Hựu, ta chẳng còn
một người bạn nào! Một người bạn đúng nghĩa: thiện – trí – thức và chân tình.
Y tỏ vẻ cao thượng,
chung thủy, tự chủ và hiểu biết. Ôi! Dối trá đến thế là cùng!
Lại im lặng.
- A! hồi
nãy em định gặp Triết Hựu để nói một lời gì?
- Để hỏi rằng trên lộ trình thành tựu
đấng ấy, có phải là quay lưng luôn với tình mẹ? Sự khổ đau của
người mẹ?
- Nó vượt qua. Nhưng mà lại dung
chứa. Đây là sự mâu thuẫn trên sự tướng nhưng lý tánh thì
không.
Em chưa thể hiểu được đâu.
- Còn Triết Hựu?
- Hiểu.
Hựu quay mặt đi cố tránh nhìn hình
ảnh âu yếm giữa hai người, nhưng thật ra là không muốn xác minh một sự thực: tâm
hồn trong trắng pha lê của em chàng đã có tỳ vết. Và con người tinh thần của
Vọng Việt đã bị hoen ố bởi con người thân xác.
Một xót xa nào đó dâng tràn lên mắt
Hựu. Và chàng thấy mình chảy nước mắt.
Con người không còn gì đáng tin cậy nữa. Thế giới đã sụp đổ
trước mắt chàng. “Không có cái phi thường, chỉ có cái tầm thường thôi sao?”
Cái ấy nó ẩn kín ở phần thâm sâu nhất của tự ngã con người, khi duyên ngoại cảnh
thì nó hiện hình ra và chi phối mọi lãnh vực sinh hoạt đời sống. Chàng có thể sờ
mó được, nắm bắt được, ở nơi đây, ở nơi này…!
Vọng Việt và Triết Nguyệt đã dẫn nhau
đi dạo. Hai chiếc bóng quấn quít bên nhau
như một tương quan đồng hiện hữu, không có cái này thì không có cái
kia
và ngược lại! Rồi chuyện gì sẽ xảy ra? Đấy là
luân
hồi, chàng lẩm bẩm. Đấy là tử sinh, chàng thở dài. Họ đã bị cuốn trôi trong dòng ái dục xấu xa và hèn mọn.
Họ đã buông trôi đời mình, đã thỏa hiệp với ma vương, đã nằm lại và không còn
lên đường nữa. Ta chẳng thể như họ.
Hai người tì nữ của Vọng Việt nói
chuyện với nhau: câu chuyện về tình ái. Hựu đã không muốn nghe nhưng tiếng nói
cứ lọt vào tai chàng. Và chàng cũng tự thú nhận rằng, sự từ chối của chàng không trọn vẹn. Chàng vẫn đồng lõa ngấm ngầm ở phía bên trong. Ta vẫn có một
con thú luôn luôn tìm cơ hội để tuôn vọt ra bên ngoài…!
- Từ khi ăn
trái cấm đến nay - một người nói - Em cảm thấy mình luôn luôn thiếu thốn.
Luôn luôn muốn nếm, muốn sờ, muốn lặp lại cái kinh nghiệm vượt ngoài ngôn ngữ
ấy.
- Cho nên khổ đau! - Người khác trả
lời.
- Đấy chỉ là lý luận.
Hoặc chỉ là kiến thức hoặc kinh nghiệm của người khác.
Vệ-đà, Kỳ-na, Phật giáo cũng từng nói như vậy.
- Các truyền thống tâm linh họ nói
lên cái sự thực, không phải sao? Sau khoái lạc là đau khổ. Hay nói cho đúng hơn, khoái lạc là hình thức thứ hai của đau khổ.
Mặt bên này và mặt bên kia, cực bên này và cực bên kia,
đồng thời chúng ở trong nhau, là một. Toàn bộ vận hành của cõi mµyµ đều
là sự đong đưa giữa hai cực, không bao giờ dừng nghỉ ở cái quân bình, cái trung
tính. Do vậy, cũng gọi là bất toàn, rỗng không, bất khả đắc, bất khả trụ, bất
khả thủ… Sinh và tử là nhịp độ qua lại đều đặn khắp hai chiều
kích không thời gian. Minh triết dạy rằng: các hiện tượng ngoại giới hoặc
các trạng thái nội tâm đều là cái sinh diệt, như huyễn chứ không phải là cái đời
đời, cái vĩnh phúc!
Có tiếng cười lạt.
- Hiền tỷ, em xin nói với hiền tỷ một
điều có được không?
- Cứ nói!
- Cái gì mình thật biết thì hãy nói.
Không biết hoặc là chưa thật biết thì nên lắng nghe và học hỏi. Kinh điển, sách vở là cái chìa khóa, nhờ đó ta tìm mở kho tàng của
chính mình, cánh cửa tâm linh mình. Chẳng bao giờ
cái chìa khóa là cứu cánh cả, nó chỉ có giá trị khai mở, dẫn lối. Và con
đường, cánh cửa là tự ta lên đường, tìm đến và gõ cửa…
Có tiếng cười lạt khác:
-Phải mà! Nghĩa là em khuyên chị cũng
phải biết ăn
trái cấm như em? Để khổ đau?
Nghĩa là đem thân xác mà thí nghiệm các thỏa mãn thân xác?
Đem thân xác mà kinh nghiệm những dơ dáy và uế trược? Ôi, minh triết đã
từng dạy rằng, chúng là cái gì mà ta chẳng bao giờ
ôm nắm được, thỏa mãn được. Ta sẽ săn đuổi nó hoặc nó sẽ
săn đuổi ta chạy khắp cả ba cõi sáu đường. Em ơi, chỉ có kẻ
ngu
mới làm vậy còn kẻ trí thì không. Kẻ trí thì biết dừng lại, kẻ
ngu thì bị cuốn vào dòng…
Triết Hựu hồi hộp lắng nghe và chàng
cảm thấy kính phục người chị vô cùng tuy rằng luận cứ của người em không phải là
vô lý.
- Hiền tỷ ơi! Hiền tỷ đã không chân thật với lòng mình.
Im lặng.
- Hiền tỷ chỉ đọc trong kinh sách,
chưa có lời nào là của chính hiền tỷ. Hiền tỷ luôn luôn dùng
cái hiểu biết không phải của mình rồi tạm thời trấn an, ám thị. Không
trấn an, ám thị thì chạy trốn, đào tẩu bằng lý luận, kiến thức mà không như thực
thấy rõ sự bất an, xung đột, khát vọng thường hằng ở phía bên trong…
Im lặng.
- Em hãy nói nữa đi?
- Hiền tỷ luôn luôn cảm thấy mình bị
dồn nén lại. Dù kiến thức về con đường, về chân phúc, về Thượng đế có đầy ắp
trong chị thì chị vẫn thấy mình bị dồn nén lại. Và vẫn tò mò, khao khát. Vẫn muốn ăn trái cấm mà vẫn sợ khổ đau, hoặc sợ dư luận, đạo đức, luân
lý, tiếng tăm. Hiền tỷ ơi, hiền tỷ sợ bị đẩy ra khỏi thiên đường trong lúc chưa một lần nào hiền tỷ
cảm
thấy mình thật sự ở trong thiên đường.
Nếu Adam và Eva thật sự thấy mình ở trong thiên đường thì chẳng bao giờ họ lại
dại dột ăn trái cấm…
Có tiếng thở dài của người chị. Và bên này, Triết Hựu cũng thở dài!
- Thành thử, vấn đề không phải là
ăn trái cấm hay không ăn trái cấm, mà vấn đề là giải quyết khổ đau…
- Và là tìm kiếm hạnh phúc nữa chứ?
- Không phải vậy. Giải quyết khổ đau chứ không phải tìm kiếm hạnh phúc. Chị ơi,
em xin lỗi chị nhé! Cái gì chị cũng viện dẫn về minh triết, minh triết dạy như
thế này, minh triết dạy như thế kia, mà thật sự, chị
chẳng hiểu gì về minh triết cả. Chị hiểu minh triết theo
truyền thống kinh viện, từ chương, danh và lời - chứ chị chưa hiểu minh triết ở
trong sự sống nóng bỏng, hiện tiền, từng tế bào và từng hơi thở…
- Sao em nói nặng lời vậy?
- Chị có giận em không?
- Không. Vì chị
muốn học hỏi.
Im lặng.
- Hiền tỷ ơi, em kính trọng hiền tỷ
lắm!
- Em hãy trở lại vấn đề đi!
- Dạ. Chị ơi, đặt vấn đề tìm kiếm hạnh phúc là sai.
Tìm kiếm hạnh phúc là ta đã phản bội
truyền thống tâm linh giải thoát Ấn Độ. Tại sao vậy? Chị hãy nhìn vào thế gian: Rượu, các
chất say cũng hạnh phúc; cờ bạc, những giải trí vô ích, vô bổ cũng hạnh phú;
hăng say hoạt động xã hội, chính trị cũng hạnh phúc; ái ân, tình tự cũng hạnh
phú; ngủ yên, ăn ngon, mặc sướng, xe cộ, võng lọng, tiền tài, địa vị, danh vọng
cũng hạnh phúc; vào non cao rừng vắng cũng hạnh phúc; ngồi một mình với tâm an
tĩnh, vắng lặng cũng hạnh phúc… Tất cả cái ấy đều là quan niệm hạnh phúc của
người đời, theo mỗi hạng người cả đấy chứ?
- Em nói rõ hơn?
- Bởi hạnh phúc của mỗi người vốn
khác nhau. Hạnh phúc của nhà thơ là nhìn ngắm mây trôi, nguyệt tà, hoa nở...
Hạnh phúc của đạo sĩ là sống đời tịch mịch, thanh tịnh.
Hạnh phúc của tuổi trẻ là hoạt động, là tình ái, là mạo hiểm, là phong sương gió
bụi... Hạnh phúc của kẻ đa dục, vật chất, thân xác là rượu nồng, dê béo, gái
đẹp… Do vậy, chị ơi, do cái hạnh phúc của người này chẳng phải là của người
kia
nên bắt người tuổi trẻ mà sống đời của vị đạo sĩ thì chắc họ khổ đau lắm.
Và trái lại.
Chị ơi! Chỉ cái việc tìm kiếm hạnh
phúc thôi mà thế gian đã hiện hữu, nào là vô thần luận, hư vô luận, khoái
lạc chủ nghĩa, cá nhân chủ nghĩa, duy lý, duy danh, duy
thực, duy nghiệm, duy tâm, duy vật… Ai cũng muốn bắt mọi người đi
theo cái quan niệm hạnh phúc chủ quan của mình. Ôi! Hỗn
độn ở đấy. Đảo điên ở đấy.
Chiến tranh ở đấy. Máu lệ ở đấy…!
Chị ơi! Cái sự thật hầu như cưỡng lý,
nghịch lý này mà nó vẫn tồn tại từ ngàn xưa đến ngàn sau trên sân khấu cuộc đời:
Đời sống sở dĩ bị đánh mất hạnh phúc, không phải vì không có ai lo cho hạnh phúc
con người, mà vì có quá nhiều người lo cho hạnh phúc con người…
Chị ơi! Đấy không phải là sự thật cười ra nước mắt sao?
Cái sự thật mình không còn dám tin là sự thật nữa.
Sao con người lại ngu xuẩn đến độ: bắt tôi sống theo
quan niệm hạnh phúc này trong lúc hạnh phúc tôi là cái khác? Xã hội cũng giải
quyết ngu si như vậy, triết học cũng giải quyết tối tăm
như vậy, tôn giáo cũng giải quyết điên rồ như vậy…!
Chị ơi! Đừng bao giờ khởi lên một câu hỏi tương tự như vậy - làm thế nào để
đạt được hạnh phúc? Mà chính khi giải quyết được khổ đau thì hạnh phúc sẽ hiển lộ.
Cái hạnh phúc này sẽ không còn tên gọi nữa, tạm gọi là chân phúc…!
Đây là tư duy biết vượt ra ngoài tư
duy! Thật kỳ lạ. Một người tỳ nữ mà
sự lãnh hội đến dường ấy ư?
Không những chỉ lãnh hội qua kiến thức mà còn cả tâm chứng
nữa. Triết Hựu bần thần suy nghĩ.
Chàng nhớ từ lâu lắm, chàng và Vọng Việt có thảo luận về vấn đề này. Cuộc
thảo luận không đi đến đâu sau khi dẫn
nhau đến kết luận như
vậy. Hôm đó, VọngViệt đã cười xòa:
- Này thiện hữu ơi!
Nếu mỗi người có một hạnh phúc chủ quan riêng thì vấn đề khổ
đau cũng tương tự. Tôi giải quyết khổ đau của tôi theo
hiểu biết của tôi, sở thích của tôi, kinh nghiệm của tôi, sở trường của tôi -
can cớ gì mà các anh xen vào? Anh chỉ hợp lý với riêng anh thôi.
- Vậy giải quyết khổ đau cũng sai ư?
- Giải quyết khổ đau là phản ứng, là
thái độ tự phát của mỗi người, làm sao lại gọi là sai lầm được. Anh
kia uống rượu quá độ sinh ra nôn mửa, đầu váng mắt hoa, lần sau anh uống
ít lại - Đấy là lối giải quyết khổ đau của anh. Chúng ta thao thức về tuyệt đối,
về Thượng đế, rồi không mỏi công săn cầu, tìm kiếm - đấy cũng là một lối giải
quyết hạnh phúc theo quan niệm của chúng ta…
- Có phân biệt cao thượng và hạ liệt
ở đây không?
- Không thành lập vì khổ đau vốn bình
đẳng.
- Một người làm việc thiện để dành
phước phần cho mai sau - là lối giải quyết hạnh phúc của họ. Một kẻ nghèo đói,
túng thiếu, sanh tâm trộm cắp để chi dùng - đấy cũng là cách giải quyết khổ đau
của hắn ta!
- Có giá trị thiện ác ở đây không?
- Khổ đau vốn
bình đẳng nên đạo đức cũng không thành lập.
- Cho chí một kẻ sanh tâm tà dâm vợ
người cũng là cách giải quyết khổ đau…
- Đúng vậy, ở đây, luân lý cũng không
được thành lập.
- Nói tóm lại, một triệu người có một
triệu khổ đau khác nhau thì phải có một triệu lối giải quyết khác nhau… Than ôi!
Bóng tối, địa ngục, bi thảm cũng do vậy mà phát sanh - mà nguy nga, hoằng viễn,
muôn màu muôn sắc cũng từ đó khởi phát. Tử có thì sinh
cũng đồng hiện hữu.
- Dĩ nhiên cũng phải có người tìm ra
được lối giải quyết phổ biến, nền tảng, đã tìm ra được mẫu số
chung
giữa những cái thiên sai ngàn khác chứ? Vô lẽ có riêng chứ không có
chung? Có dị chứ không có đồng?
- Thiện hữu ơi! Thiện hữu có khảo sát
lại cái kiến thức của tôi không đây? Cái biết của tôi cũng giống với cái biết
của thiện hữu mà!
- Hãy nói đi! Chúng ta nên tìm kiếm cùng nhau.
- Thiện hữu cũng đã hiểu rằng Phật
giáo và Kỳ-na giáo đã tìm ra mẫu số chung ấy, cái chung
ấy, cái đồng ấy, cái một ấy.
- Đúng vậy, nó chính là ái dục.
Nguyên nhân của vô lượng khổ đau sai khác đều do tâm ái dục không chịu ngừng
nghỉ. Nhưng than ôi, đó cũng chỉ là một lối
giải quyết của Phật giáo, của Kỳ-na giáo
thôi. Nghĩa là mới tìm ra được cái chung của cái riêng
chứ không thể tìm ra cái chung của cái chung! Và rồi, vấn đề vẫn còn nguyên vẹn
ở đấy, chưa đi được bước nào! Và rồi, trên thế gian, mỗi người cứ giải quyết khổ
đau theo cách thức của người ấy, theo cái chủ quan của
người ấy. Chuyện gì sẽ xảy ra? Đó là tranh luận, là xung đột, là chiến tranh, là nước mắt.
Cái đã xưa nhưng vẫn là cái rất mới: khổ đau vẫn hiện hữu bất động, vô địch và
bất khả xâm! Vọng Việt ơi! Bạn tính lẽ nào, hãy giúp tôi chứ?
Vọng Việt cười tư lự:
- Tôi cũng chỉ nghĩ được có thế,
thiện hữu ạ!
- Vậy thì vấn đề bạn nêu ra từ đầu
chưa xê dịch được một phần mười sáu ly!
- Thế là đã khá lắm - Vọng Việt cười
to - Vì từ xưa đến nay, chưa ai xê dịch được nhiều như thế!
- Vậy ra, chúng ta tuyệt vọng hoàn
toàn ư? Vấn đề là sai ư? Giải quyết
là sai ư?
- Đấy. Đấy.
Vấn đề! Vấn đề! Giải quyết. Giải quyết! Khổ đau ở đấy!
Triết Hựu còn nhớ là sau khi Vọng
Việt nói như vậy chàng đâm ra bối rối.
Tuy thế, chàng lại dùng lý luận:
- Bạn ơi! Dù thế nào bạn cũng không vượt qua được bạn đâu. Nhận thức
chính là giải quyết! Bất lực, im lặng, tuyệt vọng hoặc không giải quyết cũng là
một hình thức của giải quyết thôi!
Đến lượt Vọng Việt bối rối, chàng
tiếp:
- Hạnh phúc là hình thức khác của khổ
đau. Giải quyết khổ đau cũng khổ đau.
Không giải quyết khổ đau cũng khổ đau.
Từ xưa đến nay, và còn mãi mãi sau này một hiện hữu duy nhất thôi: Khổ đau!
Vọng Việt cười lớn, đồng tình:
- Phải rồi. Vì khổ đau là chân lý!
Cuộc thảo luận đã đi đến chỗ cuối
cùng, cái hố thẳm, cái đỉnh cao vô lượng hay vực thẳm không đáy thì cũng vậy. Mà than ôi! Cái cuối cùng cũng chính
là cái đầu tiên: khổ đau. Không trách gì đức Gotama đã nêu ra chân lý thứ nhất
là khổ đế và tượng trưng cuộc sinh tử và sự tương quan phát sanh bằng cái vòng
tròn vô thỉ vô chung. Làm sao để vượt
ra? Mà vượt ra là vượt ra đâu?
Bế tắc.
Triết Hựu nằm suy nghĩ
lan man như vậy. Đã biết là suy tưởng không đi đến đâu mà vẫn suy tưởng. Suy tưởng cũng là một khát vọng?
Cũng là hình thức khác của khổ đau thôi. Bế tắc!