Vùng đất này được người đời
gọi là “nóc nhà của thế giới” vì nó nằm quá cao so với mực nước biển.
Người khác thì cho nó hai chữ “huyền bí” vì không hiểu hết được sự thâm
sâu trong hành vi và suy nghĩ của người dân bản địa.
Hồi cuối thế kỷ 19, các nhà thám hiểm phương Tây đã thực hiện những
chuyến khám phá vùng đất huyền bí Tây Tạng bằng đường bộ khá gian nan.
Ngày nay, du khách đến Tây Tạng - một khu tự trị thuộc Trung Quốc - dễ
hơn nhiều vì hệ thống giao thông thuận lợi với xa lộ, tàu cao tốc và
đường hàng không. Tuy nhiên, sau khi đã có visa vào Trung Quốc, muốn lên
Tây Tạng, bạn buộc phải có giấy phép đặc biệt do chính quyền sở tại
cấp. Không có giấy phép đặc biệt, bạn sẽ bị từ chối bước vào vùng tự
trị này.
Lhasa - Ảnh: Đ.X.H
|
|
Từ tháng 11 đến hết tháng 4
năm sau là khoảng thời gian người ta khuyến cáo bạn không nên đến Tây
Tạng vì sự khắc nghiệt của thời tiết. Trong thời gian này, một số hoạt
động văn nghệ, vui chơi giải trí ở Lhasa cũng ngừng hoạt động vì lượng
du khách vắng vẻ, và cũng vì trời lạnh tê tái. Tốt nhất hãy đến đây vào
mùa hè, thời tiết ấm áp hơn.
|
|
Theo lời mời của Công ty điện tử Samsung Vina, đoàn nhà báo chúng tôi đã
làm một chuyến lữ hành đến Tây Tạng bằng đường hàng không. Tưởng di
chuyển bằng máy bay (từ sân bay Tân Sơn Nhất) thì nhanh nhưng vất vả
không kém vì phải transit ở Bắc Kinh, Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên)
rồi mới đến được Lhasa (thủ phủ của Tây Tạng). Khởi hành lúc 1 giờ sáng,
ăn ngủ vật vờ trên máy bay mãi đến chiều tối mới đến được Lhasa. Từ
Việt Nam đi qua Mỹ xem ra còn dễ chịu hơn.
Lúc hạ cánh xuống phi trường quốc tế Lhasa, qua ô cửa sổ máy bay, tôi
thấy khoảng chục chiếc chiến đấu cơ phản lực “trùm mền” nằm dọc theo
phi đạo. Có vẻ như đây là phi trường bán quân sự thì phải. Mang tiếng là
phi trường quốc tế nhưng thực ra chỉ có duy nhất đường bay từ thủ đô
Kathmandu của nước Nepal láng giềng đến Lhasa mà thôi. Ngày trước, từ
phi trường vào đến trung tâm thủ phủ Lhasa mất cả tiếng đồng hồ vì phải
đi vòng qua núi. Nay thì sự di chuyển bằng ô tô nhanh hơn nửa tiếng vì
người ta đã xây đường hầm băng qua núi. Kể từ khi thực hiện chính sách
“hướng về phía tây” của chính quyền trung ương, hệ thống hạ tầng cơ sở
của Tây Tạng được cải thiện đáng kể.
Lhasa là một thung lũng nằm ở độ cao 3.650m, tứ bề được các dãy núi
cao hơn 5.000m bao bọc. Không chỉ Lhasa, hầu hết Tây Tạng đều có địa
hình núi non trùng điệp, tuyết phủ trắng xóa. Ngay cả đỉnh Fansipan của
Việt Nam với độ cao 3.143m, được mệnh danh là “nóc nhà của Đông Dương”,
vẫn thấp hơn mặt bằng của Tây Tạng. Với độ cao bình quân hơn 4.000m, có
lẽ cả Tây Tạng nằm lọt thỏm giữa những tầng mây.
Nơi đất - trời giao thoa - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
|
Lhasa rộng khoảng 550 km2, lớn hơn thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk
Lắk) một chút, dân số khoảng nửa triệu người chiếm đa số là người Tạng,
còn lại là người Hán và Hồi.
Tây Tạng nói chung và Lhasa nói riêng đều có thời tiết khắc nghiệt vì
không khí loãng. Đầu tháng 11, ngay đêm đầu tiên lưu trú, chúng tôi đã
chứng kiến bông tuyết rơi là đà trên phố. Thế nhưng đoàn nhà báo chẳng
có ai dám tản bộ dưới bầu trời lãng mạn ấy vì lạnh thấu xương. Tôi đã
từng trải qua cái lạnh 0 độ ở châu Âu và Mỹ, thậm chí -5 độ ở Bắc Kinh,
nhưng cái lạnh 0 độ ở Tây Tạng hoàn toàn khác, nó có thể quật ngã bạn
bất cứ lúc nào. Trong 3 ngày ở đây, mặc dù được trang bị bình oxy để
thở, đoàn chúng tôi đã có người ói mửa, chảy máu mũi, môi khô nứt, mặt
mày tái mét, ăn không được, ngủ chập chờn nửa tỉnh nửa mê, thậm chí có
người chỉ muốn vào bệnh viện vì nghĩ mình… sắp chết đến nơi!
Ở Lhasa có một công trình kiến trúc nổi tiếng khắp thế giới: cung
điện Potala. Người ta nói rằng nếu chưa viếng Potala thì coi như bạn
chưa đến Tây Tạng, tựa như “bất đáo Trường Thành phi hảo hán” nói về
chuyện du khách đến Bắc Kinh mà chưa leo lên Vạn Lý Trường Thành thì
chưa biết gì về Trung Quốc vậy.
Tây Tạng ngày nay - Kỳ 2: Potala linh thiêng
Người Tây Tạng, dù ở bất kỳ
nơi đâu trên lãnh thổ Trung Quốc, cũng muốn ít nhất một lần trong đời
đến Lhasa để viếng cung điện Potala.
>> Tây Tạng ngày nay (kỳ 1)
Di sản thế giới
Người Tạng hành hương đến Potala vì nơi đây thờ Phật, đồng thời là
nơi ngự trị và an nghỉ của các Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama) đã viên tịch.
Cung điện Potala bắt đầu được xây dựng vào năm 1645 dưới thời Đạt Lai
Lạt Ma thứ 5, phải mất 50 năm mới hình thành quy mô như hiện nay gồm
Hồng cung và Bạch cung, với tổng cộng 1.000 phòng. Công trình uy nghi
này được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1994.
Hành hương lên cung điện Potala - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
|
Chúng tôi đến viếng Potala vào một buổi sáng trời đẹp, nắng dịu dàng
điểm xuyết bởi những hạt bông tuyết rơi nhẹ nhàng. Lhasa là một thung
lũng được núi bao quanh. Giữa thung lũng có một ngọn đồi và người Tây
Tạng đã xây dựng Potala trên ngọn đồi ấy, ở độ cao 3.600m so với mực
nước biển, là cung điện cao nhất thế giới hiện nay. Muốn lên đến tầng
trên cùng của cung điện - nơi linh thiêng nhất, bạn phải trải qua hơn
300 bậc thang.
Ước tính có hàng ngàn người đến viếng Potala mỗi ngày, đa số là người
Tạng cùng một thiểu số du khách thập phương. Trong dòng người ấy, bạn
dễ dàng nhận biết đâu là người Tạng, đâu là du khách do trang phục và
nét mặt. Phần lớn người Tạng hành hương đến Lhasa đều cầm trên tay tràng
hạt hoặc “Kinh luân cầu nguyện” (Prayer Wheel - một vật dụng tâm linh
đặc trưng của người Tây Tạng), vừa đi vừa xoay (theo chiều kim đồng hồ)
và thầm đọc kinh bằng tiếng Phạn. Chúng tôi hăm hở hòa theo dòng người
hành hương chậm rãi bước bộ lên Potala. Sở dĩ phải bước chậm rãi vì ở
vùng không khí loãng như Tây Tạng, leo hàng trăm bậc thang rất dễ bị hụt
hơi. Quan sát thấy cứ lên hết một tầng, nhiều người phải dừng lại để…
thở, kể cả du khách phương Tây, đoàn nhà báo chúng tôi cũng không phải
ngoại lệ. Chỉ có người Tạng hình như không biết mệt khi di chuyển trên
những bậc thang ấy. Cuộc sống gắn liền với núi đồi đã giúp cho họ có đôi
chân dẻo dai nên đi lên Potala chỉ là “chuyện nhỏ”, chuyện lớn chính là
đức tin.
Nơi an nghỉ của các Đạt Lai Lạt Ma
Lên cung điện Potala, người Tạng nào cũng tâm niệm phải đặt chân đến
các tầng trên cùng vì nơi đó thờ Phật, nơi đặt kim tháp (mộ táng của các
Đạt Lai Lạt Ma) và cũng là nơi ngự trị quyền lực chính trị và tôn giáo
cao nhất của Tây Tạng trong quá khứ. Lúc ghé thăm phòng tiếp khách của
Đạt Lai Lạt Ma, khoảng sân phía trước ghế ngồi của ngài có rất nhiều tấm
vải lụa trắng của người hành hương gửi lại. Khi vừa đặt chân đến Lhasa,
tôi cũng được anh chàng hướng dẫn viên du lịch người Tạng tặng cho một
chiếc khăn như vậy, ý nghĩa của nó là để chúc phúc.
Người Tạng hành hương đến Lhasa cầm trên tay “Kinh luân cầu nguyện” - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
|
Sự uy nghi và linh thiêng của cung điện Potala khiến người hành hương
phải cúi đầu bái lạy, những vị khách lạ cũng không dám làm điều càn
quấy. Potala sở hữu vô số hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa lẫn kinh
tế, trong đó phải kể đến mộ táng của Đạt Lai Lạt Ma đời trước được làm
bằng vàng. Khi đế quốc Anh xâm chiếm Ai Cập, họ đã rinh về mẫu quốc khá
nhiều hiện vật thời cổ đại. Trong bảo tàng Anh quốc ở London hiện nay có
hẳn một khu vực riêng để trưng bày về nền văn minh Ai Cập, trong đó có
cả một ngôi mộ bằng đá hoa cương khá to của Pharaon. Vậy mà lúc xâm
chiếm Tây Tạng qua ngả Ấn Độ, người Anh đã không đụng đến mộ táng bằng
vàng của Đạt Lai Lạt Ma. Trải qua bao cuộc thiên tai địch họa, kể cả
trong cơn bão táp “Cách mạng Văn hóa” (1966-1969) dưới thời Mao Trạch
Đông, cung điện Potala vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn những gì hiện hữu
bên trong lẫn cấu trúc bên ngoài. Các công trình kiến trúc đặt trên nền
đá như Potala có độ bền vững khá cao. Khu Mahattan ở thành phố New York
của Mỹ cũng được xây trên một vỉa đá cứng như vậy.
Người ta đã xây dựng một khu hành chính khác để các quan chức và nhân
viên làm công việc điều hành Lhasa, Potala vì thế đã không còn là trung
tâm quyền lực về chính trị của Tây Tạng nữa. Cung điện ấy giờ đây biến
thành viện bảo tàng. Thế nhưng đối với người Tây Tạng, hình như cung
điện Potala (hay bảo tàng Potala) vẫn hiện hữu với tất cả sự linh
thiêng, sùng bái trong tâm tưởng của họ. Bất kể thời tiết ra sao, những
đoàn lữ khách hành hương từ khắp mọi miền vẫn đổ về Potala mỗi ngày, họ
đến để minh chứng lòng thành với Phật và có lẽ với một ai đó vì nguyên
nhân này khác đã không còn hiện hữu nơi đây.
Tây Tạng ngày nay - Kỳ 3: Lạt ma và Hoa hồng
|
Vườn tranh luận - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
|
Ở ngoại ô thủ phủ Lhasa có một tu viện mang tên Sera Monastery mà nếu
đến thăm, bạn sẽ chứng kiến một trong những phương pháp tiếp thu kiến
thức độc đáo của người Tây Tạng.
Sera Monastery nằm dưới chân núi đá khô cằn, ngoại ô Lhasa.
Tu viện này thuộc phái Mũ Vàng (Gelugpa - Hoàng Mạo), là 1 trong 3 tu
viện quan trọng bậc nhất của Tây Tạng, được xây dựng vào đầu thế kỷ 15.
Sera Monastery còn được biết đến với tên gọi Tu viện Hoa hồng, bởi chữ
Sera trong tiếng Tạng có nghĩa là hoa hồng, vì khi khởi công xây dựng tu
viện vào năm 1419, nơi đây tràn ngập hoa hồng dại. Một khu đồi núi cằn
cỗi mà lại có hoa hồng mọc lên, tô điểm thêm cho sự kỳ bí của tu viện
này. Thêm nữa, trên một đất nước rộng mênh mông như thế mà các bậc đại
sư thời xưa lại chọn khu đất có hoa hồng để xây tu viện, chắc không phải
ngẫu nhiên.
Tu viện Sera được biết đến như là Trường đại học Phật giáo của Tây
Tạng. Khu vực này khá rộng, gồm 3 trường: Sera Mey Dratsang (giáo dục
kiến thức cơ bản), Sera Jey Dratsang và Ngagpa Dratsang (đào tạo Lạt ma
phái Mũ Vàng có trình độ tương đương cử nhân và tiến sĩ Phật học), tu
sinh phải học và thi khoảng 300 loại kinh kệ, chưa kể các môn khoa học
khác. Giống như các trường đại học trên giới, tu viện Sera cũng có ký
túc xá dành riêng cho tu sinh. Đào tạo Lạt ma chỉ dành cho nam giới từ
16 tuổi trở lên, do đó không hề có nữ tu sinh trong các tu viện ở Tây
Tạng. Hiện tại muốn vào bên trong tu viện, bạn phải trình giấy thông
hành đặc biệt cho đồn cảnh sát đặt ở đầu đường vào.
Vào những buổi chiều, trong vòng từ 1 - 2 tiếng đồng hồ, dưới bóng
râm của những tán cây có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi, các tu sinh của tu
viện Sera tụ tập lại (giống như giờ ra chơi) để trau dồi kiến thức
trong không gian gọi là Vườn tranh luận với mặt sân toàn đá cuội. Người
đứng đập hai bàn tay vào nhau nghe “chát” một cái, uốn hai cánh tay nhẹ
nhàng như một vũ công, rồi hỏi người ngồi một câu gì đó. Người ngồi trả
lời, người đứng hỏi tiếp với cùng điệu bộ ấy.
Có thể xếp Vườn tranh luận của tu viện Sera vào loại sôi động nhất
trong hệ đại học trên toàn thế giới. Qua lời giải thích của anh hướng
dẫn viên du lịch người Tạng, sự tranh luận ấy được thể hiện bằng kiến
thức phổ thông hoặc thâm sâu tùy theo nội dung câu hỏi và câu trả lời
của các tu sinh, ví dụ: Người hỏi: Lá cây có màu gì? Người trả lời: Màu xanh. Hỏi tiếp: Tại sao lá cây có màu xanh? Trả lời: Do diệp lục tố tạo nên. Hỏi tiếp: Tại sao lá cây chuyển sang màu vàng? Trả lời: Đó là dấu hiệu của sự chuyển mùa. Hỏi tiếp: Tại sao lá rụng? Trả lời: Là do lá chết. Hỏi tiếp: Tại sao lá chết mà cây không chết?
Trả lời... Cứ như thế, “giờ ra chơi” giúp các tu sinh “truy bài” nhau
đi đến tận cùng của tri thức, một cách giúp họ lĩnh hội những tinh tú
của nhân loại trong vũ trụ bao la trước khi tốt nghiệp thành Lạt ma.
Cuối buổi tranh luận, tất cả tu sinh đội mũ vàng lên tập trung lại để
các bậc đại sư giải thích những câu hỏi có phần bí hiểm hoặc câu trả
lời chưa thỏa đáng, rồi đưa ra lời giải cuối cùng cho một câu hỏi chưa
có lời giải hoặc trả lời chưa trọn vẹn, coi đó như chân lý để các tu
sinh nạp thêm vào kho tàng kiến thức của mỗi người.
Du khách tham quan tu viện Sera - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
|
Trước cuộc chính biến xảy ra vào năm 1959, tu viện này có hơn 5.000
tu sinh, ngày nay con số ấy chỉ còn khoảng 800 người. Cả Lạt ma và tu
sinh theo học ở tu viện Sera được đài thọ kinh phí dạy và học (giống như
tiền lương cho giảng viên và học bổng cho sinh viên) cho nên không phải
muốn vào học là được, phải trải qua một quá trình “xét tuyển” hạn chế
và khắt khe. Không phải tất cả tu sinh đều trở thành Lạt ma, những ai
không hội đủ điều kiện trong quá trình theo học tại tu viện đều có thể
hồi gia hoặc ra khỏi trường, nhập thế để trở thành một con người khác.
Sau khi tốt nghiệp và hành đạo, Lạt ma sẽ chọn thời điểm để di hành
lên chốn thâm sơn cùng cốc, chọn cho mình một cái hang để khổ luyện
trong 3 năm, 3 tháng, 3 tuần, 3 ngày. Tại sao không chọn số 2 hoặc số 4,
mà phải là số 3 âu cũng là điều bí hiểm. Nếu tính đủ 1 năm 365 ngày và
tháng đủ 30 ngày thì quá trình “hành xác khổ luyện” ấy diễn ra đúng
1.209 ngày. Trong quá trình ngồi thiền nơi hang núi, các Lạt ma rèn
luyện và đạt được một số khả năng siêu phàm. Một trong những điều siêu
phàm như vậy, theo nghiên cứu của một số nhà Tây Tạng học, là khả năng
giao tiếp giữa vị Lạt ma này với vị Lạt ma nọ ngồi cách nhau vài quả
núi, tựa như thần giao cách cảm. Với thời tiết khắc nghiệt như Tây Tạng,
ăn uống kham khổ và điều kiện sinh hoạt ở mức tối thiểu, chừng ấy ngày
ngồi thiền một mình ở chốn hoang vu giá lạnh để đắc đạo xuống núi đủ
thấy cơ thể ấy, tinh thần ấy, lý trí ấy bền vững thế nào. Người phàm như
tôi, không cần đến 3 tuần, chỉ sống 3 ngày như vậy thôi chắc còn lại
cái xác không hồn, nói cách khác sẽ trở thành “linh hồn tượng đá”…
Tây Tạng ngày nay - Kỳ 4: Hai cảnh đời chốn tâm linh
Ở Lhasa có một ngôi chùa nằm
lọt thỏm trong khu phố cổ, rất linh thiêng, đó là chùa Đại Chiêu
(Jokhang Temple) - cũng là nơi hành hương không thể thiếu giống như cung
điện Potala đối với người Tây Tạng theo đạo Phật.
Phía trước mặt tiền của chùa là một quảng trường mang tên Bakhor với
nhiều cửa hiệu buôn bán náo nhiệt. Ở Lhasa người ta dùng song ngữ Tạng -
Hoa trên các biển hiệu quảng cáo, một số ít cơ quan có thêm tiếng Anh,
ra xa lộ thì chỉ có bảng hướng dẫn lưu thông bằng tiếng Hoa mà thôi.
Bakhor là một trong hai quảng trường trung tâm của Lhasa, quảng trường
kia nằm đối diện cung điện Potala, có một đại lộ mang tên Bắc Kinh chạy
ngang.
Tượng vua Gampo và hoàng hậu Văn Thành
|
Chùa Đại Chiêu được vua Songtsan Gampo (Tùng Tán Cán Bố) xây dựng vào
thế kỷ 7 (năm 647). Gampo là người sáng lập đế quốc Tây Tạng (cùng thời
với nhà Đường của Trung Hoa cổ đại), đồng thời là vị vua có công chấn
hưng Phật giáo Mật Tông trên cao nguyên này. Chùa Đại Chiêu linh thiêng
nhất đối với người dân Tây Tạng, được UNESCO đưa vào danh sách Di sản
thế giới. Vua Gampo có 3 bà vợ: Đệ nhất hoàng hậu là công chúa Bhrikuti
Devi của Vương quốc Nepal; Đệ nhị hoàng hậu là công chúa Văn Thành
(tiếng Tạng là Munchang Kongcho), cháu gái của vua Đường Thái Tông; Đệ
tam hoàng hậu là Trimoyen Dongsten (người Mông Cổ). Giống như những cuộc
“hôn nhân chính trị” của các vương triều xưa, sự kết hôn của vua
Songtsan Gampo thời bấy giờ với người của các nước láng giềng nhằm thắt
chặt “tình thông gia hữu hảo”, tránh lâm vào cảnh chiến tranh. Ở tỉnh Tứ
Xuyên giáp với Tây Tạng, có một bức tượng (không biết dựng lên vào năm
nào) chân dung vua Gampo và hoàng hậu Văn Thành sánh đôi cao to, đứng
trước một cổng thành cổ, như minh chứng cho mối tình bất diệt Tạng - Hán
thời xa xưa.
Cùng với vua Gampo, hai hoàng hậu Devi và Văn Thành được tôn sùng là Tam Thánh Mật Tông Giáo
ở Tây Tạng. Khi “về nhà chồng”, cả đệ nhất và đệ nhị hoàng hậu đều mang
theo tượng Phật bằng vàng ròng (như của hồi môn) đặt vào chùa Đại
Chiêu. Trong cuộc “Cách mạng Văn hóa” ở Trung Quốc, tượng Phật của hoàng
hậu Devi đã bị phá nát. Trước tình cảnh ngặt nghèo ấy, Thủ tướng Chu Ân
Lai đã thành công khi can thiệp với chính quyền trung ương Trung Quốc
bảo tồn tượng Phật Thích ca Mâu ni của công chúa Văn Thành tránh bị phá
hủy. Tượng Phật của hoàng hậu Devi hiện nay nằm chính diện trong chùa
Đại Chiêu là do được phục chế vào thập niên 1980, đúng như nguyên bản.
Khu chợ bán hàng lưu niệm bên ngoài chùa Đại Chiêu - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
|
Số lượng khách hành hương đến cung điện Potala và chùa Đại Chiêu ước
tính bằng nhau. Người Tây Tạng đến chùa Đại Chiêu cũng là dịp để một lần
trong đời biết được điều huyền bí về bản thân mình. Điều huyền bí ấy
là, sau khi lễ Phật, khách hành hương sẽ được các nhà sư hướng dẫn nhìn
vào một ô cửa nhỏ để biết được vận mạng của mình ở kiếp sau. Du khách
nước ngoài thường bỏ qua công đoạn này vì hai lẽ: Thứ nhất, bạn phải là
tín đồ Phật giáo mộ đạo, có niềm tin mãnh liệt vào sự linh thiêng của
chùa; Thứ hai, bạn phải kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt vì số lượng
người muốn trải qua công đoạn này… quá đông. Tuy đông người nhưng mọi
nghi lễ trong chùa Đại Chiêu đều diễn ra trật tự, nền nếp. Chỉ có điều,
giống như nội quy ở cung điện Potala, du khách không được phép chụp
hình, quay phim bên trong chùa Đại Chiêu. Đến một vài điểm tham quan ở
Tây Tạng, bạn chỉ được tự do ghi hình khi đang ở không gian bên ngoài,
thấy ánh nắng mặt trời, mây lượn cùng gió và chim chóc tung bay.
Bên ngoài chùa Đại Chiêu là cả một không gian náo nhiệt. Phía trước
chùa có khá đông tín đồ Phật giáo hướng về mặt chính của chùa bái lạy
không ngơi nghỉ theo tư thế nằm úp mặt xuống đất. Nghe nói họ phải thực
hiện đủ 100.000 lạy như thế trong đời mình, quả là đáng nể. Sự náo nhiệt
ấy còn do khu chợ bán hàng lưu niệm tạo ra. Chủ quầy hàng có cả người
Tạng và Hán, rất ít người nói được tiếng Anh. Bản chất người Tây Tạng
xưa nay vốn hiền lành, thật thà chất phác, ấy vậy mà khi mua hàng tại
đây, hướng dẫn viên du lịch nhắc chúng tôi rằng hãy tích cực… trả giá.
Ví dụ: người bán nói món hàng ấy 100 đồng, bạn hãy mạnh dạn trả còn 20
đồng thôi, nếu vì “lịch sự” trả giá xuống 50% coi như “dính chấu”.
Quảng trường Bakhor có lẽ là nơi nhộn nhịp nhất thành phố Lhasa với
khá đông người hành hương lẫn du khách. Tại đây, cơ quan chức năng chuẩn
bị nhiều bình xịt màu đỏ mà thoạt nhìn có người nghĩ là bình ô xy, nhằm
giúp cho những du khách khó thở vì không khí loãng. Nhưng rốt cuộc mọi
người mới phát hiện đó không phải bình ô xy mà là bình... cứu hỏa. Những
chiếc bình này sẽ được dùng để dập tắt đám cháy do ai đó vô tình hay cố
ý gây ra ở quảng trường. Rất may là không có đám cháy nào xảy ra trong
suốt thời gian chúng tôi hiện diện nơi đây.
Khi máy bay cất cánh rời thủ phủ Lhasa, có nhà báo nói vui đó là
“cuộc đào thoát khỏi Tây Tạng” vì thời tiết ngày càng lạnh hơn, lưu trú
thêm vài ngày nữa chắc… bỏ mạng. Hài hước vậy thôi chứ Tây Tạng xưa nay
vẫn là vùng cao nguyên rất đáng để bạn đến tham quan một lần trong đời,
và sẽ không uổng công.
Đoàn Xuân Hải
Theo Thanh niên