Trưởng phòng Tôn giáo (Sở Nội vụ tỉnh Hoà Bình), ông Nguyễn
Trường Sơn xác nhận: “Những trường hợp người dân gọi là đầu thai ở huyện
Mai Châu là có thật...".
“Kiếp trước cháu là con trai”
Hà Thị Mai Anh (SN 1995, hiện đang học lớp 9, trường phổ thông cơ
sở thị trấn Mai Châu), con gái duy nhất của anh Hà Văn Bái và chị Hà Thị
Tý là một trường hợp như thế. Anh Bái cho biết, vợ chồng anh lấy nhau
từ năm 1990 nhưng hiếm muộn, mãi 5 năm sau mới sinh được Mai Anh. Từ lúc
mới sinh cho tới khi cháu 4 tuổi, mọi biểu hiện cũng bình thường như
những đứa trẻ khác và vì chỉ có một mình con nên đi đâu vợ chồng cũng
cho con đi cùng.
Trong một lần đi dự đám cưới một người quen tại bản Nhót (xã Nà Mèo
là xã kế bên), vợ chồng anh bận giúp chủ nhà làm cỗ nên gửi cháu cho
mọi người trông giúp. Khi công việc đã xong, anh quay ra tìm thì thấy cô
con gái của anh đang lẵng nhẵng theo một phụ nữ tầm tuổi vợ anh khóc
mếu “Mẹ ơi”.
Lạ lùng ở điểm nhìn thấy cha mẹ đẻ thì cô bé cứ “bơ” đi mà bám chặt
lấy người phụ nữ lạ mặt liên tục gọi “mẹ”. “Lúc đầu vợ chồng tôi nghĩ
chắc con mình tưởng nhầm. Thấy lạ, mọi người trong đám cưới xúm vào hỏi
thử: “Vậy bố mẹ cháu tên là gì, nhà ở đâu?”. Chúng tôi chết điếng người
khi rõ ràng mình đẻ ra nó mà nó không nhắc đến, lại nhận là con của ông
bà Lường Văn Tuấn - Hà Thị Ân lạ hoắc nào đó. Nó còn nói “Cháu có anh
trai tên Lường Văn Tú còn cháu tên là Lường Văn Hải nhà ở bản Nhót,
trước nhà có cây muỗng to, nhà được làm bằng đất 2 tầng (ý nói nhà
sàn)”. Đến lúc này mọi người trong đám cưới mới ồ lên kinh ngạc”, anh
Bái thuật lại.
|
Anh Khà Văn Ôn trước di ảnh con "đầu thai". |
Nghĩ con mình bị… dở hơi nhưng anh vẫn phải chiều theo ý con, đưa
cháu theo người phụ nữ lạ về nhà thì càng ngạc nghiên hơn khi mọi điều
cháu nói đều chính xác. Ông bà, cô bác tới chơi cháu đều gọi tên chính
xác từng người, cháu còn nhận ra quần áo, nơi “con là Lường Văn Hải
thường ngủ”. Cả làng xôn xao: “Đúng là nhà này trước đây 4 năm có đứa
con trai tên Lường Văn Hải đã mất, đúng vào dịp sinh con bé này”.
Lòng dạ của anh Bái rối bời, đợi đến gần tối thì con gái anh mới
chịu theo về nhà. Trên đường đạp xe trở về, vừa sợ chuyện lạ kỳ vừa sợ
mất con, anh ngã dúi dụi mấy lần. Người mẹ đẻ của cháu gái lúc về đến
nhà ngồi trấn tĩnh lại mới nhớ lại đúng là có lần chị đi qua bản Nhót
mua hàng và đó cũng chính là thời điểm chị có mang cháu.
Mấy hôm sau, bé gái liên tục bị ốm sốt cao, chẳng chịu ăn uống,
miệng luôn đòi về “nhà ở kiếp trước”. Cuối cùng anh chị cũng phải chở
cháu về nơi cháu đòi và vừa đến “nhà kiếp trước”, dù vừa ốm lăn lóc
nhưng nay đã không còn biểu hiện gì của ốm sốt nữa, sắc mặt tươi tỉnh
hẳn lên.
Anh Bái trầm ngâm: “Tôi phải mổ lợn làm 10 mâm cỗ để xin vía cháu
về dưới này, tôi cũng chỉ có duy nhất mình cháu là con. Từ đó hai gia
đình từ chỗ không quen biết nay trở thành thân thiết như hai anh em. Con
bé khi nào thấy nhớ bố mẹ trên ấy là lại lên với bố mẹ, với anh, chán
thì lại về đây. Những dịp lễ Tết, nghỉ hè có khi nó lên ở cả tuần, nếu
lâu không lên là lại lăn ra ốm”.
Khách lạ len lén nhìn mặt cô bé “người Trời đầu thai” Mai Anh thì
cô bé chợt khanh khách khiến giật thót mình: “Kiếp trước cháu là con
trai đấy. Cháu có tới hai bố, hai mẹ và một anh trai, mọi người đều yêu
thương cháu”.
Bỗng dưng con mình thành… con người khác
Trường hợp “người Trời đầu thai” trong nhà anh Hà Văn Tuốt và chị
Hà Thị Tuỗn thì xảy ra cách đây đã hơn 20 năm. Anh chị năm nay đã ngoài
40 tuổi, có cậu con duy nhất là Hà Văn Dược (21 tuổi) hiện đang theo bố
làm nghề dựng nhà sàn. Mọi người cho biết chàng trai này cũng là “con
truyền kiếp”.
Mẹ đẻ của Dược cho biết vợ chồng chị lấy nhau từ năm 1990, một năm
sau đó thì sinh con trai. Năm lên 3 tuổi, đang chơi với các bạn ngoài
sân, thấy một người thu mua sắn là anh trai của một người trong làng đi
qua, Dược nói với các mọi người: “Đấy là bác của em đấy”.
“Nghe bọn bạn nó nói lại nhưng vợ chồng tôi nghĩ là trẻ con nói
nhảm nên cũng không để ý đến. Chuyện lạ xảy ra tới khi đi học mẫu giáo,
mỗi lần bố mẹ đưa Dược đi học qua nhà một người tên Vì Văn Xiêm thì cậu
bé đều nhắc đi nhắc lại: Nhà của con đây này”.
Thấy con nói liên thiên, cha mẹ đẻ thậm chí còn khi phát con đến đỏ
mông nhưng sau đó, cậu bé bỗng lăn ra ốm và ngày ngày đều đòi bố mẹ đưa
ra “nhà bố Xiêm”. Anh chị cũng đánh liều bế con đến nhà lạ và kỳ lạ
thay, mọi bệnh tình của cậu bé đều biến mất. Cậu bé không chỉ biết hết
mọi người trong gia đình lạ mà còn nói rõ mình chết từ lúc mới được 5
tháng tuổi và bố mẹ chưa kịp đặt tên con.
Vợ chồng ông hàng xóm tên Xiêm cũng ngã ngửa người ngạc nhiên bởi
những điều bí mật sâu kín đó chỉ có ông bà mới biết. Vậy là ông hàng xóm
cũng làm lễ xin được nhận bé Dược làm con nuôi.
Cậu bé Dược nay đã trưởng thành và vẫn nhận mình là người “đầu
thai”. Khi được hỏi: “Em có cảm giác gì khi nhận gia đình nhà lạ hươ lạ
hoắc làm bố mẹ, các em”, cậu trả lời: “Em cũng chẳng biết vì sao nữa,
nhưng khi gặp bố mẹ em ở kiếp trước thì em nhận ra một cảm giác gần gũi,
thân thiết và sau đó em cứ nhớ dần đấy từng là bố mẹ và các em mình…
Những lần bố mẹ bên ấy đau ốm em cũng đều có linh cảm báo trước”.
Bà mẹ “kiếp trước” của Dược cũng khăng khăng: “Nó chính là đứa con đầu
của tôi đã chết. Vợ chồng tôi sinh cháu đầu năm 1982 được 5 tháng thì
cháu bị bệnh vàng da, dù đã đi bệnh viện, nhờ nhiều thầy lang nhưng cháu
không qua khỏi. Thật bất ngờ là cháu lại lộn vào làm con gia đình nhà
hàng xóm. Với linh cảm của người mẹ, tôi nhận thấy Dược cũng giống như
hai đứa con đẻ của tôi. Hoàn cảnh của gia đình bên ấy neo người nên gia
đình tôi cũng chỉ nhận cháu làm con nuôi, khi nào nhà có công việc thì
cháu mới tới”.
Con nhiều tuổi hơn… bố mẹ
Thế nhưng hàng chục năm qua, trường hợp “đầu thai” rùng rợn nhất mà mọi
người thường nhắc đến là trường hợp xảy ra tại gia đình anh Khà Văn Ôn
(bản Nà Sài). Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về trường hợp bất thường
trong gia đình, anh Ôn xúc động thắp nén nhang, thì thầm đến trước di
ảnh cô con gái Khà Thị Dịu Hiền (SN 2007) khấn con bằng tiếng dân tộc
Thái. Trong di ảnh trước bàn thờ là một bé gái kháu khỉnh, được anh giới
thiệu là “con đầu thai” của mình.
Anh Ôn nhẩm tính, nếu con mình còn sống thì đến nay đã được khoảng 5
tuổi 1 tháng. “Khi mới sinh ra cháu hoàn toàn bình thường như những đứa
trẻ khác trong bản. Lạ là lúc lên 3 tuổi, ai hỏi “Cháu con nhà ai, ở
đâu?” thì cháu lại chẳng nói tên vợ chồng tôi mà nói: “Tên bố là Lò Văn
Chún, mẹ là Hà Thị Nguyên, anh chị là Lò Văn Ngọc, nhà ở xóm Vãng, trên
thị trấn Mai Châu” (cách đó gần chục cây số). “Thực sự trước đó đến tôi
cũng chẳng biết những người này là ai, chứ nói gì đến nhà người ta như
thế nào”, vẫn lời anh Ôn buồn rầu thuật lại.
Dù trước đó ở địa phương đã có những trường hợp “con đầu thai” nhưng anh
chị vẫn không tin và chỉ nghĩ cháu còn nhỏ nên nói vu vơ. Thế nhưng
thấy cháu nhắc nhiều quá thì buộc họ phải lần theo địa chỉ cháu “hướng
dẫn” để tìm hiểu.
Cặp vợ chồng vô cùng kinh ngạc vì cháu bé mới hơn 3 tuổi nhưng cháu kể
chính xác tên những người trong gia đình này, còn còn nói rõ trước nhà
có cây dừa, nhà rộng 3 gian và tả cụ thể đường vào nhà như thế nào, phải
qua bao nhiêu khúc quẹo. Anh Ôn khi đó ướm hỏi con: “Vì sao con lại
theo bố mẹ về đây?”. “Con đã ở nhà cũ nhiều năm thì bị đuổi đánh nên
chạy ra khỏi nhà. Lúc ấy gặp mẹ đang nấu cơm bên đường nên con theo mẹ
về”.
Nghe con nói, anh chị giật mình, ngồi xâu chuỗi lại thời gian thì đúng
là vào thời điểm đó anh chị đi công nhân làm đường trên địa bàn xóm đó
và chị chuyên nấu cơm cho tổ công nhân. Đó cũng chính là thời điểm vợ
anh mang thai.
Anh kể tiếp, khi con gái mình được 4 tuổi thì cháu có những hành động
rất lạ như lục tìm và cắt nát hết những tấm ảnh của mình. Thời gian sau
cháu kên đau đầu gối, anh chị đưa cháu lên bệnh viện khám, qua chụp X
quang, theo kết luận của bệnh viện cháu bị khuyết xương đầu gối và viêm
khớp. Bệnh viện khuyên anh chị nên đưa cháu về Hà Nội chữa trị.
Tại bệnh viện Nhi trung ương, các bác sĩ đã điều trị và bó bột rồi cho
về, hẹn gia đình sau hai tuần cho cháu lên kiểm tra lại. Tuy nhiên, đến
ngày 5/6/2010, thấy cháu bệnh tình không giảm lại kèm theo sốt cao, anh
chị đưa cháu xuống khám ở bệnh viện K. Qua khám bệnh kết luận, các bác
sĩ khuyên gia đình nên đưa cháu về nhà chăm sóc, vì cháu bị bệnh bạch
cầu cấp (ung thư máu) hiện y học trên thế giới vẫn đang bó tay trước căn
bệnh nan y này.
“Có điều lạ là dù cháu đau thế nào nhưng cháu đều mím môi chịu đựng
không để bố mẹ và mọi người trong gia đình biết. Ông ngoại đến làm vía
(cúng vía theo phong tục địa phương) cho cháu thì cháu bảo: “Con không
khỏi bệnh đâu, ông cho con đi chơi nhà các cô, các bác”. Đến hôm sau thì
cháu mất”, anh Ôn thuật lại.
Thế nhưng điều kinh hoàng nhất với vợ chồng anh Ôn xảy ra khi gia đình
mời ông thầy mo trong bản đến làm lễ cúng ma cho con theo phong tục địa
phương. “Ông thầy mo ban đầu gọi hồn là cháu thì kiểu gì cũng cúng không
thành, phải đến khi gọi cháu là… chị thì mới ngồi làm lễ được. Thầy mo
bấm tuổi rồi bảo chúng tôi: Người trời này hơn 40 tuổi, là con chúng mày
nhưng còn… nhiều tuổi hơn cả chúng mày”, anh Ôn sợ hãi kể.
Anh Ôn hiện đang là cán bộ UBND xã Chiềng Châu, anh buồn rầu cho biết:
“Vợ chồng mình làm cán bộ nên cũng không tin vào những chuyện ma quái.
Nhưng thật sự chuyện con mình là như vậy. Nó là đứa con đầu thai, nó chê
nhà mình nghèo, nó không ở thì mình cũng đành phải chịu”.
Để kiểm chứng câu chuyện của anh Ôn, chúng tôi cũng đã vượt quãng đường
hơn 10 cây số tìm đến nhà anh Lò Văn Ngọc tại xóm Vãng được cho là người
có cô em gái đã “đầu thai” làm con anh Ôn. Đúng như lời anh Ôn kể, đó
là một căn nhà sàn 3 gian, phía trước nhà có cây dừa. Anh Ngọc cho biết:
“Bố mẹ tôi chỉ sinh được hai anh em. Tôi sinh năm 1964, còn cô em gái
sinh năm 1966 nhưng nó bị bạo bệnh mất sớm. Đêm con anh Ôn mất, chẳng
hiểu vì sao mà cả gia đình tôi không ai ngủ được, cứ lục sục xuốt đêm.
Về sau mới biết tin em gái mình đã đầu thai vào nhà dưới ấy”.
Cơ quan chức năng cũng chưa thế giải thích
Những “nghi án đầu thai” không phải là chuyện mới, và cũng đã từng có ý
kiến cho rằng người ta dựng chuyện “đầu thai” để lợi dụng việc cho nhận
con nuôi hay mục đích vụ lợi gì khác. Đem ý kiến này đến những người cao
tuổi trong bản Chiềng Châu để hỏi, chúng tôi được cụ Hà Văn Thẩm (80
tuổi) cho biết, chuyện con đầu thai ở đây không phải giờ mới có, mà
trước đây cũng đã có nhiều trường hợp như vậy.
Trước năm 1954, thời lang đạo và thực dân Pháp cai trị, có những người
vì nhận nhà lang làm nhà mình nên cả gia đình bị nhà lang hãm hại vì sợ
tranh giành quyền thế, nhiều gia đình phải bỏ đi biệt xứ hoặc bị đánh
đến chết. Còn bây giờ muốn nhận con nuôi thì Nhà nước mình có cấm đoán
gì đâu mà họ phải bịa chuyện để lách luật?”.
Một thầy lang cao tuổi khác trong xã cho biết: “Tôi đi chữa bệnh nhiều,
gặp trường hợp như vậy nếu các cháu muốn nhận bố mẹ mà lại hay đau ốm
luôn thì tôi cũng khuyên gia đình nên cho các cháu nhận. Điều lạ là hầu
như các trường hợp con đầu thai đều rơi vào trường hợp con một và những
bệnh các cháu mắc phải đều khó tìm ra nguyên nhân, nhưng khi nhận bố mẹ,
anh em “kiếp trước” thì bệnh tình đều qua khỏi”.
Ông Hà Trọng Lưu, Chủ tịch UBND xã Chiềng Châu cho biết: “Con luân hồi,
đầu thai ở địa phương không phải là trường hợp cá biệt. Trong xã đã có
nhiều trường hợp xảy ra và hai bên gia đình đều nhận anh em hoặc con
nuôi. Tôi cũng nghe có nơi người ta nhận như thế cho hợp lý hóa việc
nhận con. Nhưng ở Chiềng Châu, tôi khẳng định không có một trường hợp
nào mang tính vật chất hay đánh đổi. Gần như những gia đình có con
truyền kiếp đều có kinh tế khá hơn những gia đình các cháu nhận là gia
đình kiếp trước”.
Cũng theo Chủ tịch xã Hà Trọng Lưu, việc nhận con nuôi như thế đã diễn
ra nhiều năm nay ở địa phương, dù xôn xao dư luận nhưng không gây ảnh
hưởng xấu đến đời sống, phong tục tập quán của người Thái ở đây.
“Vì vậy chúng tôi coi đó cũng là những câu chuyện hết sức bình thường
giống như chuyện cây lúa trên nương, con thú trên rừng vậy. Có chăng bà
con trong bản cũng chỉ nói: Thì ra con nhà ấy lại là con ông bà ở bản
này, bản kia lộn về. Các gia đình sau đó đều nhận bố mẹ, anh em, con cái
và coi nhau như người một nhà, quây quần đù bộc nhau qua sợi dây luân
hồi - tiền kiếp”, nguyên văn lời ông Lưu.
Trưởng phòng Tôn giáo (Sở Nội vụ tỉnh Hoà Bình), ông Nguyễn Trường Sơn
cũng xác nhận: “Những trường hợp người dân gọi là “đầu thai” ở huyện Mai
Châu là có thật. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình còn một vài
trường hợp ở huyện Lương Sơn và Lạc Sơn. Tôi cũng đã từng đến tận nơi
tìm hiểu nhưng kết quả chỉ là ngạc nhiên và không giải thích nổi. Có
những đứa trẻ khi sinh ra chẳng đi đâu mà biết rõ gia đình nhà người
khác cách hàng chục cây số như trong lòng bàn tay, như việc mình đã trải
qua”.
Theo ông Sơn, trong những trường hợp này dân gian sẽ dựa vào quan điểm
Phật giáo để giải nghĩa. “Phật giáo không cho rằng con người chết là hết
mà có linh hồn bất tử tiếp tục đầu thai vào kiếp khác. Cứ như thế con
người vào vòng luân hồi không ngừng từ đời này qua đời khác, từ kiếp này
sang kiếp khác. Con người của quá khứ là nhân của con người hiện tại,
con người hiện tại là nhân của con người tương lai. Dù khoa học chưa
chứng minh được quan niệm này là đúng hay sai, nhưng những người tin
theo quan điểm Phật giáo thì vẫn cho rằng có kiếp trước – kiếp sau”, ông
Sơn cho biết.