Chùa Bửu Minh

Của để dành


Hoàng Công Danh

Mẹ làm cái gì đấy. Cô gái hỏi khi thấy mẹ vốc bớt một nắm gạo từ trong nồi cho vào cái thùng tôn để ở góc bếp.


À, để tiết kiệm đó con. Mẹ quen rồi, cứ mỗi bữa nấu cơm, bao giờ đong gạo xong cũng bớt lại một ít để cất riêng. Phòng khi đói còn có cái để ăn.


Mẹ kỳ quá, ở thành phố chứ có phải nông thôn đâu mà cứ lo. Bao giờ sắp hết gạo, con chỉ cần gọi điện là người ta chở tới tận nhà. Đỡ mất công mang vác về. Mẹ khỏi phải lo đói.

Mẹ thở dài. Nghĩ. Đúng là cái bọn trẻ sau này chẳng hiểu gì cả. Ăn no mặc ấm quen rồi, chẳng bao giờ biết đến chuyện tiết kiệm để dành gạo.

Cách đây nửa tháng, con gái đón mẹ từ dưới quê lên ở cùng. Bố mất sớm, mẹ tần tảo ở vậy nuôi con. Mười tám tuổi con lên phố đi bán hàng giúp, rồi cũng sắm được một quầy hàng ở chợ. Đến lúc khấm khá, con gái về quê đón mẹ lên. Mẹ nằng nặc không đi, cứ muốn ở quê có xóm có làng năng qua lại thăm nhau trò chuyện. Con gái bảo mẹ lên phố, ở nhà nấu cơm cho con ăn, chứ ăn cơm tiệm cơm quán hoài con chán lắm, con thèm cơm mẹ nấu cơ. Thế là mẹ khăn gói lên phố. Chỉ mỗi việc ở nhà nội trợ cho con gái, rồi coi ti-vi. Suốt ngày ở nhà kín mít, mẹ cũng buồn. Nhưng thương con, mẹ chịu được.

Tối con gái về nhà, ăn uống xong, mẹ lại kể chuyện hũ gạo. Ngày xưa ông bà mình đã như thế rồi con ạ. Cứ đến bữa cất lại một nắm gạo, một tháng là cái hũ đầy, ăn được vài ngày ấy chứ. Rồi có lúc người ăn xin vào nhà, mở nắp hũ lên xúc cho người ta chén gạo. Đấy, hay chưa. Mình tiết kiệm còn để giúp người khác nữa con ạ. Mấy hồi chiến tranh, cái hũ đó còn để tiếp lương thực cho ngoài mặt trận. Rồi thì những năm mất mùa, lũ lụt hạn hán, không có cái hũ gạo là chết như chơi.

Mẹ cứ hay kể chuyện ngày xưa. Mỗi thời một khác mẹ ơi. Bây giờ người ta đã tính chuyện cất tiền vào ngân hàng, mà là ngân hàng tận bên Thụy Sĩ, thế mà mẹ vẫn cất gạo. Có nhiều nhặn gì đâu, mỗi bữa chỉ một nắm nhỏ xíu, cho gà ăn còn chưa đủ, huống nữa.

Mẹ cười, con chưa nghe câu này à, dân miền Trung hay nói: Cơm mô cho no bụng chó, ló (lúa) mô cho no bụng gà. Gà ăn không no, nhưng người lại ăn no đó con. Rồi mẹ móm mém hát, người ơi chơ được mùa chớ phụ ngô khoai, đến khi thất bát lấy ai ơ bạn cùng.

Hôm sau, con gái đem cái thùng tôn cho bà đồng nát, để mẹ hết chỗ dành gạo. Nhưng tối đi làm về, cô thấy ở góc bếp có một cái thùng giấy các-tông. Mở nắp, thấy có nắm gạo chỏn lọn ở trong. Mẹ bảo cái thùng đựng bánh, mẹ vừa xin được ở cái quán trước nhà đấy. Mẹ quen để dành rồi, đừng có vứt cái thùng giấy của mẹ nữa đấy.

Con gái đưa tiền cho mẹ đi chợ. Mẹ bảo còn đây, tiền hôm trước mẹ đưa mẹ đã mua hết đâu. Con gái trố mắt. Ơ, thế mẹ đi chợ tằn tiện vậy à. Chừng ấy tiền một mình con ăn đã hết ngoẻn rồi. Đấy đấy, mẹ bảo, mày lại bắt đầu chê mẹ tiết kiệm phải không, đừng có phung phí con ạ. Mẹ thấy ở phố cái gì cũng đắt đỏ. Rau ráng dưới quê mình trong vườn nhà ai cũng sẵn, lên đây đi chợ rau đắt như cá thịt.

Mẹ cứ mua về mà ăn. Mẹ cực cả đời ở dưới quê rồi, lên phố phải thỏa thuê vào. Không phải lo hết tiền.

Thỏa thuê là thỏa thuê thế nào, mẹ bảo, ăn cũng chừng mực thôi chứ, thừa thãi mẹ không chịu được đâu. Ăn cho có sức khỏe là được. À, mà con cũng giữ gìn sức khỏe đi, đừng có ham làm quá.

Thế sức khỏe cũng phải dành dụm tiết kiệm hả mẹ, con gái cười. Mẹ yên tâm, con phải kiếm thật nhiều tiền đã. Tiền là sức bật tuổi trẻ. Có tiền là khỏe thôi. Ở đây người ta đầu tắt mặt tối kiếm tiền, chẳng có thời gian ăn ngủ nữa.

Khiếp, thế thì chẳng bằng ở dưới quê. Mẹ chặc lưỡi.

Ở với con nửa tháng, mẹ đã thấy chán, thấy lo lo cho con. Con gái hỏi lo gì? Ơ hay, tôi đẻ chị ra thì tôi phải lo chứ. Chị chui từ bụng tôi ra, thì cái bụng tôi phải lớn hơn bụng chị chớ, hả. Này, mẹ hỏi cái này. Sao con không lấy chồng? Ba mươi tuổi rồi, coi có ai thương thì lấy đi con ạ. Không thì về dưới quê mình, đàn ông hiền lành chân chất không thiếu.

Mẹ ơi, thời nay con gái không như xưa nữa đâu. Ba mươi chưa thèm lấy chồng. Mẹ không biết ấy chứ, trên này có nhiều người chẳng cần lấy chồng luôn. Đàn bà thành đạt là không cần lập gia đình đó mẹ.

Ui trời, mẹ thốt lên, thế sao được. Phải lấy chồng cho rồi con ạ. Để lâu mất duyên, mà tuổi xuân có hạn. Con gái đừng có phung phí tuổi xuân mà rồi hết sạch là ế chỏng ế chơ ra đấy.

Con gái không nhịn được, cười rũ ra. Đến cả tuổi xuân cũng phải tiết kiệm hả mẹ? Thế ngày mai con sắm một cái hũ, để mỗi ngày cất một nắm tuổi xuân như cái hũ gạo của mẹ nhé.

Bố mày, nói không chịu nghe gì cả. Mẹ trách.

Nhớ quê, mẹ bảo với con để mẹ về với vườn tược, với xóm làng. Thỉnh thoảng mẹ còn đi thắp nhang nói chuyện với bố con nữa chứ. Trước khi về, mẹ dặn con gái nhớ tiết kiệm, bạc tiền sức khỏe và xuân sắc đều có chừng, đừng có phung phí.

*

Một năm sau, việc buôn bán vỡ lở. Chợ xây mới, con gái không đấu được quầy hàng. Rồi nợ nần chồng thêm. Cuối cùng cô phải bán tất cả để về quê.

Mẹ bình thản bảo, thôi kệ con ạ. Về đây ở với mẹ cho vui. Rồi lấy chồng, sống hạnh phúc là được. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm con ạ.

Lâu rồi con lại được ăn bữa cơm quê đạm bạc mà ngon. Con hỏi mẹ vụ lúa vừa rồi nghe bảo chuột phá hoại, mất mùa, thế mà cơm nhà mình vẫn dẻo ngon thế mẹ.

Mẹ chỉ vào góc bếp. Đấy, là nhờ cái hũ gạo ấy. Mẹ để dành lâu ngày, nhiều thứ gạo trộn lại với nhau nên nó ngon thế đấy.

 

http://hoangphap.info/Page.aspx?ArticleID=4962&SubID=2&ID=4


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage