Shand Khiid, Mongolia:
Trong không gian nội thất sơn màu đỏ thẫm của một tu viện ở miền trung
Mông Cổ, những cậu bé khoảng chừng 6 tuổi ngồi trên ghế và tụng những
bài kinh theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, điều mà rất phù hợp với
nhận thức ở lứa tuổi các em. Các cậu bé ở chùa ba tháng. Theo
một nhà sư, người hướng dẫn khách tham quan, thì tu viện này đã từng
lưu giữ lá cờ chinh chiến màu đen của Thành Cát Tư Hãn cho tới khi nó
được chuyển về Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Mông Cổ vào năm 1994. Hiện nay,
Phật giáo tại Mông Cổ tiếp tục phát triển sau một thời gian dài bị gián
đoạn. Bà
Vesna Wallace, giáo sư khoa Tôn giáo học ở Đại học Santa Barbara nói:
“Ngày càng có nhiều người hơn tìm đến những tu viện, bởi lợi ích đến từ
sự thực hành thiền định trong cộng đồng”. Bà cho rằng những người dân
Mông Cổ đã thấm nhuần Phật giáo như là một yếu tố mang đặc tính dân tộc
của họ. Hiện nay, các cặp nam nữ thanh niên trưởng thành đang chọn để
được làm lễ kết hôn trong những ngôi chùa có sự chứng minh của các nhà
sư. Tu viện Gandan ở thủ đô Ulan Bator là tu viện lớn nhất nước và có
nhiều người tới lễ hơn trong nhiều thập niên qua. Khi có tang sự, người
Mông Cổ tham vấn ý kiến của các nhà sư trước khi quyết định người thân
của mình nên được chôn cất, hỏa thiêu hay thiên táng. Những
trụ cầu nguyện và những cột đá khổng lồ được dựng lên khắp nơi trên đất
nước. Tài xế xe tải để lại những chiếc lốp xe bị thủng để cầu nguyện
cho chuyến đi an toàn. Những người chăn cừu để lại những hộp sọ thú nuôi
với niềm hy vọng bầy thú khỏe mạnh. Những chiếc khăn xanh rung
rinh trong gió - biểu tượng của bầu trời xanh mà người Mông Cổ thờ cúng
từ thời kỳ tiền Phật giáo. Phật giáo Mông Cổ chủ yếu là phái Mũ Vàng
theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Tuy nhiên, bà Wallace cho rằng
người Mông Cổ đã tạo ra những sắc thái riêng mình, có hòa nhập với tín
ngưỡng dân gian tiền Phật giáo. Bà nói: “Người Tây Tạng yêu thích những
chiếc khăn màu trắng, còn người Mông Cổ thích những chiếc khăn màu xanh
da trời. Thậm chí chính các vị thần được yêu thích trong Phật giáo Mông
Cổ là những vị thần tượng trưng cho tính vĩnh cửu, rộng lớn và bao trùm
của bầu trời”. Mông
Cổ là một trong những nước có dân cư thưa thớt nhất thế giới, có những
thảo nguyên mênh mông, với ½ trong 2,8 triệu dân đang sinh sống tại Ulan
Bator. Năm 1578, hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn là Altan Khan chọn Phật
giáo làm quốc giáo, sắp đặt những Lạt Ma người Tây Tạng và lệnh cho nam
giới tới thực tập Phật pháp trong những tu viện thay vì vào quân đội. Tu
viện cổ nhất quốc gia hiện nay là Erdene Zuu, được xây năm 1585 tại cố
đô Karakorum. Những tàng tích của nó vẫn có thể được nhìn thấy ở gần
thành phố Kharkhorin. Tại thời điểm hưng thịnh, Erdene Zuu có tới 67
ngôi đền trong quần thể tu viện và 1.500 nhà sư. Hiện nay, 28 nhà sư tu
tập tại nơi này với 18 tòa kiến trúc hiện còn. Những nhà sư sử dụng một
ngôi đền để nghiên cứu và tụng niệm kinh, còn những tòa kiến trúc khác
được mở ra cho công chúng tham quan lễ bái. Năm
1937, Liên minh Xô Viết - Mông Cổ khi ấy đã ra lệnh cấm đạo Phật và đàn
áp 100.000 nhà sư. Họ đã thảm sát gần 20.000 nhà sư chân chính và đào
tạo ít nhất 10.000 “nhà sư” khác làm tay sai. 10.000 nhà sư bị “đưa” đến
những trại lao động ở Sibiria. Hầu hết trong tổng số 2.000 tu viện trên
toàn quốc bị phá hủy. Trong
chế độ đàn áp Phật giáo, một số Phật tử phải thể hiện niềm tin của họ
một cách bí mật tại nhà riêng. Những người ngoan đạo giả vờ chơi bài
nhưng thực ra họ trao đổi Phật pháp và cầu nguyện. Trẻ em hành động như
những người cảnh vệ để đảm bảo rằng không có quan chức tới làm phiền. Enkhtuya,
40 tuổi, giáo viên tiểu học ở Ulan Bator nói: “Mẹ tôi là một Phật tử
thuần thành. Ngay cả trong thời kỳ đàn áp, khi bà có rắc rối gì hay con
cái bị bệnh…, bà vẫn tìm tới tịnh thất của một vị sư để tư vấn”. Năm
1990, khi nền dân chủ hiện diện, Munkhbaatar Batchuluun đã 11 tuổi.
Những trưởng bối trong làng của anh, phía Đông Nam Ulan Bator đã giữ gìn
ngôi chùa nhỏ và phục hồi những nghi thức tụng kinh. Munkhbaatar, hiện
là Trưởng Ban đối ngoại của tu viện Gandan kể lại: “Người dân bị tẩy não
để chống lại tôn giáo. Tôi hỏi ý kiến bố mẹ tôi về việc nếu tôi có thể
tham gia tụng niệm. Biết được, ban đầu họ không vui. Họ cười chê và xem
nhà sư như là những kẻ thù của đất nước. Nhưng cuối cùng bố tôi cũng
đồng ý”. Bây
giờ, phần lớn nhận thức xã hội đã thay đổi, hầu hết người Mông Cổ khẳng
định họ chính là Phật tử. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có 7 chuyến viếng thăm
Mông Cổ. Đó là một cuộc đấu tranh sinh tồn để giáo dục lại cộng đồng,
đặc biệt là một số tác phẩm thiêng liêng được dịch từ tiếng Tạng sang
tiếng Mông Cổ. Những
nhóm Cơ Đốc cải đạo dân Mông Cổ hiện nay là những người thuộc dòng
Mormon đến từ Mỹ và Hàn Quốc, họ hoạt động khi chế độ Cộng sản sụp đổ,
cũng như họ đã từng làm ở Đông Âu. Tuy nhiên, các bậc ông bà hướng dẫn
cho con cháu của họ đi vòng quanh các tu viện và giải thích ý nghĩa của
các bánh xe pháp luân, những bàn thờ, những bản kinh viết trên da thú…
Điều đó cho thấy Phật giáo đã thấm nhuần trong lối sống của người dân
Mông Cổ. Tố Nhiên lược dịch (Morris Nomi, Theo Los Angeles Times, 9/ 2010) |