Khi đó, vị giáo phẩm Phật giáo đưa ra ý tưởng này là Hòa
thượng Thích Thiện Hòa, viện chủ Tổ đình Ấn Quang, phụ trách hoạt động
tài chính kiến thiết của giáo hội Phật giáo lúc bấy giờ tại miền Nam.
Ngài đã xúc tiến một số hoạt động chuẩn bị cho mục tiêu trên, như
đưa một số vị tăng đi học kiến thức về ngân hàng, định hình sơ khởi dự
án.
Tưởng cũng cần nói thêm, Hòa thượng Thích Thiện Hòa là vị giáo phẩm
đã thực hiện rất thành công một số hoạt động kinh tế nhà chùa, tạo
nguồn tài chính tự túc cho Phật giáo lúc bấy giờ, như mở nhà in, hãng
sản xuất nước tương, xây dựng thương liệu các sản phẩm Phật giáo như “Lá
Bồ đề”…
Tuy nhiên, kế hoạch thành lập ngân hàng Phật giáo lúc đó, do bối cảnh thời cuộc chưa chín muồi, nên chưa kịp thực hiện.
Đến nay, trong bối cảnh cơ chế thị trường đã đi vào ổn định, hoạt
động các ngân hàng thương mại có phần khởi sắc, thì thiết tưởng đã đến
lúc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng ta xem xét lại kế hoạch thành lập
ngân hàng thương mại Phật giáo.
Đây là một kế hoạch có nhiều thuận lợi, trước hết ở khâu huy động
tiền gửi. Ngân hàng hướng tới đối tượng huy động vốn là tăng ni Phật tử.
Vì là ngân hàng Phật giáo nên việc gửi tiền của tăng ni Phật tử vào
ngân hàng có thể coi là một việc làm công đức. Điều đó thúc đẩy Tăng ni
Phật tử tập trung tiền nhàn rỗi, tiền tích lũy của mình gửi vào ngân
hàng Phật giáo, thay vì các ngân hàng khác.
Hiện nay, lãi suất huy động tiền gửi là như nhau. Các ngân hàng
thương mại không cạnh trạnh bằng lãi suất tiền gửi, mà cạnh tranh thông
qua các yếu tố khác như tiếp thị, quảng cáo. Trước bối cảnh đó, ngân
hàng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ
khi hướng đối tượng huy động tiền gởi vào tăng ni Phật tử.
Thuận lợi này hết sức đáng lưu ý. Nó bảo đảm khả năng kinh doanh
thành công của ngân hàng trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nó cũng
là cơ hội để tăng ni Phật tử thể hiện tín tâm của mình đối với Giáo hội
Phật giáo Việt Nam bằng một việc làm có lợi cho chính tăng ni Phật tử
(gửi tiền có lãi)
Lợi nhuận từ hoạt động của ngân hàng sẽ là một nguồn tịnh tài đáng
kể, tạo thuận lợi để Giáo hội Phật giáo Việt Nam mở rộng triển khai các
hoạt động hóa đạo, hoằng pháp, lợi sinh, từ thiện…
Hoạt động của ngân hàng do Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập,
về cơ bản, vẫn tương tự như các ngân hàng thương mại khác, với mục tiêu
sao cho tối đa hóa lợi nhuận.
Tuy nhiên, vì là ngân hàng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho nên
việc cho vay của ngân hàng đối với các dự án cũng tập trung vào các dự
án của Phật giáo, đặc biệt là các dự án liên hệ đến bất động sản phục vụ
cho hoạt động của Phật giáo. Điều này, cũng có tác dụng thúc đẩy hoạt
động hóa đạo, hoằng pháp. Trong trường hợp này, ngân hàng Phật giáo là
một phương tiện để Giáo hội Phật giáo Việt Nam huy động tịnh tài trong
Tăng ni Phật tử để làm Phật sự.
Sau khi hoạt động của ngân hàng Phật giáo đi vào ổn định, có kết
quả vững chắc, có tích lũy, ngân hàng Phật giáo sẽ nghiên cứu đến các
hình thức tín dụng nhỏ, nhằm trợ giúp người nghèo, trong đó, có yếu tố
bố thí, cũng là một dạng hoạt động nhân đạo, từ thiện. Tuy vậy, giúp đỡ
người nghèo, người gặp khó khăn, thắt ngặt bằng hoạt động tín dụng, giúp
họ vốn làm ăn sẽ là một hoạt động từ thiện căn cơ, có hiệu quả, hơn là
giúp đỡ một vài lần bằng phẩm vật, quà tặng. Đây là một mô hình bố thí
bằng tín dụng nhỏ có hiệu quả, trên thế giới đã có nhiều cơ sở từ thiện
xã hội áp dụng.
Về nhân sự, Giáo hội có thể chuẩn bị ngay từ bây giờ bằng việc đưa
một số tăng ni trẻ quy hoạch đi đào tạo các ngành học liên hệ. Giám đốc
có thể thuê từ các Phật tử có chuyên môn, phía nhân sự là Tăng Ni giữ
vai trò chủ chốt trong hội đồng quản trị.
Trên thế giới, rất nhiều tổ chức giáo hội có ngân hàng để làm cơ sở
kinh tế cho giáo hội được báo chí nhắc đến, kể cả trong những thương vụ
rất đặc biệt, được ghi nhận là tạo ra những nguồn thu nhập rất lớn,
đóng góp tài chính hữu hiệu cho hoạt động tôn giáo.
Trong bối cảnh yêu cầu một Giáo hội Phật giáo Việt Nam mạnh, tất
yếu yêu cầu phải có công cụ quản lý vận hành tài chính hiệu quả. Chúng
tôi nêu ra đề xuất này trước hết vì một Giáo hội Phật giáo Việt Nam
mạnh, phát triển vững chắc, có trong tay cơ quan quản lý tài chính
chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, việc xây dựng ngân hàng Phật giáo còn là sự thể hiện
bước phát triển mới trong lãnh vực hoạt động tài chính kiến thiết của
giáo hội.
Nói đến sự phát triển hoạt động tài chính kiến thiết của giáo hội,
thì không gì hơn việc xây dựng thành công, đưa vào hoạt động một ngân
hàng, tạo một nguồn thu mới ổn định, chắc chắn.
Ngoài việc ngân hàng Phật giáo sẽ là phương tiện để Tăng ni Phật tử
gửi tiền ký thác, các chi nhánh của ngân hàng trên toàn quốc sẽ là
phương tiện để Tăng ni Phật tử gửi tiền hiến cúng tịnh tài trực tiếp đến
phục vụ cho Phật sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam một cách
thuận tiện.
Mỗi chi nhánh ngân hàng đồng thời cũng là nơi vận động Tăng ni Phật
tử khi đến ký thác tiền gửi, có thể trích ra một phần nhỏ để ủng hộ
Phật sự Giáo hội. Những khoản đóng góp như vậy sẽ đi thẳng vào tài sản
giáo hội, được kết toán trong ngày một cách minh bạch, không thông qua
một trung gian nào.
Ở đây, cần lưu ý đến yếu tố mỗi chi nhánh của ngân hàng Phật giáo
là cơ sở vận động tịnh tài cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trực tiếp từ
Trung ương Giáo hội đến thẳng mỗi cá nhân tăng ni Phật tử. Mỗi địa
phương chi nhánh ngân hàng sẽ đồng thời là một điểm vận động tiên phong.
Như vậy, ngân hàng Phật giáo sẽ mở ra một kênh mới để vận động tịnh
tài công đức cho Giáo hội, bên cạnh kênh vận động tịnh tài từ các chùa
chiền, đơn vị giáo hội cơ sở đã có từ trước đến nay.
Minh Thạnh