Chùa Bửu Minh

Một thiền sư nổi tiếng người Việt Nam, kể lại câu chuyện về ý thức bảo vệ thiên nhiên của người dân tộc mà ông có dịp tiếp xúc. Câu chuyện đại ý như sau: Năm 1951, thiền sư đi cùng vài tu sĩ đến một ngọn núi xa xôi ở khu vực Đại Lào, thuộc tỉnh Lâm Đồng,

Việt Nam để xây dựng trung tâm tu thiền. Vì không quen thuộc địa hình và công việc liên quan đến xây dựng thiền viện nên thiền sư đã nhờ một số người dân tộc giúp đỡ. Những người dân tộc được thuê, làm việc rất chăm chỉ. Nhà sư rất biết ơn về sự trợ giúp của họ. Nhưng sau khi làm việc được ba ngày, họ không đến nữa. Vì không có sự giúp đỡ của họ, công việc xây dựng bị ngừng trệ. Thiền sư đi tìm gặp và hỏi tại sao họ không đến giúp. Họ nói: "Tại sao chúng tôi phải quay lại làm sớm như vậy? Các thầy đã trả đủ tiền để chúng tôi sống trong một tháng rồi. Chúng tôi sẽ trở lại khi chúng tôi hết tiền mua gạo".

Nhiều người chỉ trích tập tục này của người dân tộc. Họ cho rằng người dân tộc rất lười biếng. Họ lập luận rằng người dân tộc sẽ sống cuộc sống hạnh phúc và thoải mái hơn, nếu họ chăm chỉ làm việc. Nhưng thiền sư lại đánh giá cao sự khôn ngoan của người dân tộc. Đó là lối sống trí tuệ, hơn hẳn quan điểm sống của những người đang đắm mình trong đầy đủ tiện nghi và giàu có.

Người dân tộc sống đơn giản. Họ không dự trữ nhiều thức ăn, không có tài khoản ngân hàng. Nhưng họ có nhiều thanh thản và bình an. Trong khi đó, chúng ta đã phải lao tâm khổ tứ để tìm kiếm hạnh phúc và tiện nghi hưởng thụ. Một số người luôn nghĩ rằng họ cần nhiều nhà, nhiều đất đai để có cuộc sống hạnh phúc - một căn nhà lầu ở thành phố để tiện đi làm, một  biệt thự ở thôn quê để nghĩ dưỡng và vài miếng đất để phòng thân. Trong thực tế, nếu sở hữu một ngôi nhà sang trọng, chúng ta cũng hiếm có thời gian để thưởng thức chúng. Ngay cả khi có thời gian, nhiều người lại không biết cách làm thế nào để ngồi thanh thản. Một số người luôn luôn tự tìm phút giây thanh thản thông qua những cuộc vui ở nhà hàng, nhà hát, bên bữa ăn tối, hoặc kỳ nghỉ hè, nghỉ đông, nhưng thực tế lại làm cho mình mệt mỏi nhiều hơn.


Ngày nay, chúng ta đi đến một quán cà phê hoặc vì công việc, dự án kinh doanh, hoặc đơn giản là ta đang buồn. Ít người đến quán cà phê để ngồi, cảm nhận được bản thân mình đang thưởng thức ly cà phê ngon mà mình đang có. Chúng ta sở hữu một căn nhà hầu như không có thời gian để sống trong ngôi nhà đó. Chúng ta rời khỏi nhà vào buổi sáng sớm sau một bữa ăn thật nhanh và vội vã đến nơi làm việc. Hết giờ công sở, chúng ta trở về nhà với trạng thái mệt mỏi; ăn tối; xem tin tức; lên giường ngủ để ngày mai có thể dậy sớm làm việc. Trong khi đó, những người dân tộc thanh thản trong căn nhà tre lợp bằng lá cọ và giặt quần áo bằng tay. Họ từ chối nô lệ của cuộc sống hiện đại. Nhưng họ không phải dành thời gian, tiền bạc để đi khám những căn bệnh liên quan đến stress.

Người dân tộc trồng thực phẩm cho gia đình và trao đổi với người khác. Người dân tộc không làm tổn hại đến thiên nhiên. Họ sử dụng lượng gỗ đủ để xây dựng nhà ở, khai phá đủ quỹ đất để trồng cây. Bởi lối sống đơn giản, họ đã không tàn phá tài nguyên thiên nhiên, không gây ô nhiễm bầu không khí, nguồn nước và đất. Việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên đều bị dân làng phạt thông qua các quy định của buôn làng. Ngày này, người hiện đại cũng phải biết học nét đẹp từ người dân tộc.

Chúng ta luôn nghĩ cách làm giàu và tiêu thụ cho bản thân nhưng không nghĩ đến những thiệt hại về môi trường. Chúng ta đang đi trên một con thuyền của hành tinh. Nếu không cố gắng giúp đỡ con thuyền đó, thì chúng ta cũng sẽ bị nhấn chìm bởi nạn hồng thủy, bão tố…

Tăng trưởng kinh tế là cần thiết để đem lại phúc lợi cho người dân, nhưng tăng trường tỷ lệ quá mức so với tỷ lệ hủy diệt môi trường đồng nghĩa với thất bại. Chúng ta là một phần của thiên nhiên, làm hại đến thiên nhiên có nghĩa là làm hại đến bản thân.

Hãy học nhiều điều từ cuộc sống đơn giản của người dân tộc, để có một tương lai đẹp!

Tháng 3 năm 2012

Hoàng Phước Đại

          Email : hoangphuocdai@yahoo.com


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage