Chùa Bửu Minh

Gia đình tôi đang bận rộn gói bánh chưng trong dịp Tết Nguyên đán, thì có tiếng chuông vang lên báo có khách đến nhà. Tôi vội đứng lên ra mở cửa, không ai xa lạ là hai vợ chồng người bạn thân lâu ngày mới gặp. Chúng tôi mừng rỡ chào nhau thân mật rồi cùng nhau vào phòng khách. Nhà tôi cũng ngừng tay ra chào bạn,



  rồi vội vàng ra sau bếp bắt ấm nước đun sôi pha trà mời khách. Những tách trà nóng khói lên nghi ngút, hương trà tỏa ra thơm ngát khắp gian phòng. Chúng tôi cùng nhau thưởng thức trà vừa chuyện vãn thật là vui trong không khí của những ngày giáp Tết. Trước khi ra về vợ chồng người bạn biếu chúng tôi một cặp trà gọi là để “ăn Tết” với lời cầu chúc cho gia đình tôi sang năm mới được nhiều sức khỏe và làm ăn phát đạt. Sự biếu xén nầy là một tập quán của người Việt Nam mà đến nay khi ở trên đất người nhiều người vẫn còn giữ.Tôi trở lại công việc gói bánh chưng mà đầu óc tôi luôn nghĩ về cây chè. Nói đến cây chè thì ở Việt Nam nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung có trồng rất nhiều. Cây chè thuộc loại thân mộc lá răng cưa, hoa màu trắng, quả có ba múi, trồng để lấy lá, búp, nụ pha nước uống.Thời gian trồng khoảng chừng một năm là có thể thu hoạch. Đất thích hợp với cây chè thường là đất ở vùng cao, chè không chịu được những vùng ẩm thấp. Do đó nếu có dịp đi về các vùng cao nguyên trung phần như Lâm Đồng, Pleiku, Ban Mê Thuột, Kontum… hay ra các tỉnh vùng cao ở miền Bắc như Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hà Giang, Phú Tho… chúng ta sẽ được thấy nhiều đồn điền chè mênh mông bát ngát. Ban Mê Thuột có đồn điền chè Bàu Cạn, Pleiku có vườn chè Biển Hồ, Lâm Đồng có đồn điền chè B'Lao là những nơi nổi tiếng. Ghé thăm những đồn điền chè du khách không khỏi ngẩn ngơ trước một tấm thảm chè màu xanh dịu dàng tỏa lên một mùi thơm ngào ngạt, xa xa có những đàn bướm vàng nhởn nhơ đôi cánh, có lúc là những bầy chim bay lượn xen lẫn với những chú chuồn chuồn lơ đãng vờn trong gió giữa một tấm thảm xanh dưới nắng mai vàng rực rỡ trông thật ngoạn mục. Ngoài ra ta còn thấy những toán công nhân mà hầu hết là những cô thôn nữ đang lô nhô trong vườn để hái những lá chè xanh. Tất cả tạo nên một bức tranh nên thơ linh hoạt giữa một chốn núi rừng êm ả.Cây chè còn được gọi là cây trà. Có tự điển còn phân biệt gọi chè là khi nó chưa được chế biến, còn gọi là trà khi lá chè đã sao, đã chế biến để pha nước uống. Nhưng theo chúng tôi nghĩ chè là tiếng Nôm (Việt) còn trà là tiếng Hán Việt mà thôi; còn cách dùng từ chỉ tùy theo thói quen. Ở miền quê Việt Nam, người ta thường ra vườn hái những lá trà còn xanh trên cây, đem đập dập rồi bỏ vào ấm nấu lên là có món “nước chè xanh” mà ít ai gọi là “nước trà xanh”. Nhưng nếu lấy một hộp trà mua ngoài chợ, tức trà đã được chế biến, lấy một nhúm nhỏ bỏ vào bình rồi chế nước sôi vào khoảng năm phút sau rót ra tách để uống, người ta thường gọi đó là “tách trà nóng” mà ít ai gọi là “tách chè nóng” cả. Tại các tỉnh thành người ta mở những cơ sở kinh doanh để cho “tao nhân mặc khách” đến giải trí uống trà, thưởng thức ca hát, và khiêu vũ… người ta gọi đây là “phòng trà” mà không ai gọi là “phòng chè” ca. Chúng ta cũng nên phân biệt “món nước chè” với một món ăn khác cũng gọi là “chè” mà được Tự Điển định nghĩa là món ăn ngọt nấu bằng đường hay mật với chất có bột như gạo, đậu v.v... Nếu bạn vào một tiệm ăn của người Việt ở phố Bolsa hay Houston mà gọi món “Chè Thái” hoặc “Trà Thái” thì phải coi chừng vì hai món hoàn toàn khác nhau.Chè là loại cây được con người sử dụng vào cuộc sống rất sớm và đã xếp vào loại cây công nghiệp, vì nó chẳng những mang lại nhiều lợi ích thiết thực về mặt kinh tế mà còn về mặt y học cũng như văn hóa của nhiều dân tộc.

Ngày xưa người Việt Nam thường nói “miếng trầu là đầu câu chuyện” nhưng ngày nay tách trà thơm lại là “phương tiện xúc tác” trong những cuộc giao tiếp ở những buổi tiếp tân, biểu hiện tình cảm giữa con người với con người càng mật thiết hơn, lịch sự hơn.Việc chế biến trà trong công nghệ đã trở nên một kỹ thuật mà trình độ cao thấp, ngon dở tùy theo từng loại trà, từng nhà sản xuất, từng vùng hay từng quốc gia. Ở Việt nam ta thấy có nhiều cơ sở sản xuất trà nổi tiếng như trà B’Lao, trà Đỗ Hữu, trà Gò Loi, trà Thái Nguyên, trà Bắc Cạn... có loại ướp sói, có loại ướp lài, có loại ướp sen... rồi trà móc câu, trà xanh, trà đen... ở trung Quốc thì có Long Tỉnh Trà, Ô Long Trà, Thiên Nhân Trà, Trảm Mã Trà, Thiết Quan Âm Trà... các nước bên trời Tây thì lại ưa dùng trà Lipton. Cũng có những loại trà được quảng cáo rất hữu ích trong y khoa là dùng để trị bịnh, làm giảm mỡ giảm cân cho con người v.v... Tất cả các loại trà thành phẩm được đóng thành gói, cho vào hộp giấy hay hộp thiếc trang hoàng rất là đẹp mắt và phân phối đi khắp các thị trường trong nước và khắp nơi trên thế giới.Pha trà, uống trà lại trở nên một nghệ thuật, nên bên Nhật, bên Tàu còn có trà Đạo, trà đàm... Ở Việt Nam, theo thói quen mỗi sáng tinh sương nhiều gia đình thức dậy việc đầu tiên là nhóm bếp bắt ấm nước sôi bình ly rửa sạch, để pha một bình trà cho bố mẹ, ăn lót dạ uống một tách trà nóng trước khi đi làm. Riêng các cụ già nhàn rỗi thường tụ tập tại một nhà nào đó với một bình trà thơm ngát, hớp một tách trà thơm, nói những chuyện trên trời dưới đất cũng đủ làm cho các cụ sảng khoái tâm thần, mà ngày xưa ta thường nghe các cụ ngâm nga:

Bán dạ tam bôi tử

Bình minh nhất trảng trà.

 

Nghĩa là:

Nửa đêm nhấm nháp ba chung rượu

Sáng sớm nhâm nhi một chén trà.

 

Nếu uống rượu Bồ Đào thì phải rót trong chén Dạ Quang mới cảm được hết cái ngon của rượu, thì việc chọn bình tách trà cho việc uống trà lại cũng rất cần thiết. Bên Tàu người ta thường cho trà vào một cái tách có nắp đậy để trên một cái đĩa. Mỗi lần mời trà, người hầu trịnh trọng hai tay bưng một chiếc khay trên có để những tách trà, bước nhẹ nhàng đến mời chủ và khách. Những bậc trưởng giả nghiện trà và sành điệu thì sắm một bình trà thật nhỏ, dùng những tách trà cỡ nhỏ như một cái hạt mít, loại bình tách nầy được sản xuất từ xưa, đời Tống, đời Minh... bên Tàu, và phải dùng một loại trà thật ngon đắt tiền để pha nước thì mới đúng điệu.Người Việt Nam dùng trà làm nước giải khát hằng ngày mùa nóng cũng như mùa lạnh, mùa lạnh uống một tách trà thì thấy ấm bụng ngay, mùa nóng như cái nóng ở xứ Huế và vào mùa gió Lào thì uống bao nhiêu nước ngọt dù có bỏ nước đá vào cũng không thể nào giải khát được mà chỉ làm khát thêm, nhưng nếu uống một ly trà nóng hoặc một ly trà đá thì chúng ta sẽ thấy đã khát một cách thích thú. Cho nên người Việt xem trà là một người bạn đồng hành không thể thiếu trong cuộc sống. Ngoài ra trà còn được xem là biểu tượng trong lễ nghi, một đặc trưng trong phong tục tập quán qua bao thế hệ của dân tộc Việt. Sính lễ trong các đám hỏi cưới của người Việt bao giờ cũng có một cặp trà mang theo một gói trà làm quà tặng cũng đủ nói lên cái tình đối với nhau rồi. Trên bàn thờ của mỗi gia đình, ngoài bộ lư đèn hay tam sơn bình phong ra người ta thấy không thể thiếu hai cái tách trà đặt trên hai cái dĩa và khi cúng giỗ người ta rót trà vào tách để mời tổ tiên ông bà hay người chết về dùng xem như họ vẫn còn sống vậy. Cũng có câu chuyện tình bi thương đầy nước mắt rất xa xưa có liên quan đến trà được sách sử ghi lại như sau: “Ngày xửa ngày xưa, có nàng Mỵ Nương (thời Hùng Vương gọi con gái là Mỵ Nương và con trai là Quan Lang) đêm đêm nghe tiếng sáo du dương từ một chiếc thuyền chài dưới bến sông đưa tới, mà đâm ra tương tư người thổi sáo. Sau rồi thành bệnh phải thú thực với vua cha bệnh tình của mình. Nhà vua cho vời người thổi sáo đến, chính là anh chàng ngư phủ nghèo nàn xấu xí dưới bến sông tên là Trương Chi. Đối diện với chàng nàng vô cùng thất vọng, nhưng chàng thì lại yêu nàng say đắm. Trở lại bến sông Trương Chi ôm một mối tình tuyệt vọng đến nỗi phải trầm mình theo giòng sông mà chết. Từ đó Mỵ Nương không còn nghe tiếng sáo ru hồn của Trương Chi nữa nhưng lại đâm ra thương nhớ vu vơ. Còn Trương Chi xác thân trở về với cát bụi nhưng quả tim thì biến thành một viên ngọc quý. Có người đánh cá trên sông buông lưới vớt được khối ngọc đem về tiện thành một bộ tách trà rồi dâng lên cho nhà vua. Khi Mỵ Nương rót trà vào tách ngọc thì thấy dưới đáy tách hình ảnh Trương Chi đang ngồi thổi sáo trên giòng sông đầy sương khói. Quá xúc động nàng rơi nước mắt vào tách ngọc, tách trà bỗng vỡ ra từng mảnh.”

Nhà thơ Văn Bá có làm bài thơ “Khối Tình” để diễn lại sự tích trên có đoạn:

Có người thợ đã mua viên ngọc

Tiện thành chung báu biếu quân vương

Những lúc pha trà. Trên mặt nước

Bóng chàng ngư phủ lướt trong sương

 

Công nương một sớm hầu vương phụ

Pha trà chợt thấy kẻ trong sương

Giọt lệ đầm đìa trên chén ngọc

Chén ngọc tan theo giọt lệ nàng

 

Vì thế mà thi hào Nguyễn Du khi nhắc đến mối tình dang dở của Kim Trọng và Thúy Kiều cùng mượn điển tích này để diễn tả :

Nợ tình biết trả cho ai

Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan

 

Ngày nay trên đất khách, những người ở lớp tuổi trên năm mươi như chúng tôi, mỗi độ xuân về Tết đến nhiều người vẫn còn giữ những tập tục cũ. Đúng giao thừa, hay sáng mồng một, sau khi cúng kiến xong, thường đem một bình trà một dĩa mứt gừng cùng gia đình quây quần nhâm nhi, mở một bài nhạc xuân nào đó để tưởng nhớ đến không khí Tết bên nhà, thường khi gợi cho chúng ta nỗi nhớ quê hương, nhớ đến anh em, nhớ đến bạn bè, nhớ người thân quyến thuộc, nhớ về cha mẹ già đang mỏi mắt trông con. Trong lòng chúng ta dâng lên bao mối cảm hoài làm nước mắt lưng tròng.

 


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage