Chùa Bửu Minh

Trên đường phố, ở những nơi công cộng, cả trong chùa…, chúng ta thường thấy 2 xu hướng, cũng có thể tạm gọi là cách thức khác nhau, ở trang phục người tu sĩ Phật giáo.

Trên đường phố, ở những nơi công cộng, cả trong chùa…, chúng ta thường thấy 2 xu hướng, cũng có thể tạm gọi là cách thức khác nhau, ở trang phục người tu sĩ Phật giáo.

Một đàng trang phục tươm tất, sạch sẽ, tề chỉnh y áo, ủi thẳng nếp, chất liệu vải dùng cho y phục có phần sang trọng, sandal hay dép đều bóng loáng.

Nhưng có một hướng khác, có thể tạm gọi là “bụi”. Người tăng sĩ không chú trọng tới trang phục. Do đó, quần áo có thể cũ, nhàu nát, cá biệt có khi xốc xếch.

Hiện tượng này có ở tăng sĩ ở các hệ phái khác nhau: Bắc Tông, Nam tông, Khất sĩ, Cổ truyền… Ngay khi nhà sư vấn y bá nạp thì vẫn có cả 2 hiện tượng như trên, không phải chỉ ở các vị sư mặc áo tràng.

Hiện nay, trong số các tôn giáo lớn ở Việt Nam, chỉ có người tu sĩ Phật giáo là có y phục đặc trưng hơn cả. Mục sư mặc thường phục đã đành, nhưng linh mục ngày nay vẫn có xu hướng mặc thường phục, hay một dạng áo đen ngắn, có vẻ giống như áo vest, với một dấu hiệu “ngấn” nhỏ trên cổ áo bên trong.

Với hình thức trang phục như thế, các vị tu sĩ các tôn giáo khác hầu như không còn vai trò thể hiện tôn giáo của mình. Có nghĩa là, người ta không còn thấy hình ảnh biểu tượng tôn giáo thông qua vị tu sĩ. Vị tu sĩ hầu như đã trở thành như bao người dân bình thường khác ở nơi công cộng. Họ làm gì, trang phục có nghiêm trang, tề chỉnh hay dơ dáy, bẩn thỉu, thì cũng không ảnh hưởng gì đến tôn giáo của họ. Có mấy ai biết rằng họ là tu sĩ đâu?

Còn người tu sĩ Phật giáo, với chiếc áo tràng hay tấm y vàng, thêm vào việc xuống tóc, thì từ hàng vài trăm mét, cũng đã thể hiện sự khác biệt với mọi người xung quanh, trở thành một biểu tượng Phật giáo thông qua một con người cụ thể.

Chính vì vậy, trang phục theo cách nào, “sang” hay “bụi”, đều đóng một vai trò nhất định trong việc hình thành biểu tượng Phật giáo thông qua con người.
Điều này có ảnh hưởng đối với người theo đạo Phật là lẽ tất nhiên, nhưng ảnh hưởng đối với những người không theo đạo Phật mới là điều đáng nói, trong đó gồm cả việc hoằng pháp, truyền bá đạo Phật đến với người chưa theo đạo Phật.

Vậy, giữa hai cách thức, xu hướng trang phục đối lập nhau đó, cách nào là cách thích hợp hơn cả, trong bối cảnh và tác động như đã nêu ở trên?

Những vị tăng sĩ theo xu hướng trang phục bình dị, lam lũ, không chăm chút, thì đặt cơ sở lựa chọn của mình theo quan điểm trang phục tu sĩ Phật giáo có từ thời đức Phật, và một khái niệm thường hay được nhắc đến là “bần tăng”. Người tu sĩ Phật giáo ăn mặc rách rưới là hướng đến chiếc y phấn tảo của tăng đoàn thời xưa. Đã là tăng thì phải “bần” (tức “nghèo”) và y phục thể hiện cái “nghèo” đó.

Tuy nhiên, hiện nay việc tu sĩ Phật giáo trang phục theo hướng như trên thường đi kèm với việc luộm thuộm, xốc xếch.

Nói ra điều này, người viết cảm thấy ngần ngại, nhưng đó là một thực tế, có ảnh hưởng nhất định.

Còn những vị tu sĩ trang phục theo hướng ngược lại thì nhấn mạnh đến yếu tố trang nghiêm, tề chỉnh. Trang phục theo hướng này thường là số đông chư tôn đức lãnh đạo giáo hội.

Đến đây thì vấn đề có thể để chúng ta bàn luận. Xu hướng trang phục trên quan điểm “bần tăng”, hướng về chiếc y phấn tảo mà tăng đoàn thời đức Phật sử dụng trên thực tế có mâu thuẫn với trang phục trang nghiêm, tề chỉnh, tươm tất? Hai nội dung trang nghiêm và “bần tăng” đều thích hợp với đạo Phật. Nhưng trang phục theo kiểu bần tăng (vải xấu, nhăn nhúm, may không vén khéo, cá biệt có thể ít chú ý đến vệ sinh…) có loại trừ sự trang nghiêm tề chỉnh?

Còn ngược lại, trang phục trang nghiêm, tề chỉnh, tươm tất (thẳng thóm, vén khéo, lịch sự, tươm tất, thậm chí có thể sang trọng), thì dù gì đi nữa, cũng thấy có vẻ mâu thuẫn với tinh thần y phấn tảo, quan điểm trang phục “bần tăng”?

Ở đây, xin phép được chú ý đến vai trò biểu tượng đạo Phật tại những nơi công cộng thông qua hình tướng vị tăng sĩ. Do đó, trang phục đương nhiên phải là điều đáng lưu ý, nếu không muốn nói là phải chú trọng.

Xu hướng trang đơn sơ theo kiểu bần tăng, hành khất, trên tinh thần y phấn tảo, cơ bản là đúng với tinh thần đạo Phật. Tuy nhiên, sự giản dị không có nghĩa là để cho gần với người ăn xin bình thường. Ý kiến riêng của chúng tôi là nếu quan niệm tu mà bất cần sự tề chỉnh của trang phục là điểm ngộ nhận. Một vị tu sĩ Phật giáo trang phục có xu hướng xốc xếch tất nhiên sẽ là một biểu tượng bất lợi cho đạo Phật ở nơi công cộng.

Đạo Phật là đạo của thân tâm thanh tịnh. Sự thanh tịnh của thân gắn liền với “thanh tịnh” của trang phục. Có nghĩa là khái niệm đơn sơ, bình dị không song hành với khái niệm “bụi”, làm người ta liên tưởng đến người ăn xin bình thường.

Trong kinh khi chỉ dẫn về việc dung y phấn tảo, thì luôn có cụm từ “giặt sạch”.

Ngày nay, chúng ta đương nhiên thống nhất với nhau rằng, y phấn tảo không còn phù hợp, muốn có và dùng cũng không được, và không còn nhà sư nào có những chiếc y thực sự như thế cả. Có nghĩa là đã có một sự điều chỉnh để phù hợp với thời đại, và điều đó hầu như thống nhất.

Cũng như, ngày xưa đức Phật đi bộ từ địa phương này sang địa phương khác dù cách nhau rất xa, nhưng ngày nay, chư tăng ni không còn làm như thế.
Người tăng sĩ Phật giáo cũng không phải là người hành khất bình thường. Khất thực, trong đạo Phật, có thể hiểu là phương tiện tu tập. Đó không phải là nghề nghiệp sinh sống như đối với người ăn xin bình thường. Người tu sĩ Phật giáo xin ăn trong sự tôn nghiêm, không phải xin ăn trong sự hạ liệt, trông cậy vào lòng thương xót.
Cộng với vai trò là biểu tượng như đã phân tích ở trên, sự trang nghiêm, thanh tịnh trong trang phục đương nhiên là yêu cầu của người tăng sĩ Phật giáo Việt Nam hiện đại, dù là trang phục có thể đơn sơ, bình dị, thậm chí bằng một thứ vải có giá trị không cao.

Tục ngữ có câu: “Cái áo không làm nên thầy tu”. Do vậy, việc trang phục theo xu hướng hành khất, bần tăng, thì tự nó cũng không nói lên người mặc nó là người tu hành chân chính, không màng gì đến trang phục vật chất bên ngoài.

Nhưng khi phủ nhận vai trò chiếc áo như trong câu tục ngữ nói trên, thì trong nội hàm sự phủ nhận đã có thừa nhận vai trò ít nhiều của chiếc áo. Câu tục ngữ là sự điều chỉnh thích hợp vai trò đó.

Biểu tượng thì cũng dừng lại ở mức độ hình thức bên ngoài. Nhưng hình thức vẫn có tác động nhất định.

Vậy nên, người tăng sĩ Phật giáo trang phục quá sang trọng thì cũng không thích hợp lắm về mặt hình thức, nhưng đáng ngại hơn, lại là một “biểu tượng” theo hướng ngược lại.

Thiết tưởng, xu hướng trang phục trung dụng, lấy thanh tịnh trang nghiêm, oai nghi làm tiêu chuẩn hàng đầu sẽ là điều thích hợp hơn hết. Trong điều kiện kinh tế phát triển hiện nay khi tìm trên đường phố Hà Nội, Sài Gòn một chiếc xe đạp đã là điều hơi khó, thì người tu sĩ Phật giáo mặc chiếc áo vá hay “bụi”, lập dị đến nỗi làm người chung quanh liên tưởng đến người hành khất bình thường (khác hẳn người khất sĩ trong tinh thần đạo Phật), có thể tạo nên tâm lý không có lợi cho đạo Phật đối với một bộ phận quần chúng.

MT

Minh Thạnh
http://www.phattuvietnam.net


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage