chưa lần nào ngài để kẻ thù trước mắt vuột khỏi, thế mà lần này,
con hươu sao bé nhỏ lại như nhởn nhơ, bỡn cợt thật đáng hận vô cùng!
Nhà vua miên man suy tưởng mặc cho con tuấn mã
chạy rủng rải theo lối mòn. Khi mở choàng mắt, nhà vua
thấy một con suối, ngài khoan khoái vô cùng; vội xuống ngựa và vục đầu trong
dòng nước mát. Khi ngẩng lên, thì bờ bên kia, một con hươu sao! Nhanh như cắt, hoàng
đế vọt đến bên ngựa, chụp vội cây cung. Vừa mới giương cung thì con hươu
sao đưa mắt tròn đen lay láy nhìn nhà vua rồi lại lủi
mất. Thịnh nộ nhưng trầm tĩnh, nhà vua lại lên ngựa, phóng qua suối, đuổi theo chân con thú. Nắng chiều lấp lánh trên
ngàn cây. Tiếng vó ngựa dồn dập thoảng động rồi chìm
mất giữa đám lá rừng xào xạc.
Trời đã sẫm tối. Hoàng đế Mễ Sa
lại một lần nữa chậm vó. Núi rừng trùng điệp vây quanh.
Một vài bóng chim đập cánh uể oải. Hoàng đế chợt giật
thót mình, lo lắng nhìn quanh.
Mải đuổi theo con thú, nhà vua đã lạc mất đường về.
Núi rừng lạnh lùng hoang dã. Đâu đây đã vọng tiếng
hổ gầm.
Không biết trải qua
bao nhiêu giờ khắc căng thẳng lầm lủi dưới bóng đen càng lúc càng dày sâu, nhà
vua thấy xa xa thấp thoáng có ánh đèn. Theo chân ngựa, ngài
tìm lần về điểm sáng. Chẳng bao lâu, ánh lửa từ cây đèn mù u hiện rõ trong tầm
mắt, soi tỏ một chái am tranh, hoàng đế thở phào xuống ngựa.
Chợt cánh cửa trúc mở
toang, bóng người, cây đèn và tiếng nói như hiện ra cùng một lúc.
- Kính chào bệ hạ! Bần tăng chờ đợi bệ hạ nơi
này đã lâu.
Hoàng đế Mễ Sa kinh ngạc đến đớ cả người. Mãi một lúc sau, nhà vua mới
thốt được nên lời:
- Làm sao... mà đại sư biết trẫm... trẫm đến
mà đón?
Nhà vua thấy rõ chủ
nhân là một vị sa-môn rất già.
Vị sơn tăng mỉm cười nhẹ, nụ cười dịu dàng mát
mẻ tỏa sáng như mảnh trăng buổi sơ thu, rồi khoát tay, bước trái qua một bên:
- Xin cung thỉnh bệ hạ vào thảo am ngơi nghỉ
đã! Bệ hạ rong ruổi nhiều, long thể chắc đang thấm mệt.
Nhà vua mặc dầu còn bỡ
ngỡ cũng vội dắt ngựa tiến vào.
- Cỏ lúa đều đã được dành sẵn, bệ hạ hãy giao
ngựa cho bần tăng.
Hoàng đế Mễ Sa chậm rãi bước vào tịnh thất.
Ngài đưa mắt nhìn quanh. Một tấm ngọa cụ bện bằng cỏ đặt nằm sắt vách tường phía đông.
Hai chiếc bồ đoàn trải giữa phòng cùng bộ đồ trà bé nhỏ bày trên chiếc kỷ.
Nơi vách nứa chính giữa, treo buông thả một bức tranh thủy
mặc, nét bút khoát hoạt, mờ ảo đầy vẻ phóng dật, tiêu sái. Không khí
thiền am như toát ra cái gì đó, nửa xa lạ, nửa thân thiết.
Nhà vua nhè nhẹ cởi
hài, ngồi ghé lên bồ đoàn, lại đưa mắt nhìn bức tranh lần nữa. Sao
lạ, có cái gì kỳ quái ở bức tranh này? Ta đã từng thấy nó ở đâu? Nó quen
thuộc lắm! Nhà vua săm soi nhìn kỹ. Nét bút này, giản
phác, mạnh mà mau lẹ - chuyên để vẽ lan trúc - mà sao
tác giả lại phối hợp thêm những nét “bát mặc” của vương gia đời Đường?
Lối “bát mặc” thì dễ loạn mà ở đây không loạn, chứng tỏ nghệ sĩ đã biến được cái
“vô pháp” thành “hữu pháp”. Vẽ sơn thủy như tác phẩm này dẫu chưa đạt
được “vẽ núi đứng như núi bay, vẽ suối chảy như suối dừng lại” (sơn phi tuyền
lập), nhưng cũng tạm coi là những nét tĩnh, nét động đã toát ra đúng độ, hài
hòa, khí vận trôi chảy tự nhiên, nhất quán. Đây chính là nét bút mà nhà vua rất yêu thích, nếu không muốn nói là
một tâm đắc độc đáo của mình. Giấy thì đã cũ vàng,
nhưng nhà vua vẫn nhìn không lầm lộn là loại “kim tiền” làm ở Cao Ly và Vân Nam
- giấy màu xám, phẩm chất thô, có nhiều vôi - chỉ dùng trong hạng dân dã.
Nhà vua bần thần nghĩ
ngợi. Một rung
động thoảng qua làm nhà vua tái mặt. “Nét bút này chẳng lẽ là
của ta?”
- Bệ hạ thấy bức tranh đó thế nào?
Nhà vua chỉ loáng
thoáng nghe mơ hồ câu hỏi. Tâm
trí nhà vua vẫn đắm chìm trong dòng suy tưởng.
Ta có bao giờ dùng loại giấy “kim tiền” này? Nếu không tìm ra giấy đời Tống, hiệu Đông Tân đường làm bằng bẹ tre,
thì ta dùng giấy của đất Sở, Hồ Bắc. Mà bức tranh này, nếu đúng là ta vẽ, thì ta
đâu đã vẽ hoàn tất?
Tiếng vị sư già như gió thoảng bên
tai:
- Bần tăng nhớ hồi xưa, cách đây gần bốn mươi
năm về trước, người vẽ nên bức tranh này đã nói như sau: Cái đặc biệt ở tác phẩm
này là “vô pháp” mà thành ra “hữu pháp”. Mực vẩy theo
lối “bát mặc”, tưởng là loạn mà không loạn. Đây là một trường phái riêng, vừa cổ
kính như thời gian đọng trên ngôi thành xưa rêu mục, vừa mới mẻ như giọt sương
long lanh trên đầu lá buổi sơ
xuân... Hà... hà... hà... Người ấy cười vui khoái thích rồi tiếp - Tuy thế...
phải để ý, đằng sau những giọt sương kia, loáng thoáng
ẩn hiện vành trăng sơ huyền thăm thẳm và xa xôi...
Hoàng đế Mễ Sa sực tỉnh.
- Mảnh trăng? Đại sư nói
mảnh trăng nào?
Ngọn đèn mù u chợt tỏa sáng rộng dưới
tay nhà vua, ngài cố nhìn cho rõ bức tranh hơn tí nữa. Rõ ràng ở đây
không có mảnh trăng nào. Vậy đâu là mảnh trăng sơ huyền mà vị
sư già nói đến?
Hoàng đế Mễ Sa như chợt sáng ý ra, gật đầu:
- Đại sư nói phải! Ở tác phẩm này còn thiếu một mảnh trăng. Thêm một mảnh trăng
sơ huyền ẩn ẩn hiện hiện sau màn sương, bức tranh sẽ tỏa sáng, có tư tưởng và
tăng xúc cảm hơn.
Vị sư già dường như không nghe lời của nhà
vua, vẫn tiếp tục với chuỗi hồi ức quá khứ:
- Người vẽ là một nhà sư có tài cao chí lớn.
Tâm thì như chứa cả ngũ nhạc, mà trí thì như kình ngư biển lớn vùng vẫy. Ôi!
Nét bút của y mới tài hoa phong vận làm sao? Người xưa
nói rằng, đọc văn là biết người. Ở đây, ta có thể xem
tranh và tinh thần của nó mà đọc ra đường chỉ vận nghiệp duyên mai hậu.
Bức tranh này: còn nghiệp chướng si mê, tù trong lục đạo, trăm dây phiền não,
nghiệp báo không rời. Bần đạo đã nói như thế sau khi y phác
thảo nên bức họa này. Và đây là lời nói của y như còn mồn một bên tai: Hiền huynh! Tiểu đệ sinh ra trong một
gia đình nghèo khó, lại đi tu từ nhỏ, thành thử chuyện đời chưa từng biết qua.
Như hiền huynh từng giáo dụ thì chúng sanh, ai ai cũng phải trải qua những kinh
nghiệm khoái lạc và đau khổ trong ba cõi sáu đường rồi mới có thể giác ngộ.
Vậy thì đệ nguyện kiếp sau sinh làm hoàng đế để xem thử mùi vị cao sang quyền
thế nó như thế nào. Nếu lúc ấy mà đệ đắm say vào vinh hoa dục lạc, thì hiền
huynh tìm cách nhắc cho đệ tỉnh thức nhé! Hiền huynh ơi! Bức
tranh này đệ vẽ đang còn dang dở. Giả như khi đó đệ vì: tình ái si mê, tù
trong lục đạo, trăm dây phiền não, nghiệp báo không rời... thì hiền huynh nhớ
đưa ra, không chừng đệ nhớ lại mà tỉnh ngộ cũng nên.
Hoàng đế Mễ Sa bàng hoàng. Ngọn đèn trên tay
rơi đổ xuống nền đất. Mảnh trăng sơ huyền từ trong bức tranh
hiện ra lấp lánh sau màn sương. Nhà vua đứng bất động.
Vị sư già thoáng nhẹ nụ cười trong tối, tiếng
nói bây giờ ấm và mạnh như một hồi chuông thu
không:
- Tâu bệ ha! Vầng trăng đó
đã chờ bệ hạ gần suốt bốn mươi năm nay. Bần tăng nhớ lời hẹn ước xưa về
đây lập thảo am chờ nhân duyên để tái ngộ cố nhân! Con hươu sao hồi trưa là một
chút phép mọn của bần tăng, để dẫn dắt bệ hạ về đây xem lại tác phẩm của mình
đang còn dang dở!
Vị sư già dứt tiếng mà hoàng đế Mễ
Sa như còn miên man trong cõi mộng xa thẳm nào.
Sau khi thắp đèn, chuyên một tách trà nóng ấm
cho nhà vua, vị sư già lại thở dài:
- Ôi! Thoáng chốc mà chúng ta xa nhau gần nửa
thế kỷ rồi! Vật đổi sao dời, sinh sinh hóa hóa, chuyện xưa nào
khác giấc mộng đầu hôm. Chúng ta vốn là đôi bạn đồng
đạo dưới chân ngọn Thiên Lĩnh, nay thì kẻ là bệ ngọc mình rồng, người thì đang
còn áo đà dép cỏ. Giờ đây, ước nguyện làm hoàng đế đã thỏa chưa, hả cố nhân tài cao
phong vận? Mảnh trăng sơ huyền có bao giờ lặn khuất?
Bệ hạ thấy thế nào? Ôi! Sá gì chiếc ngai vàng tanh hôi
danh lợi lẫn quyền uy sớm còn tối mất? Cát bụi trần ai hãy trả về cho cát
bụi trần ai! Khi cơ duyên chín muồi thì trái cây kia
rụng xuống. Hãy tỉnh ngộ đi thôi bệ hạ!
Đột nhiên, hoàng đế Mễ Sa
rướn người dậy, thò hai tay chụp vội bức tranh, chạy vọt ra rừng đêm mất dạng.
Vị sa-môn già nhìn đăm
ra khung cửa một lúc lâu rồi quay vào, thoáng đọng hai hạt sương không rơi trên
khóe mắt.
Ngọn đèn mù u lụn bấc leo lét tàn. Vị sư già lựa một thế ngồi thoải mái trên nệm
cỏ, lưng dựng thẳng, môi thoảng nụ cười xa rộng, rồi hơi thở cũng dường như chìm
tan vào cõi mênh mông, hư tĩnh...
Mảnh trăng sơ huyền
cong cong nằm nghiêng bên cửa sổ từ từ khuất vào một đám mây.
Yên Hà các, Đạm Lư hiên 1980
(cùng viết với Pháp đệ Pháp Tông)