Chùa Bửu Minh

ảnh minh họa
Nhìn về tương lai Phật giáo Việt Nam chúng ta không khỏi không lo lắng. Chùa lớn cảnh quan đẹp đã có, các Tăng Ni trẻ lực lượng kế thừa đã có, có nhiều nhưng mà sự dấn thân hoằng pháp, chịu đựng gian khổ nơi các vùng biên ải khát khao giới pháp thì lại quá ít.


 Chỉ cần một vài tấm tole, năm, mười ký gạo giúp khi đói ngặt thì bà con đã quay lưng với đạo giáo truyền thống có gần 2000 năm trên đất nước này. Giáo lý hay, phù hợp với khoa học và có khi vượt lên trên cả khoa học nữa, cũng chẳng làm gì nếu chúng ta những người con Phật cứ im lìm thụ động, không dấn thân phụng sự, không quan tâm trong cộng đồng cư dân phật tử nơi ngôi chùa có mặt. Chưa hẳn chánh pháp mà con người chịu tin chịu theo. Chưa hẳn tà pháp mà con người nhận diện quay lưng. Người ta vẫn cứ rần rần theo, tin vào những điều không tưởng đó sao, chỉ cần tổ chức nào đó biết giúp họ khi cần thiết đúng lúc. Và trong công tác truyền giáo, nhiều tổ chức đã áp dụng theo cách cổ xưa của câu chuyện Tăng Sâm giết người. Tăng Sâm là hiền sĩ con kiến cũng không giết ( cùng thời với ông cũng có người tên là Tăng Sâm). Một hôm có người đã đến báo cho mẹ Tăng Sâm biết là Tăng Sâm giết người. Báo một lần, hai lần, ba lần không tin, nhưng đến năm sáu bảy lần thì mẹ Tăng Sâm phải tin. Đang ngồi dệt vải bỗng đứng bật dậy hỏi:” Nó giết ai, tại sao nó giết người ?”. Ai truyền giáo giỏi, kiên trì, chịu thương chịu khó thì người đó sẽ có người theo. Quần chúng không cần đến giáo lý hay, khoa học. Không cần biết chân lý, tà lý. Ai giúp họ khi đói khi cần thì họ chịu tin chịu nghe. Đợi đến khi quần chúng nhà nhà có internet, biết truy cập, biệt vô google tìm kiếm những thông tin mình cần, đọc hiểu và tỏ ngộ thế nào là chánh pháp, phi pháp, tới lúc đó chúng ta đã không còn người tin theo giáo pháp thậm thâm vi diệu của Đức Thế Tôn nữa, bởi cái tình Việt Nam là vậy: “ Dở dang nào có hay gì, đã tu tu trót qua thì  thì thôi”. Trong tâm cảnh, hiện tình Phật giáo Việt Nam chúng ta chỉ cần đổi lại một chút: “ Đã theo theo trót qua thì thì thôi ”.

Hệ thống tổ chức của Phật giáo Việt Nam rất lỏng lẻo, từ trung ương đến địa phương. Chúng ta lỏng lẽo nhiều phương diện. Không tổ chức tốt cho nên chúng ta không truyền đạo tốt, không  quản lý được tín đồ, mệt mỏi quá chúng ta đã phó mặt, bỏ trôi giữa dòng ra sao thì ra, hệ quả chúng ta mất.

 Tuy nhiên chúng ta vẫn còn một cách khác để phục hưng đạo giáo là dùng tam vô lậu học ( Giới Định Tuệ) để củng cố tăng đoàn, giáo đoàn. Trong tất cả chúng ta ai ai cũng nhớ đến câu:” Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, giới luật còn là Phật pháp còn”. Mỗi lần nhắc đến câu này thì chúng ta lại chợt nhớ đến câu:” biết rồi khổ lắm nói mãi” biết thì ai cũng biết mà sao thực hành thì thiên nan vạn nan. Giữ giới khó, thiên nan vạn nan như vậy đó, nhưng mà giữ giới được thì đạo pháp còn tồn tại mãi ở thế gian này. Giới Tăng lữ mà giới hạnh tinh nghiêm thì quần chúng nào mà không hướng về. Không có cấp bằng gì hết họ vẫn cứ hướng về tin theo.

Đại giới đàn Cam Lộ - Gia Lai tổ chức vào ngày 19 tháng 09 âm lịch Canh dần, xuất phát từ niềm thao thức cho mạng mạch Phật pháp tương lai. Chư tôn đức Ban trị sự Phật giáo Gia Lai đã hết lòng trong mọi khâu tổ chức, mong sao giới đàn thành tựu viên mãn. Giới tử được đắc giới, tu học tinh chuyên trở thành những bậc rường cột thạch trụ gánh vác phật pháp tương lai.

 Chỉ còn nửa tháng nữa là Đại Giới Đàn Cam Lộ, tổ chức tại Chùa Minh Thành diễn ra. Chưa diễn ra mà Chư Tôn Đức cũng như Phật tử khắp nơi xa gần qua thông tin mạng lưới internet, cũng thấy được khâu chuẩn bị kỹ lưỡng chu đáo từng chút một. website Phật giáo phổ biến đưa tin rất nhiều, riêng tại Gia Lai có hai trang website thường xuyên cập nhật tin tức đó là website www.chuaminhthanh.com ; www.chuabuuminh.vn .

 Tất cả việc lớn trong đạo ngoài đời mà thành tựu là đều do công sức của nhiều người, của đại chúng, cộng đồng đóng góp, nhưng đôi khi có trường hợp cá nhân lại là yếu tố đóng góp quan trọng, là sức bật của đòn bẩy,  là men xúc tác cho nắm bột phồng to. Đại Đức Tâm Mãn trụ trì Chùa Minh Thành đối với Đại Giới Đàn Cam Lộ cũng như vậy. Không có sự phát tâm dũng mãnh to lớn của Đại Đức về tinh thần lẫn vật chất thì Đại Giới Đàn Cam Lộ không thể hình thành. Vô trang nhà chuaminhthanh.com chúng ta sẽ thấy rất rõ về Đại Đức.

-     Kiến tạo một ngôi chùa Minh Thành đẳng cấp quốc gia

-     Văn hay chữ tốt qua những bài viết gần đây đăng tải trên mạng

-     Làm Gia Trì trong những trai đàn chẩn tế, đẹp sang quý phái có lẽ chỉ đứng sau Thượng Tọa Lệ Trang ( còn cõi âm có siêu thoát nhiều hay ít thì chỉ có Đại Đức và các giới cõi âm biết thôi)

-     Và hôm nay làm chủ đàn cho  Đại Giới Đàn Cam Lộ.

 Ngẫm nghĩ về Đại Đức chúng ta thấy chỉ mới bốn mươi mốt tuổi đời mà làm được bao nhiêu việc cho đạo,  cho đời, thì chúng ta có cơ sở để tin rằng Đại Đức đã từng nhiều kiếp làm tăng, đã từng  bố thí cúng dường, tán thán ngợi khen Chư Phật, Chư Tổ cho nên kiếp này mới được như thế !

Khen thầy Tâm Mãn cũng như khen phò mã tốt áo, nhưng nói ra được một chút thì nghe lòng hả hê, vui sướng và tự hào trong tỉnh nhà có một tăng sĩ trẻ hết lòng dấn thân phụng sự, thực hành Bồ Tát hạnh để đem đạo Phật đi vào cuộc đời. Gương sáng phụng sự đó giới tử Giới Đàn Cam Lộ há lẽ không tiếp bước theo.

 Chùa Bửu Minh Gia Lai

Thích Giác Tâm

Website http://chuabuuminh.vn

 

 

 


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage