Chùa Bửu Minh

Hầu hết các con sông ở Bình Định đều phát nguyên tại dãy Trường Sơn ở phía Tây và chảy xuống biển Đông, theo chiều rộng của tỉnh, nên không được dài lắm.

 Lòng sông nhiều khúc bị cát bồi, mùa nắng nước cạn, ghe thuyền trọng tải không thể lên xa được.

Trong tỉnh có ba con sông lớn, được liệt vào hàng Đại Giang, là:

Lại Dương Giang,

La Tinh Giang,

Côn Giang.

Đó là ba “Sợi tim” của ba huyện cũ Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn.

Trong ba đại giang này, sông Côn lớn nhất.

Ngày xưa gọi là sông Tuy Viễn.

Đến triều Đồng Khánh (1885-1889), sau khi đất Tuy Viễn đã chia thành ba huyện Bình Khê, Tuy Viễn, Tuy Phước, thì sông lấy tên là Ba Huyện.

Và sau khi huyện Tuy Viễn đã bị bãi bỏ để lấy đất cho phủ An Nhơn, và huyện Tuy Phước đổi làm Phủ, tên Ba Huyện không còn thích hợp nữa tên mới đổi tên là Côn Giang.

Tên Côn Giang mới có từ triều Khải Định (1916-1925), Triều Duy Tân, khi soạn Đại Nam Nhất Thống Chí (1910) còn dùng tên Ba Huyện.

Tại sao đặt tên là Côn Giang?

Trên thượng lưu của sông có con suối Kon (phiên âm tiếng Thượng). Nhân đó có người bảo rằng:

- Khi đi vẽ bản đồ Bình Định, người Pháp lấy tên suối mà gọi sông. Giọng Pháp đọc tiếng Kon lơ lớ ra tiếng Côn. Rồi các nhà viết sách địa dư cho trẻ em trường Pháp Việt học, dựa theo thầy Pháp mà viết là “sông Côn”, Từ xưa đến nay, những chữ ở nhà trường của Chánh Phủ dùng, thường được đa số nhân dân dùng theo. Vì vậy tên sông Côn lần lần được phổ biến và cuối cùng được thay thế cho tên sông Ba Huyện không còn “hợp thời”.

Nghe có lý lắm, và trường hợp theo giọng đọc của thầy Pháp mà đặt tên cho sông núi Việt Nam, thường xảy ra lắm, như Mũi Ba Làng mà đọc thành Cap Batagan, Vàm Cỏ đọc thành Ve Cô, núi Chớp Vàng đọc thành Tuop Vang, v.v… Thầy dạy thế, trò học thế. Lúc ra đời, người nào có để ý đến non sông Tổ Quốc thì mới thấy sai, mà sửa lại, bằng không thì cứ như thế mà truyền lại cho con cháu, lâu ngày thành phổ thông.

Nhưng trường hợp sông Côn thì khác.

Chữ Côn mượn ở Nam Hoa Kinh của Trang Tử.

Nam Hoa Kinh chép rằng:

“Biển Bắc có loài cá tên là Côn. Bề lớn của Côn không biết mấy nghìn dặm. Côn hóa thành loài chim tên gọi là Bằng. Lưng của Bằng rộng không biết bao nhiêu dặm. Vùng vẫy bay, cánh như đám mây rũ ngang trời. Loài chim ấy khi biển động thì sắp dời sang biển Nam … Biển Nam là Ao Trời… Khi Bằng dời sang Biển Nam thì nước sóng sánh ba nghìn dặm. Liệng theo gió lốc mà lên chín vạn dặm. Đi cứ sáu tháng mới nghỉ…”.

Mượn tên Côn mà đặt cho sông, cổ nhân dụng ý cầu mong cho con cháu sanh trưởng trên dãi đất đã sản sinh các vị hào kiệt Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Mai Xuân Thưởng v.v… mà dòng sông Côn nhuần thấm, có ngày trỗi dậy “quạt cánh bằng bay chín vạn tầng cao”. Nếu không được như thế, ít ra cũng đừng làm những giống cá con con hễ thấy mồi ngon là đớp.

Đó là hoài bão, là kỳ vọng.

Uống nước nhớ nguồn. Và nguồn gốc tên sông Côn là thế.

Sông Côn phát nguyên tại đâu?

Đại Nam Nhất Thống Chí chép là “từ núi Phong Sơn”.

Sách Địa Dư Mông Học tỉnh Bình Định của cụ Bùi Văn Lăng – một quyển sách giáo khoa từ trước đến giờ dùng ở các trường Tiểu Học trong tỉnh – chép rằng “Sông Côn phát nguyên từ núi Kim Điều về huyện Bình Khê”.

Đó là lấy những con suối ở gần dưới này mà nói. Chứ nếu đi lên nữa thì chúng ta thấy nguồn phát tận vùng giáp giới ba tỉnh Quãng Nghĩa, Kontum, Bình Định.

Nơi đó các con suối hợp lại, rồi chảy vào Nam, quanh co giữa các dãy Trường Sơn, vượt qua nhiều gành, nhiều thác, lướt gần 50 cây số thì đến Định Quang. Khúc này tục gọi là Suối Kon. Tuy hai bên bờ có nhiều khe nhỏ từ Tây chảy xuống, từ Đông chảy lên, nhưng nước thường không được nhiều và lòng suối có phần hẹp.

http://a367.yahoofs.com/lifestory/V9QMFDWCGBaLqpZ1HSuNGCFG_2/blog/20100119010158449.jpg?lb_____DT1QifynY

Thượng nguồn sông Côn - rừng An Toàn, Bình Định (ảnh: Trần Phan)

Đến Định Quang, suối tiếp nhận nước Suối Sem từ Tây Bắc chảy xuống, rồi chạy vào chừng vài cây số đến Vĩnh Thạnh thì tiếp nhận thêm nước con suối từ Đông bắc chảy vào. Tại đây dòng nước quày xuống hướng Đông, đi chừng hai cây số đến Vĩnh Bình, thì lại quẹo vào Nam, chảy quanh co chừng mười, mười hai cây số đến Hữu Thuận, thì lại chảy ngược lên hướng Tây. Lên chừng vài cây số, đến Thượng Giang, thì gặp dòng Suối Cỏ từ Tây Bắc chảy vào.

Từ Định Quang xuống Thượng Giang tục gọi là sông Hà Giao hay Hà Rêu.

Khúc sông này hẹp, lòng lại thường nổi đá từng đống. Thuyền bè lên xuống rất khó khăn.

Tại giáp khẩu Suối Cỏ, dòng sông lại trở xuống Đông Nam. Đi chừng hai cây số đến Tả Giang thì gặp suối Ba La, từ Đồng Tre ở phía Tây Nam chảy ra. Từ giáp khẩu suối Ba La. Lòng sông mở rộng, và theo hướng Đông Nam, chạy chừng chín, mười cây số thì đến địa đầu Phú Phong.

Bắt đầu từ Hữu Giang, Tả Giang trở xuống, sông mới chính thức gọi là Côn Giang.

Trên khúc sông từ Tả Giang, Hữu Giang xuống Trinh Tường, đây đó nổi lên những đống đá đen láng. Đối với việc lưu thông đó là những chướng ngại vật. Nhưng đối với du khách thì đó là những món “gia vị” có thể gọi là “nên thơ”. Mùa lụt thì những đống đá ấy bị ngập, không trông thấy, nhưng đến mùa nắng thì những khả ái như những hòn non bộ trong các hồ nước trong của đám phong lưu, tài tử.

Truyền rằng xưa kia ông Khổng Lồ thường ngồi trên những đống đá trong vùng, để câu. Hiện còn để dấu nơi hòn Đá Tượng.

Hòn Đá tượng không phải ở trong sông, mà ở trong suối Ba La, gần sông, cách cầu Ba La chừng vài chục thước. Đây là một tảng đá cao lớn (mỗi chiều có đến 10 thước). Trên mặt có dấu hai bàn chân và có dấu mổng ngồi, to lớn. Các ông bà già cả quyết đó là chân và mổng ông Khổng Lồ ngồi câu.

Những dấu Ông Khổng Lồ để lại trên các cụm đá khác trên sông đã bị nước “gụt rửa” hết.

Vì có chuyện “Khổng Lồ ngồi câu trên đá” nên khách làng thơ gọi là “Đá Khổng Lồ”.

Đá Khổng Lồ không thấy trên khúc sông từ Trinh Tường đến Phú Phong.

Đến địa đầu Phú Phong, sông Côn tiếp nhận nước sông Đá Hàng.

Từ nguồn xuống cho đến cuối Trinh Tường, ngoài những dòng suối đã kể, sông Côn tiếp nhận nhiều suối khe khác nữa. Nhưng các phụ lưu ấy, phần nhiều đều khô cạn về mùa nắng không “giúp ích” cho sông được bao nhiêu.

Chỉ có sông Đá Hàng là phụ lưu quan trọng.

Sông Đá Hàn không dài lắm và có hai nguồn. Một phát tại vùng Núi Bà thuộc An Nhơn, chảy từ Nam ra Bắc, rồi quành lên Tây, độ vài chục cây số, thì gặp dòng suối Đồng Hưu thuộc thôn Phú Phong quận Bình Khê từ hướng Tây chảy xuống. Hai suối hợp lại chảy lên hướng Tây Bắc. Lên độ năm cây số thì gặp nguồn thứ hai, là suối Đồng Le từ phía Tây chảy xuống. Nguồn này chỉ bằng nửa nguồn trước (chừng 11, 12 cây số). Hai nguồn hợp lại thành sông Đá Hàng chảy ra sông Côn về hướng Đông Bắc.

Từ chỗ giao chi của hai nguồn đến sông Côn, bề dài của sông Đá Hàn không trên 10 cây số. Lòng sông lắm nơi đá mọc lởm chởm, thác đổ bọt tung.

Thôn Trinh Tường nằm ở bờ Tây.

Thôn Phú Phong nằm ở bờ phía Đông.

Cách nơi giao thủy giữa sông Đá Hàng và sông Côn, chừng một cây số, có một dãy đá xanh nổi lên như một đập đá chạy từ Phú Phong lên Trinh Tường. Người địa phương gọi là dãy Đá Hàng, và con sông do đó mà mệnh danh. Thường thường dãy Đá Hàng bị ngập nước, sõng nhỏ, bè lớn, lên xuống dễ dàng. Nhưng đến mùa nắng thì đá bày ở nhiều chỗ, sõng bè không qua được.

Tại dãy Đá Hàng có bến lội.

Gần bến lội có chợ nhóm vào buổi chiều, tục gọi là Chợ Chiều, nằm ở địa phận thôn Phú Phong. Bên kia sông, thuộc địa phận Trinh Tường lại có một xóm gọi là Đồng Lẫm. Tên gọi như thế vì nơi đó có đồng lúa trì và xưa kia nghĩa quân Cần Vương có cất lẫm chứa lúa nuôi quân. Bên lẫm có đồn để canh coi. Cho nên bến kia gọi là bến Đá Hàng khi thì gọi là Bến Đồn.

Vì có bến có chợ, nên thời thái bình, Đá Hàng là nơi nhóm khách tứ phương, khách phong tao cũng thường đến du ngoạn và có gởi lại đôi vận phong lưu được nhiều người thưởng thức:

Khách song thơ với khách đài trang,

Chung bóng đêm xuân cảnh Đá Hàng.

Bãi thẳm hương trao làn gió nhẹ,

Dòng trong sóng lộng ánh trăng vàng.

Tình không đắm rượu say dường đã…

Hứng cũng vì thơ thú mãi càng…

Đồng Lẫm Chợ Chiều thiêm thiếp mộng,

Gà đâu vội vã… tiếng đưa sang!

(Hương Sơn)

E mỗi ngày mai tóc bạc phơ

Đợi thuyền Tây Tử biết bao giờ?

Mượn tình mượn cảnh chơi cho thú,

Rằng tục rằng tiên nghĩ cũng khờ.

Bốn mặt non sông ba mặt khách,

Nửa lòng trăng gió một lòng thơ.

Rồi đây bến đá còn qua lại,

Nhìn nước nhìn mây chớ thẩn thờ..

Sông Đá Hàng cùng khúc sông từ địa đầu Phú Phong trở lên là hai nhánh của sông Côn. Sông Đá Hàng gọi là Tả Trạch tức nhánh Tả, khúc kia gọi là Hữu Trạch, tức nhánh Hữu.

Nhánh Hữu từ Tây Bắc chảy xuống Đông Nam.

Nhánh Tả từ Tây Nam chảy xuống Đông Bắc.

Rồi hợp nhau lại chạy thẳng xuống Đông.

Trông như một gốc cổ thụ có hai chảng đều đặn cân phân.

Nhưng cảnh trí đó do người tạo, chứ không phải do trời sinh.

Khi xưa, nhánh Hữu xuống đến cuối thôn Hữu Giang, đầu thôn Phú Lạc, tại nơi cây Muồng, thì quành ra phía Bắc, rồi chuyển xuống Đông, dọc theo Phú Lạc, Kiên Mỹ, đến nữa Thuận Nghĩa lại quay vào Nam, tại xóm Soi để đi thẳng xuống Đông.

Còn nhánh Tả, sau khi qua khỏi Đá Hàng chừng vài ba trăm thước thì quẹo xuống Đông. Qua hết địa phận Phú Phong, Xuân Hòa, đến địa đầu An Xuân thì nhập cùng suối Đồng Sim, chảy ra sông Côn ở phía Bắc, cách nơi giao thủy chừng một cây số.

Đường nước cũ của hai nhánh sông hiện còn dấu tích, như Bàu Ấu, sông Lấp… ở Phú Lạc, soi rộc ở Thuận Nghĩa, bàu Bà Lặng, các bàu ở xóm Phú Văn tại Phú Phong …v.v…

Chính vua Thái Đức Nguyễn Nhạc đã sửa đổi vị trí hai nhánh sông vào khoảng Canh Tuất, Tân Hợi (1790-1791).

Tại sao lại có sự sửa đổi như thế?

Truyền rằng:

Chiến thắng quân Mãn Thanh của vua Quang Trung tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789) làm chấn động cả Trung Quốc, Ông Thầy Địa đã tìm ra long huyệt tại Hoành Sơn đoán biết rằng hai anh em họ Nguyễn đã cướp phước của mình, căm giận muốn trả thù, nhưng tuổi già sức yếu, chưa tìm được cách sang Việt Nam. May thay, vua Càn Long lúc bấy giờ lại đang tìm người giỏi thuật phong thủy cho sang Việt Nam để tiêu diệt vượng khí. Thầy Địa Tàu bèn phụng mạng cùng người con trai dùng phương tiện của nhà vua mà đi. Hai cha con đến thẳng Qui Nhơn. Sau khi biết đích xác là nhà Tây Sơn dựng được nghiệp cả là do long huyệt của mình tìm ra, thầy Địa Tàu lánh mặt, sai con vào chầu vua Thái Đức.

http://a367.yahoofs.com/lifestory/V9QMFDWCGBaLqpZ1HSuNGCFG_2/blog/20100119010951996.jpg?lb_____DhxRW7l0y

Bắt ốc trên thượng nguồn sông Côn (ảnh: Trần Phan)

Vốn sẵn cảm tình cùng người Trung Hoa từ xưa, vua Thái Đức tiếp đãi người con trai Thầy Địa rất trọng hậu, mặc dù không biết rõ tung tích. Khách khen cuộc đất ở Hoành Sơn, nhưng tiếc rằng hai nhánh sông không ôm chặt lấy địa cuộc, sợ sinh khí không vượng được lâu dài. Đoạn tìm lời mê hoặc và khuyên nhà vua “cải tạo thiên nhiên”. Nhà vua nghe theo, cho đào nhánh Hữu từ Cây Muồng thẳng xuống Đông Nam, chia đôi Hạnh Lâm và Chơn Tự, và đào nhánh Tả từ Đá Hàng thẳng ra Đông Bắc, giáp với nhánh Hữu mới đào. Hoành Sơn ngó ngay xuống chỗ giao thủy của hai nhánh, phong cảnh trông đẹp hơn trước, nhưng long mạch bị trọng thương!.

Vì vậy, công trình cải tạo thiên nhiên của vua Thái Đức hoàn thành chưa được bao lâu thì vua Quang Trung băng hà! Nhà Tây Sơn lần lần suy nhược…

Đó là chuyện xưa.

Chúng ta hãy trở về với cảnh hiện tại.

Từ địa đầu Phú Phong trở xuống, nhờ sông Đá Hàng lòng sông Côn mở rộng thêm, và nước sông Côn trở thêm lai láng.

Khúc sông rộng nhất và sâu nhất là từ Phú Phong xuống đến An Thái (địa đầu An Nhơn), dài chừng 14 cây số. Quang cảnh trên khúc sông này rất ngoạn mục. Có thể nói đó là khúc sông đẹp nhất trên dòng sông Côn. Tám bức Tiêu Tương của Tống Địch đời Tống bên Trung Quốc đều đã ‘thể hiện” nơi đây:

- Đứng nơi bến Kiên Mỹ nhìn sang Chợ Cây Cốc nằm trên Gò Ngựa thôn Phú Phong, lúc mặt trời gác núi, một họa sĩ trứ danh đất Bình Khê là Cố Mai Chi đã khen rằng linh động hơn cảnh “Sơn thị tình lam” của họ Tống.

- Nhìn bãi cát trắng phau phau ở Miễu Ông, thuộc thôn Xuân Hòa, hoặc bãi Cà Đáo thuộc thôn Dõng Hòa, buổi tạnh trời ngàn cò bay lượn, thì so với bức “Bình sa lạc nhạn” ai dám bảo rằng thua kém.

- Đi đò qua ngang Vĩnh Lộc, nghe chuông Nện Sương trong bóng cây xanh tỏa khói, thì dám tin rằng cảnh “Yên tự vãn chung” ở Tiêu Tương không thể hơn.

- Còn những cảnh “Ngư thôn tịch chiếu”, “Giang biên mộ tuyết”, “Viễn phố qui phàm”, “Tiêu Tương dạ vũ”, “Động Đình thu nguyệt”, nếu để lòng là thấy ngay.

Lại thêm những soi dầu quằng nhánh lục của thôn Thuận Nghĩa, những bãi mía lả lướt màu xanh của các thôn Vĩnh Lộc, An Chánh, An Vinh…, bên Hữu Ngạn, những cánh đồng lúa mênh mông hết xanh mởn lại trở vàng hươm của các thôn Xuân Hòa, An Xuân, Lai Nghi, Thú Thiện… ở bên Tả Ngạn, và những hàng tre nghiêng bóng xanh trên mặt nước xanh, những cây da hình thù cổ quái, tàn cao vướng mây, chạy dọc theo hai bên bờ, làm cho khách đi xuống lên trên sông Côn luôn tìm thấy cảnh sắc mới, hương vị mới, khoái mắt khoái lòng.

(Còn tiếp kỳ 02-03)

———————————————————————————————————–

Nguồn: Nước non Bình Định – Quách Tấn

Online: http://www.baobinhdinh.com.vn


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage