Hơn hai ngàn năm trăm năm sau, chúng ta
cũng đang rất muốn nghe, cũng đang dỏng tai lên mà nghe, bởi chưa bao
giờ con người sống trong sợ hãi, lo âu, căng thẳng như bây giờ, với
chiến tranh dịch bệnh thiên tai đủ thứ! Con người mắc đủ thứ bệnh tật
mà y học dù rất tiến bộ cũng lúng túng, bó tay… Các loại bệnh cứ xà
quần, hết thứ này sanh thứ khác, bởi cái gốc của nó không ở cái thân
xác kia, nên đi đủ thứ bác sĩ cũng không khỏi cho đến khi vớ phải một…
lang băm! Y học đã phải bào chế ra nhiều thứ thuốc, nào an thần, nào
thuốc ngủ, nào giải lo (anxiolytique), thậm chí những thứ thuốc cực
mạnh để cắt đứt cơn suy nghĩ của con người, làm cho họ rơi vào trạng
thái hôn mê ngắn hạn để được thảnh thơi đôi chút, xa rời đôi chút với
những lo âu phiền muộn sợ hãi bao quanh!
Phật dạy: Muốn hàng phục tâm ư, muốn an
trụ tâm ư? Chỉ cần “diệt độ” tất cả chúng sanh, loại nào cũng “diệt
độ”, cho vào Vô dư Niết bàn sạch trơn, nhưng rồi thật ra… chẳng có
chúng sanh nào đựơc diệt độ cả!
Ối trời! Thiệt là choáng váng! Chưa kịp
trấn tĩnh, Phật đã nói tiếp: “Tại sao vậy? Tại vì Bồ tát mà còn có
tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì… chẳng phải
là Bồ tát! ”. Lúc đó hẳn một số người trong thính chúng cũng hoang
mang, thôi không dám làm Bồ tát nữa và xin rút lui có trật tự! Chính Tu
Bồ Đề cũng phải kêu lên: Con có thể hiểu không khó những lời Phật dạy,
nhưng liệu năm trăm năm sau, người ta có thể hiều được không? Phật đã
phải quở ngay: “Ông chớ nói thế!”. Bởi Phật tin tưởng ở tương lai,
người ta có thể hiểu Phật nhanh hơn, phương tiện truyền thông tiến bộ
hơn, và… đời sống con người càng… khổ đau hơn, dù vật chất có được cải
thiện mà phiền não thì cứ gia tăng! Tuy vậy, Phật cũng nói thêm: Sau
này, ai được nghe Kim Cang mà “không kinh, không hãi, không sợ” thì
người đó hẳn phải có nhiều “thiện căn”! Nửa thế kỷ trước đây, Edward
Conzé, tiến sĩ tâm lý, nhà Phật học nổi tiếng, người đã dịch Kim Cang
sang tiếng Anh, bảo bạn ông, một nhà trí thức thần học, khi đọc bản
dịch đó đã kinh ngạc kêu lên: Điên, điên rồi! Nhưng Erward Conzé không
thấy điên, lại còn khẳng định: hiệu qủa sẽ đựơc chứng minh qua áp dụng
vào đời sống hằng ngày! Nguyễn Du đọc đi đọc lại Kim Cang cả ngàn lần,
đến khi có dịp đi sứ sang Tàu, nhìn thạch đài phân kinh của thái tử nhà
Lương mới than: Chung tri vô tự thị chân kinh! (Cuối cùng mới hiểu ra
kinh không chữ mới thật là chân kinh!).. Người xưa thì cũng đã nguyện “Nguyện giải Như Lai chơn thật nghĩa!”. Chắc hẳn phải có điều gì đó… bí ẩn!
Phật nói muốn hàng phục tâm thì có bao
nhiêu loại chúng sinh, dù sinh từ thai, sinh từ trứng, từ thấp, từ hóa,
từ có hình hoặc không có hình, từ có tưởng, hoặc không có tưởng, hoặc
chẳng có tưởng mà cũng chẳng phải chẳng có tưởng… đều phải “diệt độ”
tất cả, cho vào… “Niết bàn” sạch trơn! Rồi, tuy“diệt độ” vô số sô lựơng
vô biên chúng sanh như vậy mà thật ra… chẳng có chúng sanh nào được
diệt độ cả!
Lâu nay ta vẫn nghĩ chúng sanh là beings, là êtres,
là những sinh vật- gồm có cả con người trong đó – nên “diệt độ” hết
chúng sanh thì ta ở với ai? Có sách nói phải diệt độ hết chúng sanh đi
mà đừng kể công, ấy mới là lòng quãng đại, là chí nguyện của Bồ tát.
Có sách lại bảo chúng sanh ở đây không phải là người, không phải là
sinh vật mà là những tư tưởng, những ý nghĩ, những khái niệm! Người
bình thường chúng ta nghe chữ “diệt độ” chúng sanh, rồi đưa hết vào
“Niết bàn” cũng thấy ớn! Thực ra chữ “diệt độ” ở đây không có nghĩa là
tiêu diệt mà là giúp đưa hết cả qua bờ giải thoát.
Nghĩ cho cùng, cốt lõi có lẽ nằm ở hai
chữ “chúng sanh”! Giải mã được từ khóa này thì hy vọng mở được “Càn
khôn đại nã di tâm pháp” như Vô Kỵ dưới hầm sâu trong tiểu thuyết kiếm
hiệp Kim Dung! Một hôm, tôi đem thắc mắc “chúng sanh” này hỏi một vị
sư. Sư trả lời ngắn gọn: Tùy chúng duyên nhi sanh!
Rồi thôi, chẳng nói gì thêm. Với tôi, thế là đã đủ, đã rõ! Vậy mà phải
mất bao nhiêu thời gian trăn trở, kiếm tìm, suy gẫm. Tôi hiểu tại sao
các vị thiền sư thường bắt học trò giã gạo, gánh nước, bửa củi nhiều
năm mà chả chịu dạy gì, cho đến khi đủ chín muồi tự trong bản thân
mình! Cũng như người xưa đến thầy xin học thuốc, thầy coi giò coi cẳng
xong mới cho vào học, lúc đầu bắt chẻ thuốc, bào thuốc, tán thuốc, sắc
thuốc… chừng năm bảy năm trời rồi mới cho bắt mạch, kê toa, bởi lầm một
chữ là chết người. Đến khi thành tài… thầy còn gã con gái cho không
chừng! Như vậy có thể nói chúng sanh ở đây không phải là chúng sanh như
ta vẫn hiểu mà là do các “chúng “ duyên với
nhau mà “sanh” ra nên gọi là “chúng sanh” thôi! Duyên hết thì chúng
sanh cũng hết! Học Phật không được chỉ dựa vào câu chữ mà cũng không
được rời câu chữ! Ở đoạn sau của Kim Cang nói rõ: “chúng sanh tức phi
chúng sanh”! Ta làm quen cách nói “tức phi… thị danh” này trong Kim
Cang! Đây là thứ ngôn ngữ “phá chấp”, cũng gọi là “ngôn ngữ ly niệm”,
nhằm giúp phá vỡ “khái niệm” đã đóng khuôn trong vỏ não ta từ lâu. Bởi
muốn giúp giải thoát con người thì trước hết phải vựơt qua những khái
niệm, những định nghĩa cứng ngắc, chằng chịt, như lưới nhền nhện làm
cho con người bị gò bó, dính mắc, khó mà thoát ra được. Mỗi ngành học
đều có những terminology, thuật ngữ riêng của mình. Danh từ y học chẳng
hạn, chỉ người trong ngành hiểu với nhau, người ngoài không sao hiểu
chính xác đựơc, thậm chí một số từ y học không thể dịch mà phải phiên
âm, phải giữ nguyên gốc để diễn đạt đầy đủ ý nghĩa sâu xa hơn. Chính vì
thế mà các thầy thuốc thường châm… tiếng Latinh với nhau khi nói
chuyện, làm cho bệnh nhân nghe chới với không hiểu mô tê, rồi có khi
diễn dịch sai, hiểu lầm, đâm ra hoang mang.
Tùy “chúng duyên nhi sanh” là tùy theo
các duyên mà sanh ra thứ “chúng sanh” này hay “chúng sanh” khác! Cho
nên mới có “vô số vô lượng vô biên” chúng sanh! Bản thân ta cũng là một
chúng sanh vì do các “uẩn” (chúng) sắc, thọ, tưởng, hành, thức hợp lại
mà thành…. Nói cách khác, do ba mẹ mình “duyên”… với nhau mà có mình,
chớ nếu hai người “vô duyên đối diện bất tương phùng” thì còn lâu! Đó
là chưa kể ông nội “gặp gỡ” bà nội, ông ngoại “gặp gỡ” bà ngọai. ( Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không? ND).
Cho nên mình mới có cơ hội mang gène của cả giòng họ kể cả gène tính
khí hoặc gène suyễn, tiểu đường! Hai nguyên tử H và O “duyên” với nhau
thì sanh ra thứ này hay thứ khác, nếu thêm C vào nữa thì có khi thành
dấm, có khi thành rượu! Ta mà “duyên” với rượu thì cũng lắm chúng sanh
sẽ được tạo ra! Cơn giận chẳng hạn. Vì một lời nói xúc xiểm nào đó của
ai đó có khi làm ta bừng bừng nổi giận! Lời qua tiếng lại một lúc thì
“chúng” đã “sanh” ra lắm chuyện! Từ chúng sanh “lời nói” có thể chuyển
sang chúng sanh “đấm đá”… như chơi! Cơn giận, lòng tham, nỗi buồn, sự
sợ hãi, lo âu, căng thẳng… đều là những “chúng sanh”, nó quậy phá trong
tâm ta làm cho ta bị bấn loạn, phiền não, khổ đau không ngớt! Ngay cả
những con người rất dễ thương quanh ta, có khi mới sáng sớm là tiên, là
Bồ tat, chiều đến đã biến thành Atula, dạ xoa… các thứ như chơi! Mà ta
cũng vậy dưới mắt người khác!
Có thực “ba cái lăng nhăng nó quấy ta”
chăng? Không hẳn! Gió không động, phướn không động. Tâm ta mới động.
Tâm ta mà thanh tịnh rồi thì “chấp” hết! Cơn giận nỗi buồn gì cũng
“diệt độ” xong ngay! “Chúng” nào “sanh” ra thì ta… “diệt độ” hết, nghĩa
là dẹp bỏ sạch trơn. Đến lúc mặt hồ không xao động thì ánh trăng mới
vằng vặc soi! Nhưng, còn lâu! Còn phải khổ công rèn luyện dài dài!
Không thể nóng vội được. Chữ “diệt” ở đây không có nghĩa là tiêu diệt,
mà là “dẹp bỏ” qua một bên, hay còn có nghĩa là “không để phát sanh ra”
nữa, tức là một trạng thái “vô sanh”! Tiếng Việt ta thật hay: sanh sự thì sự sanh!
Vô sanh thì vô sự, mà vô sự thì bình an: “Bình an vô sự”! Vậy nếu ta
… rèn luyện giỏi, ta có thể “diệt độ chúng sanh” đựơc lắm chớ! Diệt độ
hết chúng sanh mà thực ra không có chúng sanh nào được diệt độ cả, bởi
có còn sanh ra nữa đâu mà diệt với độ!
Nhưng hình như thế vẫn còn chẳng phải!
(trích Gươm Báu Trao Tay, viết về Kim Cang Bát Nhã)