Chùa Bửu Minh

Hành hương theo truyền thống Phật giáo là nghi thức thắp hương đi nhiễu quanh tháp đường và điện Phật và cũng như lễ bái trước tượng Phật, Bồ tát... Đây là ý nghĩa nguyên thủy của từ “hành hương”...  

I. DẪN NHẬP
 

Hành hương theo truyền thống Phật giáo là nghi thức thắp hương đi nhiễu quanh tháp đường và điện Phật và cũng như lễ bái trước tượng Phật, Bồ tát... Đây là ý nghĩa nguyên thủy của từ “hành hương”, còn về sau này, nội hàm của “hành hương” mở rộng hơn nhiều, thậm chí đến nay hành hương đôi khi được đánh đồng với du lịch văn hóa, nhất là các tuyến du lịch tham quan các di tích lịch sử tôn giáo - tín ngưỡng. Giữa hành hương và du lịch có tính chất nhập nhằng, một mặt nhằm gia tăng nội dung cho chuyến đi; nhưng mặt khác, làm giảm - thậm chí làm mất, tính thuần khiết của hành hương.
 

 

II. Ý NGHĨA HÀNH HƯƠNG
 

Thuật ngữ “hành hương” được đề cập trong tiếng Anh là từ Pilgrimage/Anglo – tiếng Pháp là từ French: pilgrimage (Middle English {1100-1500}): Pilgrimage vừa có nghĩa: 1- “Cuộc hành trình, đặc biệt là chuyến đi dài ngày, đến một địa điểm thiêng liêng nào đó, nhằm mục đích lễ bái; 2- Và cũng có nghĩa “bất kỳ cuộc hành trình dài ngày nào” (Pilgrimage (n): a) a journey, esp. a long one, made to some sacred place as an act of devotion; b) any long journey). Có phần xác định rõ hơn tính chất thế tục của hành hương trong thời hiện đại, từ điển Oxford Reference English Dictionary (1996) định nghĩa hành hương là “chuyến đi nhằm mục đích hoài niệm quá khứ hay tình cảm” (Any journey taken for nostalgic or sensimental reasons).


Các chuyến đi nhằm mục đích hoài niệm hay tình cảm như vậy, thực ra chỉ được coi là chuyến đi có chút gì giống với hành hương. Bởi cuộc hành trình đến các địa điểm đáng nhớ, không mờ phai trong ký ức của mình, như vậy không giống, không lẫn lộn với một chuyến đi nào khác. Những điểm đến đầy ắp kỷ niệm đó là thiêng liêng, khác biệt với ký ức của cộng đồng, ở đó, người hành hương không chỉ thành tựu được sự gia tăng về niềm tin và chất lượng cho cuộc sống tâm linh của mình mà còn tăng cường sợi dây gắn bó, mối quan hệ giữa mình và cộng đồng.

 

Cuộc hành hương đích thực như vậy đòi hỏi phải có ba yếu tố cấu thành cơ bản nhất định:
 

1- Một hay quần thể địa điểm thiêng liêng.
2- Một chuyến đi bộ thiêng liêng.
3- Một mục đích thiêng liêng.
 

Đây là những yếu tố cần và đủ của chuyến hành hương tâm linh. Chuyến hành trình là cuộc đi trong không gian, trong thời gian và trong bản thân mình, là sự hóa thân làm cuộc sống trần tục có ý nghĩa trong sự nối kết với cái thiêng liêng, cao cả với giá trị mà lịch sử - văn hóa đã kết tụ lại. Con đường ấy cũng tạo ra mối quan hệ: nó nối kết những hành giả với nhau trong một khoảnh khắc đặc biệt của cuộc đời mình, làm cho các ý tưởng và các mô hình giao lưu với nhau, liên kết những cá nhân cùng chia sẻ một niềm tin, một hệ giá trị đạo lý và văn hóa. Như vậy là hành hương góp phần hoàn thiện con người. Tâm người hành giả được tái tạo mới nhờ cuộc du hành đầy tác dụng giáo dục và được thăng hoa nhờ sự bồi bổ tri thức của kết quả “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Sau cuộc hành hương là thời gian để hồi tưởng và suy gẫm: những ý tưởng mới được xác lập để định hướng cho những hành động và lối sống của chính mình. Cho nên cuộc hành hương đó chính là hành trình tâm linh.
 

 

III. HÀNH HƯƠNG TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO
 

Hành trình mà tâm thức trong mỗi người luôn bị đánh động để hình thành một niềm tin chân thật về địa điểm hay di tích linh thiêng chứa đầy những biểu tượng và dấu vết lịch sử. Chúng ta không có chứng cứ để khẳng định rằng hành hương là tập tục có từ thời tiền sử, song nhờ vào dữ liệu văn tự, chúng ta có được dấu vết những cuộc hành trình đến các địa điểm thiêng liêng. Người Tây Tạng xác tín rằng nếu ai hành hương đến Lhasa để lễ bái ở những tự viện và điện Potala thì sẽ được phước lớn, khi chết sẽ được vãng sinh về cõi Cực lạc và trong khi hành hương mà bị chết ở giữa đường thì cũng được phước tái sanh ở tiên cảnh... Liên quan đến vấn đề khởi đầu cho việc hành hương của Phật giáo được nói đến trong Trường Bộ (Digha Nikaya) phẩm kinh Đại Niết Bàn, ghi lại những lời giáo huấn sau cùng của Đức Phật, “Này Ananda, đó là bốn Thánh tích, người thiện tín cư sĩ cần chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ananda, các thiện tín tỷ-kheo, tỷ-kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ sẽ đến với niềm suy tư: Ðây là nơi Như Lai đản sanh; đây là nơi Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng chánh giác; đây là nơi Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng; và đây là nơi Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết-bàn. " Đức Phật dạy: “Này Ananda, những ai trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh vào cõi thiện, cảnh giới chư thiên.”
 

Vì sao Phật đề cập bốn thánh địa này trong giời phút nhập diệt? Vi sự vắng mặt của bậc Đạo sư sẽ dễ đưa đến sự mất định hướng trong giới đệ tử. Và Đức Phật đã dạy rằng, sau khi Ngài diệt độ chính Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya) là Đạo sư của hàng đệ tử. Nhưng Pháp và Luật sẽ được tiếp cận dễ dàng hơn đối với những người có sự thâm tín vào Bậc đã thuyết giảng những điều đó. Chiêm bái thánh tích sẽ giúp người đệ tử giữ vững niềm tin khi họ tận mắt chững kiến những nơi chốn liên quan đến bậc Đạo sư lịch sử của họ (điều rất cần thiết vào thời điểm sau khi Đức Phật đã diệt độ).
 

Ý nghĩa này sẽ phần nào rõ ràng hơn vì hành hương trong Phật giáo luôn gắn liền với tín ngưỡng phụng thờ tháp (thūpa - stūpa) và xá lợi (śarīra), được đề cập trong kinh Đại Bát Niết Bàn, “Này Ananda, vì lý do gì, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xứng đáng xây tháp? Này Ananda, tâm của dân chúng sẽ hoan hỷ khi nghĩ đến: ‘Ðây là tháp của Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri.’ Do tâm hoan hỷ như vậy, khi thân hoại mạng chung, họ sẽ sanh lên thiện giới, cảnh giới chư Thiên. Này Ananda, vì lý do này, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xứng đáng xây tháp.”
 

Việc xây dựng tháp phụng thờ và chiêm bái xá lợi chính là thể hiện lòng kính ngưỡng, sự thấu hiểu về Đức Phật và giáo pháp của Ngài. Trong nhiều bản kinh Đức Phật dạy rằng: “Ai thấy pháp là người ấy thấy Phật, và ai thấy Phật là người ấy thấy pháp.” Xá lợi chính là Phật thân còn lại sau khi Đức Phật vắng bóng ở cõi đời này. Chiêm ngưỡng xá lợi như vậy là để thấy Phật, thấy Phật là thấy Pháp, và thấy Pháp không chỉ là ôn lại lời dạy của Phật mà còn để thấy được bản chất thực của cuộc đời.
 

Như vậy, nhìn từ kinh Đại Bát Niết Bàn, hành hương là quay trở về bốn thánh tích, chiêm bái bảo tháp và đảnh lễ xá lợi luôn có liên hệ mật thiết đối với việc hành hương của người Phật tử, nhằm giúp người đệ tử Phật tăng trưởng tín tâm của mình. Từ tín tâm, hành hương là dịp người Phật tử gieo trồng thiện nghiệp, điều kiện cần để một người sau khi mạng chung được sanh về thiên giới. Bởi vì hành hương trong Phật giáo thường được kết hợp với việc thực hành bố thí (dana), và bố thí được xem có ý nghĩa và gặt nhiều phước lành hơn cả khi cúng dường lên bậc Giác ngộ (qua những biểu tượng) với tâm tịnh tín.
 

Hành hương với lòng thâm tín và tâm thanh tịnh sẽ đưa người Phật tử tại gia đi đến việc thực hành hạnh “xuất gia”. Khi thực hiện một chuyến hành hương là người Phật tử phát nguyện rời bỏ những “sinh hoạt thế tục” trong một khoảng thời gian nào đó để sống một đời sống “không nhà”. (Trong ý nghĩa này mà một vài người khi bàn về hành hương đã liên hệ nó với thuật pravrajyāta (Pali: pabbajjāta). Pravrajyāta thường được dịch là xuất gia, đi ra khỏi, hay rời bỏ đời sống trần tục. Và pravrajita, hay pravrājaka là người rời bỏ đời sống trần tục).
 

Chuyến hành hương không có tính ép buộc, hoàn toàn là điều tự nguyện. Và hành hương trong Phật giáo không mang tính cộng đồng với thời gian và những điều kiện được ấn định cụ thể. Các tín đồ Phật giáo có thể hành hương về các thánh tích vào bất kỳ thời điểm nào họ thấy thích hợp. Và mục đích của hành hương, như đã nói, là để tăng trưởng tín tâm, gieo trồng thiện nghiệp, thanh tịnh tâm ý (và hẳn còn những mục đích khác nữa); và những sinh hoạt tại các thánh tích thường là đảnh lễ, thực hành thiền định và trì tụng kinh chú.v.v…
 

Hành hương của người Phật tử có nhiều ý nghĩa hơn khi hiểu được những sự kiện đã gắn liền với địa danh đó. Người hành hương khi ấy không chỉ trở về một địa danh địa lý, mà còn quay trở lại với con người lịch sử liên quan đến địa danh đó. Trở về với một thánh tích là thực hiện chuyến hành trình tâm linh thực sự, do đó là quay về và sống theo lời Phật dạy (ai thấy Pháp là thấy Phật).
 

 

IV. HÀNH HƯƠNG TÂM LINH NGÀY NAY 
 

Định hướng và đưa lời dạy của Phật đồng hành cùng với chuyến đi hành hương là điều cần thiết giúp cho việc khai mở tâm linh trong chính mỗi con người. Do vậy chuyến hành hương tự phát hay chuyến du lịch về đất Phật thiêng liêng (Thánh địa Phật giáo tại Ấn Độ) sẽ không được phát huy đúng mức. Bởi hành trình đó không đơn thuần là một chuyến đi dã ngoại, mà còn là chuyến đi của sự tu tập trong thời gian ngắn ở các địa điểm thiêng liêng thông qua các loại hình như nghi lễ, ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh, trì chú…Bên cạnh đó chuyến đi còn là sự tiếp cận, học hỏi các nền kiến trúc, văn hóa khác nhau thông qua hình ảnh ngôi chùa các quốc gia, qua sự giao tiếp, phong tục tập quán người dân bản xứ…
 

Tuy nhiên, đối với đại đa số những người tham gia hành hương thường có những suy nghĩ thiếu tin tưởng vào loại hình tâm linh do các thầy Tu sĩ đứng ra tổ chức. Họ so sánh các công ty Du lịch tổ chức thường có bài bản, người hướng dẫn được đào tạo chính quy đầy đủ tất cả các kỷ năng cần thiết, tiêu chuẩn phòng ốc khách sạn, nhà hàng… Do vậy, để đảm bảo tính chuyên môn, cũng như đáp ứng được lòng kỳ vọng của chuyến hành hương tâm linh Giáo hội cần phải:
 

1. Đây là loại hình hành hương tâm linh, do vậy, để đảm bảo được xác suất cao, người hướng dẫn phải là vị giảng sư, kiêm người tổ chức các loại hình sinh hoạt tâm linh. Điều này cũng tạo ra sự khác biệt với các công ty Du lịch.
 

2. Đào tạo các vị giảng sư chuyên khoa Du lịch – Hành hương. Trước mắt ta có thể sử dụng nhân sự từ lớp Giảng sư Cao cấp của Ban Hoằng Pháp TW, sau khi kết thúc khóa học Giảng sư, các vị có thể đăng ký lớp chuyên khoa Du lịch – Hành hương đào tạo thời gian học một năm, về các kỷ năng:
- Cách thức giao tiếp
- Ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Hoa)
- Lịch sử, địa lý các địa điểm thiêng liêng
- Phương cách tổ chức khóa tu tập ở các địa điểm Thánh địa
 

3. Quảng bá rộng rãi lịch trình định kỳ hằng năm các chuyến đi hành hương trên các báo, tờ rơi (trong các dịp lễ hội đông người).
 

4. Phát động chuyến hành hương Tâm linh “Về Nguồn”
 

 

V. KẾT LUẬN
 

Với những ý nghĩa trên, hành trình du lịch tâm linh - con đường hoằng pháp là những những trải nghiệm thực tế về những bài pháp sống động mang giá trị phổ quát về lịch sử cuộc đời bậc Đại Giác; cũng là dịp hiểu sâu hơn về thế giới và thân phận con người. Biết đâu một ai đó đi qua những mảnh đất Đức Phật lưu dấu, bất nghe trong tháp thờ Phật nhập Niết Bàn ở Câu Thi Na vang vọng lời kinh “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn chớ có phóng dật”. Ý thức về sự vô thường ngắn ngủi của kiếp người, nỗ lực vượt lên những điều nhỏ nhặt đời thường để tìm tới những gì tốt đẹp hơn, là điều Đức Phật đã thiết tha dạy bảo trong bài kinh Đại Bát Niết Bàn.
Từ đó, hành trình du lịch tâm linh được đề cập như là một trong những hoạt động hoằng pháp không thể thiếu, khiến cho mọi người tìm thấy con người tâm linh của mình bằng việc lắng đọng tâm tư thanh tẩy bụi trần. Đó là những giây phút con người vượt ra khỏi những ràng buộc của cuộc sống đời thường để hòa nhập tâm thể linh diệu.



Tỳ kheo: Thích Đức Trường
Ủy viên Thường trực Ban Hoằng Pháp Trung Ương




 



©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage