Chùa Bửu Minh

Xưa, có người bện tóc thờ lửa, sống trong căn nhà lá tại một khu rừng nọ. Một hôm, có đoàn người di cư ghé qua khu rừng và nghỉ lại một đêm. Hôm sau, khi đoàn người đi khỏi, người đó nghĩ: “Nếu mình đến chỗ người thống lãnh đoàn di cư nọ thì có thể sẽ kiếm được một vài đồ vật hữu dụng”.


Nghĩ vậy, ông liền ra đi. Đến nơi, người bện tóc thờ lửa thấy một đứa bé bị quăng nằm ngửa ở đó, liền nghĩ: “Nếu ta cứ cố đi tìm vật dụng mà để đứa trẻ này bị chết thì thật không phải”, bèn đem đứa trẻ về nuôi.

Khi đứa trẻ được chừng mười - mười hai tuổi, người bện tóc thờ lửa có việc phải xuống đồng bằng, căn dặn cậu bé: “Con ở nhà hãy chăm sóc ngọn lửa, đừng để nó tắt. Nếu lửa tắt, đây là cái búa nhỏ, đây là củi, đây là đồ quaây để nhóm lửa, con hãy nhen lại và chăm sóc nó”.

Người thờ lửa đi rồi, cậu bé vì mải chơi, để cho lửa tắt. Nhớ lời cha nuôi dặn, cậu liền đem những vật dụng kia ra nhen lửa. Cậu lấy búa chẻ quây, nghĩ rằng: “Ta sẽ tìm thấy lửa”, nhưng lửa vẫn không có. Cậu tiếp tục chẻ quây làm ba, làm tư,... rồi làm mười, làm trăm... Cậu cứ thế chẻ vụn quây, rồi lấy chày mà giã, sau khi đã giã nhỏ, lại đem ra sàng trước gió lớn, nghĩ: “Ta sẽ tìm thấy lửa”. Nhưng lửa vẫn không có.

Người bện tóc, sau khi xong việc ở đồng bằng, trở về thấy lửa tắt, bèn hỏi con. Cậu bé đem hết sự việc kể lại, rằng cậu đã chẻ quây như thế nào, nỗ lực như thế nào..., nhưng vẫn không có lửa.

Người ấy nghe vậy, nghĩ: “Ðứa trẻ này thật ngu si và kém thông minh. Sao lại đi tìm lửa một cách thiếu suy tư như thế?”. Rồi, trong khi cậu bé đứng nhìn, ông cầm đồ quây lửa, nhen lửa lên và nói: “Này con, nhen lửa phải làm như vậy đó, chớ không phải như con ngu si và kém thông minh, tìm lửa một cách thiếu suy tư như thế”.

(Kể theo kinh Trường bộ, tập 2, kinh Tệ Túc - Pàyàsi-Suttanta. HT.Thích Minh Châu dịch)

Bàn thêm:

Sai lạc dẫn khởi từ vô minh. Do vô minh nên sự thấy biết và hành động thiếu chân xác; nỗ lực nhiều nhưng kết quả lắm khi trái ngược.

Ẩn dụ trên mang dáng dấp của một câu chuyện khôi hài, nhưng ý nghĩa của nó thì lại không khôi hài chút nào!

Chúng ta sống trên đời, ai cũng đều mong cầu sự bình an, hạnh phúc. Vậy mà lắm kẻ kiếm hạnh phúc lại nhận được đau khổ; lắm kẻ kiếm bình an lại nhận được âu lo, bấn loạn. Đơn cử như trong hạnh phúc lứa đôi, hai người nam - nữ đến với nhau, ước mong xây dựng hạnh phúc lâu dài. Tình yêu của họ là có thật, nhưng sự tham ái, chấp thủ và bản ngã cũng hiện diện. Nên, nhân danh tình yêu, họ trói buộc nhau, phụ thuộc nhau, dằn vặt nhau, gây đau khổ cho nhau. Tổ ấm hóa thành địa ngục. Trong trường hợp này, họ tìm hạnh phúc không đúng cách. Họ “chẻ” nhau ra chứ không phải kết hợp lại để tạo nên hơi ấm chan hòa…

Đó là chuyện thế tục. Còn trong việc tu hành, y cứ kinh điển, mặc dù có đến 84.000 pháp môn để chọn lựa, nhưng không phải hành giả nào cũng chọn được pháp môn thích hợp, và quan trọng hơn là thực hành đúng pháp môn đó. Trong kinh Tương ưng bộ, Đức Phật nêu ra ba điều khó làm trong giáo pháp: thứ nhất - xuất gia là điều khó làm; thứ hai: đối với người xuất gia, hoan hỷ là điều khó làm; thứ ba: đối với người đã hoan hỷ, sự thực hành đúng pháp và tùy pháp là điều khó làm. Nếu đã xuất gia, đạt được sự hoan hỷ, cộng với sự thực hành đúng pháp và tùy pháp, không bao lâu vị ấy sẽ chứng được Thánh quả A-la-hán. (tập IV, chương Sáu xứ, Tương ưng Jambukhàdaka - XVI. Khó làm).

Trước khi tìm ra Con đường, Đức Phật cũng đã trải qua quá trình tìm tòi và thể nghiệm nhiều phương pháp tu tập. Đỉnh cao của sự thể nghiệm ấy là giai đoạn tu khổ hạnh, được Ngài kể lại trong kinh Trung bộ - Đại kinh Sư tử hống như sau: “Trong khi Ta chỉ sống ăn một hột gạo, thân thể của Ta trở thành hết sức ốm yếu. Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo. Vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà… Nếu Ta nghĩ: ‘Ta hãy sờ da bụng’, thì chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: ‘Ta hãy rờ xương sống’, thì chính da bụng bị Ta nắm lấy…”. Hay: “Ta dùng gai làm giường, thường ngủ nằm trên giường gai, …, sống để bụi và nhớp che dính thân mình, sống và ngủ ngoài trời, theo hạnh bạ đâu nằm đấy, sống ăn các uế vật, sống không uống nước lạnh,… Như vậy Ta sống theo hạnh hành hạ, dày vò thân thể theo nhiều cách”. Dù vậy, Ngài vẫn không đạt được giải thoát, giác ngộ.

Do đó, Ngài thường dạy rằng: “Có hai cực đoan mà người xuất gia không nên thực hành: Một là say đắm dục lạc đối với các dục vọng hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích. Hai là hành hạ tự thân, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Từ bỏ hai cực đoan này là con đường Trung đạo, đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”. Và con đường Trung đạo “là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, chánh niệm, Chánh định” (kinh Tương ưng bộ, Tương ưng thôn trưởng, XII. Ràsiya).

Khi hai tu sĩ khổ hạnh - một người theo hạnh con chó, tên Punna Koliyaputta và một người tu theo hạnh con bò, tên Seniya - đến tham vấn, Đức Phật đã không ngần ngại bảo rằng: Người nào hành trì hạnh, giới, tâm, uy nghi của con chó / con bò một cách hoàn toàn viên mãn, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh thân hữu cùng với các loài chó / loài bò. Nếu có tà kiến rằng: Do giới này, hạnh này, khổ hạnh này, hay phạm hạnh này, ta sẽ sanh thành chư Thiên này, hay chư Thiên khác, thời đối với kẻ có tà kiến, Ta nói có một trong hai sanh thú như sau: địa ngục hay bàng sanh. Như vậy, nếu hạnh con chó / con bò được thành tựu, thời được sanh trong loài chó, nếu không được thành tựu, thời được sanh trong địa ngục (kinh Trung bộ, tập II, kinh Hạnh con chó). Như vậy, một khi đã tu hành không đúng pháp và không tùy pháp, thì hành giả càng nỗ lực bao nhiêu, kết quả lại càng tai hại bấy nhiêu.

Đó là chuyện thời Đức Phật. Còn hiện nay, khi phương tiện thông tin đại chúng phát triển mạnh mẽ, người tu học hàng ngày phải tiếp cận với vô số thông tin qua sách báo, băng đĩa bàn về các pháp môn tu học; cộng thêm đó là những pháp môn “mới”, được dẫn dụ bởi những kẻ truyền đạo nhiệt tình như pháp môn Quán Âm nhĩ căn viên thông của Thanh Hải “vô thượng sư”, Thiền minh sát của “đạo sư” Duy Tuệ cùng hiện tượng “cải đạo” đang diễn ra âm thầm mà mãnh liệt, người Phật tử phải biết sáng suốt chọn cho mình con đường chân chánh nhằm tránh cái quả khổ đau nơi địa ngục.

Điều cần thiết của một người tu Phật là phải hiểu rõ và thực hành Bát chánh đạo, mà trước tiên là Chánh kiến - trí tuệ thực sự để tránh khỏi những mê lầm. Đức Phật đã nhấn mạnh: “Này các Tỳ-kheo, ví như sợi râu của lúa mì hay sợi râu của lúa mạch đặt hướng sai lạc, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này không xảy ra. Vì sao? Này các Tỳ-kheo, vì sợi râu bị đặt hướng sai lạc. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo kiến bị đặt hướng sai lạc, con đường tu tập bị đặt hướng sai lạc, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể đạt Niết-bàn; sự tình này không xảy ra. Vì sao? Này các Tỳ-kheo, vì kiến bị đặt hướng sai lạc” (kinh Tương Ưng Bộ, tập V, Tương ưng đạo, phẩm Vô minh - 9.IX. Sùka).

Tóm lại, muốn có lửa thì phải biết phương tiện và nhân duyên tạo lửa, tránh “chẻ quây tìm lửa” như đứa trẻ ngu ngốc nọ; muốn có được hạnh phúc, an lạc cho đời này và đời sau thì phải thực hành Bát chánh đạo - con đường đưa đến giải thoát, Niết-bàn. Nếu không theo đúng con đường này thì chắc chắn càng đi càng xa rời nẻo giác

A Lan Nhã

http://giacngo.vn/nguyetsan/2012/02/20/16441A/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage