Chùa Bửu Minh

Giác Ngộ - Sinh ra và lớn lên trong gia đình chắp vá, đông anh em nên ngoài những giờ đến trường, Ngọc Lệ phải ra rẫy phụ giúp mẹ.

Vì vậy mà hiếm có thời gian đến chùa lễ Phật, cũng không có duyên tham gia khóa tu, nhà lại không gần chùa nên ít nghe được tiếng kinh kệ sớm chiều. Nhưng có một duyên lành, đó là rẫy chùa lại gần nhà em…

dieuthanh.gif

Điệu Thánh Ân trong những ngày tập tu
ở chùa Phật Bửu (Long An) - Ảnh: H.Y

1

Nhờ ngày mùa, quý thầy lên rẫy thu hoạch mà em may mắn được nghe thầy pháp thoại. Những mẩu chuyện vui, dí dỏm của thầy trong những lúc cuốc đất vô tình đã làm em cảm mến, giúp em hiểu thêm về sự hiện diện của hạnh phúc, khổ đau trên cuộc đời để rồi em ngầm nuôi trong lòng ý chí xuất gia. "Cho đến một ngày cùng mẹ làm công việc nhà, em đã bất chợt chia sẻ với mẹ ước muốn ấy. Ngỡ là mẹ sẽ không đồng ý. Không ngờ mẹ không chỉ đồng ý, mà còn vui mừng đến nhờ thầy tìm giúp nơi gửi em đến tu học", Ngọc Lệ chia sẻ.

Lúc đi cùng mẹ lên chùa, mẹ luôn hỏi em những câu hỏi như: "Mới 13 tuổi mà con đã muốn xuất gia, con có quyết định kỹ chưa, có thật là thích tu không, có thật là muốn đến cửa chùa để rèn luyện thành người không?". Mỗi câu hỏi của mẹ Lệ đều trả lời nhanh, gọn bằng những cái gật đầu đầy ước muốn. Đến khi gặp thầy, nghe em và mẹ trình bày thì thầy vui vẻ đồng ý nhận lời ngay. Vậy là vài ngày sau đó tạm rời bỏ vùng đất đỏ Long Khánh, được thầy đưa về ngôi chùa Phật Bửu, vùng làng quê tỉnh Long An tu tập với pháp danh là Thánh Ân.

2

Những ngày đầu tập tu, mọi thứ em đều chịu khó làm quen và chăm chỉ học tập. Từ kinh kệ, oai nghi, giới luật đến thời khóa công phu Thánh Ân đều tuân thủ nghiêm ngặt. Tưởng chừng để hành được như vậy, em phải vất vả lắm, nhưng em lại bảo: "Thấy khó vậy chứ nếu quyết tâm thực hiện thì không có gì là mệt cả, ngược lại từng ngày tập tu em đều thấy rất vui, nhẹ nhàng và bình an hơn lúc còn ở nhà". Dù không phải là quê, cũng không ở gần mẹ, gần anh em nhưng em không bị hụt hẫng hay thiếu tình thương. Vì nơi đây em "được sự quan tâm chỉ dẫn, dạy dỗ tận tình của sư bác, sư phụ và sự giúp đỡ của các chị đồng tu".

Đêm nào cũng vậy, công phu tối xong, khi mọi người rời khỏi chánh điện, Thánh Ân nấn ná lại để tiếp tục niệm Phật và lạy Phật thành kính, âm thầm… Chia sẻ về những cái lạy, Thánh Ân cho biết: "Em lễ Phật cho mẹ!". Rồi em kể: "Gia đình em là gia đình chắp vá. Ba, mẹ đến với nhau không phải là cuộc hôn nhân đầu tiên nên hạnh phúc gia đình không có. Mẹ phải làm đầu tắt mặt tối ngoài rẫy để nuôi năm anh em đi học. Còn ba thì rượu chè, đi không về nhà. Lúc về thì đánh mẹ và mấy anh em, vì vậy mà mẹ khóc nhiều lắm. Không có cách nào giúp mẹ, em chỉ biết siêng năng niệm Phật để hồi hướng cho mẹ".

3

Những ngày cuối năm Canh Dần cũng là lúc Thánh Ân sắp được xuất gia. Chờ đợi giờ phút thiêng liêng đó, Thánh Ân đã đếm xem bao giờ Tết đến. Có bao giờ nghĩ đến ngày nào đó đầu không còn tóc, sẽ xấu hơn bây giờ và bạn bè cùng lớp học sẽ không dám chơi chung? Nhoẻn miệng cười trước câu hỏi của chúng tôi, em nhẹ nhàng: "Em chỉ trông mong đến ngày được sư bác, sư phụ làm lễ cho em xuống tóc thôi. Với em, xấu đẹp không quan trọng". Tôi nghĩ biết đâu trong vòng quay của cuộc sống, một ngày không xa nữa tôi sẽ gặp được ni cô Thánh Ân, điềm đạm, từ tâm…

Ngọc Trân

Nguon: http://giacngo.vn/phatgiaotuoitre/2011/01/15/5BF210/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage