Chùa Bửu Minh

"Không ai muốn đến lúc phải chia tay...Nhưng, nhân duyên tác tạo hiện tiền cùng biết bao nhân duyên quá khứ, vô thủy vô chung của vòng luân hồi sanh tử chi phối, đến lúc phải tan, phải ly thì cần-phải-nên nhân diện mà chấp nhận, rồi sống-tốt-nhứt với hiện tại đó..."

1.

Trong cuốn số ghi chi chít những kỷ niệm đi qua đời má, tôi đọc được hai câu má mượn của ai đó để "an ủi" cho những cuộc hợp-tan của cuộc đời mình, tôi thuộc lòng từ hồi xíu xiu: "Không có cuộc vui nào không tàn/ Không có tình bạn nào luôn gần mãi".

Ngày đó tôi hiểu hai câu ấy với nỗi niềm thương cảm, rằng lẽ nào con người ta sẽ cứ biết chắc là mình phải... khổ vì những kết cuộc phía sau những niềm vui, những cuộc tình, những mối quan hệ thân thương như thế, để rồi cứ thế mà vui, mà buồn, mà đau?

Có lúc tôi nghĩ hay là không bạn bè, yêu đương chi hết để khỏi phải có ngày tan theo lẽ có hợp có tan vốn dĩ của nó! Nhưng rồi, khi học Phật, tôi hiểu rằng, hợp tan là nhân duyên, là "chuyện tất yếu" thường ngày của cuộc đời. Đạo Bụt gọi đó là vô thường và cũng dạy "hãy an trú trong hiện tại", nghĩa là duyên gì tới mình cứ đón nhận, rồi nó đi, mình tạm biệt chào tất cả cũng bằng sự trân trọng ấy thì sẽ bình an, sẽ gieo vào lòng người khác sự bình an...

Chính vì thế, mà có lần tôi đã viết "Điều còn lại sau một cuộc tình không thể là đớn đau, là hận, là vĩnh viễn quay mặt với nhau...". Thật vậy, có lý nào kết cuộc của những thương yêu trước đó lại thành ra oán hờn? Tôi nghĩ thế, nên cứ tâm tâm niệm niệm rằng, người ta đến với mình vì bất cứ lý do gì, và rời khỏi mình bởi nguyên do nào thì cũng nguyện không không oán ghét, không "đá" qua "đá" lại những lỗi lầm, gieo vào lòng nhau những ngôn từ chua chát, hoặc "giằng mặt" nhau bằng cách sống thiệt là tệ hại để cho đau lòng nhau...

Tất nhiên, không phải bao giờ tôi cũng sáng suốt và thực thi tâm niệm đó một cách hoàn hảo, nhưng, đằng sau những thất bại trong thực tập đó tôi luôn cố gắng "lấy lại cân bằng" để có thể chào nhau, để vẫn còn chút gì đó trân trọng nơi nhau. Bởi, xét cho cùng, người đến với mình, cùng đi với mình một đoạn đường, cũng là người ơn của mình vì họ đã từng hạnh phúc, buồn vui với mình. Và, dẫu có là rời xa thì họ cũng đã giúp mình thực chứng bài học vô thường, để mình không chấp giữ bất cứ ai, bất cứ thứ gì trên cuộc đời này, không gọi tên "mãi mãi" cho bất kỳ điều gì!

2.

Thầy tôi từng dạy, phải bước vào thực tế mới biết đá, biết vàng, biết ai là người có thực tập, có bản lĩnh, ai không. Thực tế mà thầy nói là khổ đau không gục ngã, hạnh phúc không tham đắm. Hai "phạm trù" tưởng trái ngược nhau ấy lại đồng quy ở chỗ nhận thức và hướng nhìn của con người, và nó được gọi tên khác nhau ở cùng một biểu hiện khi điểm nhìn khác nhau. Ví như, có người thấy rằng, hai người nào đó chia tay là niềm hạnh phúc bởi vì họ hiểu, bên trong mối quan hệ ấy tiềm ẩn những điều khổ đau âm ĩ, như là suốt ngày đối đầu, cãi nhau, ngăn cách - nhớ thương - ghen hờn, thiếu hiểu biết lẫn nhau nên hành xử với nhau không đúng ý, do đó, động cơ thì tốt mà kết quả thì ngược lại hoàn toàn...

Tuy nhiên, nếu ai đó, chỉ nhìn thấy bề nổi của sự chia tay là ly tán, là rạn vỡ, là phá đi một kết cấu hoàn hảo của một mối quan hệ, một gia đình... thì sẽ nghĩ đó là sự thất bại đau đớn.

Vẫn biết khi yêu, khi tiến tới hôn nhân, khi chọn thầy học đạo... không ai muốn đến lúc phải chia tay, nói lời tạm biệt hoặc ly thầy, rời chúng. Nhưng, nhân duyên tác tạo hiện tiền cùng biết bao nhân duyên quá khứ, vô thủy vô chung của vòng luân hồi sanh tử chi phối, đến lúc phải tan, phải ly thì cần-phải-nên nhân diện mà chấp nhận, rồi sống-tốt-nhứt với hiện tại đó. Đấy mới đúng tinh thần đệ tử Phật gia, chứ không phải gồng lên, chống lại một cách đầy bạo lực hoặc đối đãi với nhau tác tệ, xoi mói, nói xấu, phơi bày những điều "xấu, hư" mà trước đó mình đã từng bao dung, chấp nhận.

Lời thầy tuy ngắn mà thấm thía muôn phần. Cứ đi đi, cuộc đời và lòng người sẽ cho mình biết đâu đá, đâu vàng, ai là người nói suông và ai đã thực chứng từ, bi, hỷ, xả...

(Facebook L.Đ.L)


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage